Việt Long, phóng viên đài RFA
Một cuốn phim của người Việt Nam sản xuất tại Mỹ đã đoạt 13 giải thưởng quốc tế. Phim mang tên “Vượt Sóng”, do đạo diễn trẻ Trần Hàm điều khiển, với các diễn viên Kiều Chinh, Diễm Liên, Long Nguyễn giữ các vai chính, vừa được phát hành ở California, Texas, Virginia, New York từ hai tuần nay.
Phim đã chiếm ngay số lượng khán giả cao nhất tại những rạp được trình chiếu. Khán giả Việt- Mỹ đánh giá cao cuốn phim ở chỗ nào? Việt Long điểm qua hiện tượng điện ảnh này.
Tựa đề tiếng Mỹ của phim là Journey from the fall, có thể được dịch là “Hành trình từ đổ vỡ”, đã giới thiệu ngay nội dung phim với khán giả Mỹ, có thể là một yếu tố thu hút khán giả người Mỹ, hơn là cái tên Vượt Sóng đối với người Việt Nam.
Yếu tố ăn khách thứ nhì là khán giả gốc Việt chiếm một tỉ lệ không nhỏ, chưa kể hàng xóm, bạn bè, đồng sự ... được người Việt Nam rủ đi coi phim chung, để họ hiểu rõ hơn về quá khứ mấy chục năm đau thương khổ ải của những người tị nạn gốc Việt mà nay phần đông đã trở thành công dân Mỹ.
Thảm kịch của một gia đình
Nội dung cuốn phim là thảm kịch của một gia đình trong muôn ngàn gia đình ở miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng tư năm 1975. Từ màn đầu, tất cả khán giả đã không thể cầm được nước mắt, trước khung cảnh Sài Gòn hỗn loạn trong những ngày 29, 30 tháng tư năm ấy.
Người sĩ quan Việt Nam cộng hoà tên Long uất ức trước sự kiện Hoa Kỳ bỏ rơi cả một xứ sở, một quân đội, nhất định ở lại tử chiến với quân cộng sản, không chịu nghe lời vợ, là Mai, muốn cả nhà di tản ngay hôm ấy.
Cuốn phim thật sự căng thẳng, rất quân bình trong bố cục, và đã được thực hiện rất hay. Khó mà có can đảm xem đủ hết mọi chi tiết, vì những khổ ải, những cay đắng đoạ đày của các nhân vật trong phim đã gây xúc động ngoài sức chịu đựng của người xem.
Long đã không có cơ hội được chiến đấu, mà đã phải lên đường vào những trại tập trung dành cho những quân nhân viên chức của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, được gọi là các trại cải tạo.
Đạo diễn Trần Hàm đã xuất sắc dựng lại được cả một trại tù cải tạo thật sống thực. Những lán trại, sạp nằm hai tầng toàn bằng tre, lá. Những vọng gác, chòi canh, khung cảnh rừng núi phải lao động khai hoang, canh tác và xây dựng lán trại bằng những thân thể đói gầy, nhọc nhằn lao động. Những connex để giam người bị kỷ luật,. Những bộ đội quản lý trại và canh gác trại, với quân phục, quân hàm, vũ khí đầy đủ, đúng sát từng chi tiết.
Đặc biệt là cảnh tù nhân lao động, bãi mìn phát nổ, tù nhân trốn trại... khiến những người xem từng trải qua cảnh tù cải tạo cảm thấy rợn người, như đang chứng kiến cảnh cũ tái diễn trước mắt. Khán giả phụ nữ khóc nhiều nhất ở đoạn này.
Trong khi đó thì Mai đưa con và mẹ chồng đi vượt biên, sau chuyến thăm Long và được Long dặn dò hãy cố công vượt thoát.
Cảnh vượt biên cũng là một chủ điểm trong cuốn phim, sau những cảnh tù cải tạo, cũng vô cùng sống thực, tuy chưa diễn tả hết những nỗi đoạn trường của những người liều mạng đi tìm tự do ở một chân trời vô định. Cánh khán giả phụ nữ trong rạp lại khóc thành tiếng ở đoạn này. Đoàn người lại gặp hải tặc.
Mẹ chồng Mai phải tạt cả nồi cháo sôi vào thân thể con dâu, mới giúp Mai thoát bị hải tặc lôi đi... Rồi mẹ con bà cháu đã đến được đất Mỹ, khởi đầu một cụôc sống gian nan, cơ cực, trong những bước đầu kiến tạo một tương lai tươi sáng mà họ biết là đã nắm chắc trong tay.
