Trung tâm La Strada - nơi giúp đỡ nạn nhân bị buôn người ở Ba Lan


2006.10.17

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Cách đây không lâu, trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần, Phương Anh có đề cập đến tệ nạn buôn người tại Đông Âu, và điểm trung chuyển những nạn nhân buôn người là Ba Lan, một quốc gia có địa lý nằm giữa châu Âu. Trong nhiều năm qua, rất nhiều nạn nhân là người Việt đã bị đưa sang Ba Lan bằng nhiều cách và hầu như không có một tổ chức chính thức nào giúp đỡ họ.

LaStrada200.jpg
Trang web của Trung tâm La Strada.

Tình trạng của những nạn nhân người Việt vô cùng thê thảm. Nhận thấy chỉ số nạn nhân người Việt ngày càng cao, một tổ chức phi chính phủ của Ba Lan, có tên La Strada, đã thành lập ban Việt Nam để giúp đỡ cho những nạn nhân này.

Đặc biệt là họ đã thiết lập đường dây điện thoại tin cẩn Việt ngữ để giúp cho các nạn nhân người Việt có cơ hội thoát khỏi tay bọn buôn người. Trong chương trình hôm nay, mời quí vị nghe những thông tin liên quan đến tổ chức La Strada và đường dây điện thoại tín cẩn Việt ngữ này.

Tổ chức bất vụ lợi đầu tiên

Thưa quí vị, để tìm hiểu về tổ chức La Starda, Phương Anh đã liên lạc với bà Stana Buchwska, là giám đốc của tổ chức này và được bà cho biết:

“La Strada là một tổ chức bất vụ lợi đầu tiên được thành lập để chống lại tệ nạn buôn người ở Đông Âu. Tổ chức này được hình thành từ năm 1995 và cho đến nay được 11 năm rồi. Chúng tôi có mặt ở 9 nước như Ba Lan, Bungary, Ukraina, Moldova, Bostinia...

Hiện nay ở Ba Lan, có rất nhiều người Việt đang sinh sống, ước tính khoảng chừng 20 đến 30 ngàn Việt Nam. Chúng tôi biết rằng đang có những kẻ buôn người đang sống trong cộng đồng người Việt. Chúng tôi được biết những tin tức như thế qua các phương tiện truyền thông Ba Lan. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn những tin tức của chúng tôi đến được với cộng đồng người Việt, nhất là thông tin về đường dây “nóng”.

Chúng tôi làm việc ở cấp quốc gia và với từng địa phương như vận động, giáo dục quần chúng về tình trạng buôn người. Đồng thời, chúng tôi cũng trực tiếp giúp cho các nạn nhân của bọn buôn người. Ở Ba Lan, chúng tôi có trung tâm khẩn cấp để đón nhận ngay các nạn nhân, có nhà tạm trú an toàn cho những nạn nhân này. Chúng tôi còn có đường dây nóng nói nhiều thứ tiếng khác nhau cho những người di dân, trong đó có tiếng Việt Nam.

Hiện nay ở Ba Lan, có rất nhiều người Việt đang sinh sống, ước tính khoảng chừng 20 đến 30 ngàn Việt Nam. Chúng tôi biết rằng đang có những kẻ buôn người đang sống trong cộng đồng người Việt. Chúng tôi được biết những tin tức như thế qua các phương tiện truyền thông Ba Lan. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn những tin tức của chúng tôi đến được với cộng đồng người Việt, nhất là thông tin về đường dây “nóng”.”

Theo lời bà cho biết, hiện nay ban Việt Nam có những chị em phụ nữ người Việt Nam, sinh sống ở Ba Lan đã lâu đến tình nguyện giúp cho La Strada. Họ là những người thiện nguyện viên rất tích cực. Ngoài việc giúp thông dịch cho những nạn nhân tại toà hay với các cơ quan pháp lý, họ còn giúp các nạn nhân về quần áo và thực phẩm. Một chị tên Phương cho biết thêm:

“La Strada cũng làm việc với luật pháp của Ba Lan để làm sao phát hiện ra đường dây buôn người và tội phạm buôn người nên ngoài việc trợ giúp nạn nhân chúng tôi còn phối hợp cả với cơ quan an ninh Ba Lan để giúp họ có thông tin về vấn nạn buôn người.”

Cũng theo lời chị Phương, càng ngày Ba Lan càng có thêm nhiều nạn nhân của bọn buôn người, vì: “Địa lý của Ba Lan nằm giữa châu Âu, những năm 90, có nhiều phụ nữ Ba Lan bị bọn buôn người bán sang các nước. Gần đây, Ba Lan là nước trung chuyển tức là nước nhận người từ các nước xa hơn như Ukraina hay nước Nga sang Ba Lan, rồi từ Ba Lan sang các nước Tây Âu. Người Việt nam ở Ba Lan khoảng 30 ngàn người phần lớn đang sống bất hợp pháp.

