Lê Dân, phóng viên đài RFA
Trước chuyến Mỹ du của Thủ tướng Phan văn Khải, thứ trưởng Ngoại giao Lê văn Bàng tiết lộ là ông Khải sẽ đưa ra một tuyên bố rất quan trọng với cộng đồng người Việt hải ngoại, có thể là tại Boston, là địa điểm chót trên đất Mỹ trước khi ông sang thăm Canada.

Mời quý vị nghe cuộc trao đổi giữa biên tập viên Lê Dân của chúng tôi với giáo sư Lê Xuân Khoa, nguyên là cựu Chủ tịch Trung Tâm Tác Vụ Ðông Nam Á SEARAC và là người nhiệt thành trong các sinh hoạt cộng đồng người Việt hải ngoại.
Lê Dân: Thưa giáo sư, dự kiến mà thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam cho biết trong cuộc phỏng vấn của báo chí trong nước trước khi Thủ tướng Phan văn Khải đi Mỹ là như vậy.
Nhưng trước những phản ứng của cộng đồng người Việt tại Seattle, Washington DC, vừa qua, thì liệu ông Khải có còn giữ thái độ tỉnh táo để kêu gọi người Việt hải ngoại hòa giải để cùng xây dựng đất nước hay không?
Không phải lần đầu tiên
GS. Lê Xuân Khoa: Sau những cái incidents, những sự cố vừa rồi thì không biết ông ấy cò còn giữ quan điểm muốn hòa giải với cộng đồng hay không. Tôi nghĩ đây không phải là lần đầu tiên ông Phan văn Khải chứng kiến những phản ứng chống đối của cộng đồng, do ông ấy đã đi qua nhiều nước rồi.
Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Ở những nước khác như bên Úc, bên Anh, như bên những nước kia thì ông ấy đã chứng kiến các sự chống đối đó cả rồi, chứ không phải là không. Vì vậy, đến đây, tôi nghĩ rằng ông ấy vẫn chờ đợi sự chống đối đó, chứ không phải chờ đợi sự đón tiếp nào niềm nở hơn.
Thành ra tôi nghĩ rằng chỉ vì sự chống đối ở bên này của những đoàn biểu tình mà ông ấy sẽ bỏ không nói những lời kêu gọi cộng đồng, hay không có những lời bày tỏ với cộng đồng để tiến đến chỗ hòa giải, thì tôi nghĩ rằng không đến nỗi mà ông ấy phải bỏ những chuyện đó.
Đã có những kinh nghiệm về sự chống đối
Lê Dân: Thưa giáo sư, nhiều ký giả hiện diện trong buổi họp báo đầu tiên của Thủ tướng Phan văn Khải tại thành phố Seattle, bang Washington hôm Chủ nhật vừa qua, cho biết là ông đã tỏ ra thiếu bình tĩnh khi bị cáo buộc là kẻ nói dối. Sự kiện đó liệu có làm ý định hòa giải của ông tiêu tan hay giảm bớt đi hay không, nhất là vào giai đoạn chót của chuyến Mỹ du là tại Boston?
GS. Lê Xuân Khoa: Nếu ông có những phản ứng khác hơn, nóng nẩy hơn, thì tôi không thể đặt mình vào ông Phan văn Khải mà có thể nói được. Nhưng tôi nghĩ rằng một người chính trị gia thì bao giờ cũng giữ được cái bình tĩnh của mình và có những phản ứng đúng với phong độ của người lãnh đạo.
Như vậy thì tôi nghĩ là ông đã có những kinh nghiệm về sự chống đối của cộng đồng trước đây để có quan rằng là đứng trước những sự chống đối đó, ông đã có sẵn những ý niệm là sẽ đưa ra những lời kêu gọi, những lời giải thích, hay những lờ nói tốt đẹp nào đó để có thể hóa giải được những sự chống đối đó đi. Tôi nghĩ như vậy thì ông có thể xúc tiến được những lời nói đó. Tôi trông đợi và tôi hy vọng là ông ấy vẫn nói những lời đó với cộng đồng.
Nói nhiều hơn về vấn đề tâm lý
Lê Dân: Thưa giáo sư, trong bản thông cáo chung với Tổng thống Bush, Thủ tướng Phan văn Khải đã có cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để người Mỹ gốc Việt và người Việt sinh sống ở hải ngoại được thuận lợi trong việc về thăm và đầu tư tại Việt Nam. Chùng đó có thể xem là bàn tay đưa ra hòa giải hay chưa?
GS. Lê Xuân Khoa: Tôi chắc chắn đó là một điểm mà ông ấy phải nói đến, nhưng tôi chờ đợi ông phải nói hơn thế nữa. Nếu chỉ giới hạn trong vấn đề mở cửa cho về làm ăn buôn bán, thì đó không phải là thông điệp sẽ đựoc đón nhận một cách rộng rãi và cởi mở trong cộng đồng ở đây.
Tôi nghĩ là ông sẽ phải nói nhiều hơn về vấn đề tâm lý, về vấn đề hận thù, làm sao mà mình có thể giải tỏa được những chuyện đó đi. Cần những lời nói như thế nào để mà nó...như tôi vẫn thường nhắc đi nhắc lại là "được lời như cởi tấm lòng", nghĩa là nói làm sao cho người nghe thấy nhẹ được thù hận, và những người ôn hòa khác chấp nhận được nhiều hơn.
Lê Dân: Xin cám ơn giáo sư Lê Xuân Khoa đã giành cho chúng tôi cuộc trao đổi ngắn gọn ngày hôm nay.