Nghề buôn phế liệu của người Việt ở Xứ Chùa Tháp


2006.11.27

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Thu mua và buôn bán sắt vụn, bánh xe phế thải hoặc thiết bị máy cũ ở Cambodia là nghề đòi hỏi sự chịu khó và lưng vốn cao hơn buôn bán ve chai và giấy vụn. Mời quí vị cùng Thanh Trúc tìm hiểu về nghề buôn phế liệu của người Việt ở Xứ Chùa Tháp.

VnCambodiaTonlesap200.jpg
Gia đình người Việt trên sông Tonlesap của Cambodia. PHOTO RFA/Thanh Truc

Từ mười năm trở lại đây một khu vực chuyên thu mua, rã đồ sắt và buôn bán phế liệu của người Việt đã hình thành tại vùng Bưng Xà Nao ở ngoại vi thủ đô Phnom Penh. Hầu hết thợ thầy ở vựa phế liệu này là người Việt, kẻ có tiền thì mướn vài ba nhân công, kẻ ít tiền thì làm thuê ăn công cho chủ.

Bà Nguyễn Thị Kim Liểu, có chồng tên Lý Văn Còi , cả hai quê ở Long Xuyên. Trước 1975 ông Còi đi lính ở miền Nam, bị thương và hỏng một mắt. Dọn lên Cambodia sau này, hai người tới vựa sắt Bưng Xà Nao với số vốn ít ỏi cở hơn ba năm.

Phần lớn vật dụng mà vợ chồng bà Kim Liểu thu mua là vỏ xe. Còn những loại sắt vụn rã ra từ máy thì được mang đi tiêu thu ở những đâu, ông Cò cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Hiện có chừng một trăm hộ người Việt sinh sống ở vựa sắt Bưng Xà Nao. Đây là một xóm lao động đúng nghĩa với những người xoay trần làm việc quần quật trong tiếng đập nện chan chát và mùi khét lẹt của vỏ xe bị cháy. Nhà cửa ở đây lụp xụp, che chắn một cách tạm bợ, chung quanh bụi bặm ám khói hoặc dơ bẩn lem luốc vì dầu máy.

Cũng có lắm người bằng lòng với công việc tay chân nặng nhọc này vì thấy đủ ăn và dư dã chút đỉnh. Điển hình như ông Na đã sắm được xe hơi hoặc hai thanh niên đang làm việc với người chú.

Sâu hơn một chút vào trong xóm, băng qua những núi vỏ xe hoặc những đống sắt rỉ là một vài ngôi nhà lầu khang trang bên cạnh những căn nhà gổ tối thấp. Nhà xây là cơ ngơi của những người có của ăn của để từ nghề đồ nát sắt vụn này như lời ông Lý Văn Còi trình bày: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

VnCambodiaTonlesapKid200.jpg
Hình ảnh người Việt trên Biển Hồ ở Cambodia. RFA PHOTO/Thanh Truc

Nhìn chung thì nghề sắt vụn, thu mua và buôn phế liệu ở Bưng Xà Nao đã giúp một số người Việt ở Cambodia có công ăn việc làm quanh năm. Hiếm người chịu cảnh ở không như trường hợp những xóm theo nghề làm cá trên sông nước Tonlesap ở Phnom Penh hay Kampongcham.

Người Việt trên giòng Tonlesap ở Phnom Penh, Kompong Cham hay Kompong Chnang chỉ bận rộn những lúc khi vô kỳ, tức là tới mùa cá. Khí đó cả gia đình người lớn con nít đều lên thuyền ra giữa giòng để bủa lưới hay giăng câu. Hết mùa vô kỳ hay đi lưới thì người Việt lại về bờ và gần như không có gì để làm.

Trở lại khu vực Bưng Xà Nao, phần lớn trẻ con ở đây không đi học. Điều nguy hiểm là chúng hay đi chân trần và chơi đùa rượt đuổi nhau trên mặt đất ngổn ngang những đinh hoặc sắt vụn.

Người Cambodia gọi những vùng có người Việt ở là Khun Duôn, có nghĩa là Xóm Người Việt. Từ Bưng Xà Nao trở ra lộ chính Kinh Xà Wai độ nửa cây số, nhưng đường đất thì gồ ghề lồi lõm. Chổ này trước là vùng trũng, đất thấp và lầy lội. Khi tới đây, người Việt bỏ tiền mua cát đổ lên cho bằng phẳng, vì thế được gọi là Bưng Xà Nao theo tiếng Cambodia.

Từ lộ chính Kinh Xà Wai đi miết về hướng ngược ra thủ đô Phnom Penh độ hai tiếng đồng hồ là đến huyện Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp của Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.