Tầm quan trọng chuyến công du Washington của Thủ tướng Khải (I)
2005.06.07
Việt Long, phóng viên đài RFA
Chuyến công du Washington của Thủ Tướng Việt Nam Phan Văn Khải có tầm mức quan trọng ra sao? Nhắm vào những mục tiêu nào là chính? Và triển vọng đạt được những mục tiêu đó như thế nào, trong hiện tình của Việt Nam ngày nay?

Nhà nghiên cứu Hoàng Thanh Phong trình bày với Việt-Long quan điểm của giới thông thạo ở Việt Nam về những vấn đề vừa nêu. Hoàng Thanh Phong là bút hiệu của một nhà nghiên cứu kinh tế, hiện làm việc cho một cơ quan ở trong nước.
Chuẩn bị khá kỹ lưỡng
Việt Long: Thưa ông Hoàng Thanh Phong. Từ năm ngoái Hà Nội đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho chuyến công du của Thủ Tướng Phan Văn Khải sang Hoa Kỳ, vào dịp kỷ niệm 10 năm tái lập bang giao Việt Mỹ.
Hai chuyên viên đối ngọai hàng đầu của hành pháp và lập pháp Việt Nam là ông Lê Văn Bàng và bà Tôn Nữ Thị Ninh đã lo các giai đọan gọi là tiền trạm cho chuyến đi này của ông Thủ Tướng.
Đến nay đã có tin tức sơ khởi về lịch trình chuyến công du này tại Hoa Kỳ chưa, thưa ông?
Hoàng Thanh Phong: Thưa... theo lịch trình của chuyến thăm viếng, mà cho đến nay thì cả phía Hà Nội và Washington đều không muốn nói công khai, thì ông Khải sẽ đến Washington, New York, Boston và Seattle.
Bạn nghĩ gì về nhận xét này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Lộ trình cho chuyến đi được coi là tế nhị vì cả hai phía Hà Nội và Washington đều không muốn thấy ông Khải gặp các cuộc biểu tình phản đối của người Việt ở các nơi ông sẽ đến, như vừa mới xảy ra trong chuyến ông Khải đi thăm Úc hay New Zealand trong tuần đầu của tháng 5 vừa qua.
Mục tiêu của chuyến đi
Việt Long: Chuyến đi của ông Khải nhắm vào những mục tiêu nào? Và thành phần phái đoàn ra sao?
Hoàng Thanh Phong: Giới phân tích ở Hà Nội cho là chuyến đi này có ba mục tiêu chính: Khẳng định với chính giới Mỹ về vị thế chính trị đầy đủ của chế độ Hà Nội, giành được sự ủng hộ của Tổng thống Bush cho việc Việt Nam gia nhập WTO và thu hút đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.
Trong chuyến đi, phía Việt Nam sẽ bố trí một đoàn doanh gia đông đúc, bao gồm các đại diện của khoảng 70 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Việt Long: Ông có cho rằng mục tiêu kinh tế là mục tiêu chính của chuyến đi này không?
Hoàng Thanh Phong: Trái với nhiều người có thể suy luận, mục tiêu số một của chuyến đi của ông Khải không phải là kinh tế. Thực sự thì các quan chức của Hà Nội đều nhất trí rằng sau 30 năm thống nhất đất nước, Việt Nam nay đã có một vị trí rất đàng hoàng trên trường quốc tế, và không có gì quan trọng trong việc khẳng định vị thế này bằng một chuyến đi của thủ tướng Khải đến gặp Tổng thống Bush.
Tục ngữ Việt Nam có câu lời chào cao hơn mâm cỗ, thì với hình ảnh của ông Khải bắt tay ông Bush được nhìn thấy trên hàng trăm triệu màn hình khắp thế giới, rõ ràng đây sẽ được coi là một thắng lợi chính trị lớn của Việt Nam, một nước mà vẫn bị các phương tiện truyền thông của Tây phương xếp hạng với nhiều kỷ lục về vi phạm nhân quyền, hạn chế tôn giáo hay tham nhũng tràn lan.
