Bà Khúc Minh Thơ và chương trình H.O (I)


2005.07.05

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Kính chào quí thính giả, như thường lệ vào sáng thứ ba mỗi tuần, Phương Anh lại đến với quí vị trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần. Mong quí vị đón nghe.

Trong chương trình hôm nay, Phương Anh xin mời quí vị nghe câu chuyện của bà Khúc Minh Thơ, người sáng lập Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam, và cũng là ân nhân của hàng trăm ngàn gia đình tù cải tạo mà chúng ta hay gọi là gia đình H.O.

Thưa quí vị, ngược dòng thời gian, vào thời điểm tháng 4 năm 1975, một phụ nữ Việt đang làm việc cho toà Đại sứ Việt Nam Cộng Hoà lúc bấy giờ, tại Manila thì được tin miền Nam Việt nam bị thất thủ. Vô cùng hoang mang, bà xin được trở về Việt Nam ngay lập tức vì chồng và các con còn đang kẹt tại quê nhà.

Như một định mệnh đã dành sẵn cho bà, sau hai năm chờ đợi tại Phi Luật Tân, nhà cầm quyền Việt Nam nhất định không cho bà trở về. Cuối cùng, bà đành phải rời Manila và ngày 29 tháng 1 năm 1977, bà đặt chân đến phi trường Honolulu, bang Hawaii với bao nỗi sầu muộn. Chồng con bà vẫn còn bên kia bờ đại dương không biết giờ này ra sao?

Những mất mát

Cũng như bao người Việt di tản lúc ấy, bà phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn và thử thách để làm lại từ đầu. Mỗi ngày bà trông ngóng tin chồng, tin con và tìm đủ mọi cách để liên lạc. Mỗi cánh thư đi là một niềm hy vọng mong manh cho bà…Một lần nữa, nỗi ám ảnh về sự tang thương của gia đình bà do Cộng sản gây ra lại ập về….

Mồ côi mẹ khi còn bé, cha bà tái hôn và bà yêu kính người mẹ kế như mẹ ruột của mình. Tết Mậu Thân 1968, cha bà bị cộng sản bắt đi mất tích, năm 1972, người mẹ kế cũng bị cộng sản giết chết. Lập gia đình khi tròn 18, ở tuổi 23, bà sanh được 2 người con và khi đứa con thứ ba chưa chào đời thì bà được tin chồng mình bị phục kích chết trên đường đi công tác…. Rồi bây giờ, người chồng sau này cũng đang bị tù cộng sản và liệu có thể thóat khỏi cái chết hay không?

Mời bạn tham gia mục Câu Chuyện Hàng Tuần. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Năm 1977, tin từ quê nhà cho hay, ngày nào cũng có người chết trong các trại cải tạo. Lòng như lửa đốt, bà quyết tâm bằng mọi cách phải cứu lấy những người tù cải tạo, trong đó, có chồng bà. Thế là bà rủ những người phụ nữ cùng hoàn cảnh phải tìm cách lên tiếng xin chính quyền Hoa Kỳ giúp đỡ.

Tiến trình vận động

Được sự hỗ trợ của ông Shep Lowman và vợ là Hiệp Lowman, vào tháng 8 năm 1977, Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam được chính thức thành lập và khởi đầu chỉ có 8 thành viên.

Mặc dù không hề nhận tài trợ của bất cứ một tổ chức hay cơ quan chính phủ nào, bà cùng các thành viên đã vận động thành công cho hàng trăm ngàn gia đình cựu tù cải tạo được định cư tại Hoa Kỳ, bên cạnh đó là một số các nhà văn, nhà báo tên tuổi trước năm 1975 như Uyên Thao, Hoàng Hải Thủy, Thanh Thương Hoàng… cũng được ra đi. 28 năm qua, mặc dù tuổi đã cao, bà vẫn tiếp tục tranh đấu không ngừng nghỉ cho con cái của các gia đình H.O được ra đi theo diện Mc.Cain.