Xúc động và hấp dẫn
Diễn viên Kiều Chinh trong vai người bà nội, đã bày tỏ cảm xúc: "Tôi đã xem đi xem lại phim này mấy chục lần, mà lần nào cũng phải khóc. Những cảnh cải tạo hay vượt biên thì mình chưa bao giờ thấy, nhưng được thể hiện trong phim khiến mình vô cùng xúc động. Các thế hệ con cháu chúng ta nên được coi phim này để hiểu rõ cuộc sống phấn đấu cha mẹ ông bà.
Nhiều em nhỏ bày tỏ với tôi là các cháu coi phim xong càng thấy thương cha mẹ ông bà hơn rất nhiều. Cũng nên đưa các bạn bè, hàng xóm người Mỹ đi xem để họ thông cảm hơn đối với những di dân người Việt...”
Cuốn phim hay nhất ở chỗ hết sức nhân bản trên mọi góc cạnh, đã trình bày được những tâm tư của những người Việt Nam trong những hoàn cảnh vượt khỏi sức chịu đựng của con người, những hoàn cảnh chia cách gia đình, cha mẹ mất con, vợ mất chồng... cảnh con người đày đoạ con người... mà những người xứ khác cả đời không gặp, nhưng khi xem phim vẫn cảm thông và hoà sự sống với những người trong cuộc.
Và khán giả người Mỹ đã suy nghĩ thế nào sau khi xem xong phim Vượt sóng. Một phụ nữ Mỹ nói: "Cuốn phim thật sự căng thẳng, rất quân bình trong bố cục, và đã được thực hiện rất hay. Khó mà có can đảm xem đủ hết mọi chi tiết, vì những khổ ải, những cay đắng đoạ đày của các nhân vật trong phim đã gây xúc động ngoài sức chịu đựng của người xem.
Nhưng ai cũng phải coi, vì đối với người Mỹ đây là cơ hội để có được kiến thức về một giai đoạn đã qua của những người mà nay đã là người đồng xứ. Những thảm kịch dồn dập cho một gia đình, cho nhiều gia đình, khiến nỗi xúc động của người xem cũng ngập tràn, đến mức lau mắt không kịp, và có lúc phải cúi xuống không dám xem vì tấm lòng thổn thức vô hồi..
Tôi cho rằng phải coi để hiểu những con người Việt Nam đã giỏi chịu đựng và vượt qua nghịch cảnh đến chừng nào, và hiểu họ đã đóng góp cho nước Mỹ những điều quý giá biết bao, ngoài những tài sản vật chất mà họ làm ra được." Một thiếu nữ người Mỹ gốc Hoa thì cho rằng: "Cuốn phim cảm động quá.
Cuốn phim hay nhất ở chỗ hết sức nhân bản trên mọi góc cạnh, đã trình bày được những tâm tư của những người Việt Nam trong những hoàn cảnh vượt khỏi sức chịu đựng của con người, những hoàn cảnh chia cách gia đình, cha mẹ mất con, vợ mất chồng... cảnh con người đày đoạ con người... mà những người xứ khác cả đời không gặp, nhưng khi xem phim vẫn cảm thông và hoà sự sống với những người trong cuộc.”
Hỏi trong phim có điểm nào mà cô không thích, thiếu nữ người gốc Hoa nói: "Cái mà tôi không thích nhất là tôi không hiểu được tiếng Việt, nên cứ phải theo dõi lời phụ đề tiếng Anh, hay bị mất sự thưởng thức tài diễn xuất và khung cảnh trong phim rất sống thực, gay cấn, và đầy tràn nước mắt." Kiều Chinh cho rằng nên cho thế hệ thứ nhì và thứ ba của những người tị nạn đi xem. Khi được hỏi cảm tưởng, một trong những em nhỏ đó phát biểu: "Cháu cảm thấy thương ba cháu hơn, cháu thấy kính trọng và phục cha mẹ cháu hơn..."
Về mặt kỹ thuật, một khán giả ở Washington D.C., giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, cho là: "Phim hay, các vai đều đóng hay, nhất là Kiều Chinh. Cảnh trại cải tạo hay, nhưng mà diễn viên không được gầy. Phim trại tập trung Do Thái có nhiều người gầy lắm...."
Và một khán giả khác ghi nhận một vài chi tiết sơ sót của đạo diễn, như hai người trốn trại mà lại có đèn dầu để thắp trong rừng, xem thư nhà. Một khán giả cựu quân nhân và cựu tù cải tạo, cho rằng lúc Long bơi qua con thác thì đáng lẽ phải bò trườn trên những mỏm đá lẩn khuất, thay vì khơi khơi đứng sổng lưng leo lên bờ đá trong lúc bộ đội đang truy bắt...