Thay đổi mối tương quan
Việt Long: Phải chăng phía Việt Nam cho là những cuộc thăm viếng lâu nay giữa Hoa Kỳ và Hà Nội vẫn chưa đủ để tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế?
Hoàng Thanh Phong: Nhiều quan chức Việt Nam đánh giá rằng mặc dù chính quyền Hà Nội họ có tạo dựng được một số quan hệ với Chính phủ và Quốc hội Mỹ, thông qua các cuộc thăm viếng cao cấp cả về dân sự hay quân sự, như đã mời được Tổng thống Clinton sang thăm Việt Nam, ba lần có các tầu chiến Mỹ ghé thăm cảng Việt Nam.
Nhưng rõ ràng chính giới Mỹ vẫn chưa có một quan điểm thuận lợi cho việc đẩy mạnh các hợp tác Mỹ Việt. Trong chừng mực nào đó, ảnh hưởng của người Việt bên Mỹ tại Quốc hội còn mạnh hơn là ảnh hưởng từ Hà Nội, và Hà Nội muốn thay đổi tương quan này.
Trong quan điểm của Hà Nội, thì chính quyền Bush và Quốc hội Mỹ đã bị thông tin sai về tình hình Việt Nam. Và như vậy chuyến đi của ông Khải đặt ra nhiều kỳ vọng vào việc họ sẽ có cơ hội đưa ra các thông tin có thể ảnh hưởng lớn đến quan điểm của cả chính quyền Bush và Quốc hội Mỹ về tình hình Việt Nam trong tương lai.
Và Washington cũng cho Hà Nội cơ hội để khẳng định vị thế đại diện duy nhất và chính đáng của chính quyền hiện tại cho nước Việt Nam, với lá cờ đỏ sao vàng tung bay cạnh quốc kỳ Mỹ.
Việt Long: Thì cờ đỏ của Hà Nội vẫn tung bay ở New York từ lâu nay rồi... tuy là người Việt ở Mỹ vẫn không chịu chấp nhận, mà vẫn vận động cho lá cờ vàng của Sài Gòn trước đây làm cờ của cộng đồng Việt Nam hải ngọai, và cuộc vận động phải nói là rất thành công...
Như vậy phải chăng hình ảnh lá cờ đỏ như ông nói cũng chỉ là một cách nói biểu tuợng mà thôi?
Hoàng Thanh Phong: Vấn đề không chỉ là biểu tượng, mà chính là sự đánh dấu một bước chuyển rất quan trọng trong quan hệ Việt Mỹ. Triển vọng trong quan hệ song phương giữa hai chính quyền sẽ là yếu tố quyết định, chứ không phải là vấn đề những lá cờ, thưa anh.
Thay đổi trong cách nhìn?
Việt Long: Trở lại với sự đánh giá như ông nói hồi nãy thì Hà Nội luợng định ra sao về cái nhìn của Mỹ đối với Việt Nam? Chẳng hạn họ có cho là những vấn đề nhân quyền đã ngăn trở bang giao hai nước không?
Hoàng Thanh Phong: Các quan chức của chế độ Hà Nội đã nhận thấy có sự thay đổi trong cách nhìn của Washington, đặc biệt kể từ khi có chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton. Mặc dù phía Mỹ vẫn thường xuyên phản đối Việt Nam về các hạn chế về nhân quyền và tôn giáo, những vấn đề mà không phải chỉ có Việt Nam mà rất nhiều nước khác đang gặp phải trong quan hệ với Mỹ, nhưng sự phản đối đó không hề cản trở hai nước trong việc tiếp xúc hay mở rộng quan hệ song phương.
Hiển nhiên là phía Mỹ đã hiểu rằng chừng nào còn chế độ cộng sản ở Việt Nam, thì chừng đó những vấn đề này sẽ vẫn còn, nhưng Hà Nội cho rằng Mỹ phải chấp nhận thực tế để đi tới các quan hệ thực chất hơn.