Ngoài công việc mưu sinh mỗi ngày, bà dành hết thời gian còn lại để đọc những lá thư cầu cứu của các gia đình HO bên Việt Nam. Hàng ngày, bà nhận được hàng chục lá thư, nói về những nỗi cơ cực, những nỗi thống khổ của họ. Đọc những dòng chữ ấy, bà tưởng chừng như chính chồng con bà cũng đang phải gánh chịu. Chúng ta hãy nghe bà kể lại những những năm tháng đầu khi đi vận động:

Tôi tới đây dự trù gặp lại bạn bè để mà lập ra cái hội, thì tôi đã liên lạc với quốc hội… Khi tôi bước qua tới Mỹ đó thì tôi chỉ biết duy nhất là ông John Mc. Cain, lúc đó là dân biểu và ông thượng nghị sĩ Kennedy là hai cái người đó hầu như ở Việt Nam ai cũng biết, tôi liên lạc trực tiếp với hai người đó …

"Tôi tới đây dự trù gặp lại bạn bè để mà lập ra cái hội, thì tôi đã liên lạc với quốc hội… Khi tôi bước qua tới Mỹ đó thì tôi chỉ biết duy nhất là ông John Mc. Cain, lúc đó là dân biểu và ông thượng nghị sĩ Kennedy là hai cái người đó hầu như ở Việt Nam ai cũng biết, tôi liên lạc trực tiếp với hai người đó …

Thì năm đó thực sự họ cũng rất là hiểu về vấn đề này nhưng mà cũng nên nhớ là lúc bấy giờ, dân chúng Mỹ đang chỉ nghĩ tới vấn đề 58 ngàn người Mỹ đã chết và mất tích ở Việt Nam, thành ra cũng không có thuận tiện để cho chúng tôi vận động với người Mỹ lúc đó.

Tôi tới gặp ông John Mc.Cain và Kennedy thì họ rất là hiểu, có một người assistant của ông John Mc.Cain, trước đã làm việc ở Việt Nam, cho nên họ hiểu nhiều về Việt Nam, họ rất là support cho tôi về tinh thần thôi…

Khi thành lập Hội là chúng tôi có một cái đường hướng rất là rõ ràng. Chúng tôi sẽ không nhận bất cứ tài trợ nào của chính phủ hay của ai cả bởi vì chúng tôi nghĩ là đây là chồng, là cha, là anh em của chúng tôi thì chúng tôi phải tự túc, có bổn phận phải lo.

Ngoài ra, chúng tôi chỉ cần giúp đỡ về tinh thần tất cả những cái khó khăn, những cơ quan thiện nguyện hay là những cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ giúp đỡ chúng tôi thôi…Hoàn toàn về tiền bạc, chúng tôi tự lo lấy…"

Chương trình H.O.

Khi được hỏi tại sao có tên là chương trình H.O. bà cho biết:

Sau khi có cái thỏa hiệp ký vào ngày 30 tháng 7 năm 1989, sau khi chúng tôi vận động ở quốc hội cũng như là bên hành pháp và luật pháp, nhất là tôi cũng luôn luôn mang ơn cố tổng thống Reagan là người đã rất là support và hiểu những sự khó khăn của chúng tôi: xa gia đình, mà không có chồng, chồng con bị tù đày thì ông rất là hiểu…

"Thực sự ra, cái tên HO là sau năm 1990 mới có cái tên, chứ hồi trước là tù nhân chính trị bởi vì mình chưa có cái chương trình mà được chấp nhận vô Mỹ. Sau khi có cái thỏa hiệp ký vào ngày 30 tháng 7 năm 1989, sau khi chúng tôi vận động ở quốc hội cũng như là bên hành pháp và luật pháp, nhất là tôi cũng luôn luôn mang ơn cố tổng thống Reagan là người đã rất là support và hiểu những sự khó khăn của chúng tôi: xa gia đình, mà không có chồng, chồng con bị tù đày thì ông rất là hiểu…

Cho nên bắt đầu từ đó cái việc vận động của chúng tôi có một ánh sáng, tôi vận động từ năm 1977, cho tới mãi 1989 thì mới được ký thỏa hiệp, đó là cái điều mà chúng tôi không bao giờ nghĩ có được vì tranh đấu và cầu mong, cầu nguyện cho được, nhưng mà cái chuyện đó đâu phải là dễ.

