Trà Mi, phóng viên đài RFA
Thủ tướng Phan Văn Khải đang trên đường tới thành phố Boston, thuộc bang Massachusetts, nơi toạ lạc của 2 trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới là Harvard và M.I.T. Trước khi phái đoàn do thủ tứơng Khải dẫn đầu đặt chân đến Boston, Trà Mi đã có cuộc phỏng vấn với giáo sư Thomas Vallely, giám đốc phụ trách chương trình Việt Nam tại đại học Harvard.
Trước tiên, Giáo sư Thomas cho biết sơ lược về lịch trình và các địa điểm dừng chân và của phái đoàn thủ tứơng Việt Nam khi đến đây:
Trung tâm giáo dục, y dược, tài chính
Gs Thomas Vallely: Ông Khải sắp có mặt tại Boston, nơi được coi là kiểu mẫu điển hình của một thành phố phát triển cao về giáo dục, y dựơc, và tài chính. Theo lịch trình, phái đoàn của ông sẽ đến thăm các tập đoàn bảo hiểm lớn như Liberty Mutual.
Ông cũng sẽ viếng thăm chủ tịch Đại học Harvard là ông Lawrence Summers, chủ tịch trường M.I.T, tức là Viện đại học kỹ thuật Massachuset, rồi sau đó ông Khải sẽ đến tham dự một buổi toạ đàm về giáo dục Việt Nam với những nhà giáo dục Mỹ tại trường hành chánh John F. Kennedy.
Việt Nam rõ ràng đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, và đang muốn theo kinh tế thị trường. Một trong những điều họ cần để tiến lên bước kế tiếp là một thế hệ đầy đủ kiến thức và trí tuệ.
Trà Mi: Thưa ông có thể cho biết trọng tâm cũng như mục đích của sự kiện này là gì ?
Gs Thomas Vallely: Cơ bản là để cùng nhau thảo luận những tiềm năng, hứa hẹn cũng như vai trò thiết yếu của giáo dục trong thế giới hiện đại ngày nay. Và Việt Nam rõ ràng đã đạt được nhiều thành tựu tiến bộ trong kinh tế, và đang muốn theo kinh tế thị trường.
Một trong những điều họ cần phải đạt được để tiến lên bứơc kế tiếp là một thế hệ đầy đủ kiến thức và trí tuệ, một hệ thống đại học hùng mạnh hơn, một hệ thống thư viện sách vở hùng hậu hơn, một nền giáo dục với nội dung phong phú hơn. Cả Harvard và MIT đều có kinh nghiệm trong tất cả những lĩnh vực này.
Biểu tình phản đối?
Trà Mi: Và ông có dự đoán sẽ có những cuộc biểu tình phản đối khi ông Khải có mặt tại một trong những địa điểm dự kiến hay không?
Gs Thomas Vallely: Chúng tôi không nghĩ là sẽ có biểu tình ở Boston.
Dĩ nhiên là có những người luôn chống đối cuộc chiến Việt Nam, nhưng chiến tranh đã kết thúc rồi.
Trà Mi: Cho đến thời điểm này, ông không nghe tin tức gì liên quan đến biểu tình hay sao?
Gs Thomas Vallely: Vâng, dĩ nhiên là có những người luôn chống đối cuộc chiến Việt Nam, nhưng chiến tranh đã kết thúc rồi.
Có một số người trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt vẫn còn nghĩ là cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn theo một ý nghĩa nào đó, nhưng không, nó đã chấm dứt lâu rồi.
Quan tâm của Hoa Kỳ
Trà Mi: Nói về mối quan hệ hợp tác kinh tế và mậu dịch Việt-Mỹ, có những vấn đề nào mà Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm trong lĩnh vực trao đổi thương mại với Việt Nam hay không?
Gs Thomas Vallely: Theo tôi, Hoa Kỳ và Việt Nam đang có nhiều trao đổi thương mại với nhau, và hiện thời, đã xuất hiện nhiều nguồn đầu tư từ Mỹ đổ vào thị trường Việt Nam. Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam là bạn hàng quan trọng. Cho nên tôi nghĩ rằng, trong những thập niên kế tiếp, mối quan hệ kinh tế song phương chỉ có thể ngày càng mở rộng và phát triển lên thêm mà thôi.
Không có rào cản cụ thể chính yếu nào trên con đường gia nhập WTO của Việt Nam, ngoại trừ vài vấn đề, ví dụ như doanh nghiệp Việt Nam chưa có được sự chuẩn bị cần và đủ trứơc áp lực cạnh tranh thị trừơng.Tuy nhiên, ông Khải lại mong muốn có nhiều sự cạnh tranh hơn.
Và dĩ nhiên, như ông Khải đã từng nói, Việt Nam cần phải cải thiện cơ chế pháp lý, giảm bớt những tùy tiện trong quản lý nhà nứơc để luật pháp được đóng vai trò nồng cốt.
Tôi nghĩ một trong những lý do khiến Việt Nam mong muốn hội nhập Tổ chức mậu dịch thế giới là làm cho những doanh nghiệp đối tác Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn, hầu thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên cao hơn.
Và một điều dĩ nhiên, như ông Khải từng nói trứơc đây và cũng từng phát biểu với báo giới trứơc khi khởi hành chuyến công du là Việt Nam cần phải tăng cừơng cải thiện cơ chế pháp lý hơn nữa, giảm bớt những tuỳ tiện trong phương thức quản lý nhà nứơc để luật pháp được đóng vai trò nồng cốt.
Dấu hiệu tích cực?
Trà Mi: Ông có nghĩ là doanh nhân Mỹ ngày càng được thu hút vào thị trừơng Việt Nam nhiều hơn? Ông có thấy trứơc dấu hiệu gì tích cực cụ thể chăng?
Gs Thomas Vallely: Vâng, tôi nghĩ đang có dấu hiệu rất khả quan. Tôi thấy nền kinh tế đang có chiều hứơng hết sức tích cực. Kinh tế Việt Nam ngày càng đi theo chiều hướng tư nhân hoá nhiều hơn.
Chắc là khoảng chừng năm tới thôi, lĩnh vực kinh tế tư nhân nội địa của Việt Nam sẽ rộng lớn hơn bộ phận kinh tế nhà nứơc.
Và nói cho ngay, khu vực kinh tế tư nhân nội địa của Việt Nam phần lớn được kích thích bởi những sự chuyển giao từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, và đó là các doanh nghiệp nằm trong số làm ăn thành công nhất tại Việt Nam.
Nhân quyền tại Việt Nam
Bạn nghĩ gì về những nhận định này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Trà Mi: Vấn đề nhân quyền của Việt Nam vẫn còn là mối quan tâm hàng đầu đối với Hoa Kỳ. Ông có nghĩ điều này sẽ gây ảnh hửơng gì đến mối quan hệ mậu dịch song phương? Nếu có thì nó sẽ ảnh hưởng ra sao và đến mức độ nào, thưa ông?
Gs Thomas Vallely: Tôi nghĩ là 2 bên Việt-Mỹ đã làm việc với nhau rất nhiều để làm sáng tỏ vấn đề mà cô vừa nêu lên, và tôi nghĩ cả đôi bên đều đạt được tiến bộ trong vấn đề này. Riêng cá nhân tôi, tôi thiết nghĩ vấn đề đó sẽ không còn gây cản trở cho mối quan hệ giao thương nữa.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian ông dành cho cuộc trao đổi hôm nay.