Niềm vui, nỗi buồn của người trồng cà phê trong những ngày gần Tết
2006.01.22
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Giá thu mua cà phê vối robusta ở Tây Nguyên đạt mức hơn 19 ngàn một kg do nguồn cung giảm. Hiệp hội cà phê cacao VICOFA ước tính niên vụ 2005-2006, Việt Nam chỉ thu hoạch được khoảng 10 triệu bao tức 600 ngàn tấn. Người trồng cà phê chịu hai mùa hạn, chuẩn bị ăn Tết thế nào. Nam Nguyên hỏi chuyện ông Sáu Trọng một người gắn bó với đồi cà phê ở Lâm Đồng hơn 20 năm qua. Trước hết ông cho biết.

Ông Sáu Trọng: Hiện tại tôi bán hết rồi với giá 18 ngàn tới 18 ngàn bốn trăm, để thanh toán tiền lãi ngân hàng, phân tro mọi thứ.
Nam Nguyên: Thu hoạch vừa qua của ông như thế nào?
Ông Sáu Trọng: Năm nay đại đa số bị thua vì hạn hán, riêng tôi bị thua vì chuyện nóng ruột trời hạn, đã đi múc một cái hồ mua ống tưới về tưới. Tuy nhiên tưới lại không đủ nước thành ra hỏng hết. So với năm ngoái tôi thất khoảng hai phần ba.
Nam Nguyên: Năm nay chắc ông lỗ vốn nhiều ?
Ông Sáu Trọng: Cũng may năm nay được giá cao, nên cũng xoay xở được, dù thất mùa nhưng cũng dễ thở hơn những năm được mùa mà giá rớt. Năm nay giá tốt cứu vãn chúng tôi nhiều, dù sản lượng thu hoạch kém. Nói chung tôi cũng thanh toán được tiền lãi ngân hàng, trả được tiền phân bón, công lao động, cũng còn được chục triệu.
Nam Nguyên: Cụ thể thì năm nay giá phân bón, tiền công lao động như thế nào?
Ông Sáu Trọng: Giá phân bón so với năm ngoái lên gần gấp đôi, với mức giá cà phê hiện nay thì mới đáp ứng được chi phí, chứ như các năm trước thì chịu. Năm ngoái phân cô-mích 90 ngàn một bao 50kg, năm nay mua loại tương đương phải trả tới 200 ngàn một bao.
Còn tiền công lao động thì lên cao lắm và cũng khó tìm người lắm. Năm ngoái một công lao động từ 20 tới 25 ngàn, năm nay họ không nhận làm như thế mà muốn làm khoán. Cụ thể năm ngoái trung bình hái một bao cà phê chúng tôi trả 6 ngàn, năm nay phải trả 13 ngàn.
Nam Nguyên: Thưa chỗ ông có ý định chuyển từ cà phê vối robusta sang cà phê chè arabica hay không ?
Ông Sáu Trọng: Không, chúng tôi không có ý định đó. Cà phê chè nếu chúng tôi có dư đất thì cũng trồng để kiếm thêm, nhưng đất không còn. Cây cà phê robusta cũ đã lâu năm lớn quá rồi tàn nó phủ che hết, không có cách nào để trồng chen vào.
Còn chuyển đổi thì không thể được, cây arabica tuổi thọ ngắn lắm cứ ba năm là phải thay. Cây arabica đòi hỏi công chăm sóc nhiều lắm, mỗi ngày đều phải ra vườn vặt từng trái một khổ lắm, không làm nổi.
Nam Nguyên: Với tình hình thu hoạch chỉ được một phần ba sản lượng, vậy thì người trồng cà phê ăn Tết như thế nào?
Ông Sáu Trọng: Cái Tết của người Việt nam mình, giàu nghèo gì thì cũng ba ngày tết cả, không có gì phải quan trọng. Đại khái là chúng tôi cũng lo được thùng bánh chưng cho con cái, trong nhà kẹo bánh mứt trái đầy đủ cho các cháu.
Nam Nguyên: xin chúc ông mùa tết vui vẻ và hy vọng vụ mùa năm mới gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp.
Ông Sáu Trọng: Xin chúc tất cả các anh em bên đó năm mới sức khoẻ dồi dào, gặp nhiều may mắn.
Những bài liên quan
- Việt Nam dự đoán sẽ xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo trong năm 2006
- Dân chúng Thái Lan biểu tình phản đối hiệp ước tự do mậu dịch với Mỹ
- Trung Quốc: một nông dân đánh bom tự sát ngay trụ sở Tòa án giết chết chủ tọa phiên tòa
- Ninh Thuận: Ốc Hương chết hàng loạt
- Sông Thị Vải ô nhiễm: cá chết, người khóc
- Giá đường vào dịp cận Tết tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái
- Hậu quả của chương trình lúa-tôm
- Phân hữu cơ tự tạo giúp tận dụng nguồn rác thải và bảo vệ môi sinh
- Giá gạo xuất khẩu tăng nhưng nông dân Việt Nam vẫn còn nghèo
- Những ngày đen tối cho các nhà nuôi tôm dọc bờ biển Trung phần Việt Nam
- Máy gieo hạt đậu tương được thiết kế bởi một kỹ sư nông nghiệp về hưu
- Có thật là vùng đồng bằng sông Cửu Long đang mất dần tiềm năng?
- Thoát nghèo nhờ nuôi nhím
- Nông dân Nam bộ đòi lũ
- Những dự án làm nghèo đất nước
- Cần một chiến lược tổng thể cho ngành sản xuất mía đường
- Tình hình sản xuất và xuất khẩu chè của Việt Nam
- Nông dân nuôi bò sữa ở đồng bằng sông Cửu Long gần như phá sản
- "Máy dọn chuồng gà gia đình", sáng kiến của một người con hiếu thảo
- Nguy cơ thiếu đói của nông dân ở những vùng bị ảnh hưởng bão số 7