Nữ diễn viên nổi tiếng Kiều Chinh, xưa và nay
2005.04.12
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Vào năm 1993, một phim của Hollywood được tung ra thị trường và ngay lập tức, được tất cả mọi giới chú ý đến. Cuốn phim đã được nhiều giới phê bình điện ảnh nhắc đến. Không những vậy, còn làm rơi lệ cho rất nhiều khán giả khi xem phim.
Cho tới bây giờ, 12 năm đã trôi qua, thế mà chỉ cần nhắc tới tựa đề của cuốn phim, thì người ta nhớ ngay đến một nữ tài tử Á Châu xuất sắc, đã thể hiện rất thành công trong vai của một phụ nữ Trung Hoa trên đường chạy loạn vì chiến tranh, kiệt sức bà đã phải bỏ lại hai con nhỏ sinh đôi dọc đường..
Người nữ diễn viên tài ba ấy chính là Kiều Chinh, nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam trong nhiều thập niên, đã thủ vai Suyuan trong phim The Joy Luck Club thật hoàn hảo, mà Phương Anh xin tạm dịch là Câu lạc bộ Của Sự May Mắn.
30 năm qua, kể từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Kiều Chinh vẫn tự nhận mình là một nghệ sĩ lưu vong, cũng như bao nhiêu người khác, đến định cư ở Hoa Kỳ với hai bàn tay trắng, Kiều Chinh đã phải bắt đầu bằng con số 0, và với tất cả nghị lực của một phụ nữ Việt Nam kiên cường, Kiều Chinh đã vượt qua bao khó khăn và trở ngại, từ ngôn ngữ đến phong tục, tập quán của xứ người để đi vào thế giới điện ảnh Hollywood.
Trong chương trình hôm nay, Phương Anh xin được dành để nói về nữ tài tử nổi tiếng này.
Chuyến bay định mệnh
Ngược dòng thời gian, vào ngày 20 tháng 7 năm 1954, hiệp định Geneve chia đôi đất nước, cô bé Nguyễn Thị Chinh, mồ côi mẹ, được cha mình gửi gấm cho một gia đình người bạn di cư vào miền Nam vì ông còn phải ở lại để đi tìm người con trai của mình.
Không ai ngờ rằng, trên chuyến bay DC3 định mệnh đó đã chở cô bé 15 tuổi, đơn côi từ Gia Lâm vào Tân Sơn Nhất đã đem lại cho miền Nam Việt Nam một đệ nhất minh tinh điện ảnh.
Mời bạn tham gia mục Câu chuyện Hàng Tuần. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Sau khi vào đến miền Nam, cô lập gia đình với người con trai của gia đình ân nhân đã cưu mang cô: một sĩ quan nhảy dù của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Họ có được 3 người con.
Năm 1957, đúng vào lúc 18 tuổi, cô bắt đầu đóng phim Hồi Chuông Thiên Mụ và lấy tên là Kiều Chinh.
Thành công rực rỡ
Ngay sau đó, lập tức được công chúng ái mộ và đón nhận nồng nhiệt. Với sắc đẹp dịu dàng tự nhiên và khả năng thiên phú, Kiều Chinh liên tiếp gặt hái những thành công trong những phim kế tiếp.
Năm 1968, cô đóng phim Destination Việt Nam và trở thành quốc khách của Phi luật tân, rồi năm 1971, Kiều Chinh lại đóng vai nàng công chúa Ấn Độ tại New Deli và đã được vinh dự đón tiếp như một nàng công chúa thực sự.
Một trong những cuốn phim về chiến tranh đạt thành quả rực rỡ nhất và Kiều Chinh đã đọat giải nữ diễn viên xuất sắc nhất trong kỳ đại hội điện ảnh Á Châu tại Đài Bắc năm 1973 là phim Người Tình Không Chân Dung. Cũng trong năm này, Kiều Chinh gửi 3 người con của mình sang Canada du học.
Lưu vong
Và đến tháng 3 năm 1975, tình hình miền Nam Việt nam đang rất căng thẳng, các con cô ở Canada đánh điện tín hối thúc cô sang Canada ngay. Chồng cô đang là một sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, chắc chắn không thể nào ra đi cùng cô được.
Một lần nữa, lòng Kiều Chinh đau đớn, cô hãi sợ trước sự chia ly, nếu cô ở lại như cha cô đã làm vào năm 1954, liệu cô có còn gặp lại các con cô nữa không? Và cô đã quyết định theo tiếng gọi của con tim người mẹ.
Từ Tân Sơn Nhất đến Singapore rồi đi Canada, Kiều Chinh đáp xuống phi trường Toronto đúng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, với gia tài chỉ có 20.000 đồng Việt Nam không còn giá trị và một cuốn sổ địa chỉ. Trong vòng tay và nước mắt của các con, lời đầu tiên cô nghe từ các con cô nói: “Sài gòn đã thất thủ rồi.!”.