Lịch sử đã cho thấy chế độ Hà Nội sẽ không chấp nhận nhượng bộ trước sức ép của bên ngoài cho những vấn đề thuộc về nguyên tắc của họ như vai trò của đảng cộng sản, hay các vấn đề về dân chủ hay nhân quyền.
Cho đến nay thì các nhân vật lãnh đạo ở Hà Nội vẫn là những người có quan điểm cứng rắn, và ông Khải là người được biết là thường xuyên thúc dục các quan chức chính phủ phải “Nâng cao sức chiến đấu” trước mọi vấn đề.
Phải chấp nhận thực tế?
Việt Long: Nếu như ông nói, Hà Nội cho là Mỹ phải chấp nhận thực tế để có quan hệ tốt với Việt Nam thì phải chăng họ có một sự tự tin nào đó về kinh tế, hay về vị trí chiến lược... để cho là Hoa Kỳ phải cần tới Việt Nam?
Hoàng Thanh Phong: Vâng về điều này thì tôi phải xin phép được dài giòng một chút. Tức là có một thực tế mà không phải ai cũng nhận thấy, đặc biệt là những người không có đủ thông tin về tình hình trong nước, là sau nhiều năm áp dụng chính sách đổi mới kinh tế, hay nói thực chất hơn, là sau gần 20 năm được gọi là đổi mới kinh tế, tính từ sự khởi xướng của ông Nguyễn Văn Linh năm 1996.
Việt Nam đã trải qua một thời kỳ chuyển đổi rất quan trọng - từ chỗ cố gắng đi theo các chính sách kinh tế XHCN mà luôn đi liền với thất bại, sang việc hợp pháp hóa chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam, và thực tiễn cho thấy tình hình Việt Nam ngày nay đã khác rất nhiều so với trước đây. Trong nước Việt Nam ngày nay, có hơn một phần ba giá trị sản lượng kinh tế là do khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mang lại. Một tầng lớp trung lưu đã hình thành, một số càng ngày càng đông người Việt Nam đã trở thành các chủ doanh nghiệp, và khu vực kinh tế tư nhân đã và đang lớn mạnh, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước thì đang thu hẹp dần.
Các chuyên viên kinh tế trong và ngoài nước đã đánh giá là năm 2006 sẽ là năm mà lần đầu tiên khu vực kinh tế nhà nước, hay tổng giá trị GDP của khu vực này, sẽ giảm xuống ngang bằng với khu vực tư nhân trong nước, tức là chỉ còn chiếm1/3 của GDP của Việt Nam. Xin nhắc lại. có 1/3 GDP là do đầu tư nước ngoài. Các con số này là rất ấn tượng,
Sự chuyển đổi "ấn tượng"
Việt Long: Ông gọi là rất ấn tượng, là về phương diện nào thưa ông?
Hoàng Thanh Phong: Về phương diện là thực chất thì sự chuyển đổi ở Việt Nam là không thể đảo ngược. Rằng càng ngày càng có nhiều người Việt đang trở thành chủ doanh nghiệp, rằng một tầng lớp trung lưu người Việt mà phần lớn được đào tạo và học hành từ nhiều trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, kể cả như Harvard hay Oxford đang xây dựng sự nghiệp ở Việt Nam.
Việt Long: Mời ông trình bày tiếp về những dữ kiện ông gọi là ấn tượng, ông đang nói về mặt kinh tế.
Hoàng Thanh Phong: Thì đi kèm với các cải cách kinh tế, nhiều cởi mở về chính trị cũng đã được nhìn thấy ở Việt Nam. Sự thực thì chưa bao giờ người dân trong nước lại được hưởng nhiều quyền tự do như hiện nay, kể cả quyền kiện các quan chức chính quyền như gần đây chúng ta có thể thấy.
