Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Quân đội Miến Điện đã nổ súng cảnh cáo đoàn người biểu tình, theo các nguồn tin quốc tế thì binh sĩ chính phủ Miến Điện hôm thứ Tư 5 tháng 9 vừa qua, binh lính dùng võ lực đe dọa đoàn biểu tình với khoảng 500 nhà sư Phật Giáo cùng hàng trăm người khác, tập họp tại thị trấn Pakokku, gần 600 kilômét về phía Bắc thủ đô nước này.

Một nhà đấu tranh cho dân chủ Miến Điện được công luận biết đến là ông Htay Kywe vừa lên tiếng yêu cầu Liên Hiệp Quốc hãy can thiệp với chánh quyền quân sự hầu sớm chấm dứt những hành động đàn áp dân chúng bằng sức mạnh của súng đạn.
Hãng thông tấn AFP cho hay là ngòai các tu sĩ Phật giáo, còn có một số đông tín đồ, tất cả đều tụng kinh và đi tuần hành qua nhiều đường phố để phản đối vật giá gia tăng quá cao, thời gian gần đây.
Binh sĩ của Rangoon bắn nhiều loạt đạn bay sát trên đầu đoàn biểu tình và mọi người giải tán trong sự hoảng loạn.
Hy vọng sự thay đổi
Các nhà tranh đấu cho dân chủ Miến Điện đã tổ chức một loạt các vụ biểu tình hiếm có tại nước này, trong mấy tuần gần đây, để phản đối quyết định của chính phủ quân nhân Miến Điện quyết định cho tăng giá nhiên liệu, mặc dù trong quá khứ, nước này từng xuất khẩu xăng dầu ra bên ngoài.
Phe chính trị đối lập Miến Điện cũng như các nhân chứng thuật lại thêm chi tiết và nói là cảnh sát võ trang đã bắt trên 100 nhà hoạt động tích cực cho dân chủ và nhân quyền, trong một vụ đàn áp sau các cuộc biểu tình mới đây, diễn ra đồng loạt tại nhiều địa phương khắp nước. Tuy nhiên, chính phủ Rangoon loan báo rằng con số bị bắt vì tham gia biểu tình chỉ vào khoảng 50 người.
Trong câu chuyện với đài Á Châu Tự Do chúng tôi, ông Zaw Min, một nhà báo Miến Điện cho biết đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua có cuộc tập họp với hàng trăm nhà sư như thế. Người dân hy vọng rồi đây sẽ có sự thay đổi qua sự dấn thân trực tiếp của các vị lãnh đạo tinh thần, họ tin rằng binh lính sẽ không dám bắn giết những tu sĩ, như họ từng làm hồi năm 1988.
Một nhà sư từ Pakokku cho biết thêm là ngoài lực lượng cảnh sát và binh lính chánh quyền Ragoon còn huy động hàng trăm tội phạm, băng đảng, thành phần bất lương để tham gia lực lượng đàn áp các cuộc biểu tình:
Nguồn tin do tổ chức có tên là “Chiến dịch Đấu tranh cho Miến Điện”, trụ sở tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ cho hay nhiều người bị bắt vì biểu tình phản đối giá nhiên liệu leo thang đã bị cảnh sát đánh đập tàn tệ bằng roi và gậy, nhưng họ không được cung cấp thuốc men, hay được cấp cứu, chữa trị các vết thương .
Tổ chức Chiến dịch Đấu tranh cho Miến Điện, kêu gọi nhà cầm quyền Rangoon cho những người biểu tình bị thương được chữa trị, và cho Hội Chữ Thập Đỏ được tiếp xúc với những người đang bị giam cầm này, trong khi đó 41 nhà đấu tranh cho dân chủ tiếp tục tuyệt thực trong lao xá.
Sắt máu và tù đày
Mới đây, đặc sứ LHQ về nhân quyền Miến Điện, ông Paulo Sergio Pinheiro tuyên bố tiếng tại Genève, Thụy Sĩ rằng, ông nhận được nhiều nguồn tin báo cho biết một số người đấu tranh ôn hòa đã bị cơ quan an ninh, mật vụ của Rangoon tra tấn và mang thương tích trầm trọng.
Viên chức Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế, ông Thierry Ribeaux, nói rằng chánh quyền Rangoon đã không cho phép tổ chức nhân đạo này viếng thăm tù nhân tại Miến Điện. Lệnh cấm đó đã được áp dụng từ cuối năm 2005.
Miến Điện bị đặt dưới sự thống trị của chế độ quân nhân do các tướng lãnh chỉ huy và quản lý đất nước bằng sắt máu và tù đày. Họ không chấp nhận bất cứ ý kiến nào từ phía người dân, khi muốn bày tỏ nguyện vọng dân chủ thiết tha của mình.
Năm 1988, giới tướng lãnh cầm quyền ở Rangoon đã sử dụng quân đội với súng đạn để bẻ gảy tận gốc rể cuộc biểu tình rầm rộ của phong trào sinh viên đứng lên đòi hỏi dân chủ và cải thiện cuộc sống . Các nhân chứng có mặt tại chỗ lúc binh lính bắn giết vào đám đông cho biết có gần 1000 người bị sát hại trong cuộc tàn sát đó.
Nhiều chánh phủ Âu Mỹ thường xuyên lên án hành động đàn áp nhân quyền từ phía chánh quyền quân sự Rangoon, đồng thời cho thi hành nhiều biện pháp cấm vận kinh tế đối với chế độ này.
Hôm thứ 4 vừa qua, tại Nhà Trắng, bà Laura Bush, đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ đã có cuộc tiếp xúc với một số nhà báo quốc tế để thảo luận về tình hình thời cuộc tại Miến Điện.
Chánh phủ Washington cùng nhiều dân biểu, nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều yêu cầu hội đồng Bảo an liên hiệp quốc lên án những vụ đàn áp dân chủ xảy ra thời gian gần đây tại Miến Điện.