Làm lại từ đầu
Những niềm vui và buồn trải dài suốt 30 năm thì nó nhiều lắm, nhưng điều ở lại trong tâm khảm mình mạnh nhất khi nhìn lại 30 năm sống ở hải ngoại thì nhớ tới đoạn đầu, lúc tay trắng rời bỏ nước ra đi tôi thấy mình giống như một cái cây bị bật hết gốc rễ lên và trôi dạt đến một miền đất xa lạ.
Sau khi đến Canada, một cơ quan trợ giúp người tị nạn đã giới thiệu cho Kiều Chinh làm cho một trại gà, hàng ngày đi bắt gà bỏ vào lồng và với mức lương 2 đô la Canada một giờ. Trong thời gian này, Kiều Chinh cố gắng tìm cách liên lạc với các tài tử Mỹ ở Hoa Kỳ mà cô đã có dịp quen biết trước đây.
Cuối cùng, cô đã bắt được liên lạc với nữ tài tử Tippi Hedren. Ngay lập tức Kiều Chinh được nữ tài tử này bảo lãnh cô cùng các con sang Hoa Kỳ định cư.
Tại California, với khả năng sẵn có, với quyết tâm của một bà mẹ có gia đình phải sinh tồn, Kiều Chinh lại làm lại từ đầu nhưng lần này, đối với cô, là một sự thử thách vô cùng lớn lao trước cánh cửa Holywood đang hé mở cho cô.
Khởi sự với bộ phim truyền hình nổi tiếng MASH, sau đó, cứ như một dòng suối chảy không ngừng, Kiều Chinh liên tiếp xuất hiện trong một lọat các phim khác, từ Chidlren of An Lạc, Letter, What’s is Cooking, Catfish in Black Bean Sauce, The Joy Luck Club…Và cho đến cuốn phim gần đây nhất là FACE, tạm dịch là Gương Mặt, đã được ra mắt khán giả khắp nơi vào cuối năm 2004 vừa qua.
Giờ đây, nhìn lại trong 30 năm qua sống ở xứ người, vươn lên từ hai bàn tay trắng, rồi được than gia vào các phim trường quốc tế, đã nhận bao nhiêu tước hiệu danh dự, từ điện ảnh, đến xã hội, văn hóa trên các diễn đàn thế giới, nữ tài tử Kiều Chinh vẫn tự nhận mình là một nghệ sĩ Việt Nam lưu vong.
Sau 30 năm nhìn lại
Khi được hỏi về kinh nghiệm vui buồn của mình sau 30 năm nhìn lại, từ quận Cam, bang California, Hoa Kỳ, Kiều Chinh cho biết:
"Những niềm vui và buồn trải dài suốt 30 năm thì nó nhiều lắm, nhưng điều ở lại trong tâm khảm mình mạnh nhất khi nhìn lại 30 năm sống ở hải ngoại thì nhớ tới đoạn đầu, lúc tay trắng rời bỏ nước ra đi tôi thấy mình giống như một cái cây bị bật hết gốc rễ lên và trôi dạt đến một miền đất xa lạ.
Quê hương thì ở bên kia bức màn tre.. gia đình tan tác, những người thân yêu thì không biết ra sao. Trước mắt thấy mình lạc sang một bên kia thế giới, một kiếp sống khác, không lý lịch, không nhà cửa, không bạn bè bà con lối xóm…
Đó là những ngày tháng đau buồn nhất. Bây giờ thì 30 năm sau, đã có gần 3 triệu người Việt tản mác khắp nơi trên thế giới. Mỗi nơi đều có một cộng đồng, có chùa, có nhà thờ, có sinh họat xum họp, có chợ Việt Nam, có nơi đi ăn phở với bạn bè.
Đó là niềm vui, đó là thành quả cố gắng của thế hệ di tản đầu tiên, và biết bao thành công khác của thế hệ trẻ mà đi vào dòng chính của những nơi mà ta nhận là quê hương. Đối với tôi, đó là niềm vui, niềm hãnh diện."
Thật là một điều thiếu sót khi không nói đến công việc từ thiện của nữ tài tử Kiều Chinh. Thật vậy, năm 1995, Kiều Chinh đã cùng vài cựu chiến binh Hoa Kỳ thành lập Hội Trẻ Em Việt Nam với mục đích giúp xây dựng trường học cho các trẻ em nghèo ở vùng xa.
Cũng trong năm này, Kiều Chinh trở về Việt Nam để thực hiện công việc của hội và nhân cơ hội thăm lại người thân của mình. Trong chuyến đi này, Kiều Chinh tìm về quê cũ, thắp nén nhang trên ngôi mộ của song thân, và điều đặc biệt hơn cả là gặp lại người anh trai sau 41 năm trời xa cách.