Đối với rất nhiều người Việt Nam hôm nay, thì việc có các ông cựu đảng viên cộng sản ngày ngày vẫn công khai cất lên tiếng nói phản kháng và đấu tranh chống lại chế độ chính trị cộng sản Hà Nội sẽ là chuyện không thể nào có thể tưởng tượng được so với khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ cách đây 10 năm. Hơn nữa, cả chuyện bất đồng chính kiến ở nhiều mức độ, kể cả rất gay gắt, ngay trong bộ máy cao cấp của cộng sản cũng không còn là điều rất bí mật.
Rõ ràng đã có sự thay đổi rất quan trọng về lượng cũng như về chất trong hàng ngũ cán bộ đảng, lực lượng trung tâm của quyền lực ở Việt Nam, vì rất nhiều trong số họ ngoài việc thức tỉnh về chính trị, họ cũng đang tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào việc giúp cho chủ nghĩa tư bản bám rễ càng ngày càng rộng và chắc ở Việt Nam.
Chắc chắn là rất nhiều quan chức cộng sản nên được gọi một cách chính xác là các triệu phú đô la thì mới đúng. Ngày nay nước Việt Nam đang có số lượng triệu phú đô la nhiều hơn bao giờ hết so với lịch sử của nó. Và tầng lớp giàu có này sẽ tìm cách duy trì vị trí của họ thông qua liên doanh, liên kết với các công ty nước ngoài.
Với tât cả những điều hay hay là dở đó, tùy theo cách nhìn từ mỗi phía, thì sau bao nhiêu thăng trầm, chưa bao giờ Việt Nam nói chung và các thành viên chủ chốt của chế độ nói riêng lại có vị thế kinh tế mạnh mẽ như hiện nay.
Là một đại diện của chế độ Hà Nội, ông Phan Văn Khải hiểu rõ về các thành viên của chế độ của ông ta, ông ta biết chế độ này đang làm gì, đi đâu và sẽ cần gì. Rõ ràng là một nước Việt Nam muốn có vị trí đàng hoàng trong thế kỷ 21 thì không thể thiếu được các quan hệ thực chất với Washington.
Việt Long: Đó là kỳ vọng của Việt Nam, còn về việc gọi là Mỹ cần tới Việt Nam, thì sao? Nhưng thưa ông Phong, có lẽ phải chờ sang lần phát thanh tới, vì thì giờ hôm nay khá hạn hẹp. Mong ông vui lòng, và mời quý thính giả đón nghe cuộc trao đổi tiếp theo. Việt-Long kính chào quý vị.
Những bài liên quan
- Tầm quan trọng chuyến công du Washington của Thủ tướng Khải (II)
- Đề nghị của gia đình Bác sĩ Sơn tới Thủ tướng Khải nhân chuyến đi Mỹ
- Thủ tướng VN chỉ thị lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung phải kiểm kiểm các sai phạm trong quản lý
- Tiến sĩ Âu Dương Thệ nhận định về chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Khải
- Thủ tướng Khải thăm Hoa Kỳ
- Đại sứ Michael Marine kêu gọi người Việt hải ngọai đóng góp vào tiến trình bang giao Mỹ-Việt
- Nhận định của Ðại sứ Michael Marine về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam
- Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải
- Những tiến triển trong mối quan hệ Việt-Mỹ sau 10 năm bang giao
- Cộng đồng Người Việt ở Úc biểu tình nhân chuyến viếng thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải
- Hội thảo về ngoại giao của Việt Nam tại đại học Johns Hopkins
- Việt Nam không được mời đến Moscow dự lễ Chiến thắng Đức quốc xã
- Quan hệ Việt-Mỹ đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn dị biệt về nhân quyền
- Thủ tướng Miến Điện Soe Win viếng thăm Việt Nam
- Phỏng vấn ông Carl Thayer về mối quan hệ giữa Hà Nội, Vientiane và Phnom Penh