Các thẩm phán thường hay hoãn xét xử các vụ án dân sự vì e ngại phán quyết sẽ bị huỷ bỏ


2007.05.07

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Theo số liệu của Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thì trong 6 tháng qua, toàn ngành toà án đã giải quyết được khỏang 300 vụ án dân sự phần lớn là những vụ liên hệ đến tranh chấp quyền thừa kế, quyền sở hữu tài sản hay hợp đồng mua bán.

TrialLawyer200.jpg
Các luật sư tham dự một phiên toà tại Sài Gòn. AFP PHOTO/HOANG DINH NAM

Tuy nhiên hiện vẫn còn khỏang 840 vụ tồn đọng trong số đó có những trường hợp đã quá hạn xét xử theo luật định. Để tìm hiểu thêm, Trường Văn phỏng vấn luật sư Bùi Quang Nghiêm thuộc đoàn luật sư thành phố Hồ chí Minh:

Trường Văn: Thưa luật sư, qua phản ánh của báo chí và những người theo kiện thì toà án thường trì hoãn, kéo dài không xét xử những vụ kiện về dân sự, ý kiến của luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Tôi thấy rằng cái việc hoãn thời gian, lúc đầu thì do luật một phần, nhưng từ hai năm nay khi bộ luật dân sự tố tụng bắt đầu có hiệu lực thì không đỗ tội do luật được nữa mà cái đó là con người.

Bây giờ luật đã rõ ràng rồi nó qui định là nếu nguyên đơn không đến thì như thế nào, bị đơn không đến, lần thứ nhất, lần thứ hai hoặc luật sư không đến thì toà được làm như thế nào và thời hạn xét xử rất rõ ràng. Luật tố tụng không phải là không rõ ràng nhưng mà do con người. Con người là do ai?

Do luật sư, do đương sự, do thẩm phán, tức là đủ hết. Nhưng mà cái chính vẫn là toà án. Dù luật sư không đến, đương sự không đến nhưng luật đã qui địng rõ ràng rồi. Cho nên nếu kéo dài hai ba năm mà không xử thì chỉ có toà án thôi.

Tôi thấy rằng cái việc hoãn thời gian, lúc đầu thì do luật một phần, nhưng từ hai năm nay khi bộ luật dân sự tố tụng bắt đầu có hiệu lực thì không đỗ tội do luật được nữa mà cái đó là con người.

Trường Văn: Thưa luật sư bài báo cũng nói là có nhiều ông thẩm phán có tâm lý lo ngại là bản án của mình có thể bị sửa hũy, ảnh hưởng đến việc tái bổ nhiệm cho nên kéo dài không dám đưa ra xét xử?

Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Cái đó cũng có đó anh Trường Văn, tất cả lý do đưa ra là đúng hết, là có hết.

Trường Văn: Chẳng hạn bản thân của ông thẩm phán, ổng không cập nhật hóa kiến thức của mình, nhiều khi không để ý văn bản pháp luật mới bổ xung thành ra ổng lúng túng trong việc giải quyết đó, luật sư?

Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Đúng, cái đó cũng có, báo nêu không có sai đâu.

Trường Văn: Như vậy theo ý luật sư thì phải giải quyết bản án kéo dài ra sao luật sư?

Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Trường hợp nó kéo dài đến 2 năm kể từ khi thụ lý cũng không thể được rồi chứ không thể để 5, 6 năm. Tôi biết có những vụ án 5, 6 năm toà vẫn chưa xử. Cái đó là trách nhiệm của toà án không thể đổ lỗi cho đương sự, luật sư được. Tôi cho đó là việcchấp hành luật của toà án quá tệ.

Trường Văn: Như vậy thì ngành tư pháp có những biện pháp gì để chế tài?

Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Hiện nay cũng có chế tài nhưng rất là nhẹ. Riêng ở toà án quận, huyện tăng thẩm quyền cho nên là họ đổ lỗi là tăng thẩm quyền, có việc làm mới nhưng mà riêng ở thành phố, toà phúc thẩm của toà án Nhân dân Tối cao thì tôi thấy rằng trong hai năm trở lại đây, với Bộ luật tố tụng dân sự mới thì tình hình đó được cải thiện rất là nhiều, tức là án xử đúng hạn hơn, những vụ án tồn đọng, những vụ án kéo dài ít hơn so với trước.