Qua đó, cô được biết rằng, khi bản thân nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh nổi tiếng ở Sàigòn thì người cha ruột của mình, sau khi ở lại miền Bắc, đã bị bắt giam năm 1960, 5 năm sau, ông được thả, thì người anh trai của Kiều Chinh cũng bị vào tù vì tội chơi đàn accordion với những bản nhạc ngoại quốc.
Sau khi ra tù, cả hai đều không xin được việc làm vì lý lịch xấu. Và cuối cùng cha Kiều Chinh đã chết trong sự nghèo đói và bệnh tật. Cả gia đình anh trai của Kiều Chinh đã sống trong khó khăn cho tới năm 1995, khi Kiều Chinh trờ về Hà Nội lần đầu, hai anh em mới gặp lại nhau.
Ngày nay...
Ngày hôm nay, khi tất cả đau thương đã trở thành quá khứ, giờ đây nữ tài tử Kiều Chinh của chúng ta đã tìm thấy niềm vui trong cuộc sống thực tế bình yên và hạnh phúc bên con cháu. Và tuy rất bận rộn với những buổi diễn thuyết, những ngày đóng phim, nhưng cô vẫn dành thời gian ưu tiên cho chuyện xây dựng các trường học cho các trẻ em nghèo ở Việt Nam.
Đó là những ngày tháng đau buồn nhất. Bây giờ thì 30 năm sau, đã có gần 3 triệu người Việt tản mác khắp nơi trên thế giới. Mỗi nơi đều có một cộng đồng, có chùa, có nhà thờ, có sinh họat xum họp, có chợ Việt Nam, có nơi đi ăn phở với bạn bè.
Khi hỏi về công việc này, cô cho biết:
"Cách đây vào khoảng 12 năm khi tôi đọc diễn văn trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam tại Washington DC, tôi đã có dịp gặp nhà báo Terry Anderson và một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam là ông Lewis B. Fuller Jr., một số cựu chiến binh khác, chúng tôi cùng nhau thành lập hội, lấy tên là Việt Nam Childen Fund, mục đích của hội là xây những trường tiểu học tặng cho trẻ em Việt Nam, ở những vùng bị chiến tranh tàn phá nhiều nhất.
Vào mùa hè năm 1995, tôi đã trở về Việt Nam sau 20 năm cùng với ông Terry Anderson. Chúng tôi đã về khánh thành ngôi trường đầu tiên của hội, được xây tại Đông Hà, Quảng Trị, tức là vùng ngang vĩ tuyến 17, nơi mà chia đôi đất nước trong thời chiến tranh. Cho tới nay, hội đã xây được 34 ngôi trường khắp các miền Trung – Nam và Bắc."
Thưa quí vị và các bạn, chắc hẳn các bạn cũng như Phương Anh sẽ thắc mắc một điều, không biết khi nào thì nữ tài tử Kiều Chinh của chúng ta có dự dịnh giã từ điện ảnh? Để trả lời câu hỏi này, Kiều Chinh cho biết: "Cho tới khi nào khán giả còn nhận mình (cười) và những người đạo diễn, những người viết phim còn viết vai trò cho mình và cho tới khi nào sức khỏe tôi còn thì tôi vẫn muốn làm việc."
Thưa quí vị và các bạn, Mục Câu chuyện Hàng Tuần xin ngừng nơi đây. Thân ái kính chào quí vị. Hẹn gặp lại quí vị cùng các bạn vào chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Câu chuyện của một người Mỹ gốc Việt trở về tìm kiếm người mẹ ruột sau 30 năm xa cách
- Nghề cấy trầm hương tự tạo ở Việt Nam
- Ðà Lạt và kế hoạch giải tỏa khu dân cư
- Câu chuyện của 53 thuyền nhân Việt Nam vượt biển đến Australia
- Thuyền nhân Việt Nam trở lại thăm đảo Galang, Indonesia
- Thuyền nhân Việt Nam trở về thăm lại đảo Bidong
- Câu chuyện của một người Mỹ gốc Việt trở về tìm kiếm người mẹ ruột sau 30 năm xa cách (II)
- Đại sứ Mỹ Michael Marine gặp gỡ cộng đồng người Việt tại San Francisco
- Tường trình cuộc gặp gỡ giữa Đại sứ Michael Marine với Cộng đồng Người Việt Bắc Cali
- Những thuyền nhân Việt Nam nào ở Philippines sẽ được sang Canada tị nạn?
- Vì sao sự đóng góp của người Việt hải ngoại vào trong nước còn rất hạn chế?
- Công ty môi giới hôn nhân Singapore quảng cáo rao bán cô dâu Việt Nam
- Lợi ích thiết thực về mặt xã hội của Yoga
- Niềm tự hào của ngành Y học Cổ truyền Việt Nam
- Câu chuyện của quân nhân người Mỹ gốc Việt tham chiến ở Iraq