Ảnh hưởng của bão Katrina đối với nền kinh tế nước Mỹ
2005.09.01
Nguyễn Xuân Nghĩa - Trà Mi
Bão Katrina đã tàn phá 3 tiểu bang Louisiana, Mississippi, và Alabama thuộc miền Nam Hoa Kỳ, để lại nhiều hậu quả bất ngờ mà người ta chưa thể thống kê nổi. Khu vực bị ảnh hưởng bởi cơn bão có vai trò như thế nào đối với kinh tế nước Mỹ và nền kinh tế thế giới? Trà Mi đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Nghĩa, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế, xung quanh đề tài này:
Trà Mi: Tổng quan, ước lượng chung về tổn thất sau hai ngày?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Vấn đề kinh hoàng và bất ngờ nhất là… thiếu thông tin.
Trà Mi: Hạ tầng cơ sở về xăng dầu, vị trí của vùng Vịnh Mexico?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Hạ tầng cơ sở xăng dầu của toàn vùng Vịnh Mexico bị tê liệt vì thiệt hại nặng. Tối 29, Công ty Citgo Petrolium chính thức xin vay dầu của Kho Dự trữ Chiến lược, từ 250 đến 500 ngàn thùng, để kịp lọc cho nhu cầu xăng nhớt của thị trường. Các tổ hợp dầu hỏa khác đang kiểm điểm tổn thất, nhưng hầu hết đều đồng ý rằng mùa Đông tới sẽ rất lạnh vì thiếu dầu sưởi.
Đáng ngại hơn thế, trận bão Katrina còn có thể đánh thẳng vào cửa sông Mississippi và cản trở việc vận chuyển từ thượng nguồn xuống vùng châu thổ con sông vĩ đại này. Hệ thống xuất nhập cảng của một phần ba nước Mỹ sẽ tê liệt: chẳng những kinh tế Hoa Kỳ mà toàn cầu cũng bị ảnh hưởng trong thời gian tới.
Cho nên, khi các tổ hợp bảo hiểm dự đoán tổn thất của Katrina có thể lên tới 35 tỷ - hơn trận Andrew năm 1992 đến 14 tỷ Mỹ kim – sự thật có thể còn bi đát và đáng ngại hơn…
Trà Mi: Ngoài dầu khí, vùng này còn có vai trò kinh tế nào khác?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói đến kho dầu chiến lược của quốc gia, người ta phải tự hỏi thêm: nông gia miền Trung-Tây Hoa Kỳ đang ở giữa mùa gặt, mà khu vực bị thiên tại lại là một vựa ngũ cốc, các kho mễ cốc có bị thiệt hại gì không, khả năng tồn trữ ra sao, giá cả ngũ cốc sẽ vọt đến đâu? Cùng với việc cứu lụt, phải nghĩ đến cứu đói và ngăn ngừa dịch bệnh.
Mississippi là con sông lớn, nổi tiếng vì vai trò giao thông và còn nổi tiếng hơn nữa ở chỗ lưu vực thường thay đổi. Vì trận Katrina, lòng sông bị ảnh hưởng ra sao? Cơ quan tuần duyên US Coast Guard hiện ưu tiên lo cấp cứu nạn nhân và chỉ kiểm tra được thiệt hại trong một vài ngày tới.
Trà Mi: Ảnh hưởng với kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Vùng Vịnh Mexico đáng kể ở kỹ nghệ dầu hỏa với các dàn khoan ngoài khơi và nhà máy lọc dầu trong cảng. Đây là nơi cung cấp 2% dầu thô thế giới và 25% sản lượng dầu thô của Mỹ (một triệu sáu thùng một ngày).
Nhưng khu vực này còn có giang cảng vĩ đại Port of Southern Louisiana (PSL), chạy dọc cửa sông Mississippi trên 50 dậm, đứng hàng thứ năm thế giới về trọng lượng hàng hóa vận chuyển. Gần phân nửa số xuất cảng của Mỹ sang Âu châu được chuyển vận qua đó.
Nông gia vùng Trung-Tây Hoa Kỳ và giới tiêu thụ bắp, đậu nành, lúa mì và súc sản trên toàn thế giới bị lệ thuộc mạnh vào cửa khẩu này. Nếu cảng PSL bị tê liệt và chưa hoạt động lại trong vòng vài chục ngày tới, vào cao điểm của mùa gặt, giá nông phẩm, lươong thực, phân bón, sắt thép… sẽ chạy đua cùng giá dầu, lên trời.
Trở lại chuyện dầu khí, Louisiana còn có một trung tâm chiến lược là hải cảng Louisiana Offshore Oil Port (LOOP), nơi tiếp nhận và phân phối dầu thô nhập cảng, khoảng một triệu thùng mỗi ngày. Đây là cửa nhập cảng dầu khí lớn nhất của Mỹ.
Cảng LOOP được đóng từ ngày 27, nhưng chưa ai kiểm được mức thiệt hại vật chất để tính xem là Hoa Kỳ còn có thể dùng cửa khẩu ấy để nhập dầu thô trong thời gian tới hay không. Liệu Mỹ có thể tạm ngưng nhập cảng dầu thô để tu bổ hải cảng này chăng? Trong giả thuyết ấy, giá dầu thô và xăng dầu sẽ tăng vọt tại Mỹ, mà có khi lại giảm ở các xứ khác!
Trà Mi: Vì sao như vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Kiểm điểm sơ khởi thì hạ tầng cơ sở bị tàn phá, lòng sông bị nghẽn, thành phố bị lụt, người không bị dìm dưới nước thì cũng phải di tản nên hết điều khiển được các cơ sở còn tồn tại…
Vì vậy, trong những ngày tới, ngoài số tổn thất nhân mạng, người ta còn phải theo dõi tin tức về dịch bệnh, xăng dầu, mễ cốc, lương thực, mực sông Mississippi, các giang cảng, hải cảng trong vùng, v.v… để tính ra hậu quả trực tiếp của trận Katrina. Sau đấy mới là hậu quả gián tiếp. Về kinh tế, có thể còn trầm trọng hơn vụ khủng bố 9-11 năm 2001.
Trà Mi: Xin cảm ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay.
Những bài liên quan
- Hơn 100 người thiệt mạng vì cơn bão Katrina ở miền Nam Hoa Kỳ
- Lời kêu gọi ám sát Tổng thống Venezuela lại nâng cao uy tín của ông
- Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh
- Tổng Thống Bush chọn ông Jon Bolton làm Ðại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.
- Ngày càng nhiều người ngoại quốc đầu tư vào thị trường bất động sản Hoa Kỳ
- Nhiều bờ bao sông ngòi ở khu vực Sài Gòn có nguy cơ bị sạt lở
- Liên minh Mỹ-Nhật không chỉ nhắm vào Trung Quốc và Bắc Hàn
- Chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Châu Á trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Bush (II)
- Chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Châu Á trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Bush (I)
- Lễ quốc táng ông Nicola Calipari hy sinh tại Iraq
- Iran sẽ được hưởng quyền lợi kinh tế nếu ngưng chương trình hạt nhân
- Phát huy nhân quyền là mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ
- Mỹ, Nhật tăng cường thế đồng minh chiến lược ở Châu Á
- Hoa Kỳ phản đối việc bãi bỏ lệnh cấm vận võ khí đối với Trung Quốc
- Vẫn còn một số dị biệt giữa Tổng thống Bush và Thủ tướng Schroeder