Trường Văn: Thưa luật sư còn trường hợp xử oan sai phải bồi thường thì tiền bồi thường do ngân sách nhà nước còn những ông chánh án thì không bị gì hết?

Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Trong oan sai hình sự thì thẩm phán xử vụ đó về lý thuyết cũng phải chịu trách nhiệm hành chính, có chế tài hành chính đấy. Có một số thẩm phán xử oan sai thì không được xử nữa và có thể hoãn lại thời hạn bổ nhiệm.

Trường hợp nó kéo dài đến 2 năm kể từ khi thụ lý cũng không thể được rồi chứ không thể để 5, 6 năm. Tôi biết có những vụ án 5, 6 năm toà vẫn chưa xử. Cái đó là trách nhiệm của toà án không thể đổ lỗi cho đương sự, luật sư được. Tôi cho đó là việc chấp hành luật của toà án quá tệ.

Thế nhưng mà phải bỏ tiền túi ra thì chưa có ai bỏ tiền túi ra cả. Và theo tôi thì chế tài đối với các thẩm phán xử oan sai còn rất nương nhẹ. Luật chưa đủ răn đe đối với thẩm phán xử sai, thứ hai nữa là việc áp dụng đối với các thẩm phán xử oan sai vẫn còn rất nhẹ.

Trường Văn: Thưa luật sư khi đưa một bị can ra toà án xét xử thì nguyên tắc ở các nước, bị can đó được coi như là vô tội cho đến khi bị toà án buộc tội phải không luật sư?

Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Đúng, về lý thuyết mà nói thì luật Việt Nam cũng áp dụng những nguyên tắc đó nhưng khi vận dụng thì còn những vấn đề mà cái này thì chính bản thân ngành toà án cũng công nhận như thế. Vừa rồi khi ra tranh cử thì ông Bùi Hoàng Danh ông cũng đề cập đến vấn đề đó.

Tôi cho rằng về mặt nhận thức mà nói thì toà án nhận thức rất là đầy đủ nhưng về mặt áp dụng, thực hiện thì như thế nào thôi chứ còn họ biết vấn đề đó. Ông Danh nói là tới đây nếu trúng cử Đại biểu Quốc hội, ông sẽ đề nghị thay vành móng ngựa bằng cái bàn và vị trí chỗ ngồi của luật sư và Viện kiểm sát, thư ký sẽ khác hơn.

Năm vừa rồi đã thay đổi là áo mặc của các bị cáo bị tạm giam khi ra toà, trước kia thì mặc áo tù nhưng mà sau đó thì giới luật gia, luật sư và trí thức có hiểu biết thì người ta có đề nghị thay đổi nhiều và đặc biệt là Quốc hội đã quyết định là khi bị cáo bị tạm giam ra toà thì họ không phải mặc áo tù nữa, họ được mặc áo theo ý muốn của họ tức là họ được coi là chưa phạm tội. Cái đó tôi cho là trong hơn một năm nay rồi đã áp dụng nguyên tắc đó với cái bộ quần áo các bị cáo ra toà.

Trường Văn: Thưa trường hợp một luật sư phạm tội thì khi toà chưa xét xử thì Đoàn luật sư đâu có thể áp dụng những hình phạt gì đối với họ. Chẳng hạn như luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, hai ngừoi này vào ngày 11 tháng 5 sẽ ra toà nhưng văn phòng của họ bị đóng cửa và hai luật sư đó bị Đoàn Luật sư Hà Nội lấy bằng và không cho hành nghề nữa?

Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Cái đó thì họ làm đúng. Đúng là vì như thế này, trong Luật luật sư nói là nếu luật sư trưởng văn phòng hoặc luật sư đó bị khởi tố thì phải tạm ngưng việc hành nghề chờ cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật. Đoàn luật sư họ được làm việc đó. Luật Việt Nam là như vậy. Sau này nếu tuyên là vô tội thì họ được trả lại cái quyền hành nghề.

Cái đó thì tôi với tư cách là một trong phó chủ nhiệm của Đoàn, thành viên của Hội đồng khen thưởng kỷ luật thì thường hay xét vấn đề đó nên tôi biết là Đoàn luật sư Hà Nội làm việc đó là đúng. Cũng chưa phải là tước quyền hành nghề của họ nhưng tạm ngưng quyền hành nghề trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng hình sự cho đến khi bản án có hiệu lực.

Trường Văn: Xin chân thành cám ơn luật sư đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.