Trước khi ký cái thỏa hiệp 30 tháng 7 năm 1989, thì chúng tôi có lên gặp ông đại sứ Việt nam tại Liên hiệp quốc ở New York, ông tên là Trịnh Xuân Lãng, chúng tôi yêu cầu ông thả và cho những người tù nhân được ra đi định cư... Đó là điều mà chúng tôi làm để bản thỏa hiệp được ký dễ dàng hơn…."

Nỗi đau riêng trong niềm vui của mọi người

Thế là sau khi có thỏa hiệp giữa chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam, lần lượt, hàng trăm ngàn người cựu tù cải tạo và gia đình của họ được đến định cư tại Hoa Kỳ. Nhưng, trong những ngày tháng ấy, có ai biết được nỗi đau của riêng bà: nuốt những giọt lệ chảy trong âm thầm để hoà nhập niềm vui với mọi người.

Bởi lẽ, năm 1988, sau khi được thả ra khỏi trại cải tạo, vì hậu quả của những năm tháng tù tội, chồng bà đã từ trần hai năm sau đó. Sau khi mất chồng, bà vẫn tiếp tục tranh đấu cho hàng ngàn hồ sơ của những gia đình H.O gặp khó khăn khi vào phỏng vấn hay bị từ chối. Bà lấy niềm vui của những gia đình H.O khác làm niềm vui của mình, bà tâm sự.

Sau khi họ đã tới đây, cái mục tiêu chính của Hội là nhìn thấy những tù nhân, một phần là để họ được làm lại cuộc đời của họ trên đất nước tự do, nhưng mà cái mãn nguyện duy nhất của Hội Gia Đình Tù Nhân là con cháu của tù nhân chính trị…

"Bây giờ cái vui mừng nhất của hội, cái mãn nguyện vì mình làm…đó chỉ là ơn trên thôi, bởi vì cái đó là ngoài tầm tay của Hội hay là của chúng tôi…

Sau khi họ đã tới đây, cái mục tiêu chính của Hội là nhìn thấy những tù nhân, một phần là để họ được làm lại cuộc đời của họ trên đất nước tự do, nhưng mà cái mãn nguyện duy nhất của Hội Gia Đình Tù Nhân là con cháu của tù nhân chính trị…

Cái điểm đó là điểm quan trọng nhất của chúng tôi, nhìn thấy các con của tù nhân chính trị HO, học giỏi, có những đời sống tốt thì đó là mục đích của Hội.

Bây giờ vừa tù nhân vừa gia đình của họ gần 300 ngàn người thì chúng tôi gọi đó là đại gia đình của tù nhân chính trị Việt Nam, một mái ấm của đại gia đình. Bây giờ cái niềm vui của tôi là mỗi khi tôi gặp được anh em H.O., tù nhân chính trị và tôi thấy lại cái niềm vui và hạnh phúc của tất cả mấy anh em tù nhân là niềm vui của cá nhân tôi…"

Thưa quí vị và các bạn, thế còn công việc vận động ra sao? Bà đã gặp phải những khó khăn gì? Làm cách nào mà bà đã đưa được những nhà văn, nhà báo tên tuổi bị bắt sau năm 1975 ra khỏi Việt Nam?

Rồi tại sao lại có tu chính án Mc.Cain dành cho con cái của những gia đình H.O? Và hiện nay, tu chính án này ra sao, đến bao giờ thì kết thúc? Mời qúi vị và các bạn nghe tiếp phần hai trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần. Phương Anh xin tạm biệt và hẹn tái ngộ cùng quí vị và các bạn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.