Theo những thống kê chúng tôi thu thập được thì khoảng 15 năm trở lại đây có khoảng 100 ngàn người Việt Nam đã bị chuyển sang Ba Lan một cách bất hợp pháp. Có thể nói 100% số đó là nạn nhân của bọn buôn người, bị ép làm tình dục, bị ép lao động … Chúng tôi coi chỉ số này rất nghiêm trọng.

Trước đây, La Strada chưa lập ra ban phụ trách về người Việt thì chúng tôi được biết có một số tổ chức cá nhân hay nhà thờ bắt gặp được nạn nhân của bọn buôn người đã giúp đỡ họ trong khả năng của mình.

Khi La Strada mở ra chương trình này, chúng tôi mong muốn rằng dựa vào cơ sở vững mạnh của họ, chúng tôi có thể giúp đỡ những nạn nhân người Việt có hiệu quả hơn, mặc dù có rất nhiều khó khăn. Bởi vì cộng đồng người Việt cũng khá đặc biệt và nạn nhân người Việt cũng có hiểu biết kiến thức về pháp luật thấp hơn những nạn nhân Đông Âu.”

Đường dây điện thoại tín cẩn

Qua những tiếp xúc chúng tôi thấy rằng có rất nhiều nạn nhân không chỉ là những phụ nữ mà còn cả nam giới. Nhiều người không có quần áo để mặc, có người còn không có tiền để mua đồ ăn. Đó là điều chúng tôi quan ngại. Nhiều khi, họ cũng không biết họ có phải là nạn nhân buôn người hay không, và họ cũng ngần ngại khi chia xẻ với các tổ chức phi chính phủ về hoàn cảnh thực của mình.

Khi hỏi thăm về đường dây điện thoại tín cẩn, chị Phương cho biết rằng: hiện tại, số người gọi đến đa số chỉ là thăm dò vì người Việt tại Ba Lan chưa quen với hình thức này. Hơn nữa, với kinh nghiệm làm việc tại La Strada từ lâu, chị nghĩ rằng những nạn nhân của bọn buôn người rất sợ hãi khi liên lạc với một số điện thoại nào đó mà họ chưa tin tưởng. Do đó:

“Hiện tại, họ vẫn đang thăm dò và chúng tôi vẫn phải đấu tranh để có được niềm tin của các nạn nhân. Vì các nạn nhân rất sợ khi nói về hoàn cảnh của mình nên chúng tôi cố gắng nhờ các phương tiện truyền thông để đưa thông tin tới các nạn nhân.”

Với chị Phương, chuyện các nạn nhân thoát ra khỏi bọn buôn người chưa phải là chấm dứt vì đa số đều gặp rất nhiều khó khăn. Chính bản thân những nạn nhân này cũng còn rất hoang mang và lo lắng. Chị kể:

“Qua những tiếp xúc chúng tôi thấy rằng có rất nhiều nạn nhân không chỉ là những phụ nữ mà còn cả nam giới. Nhiều người không có quần áo để mặc, có người còn không có tiền để mua đồ ăn. Đó là điều chúng tôi quan ngại. Nhiều khi, họ cũng không biết họ có phải là nạn nhân buôn người hay không, và họ cũng ngần ngại khi chia xẻ với các tổ chức phi chính phủ về hoàn cảnh thực của mình.

Nhiều người thoát khỏi bọn buôn người rồi nhưng họ vẫn chưa hiểu luật pháp Ba Lan có thể bênh vực họ. Chính vì vậy đường dây nóng của chúng tôi vẫn phải giải thích cho họ về luật pháp của Ba Lan trong việc bênh vực những nạn nhân của bọn buôn người. Chúng tôi cũng từng được biết có nhiều đàn ông Việt Nam sang Ba Lan cũng bị ở trong tình trạng tù đầy nào đó mà bọn buôn người ép buộc để chúng có thể thống trị sức lao động bản thân của họ.”

Chị Phương cũng cho biết, với nguyên tắc hoạt động của điện thoại tín cẩn là bảo đảm danh tính của người đối thoại phải giữ gìn bí mật tuyệt đối nên những nhân viên trực điện thoại đã được huấn luyện rất kỹ càng. Không những chỉ về các thông tin mà còn được huấn luyện về cách tư vấn, can thiệp trong những trường hợp cụ thể.

Bên cạnh việc cứu giúp các phụ nữ bị bán làm nô lệ tình dục, các nhân viên của ban Việt Nam còn hỗ trợ cho các nạn nhân của những hình thức khác như lao động khổ sai của nam giới.

Với những việc làm cụ thể, hiện nay, tổ chức La Strada càng ngày càng có thêm nhiều uy tín với chính phủ Ba Lan. Những nhân viên của tổ chức này được trực tiếp giám sát các phiên toà xử bọn buôn người, hay cố vấn và cung cấp các thông tin hữu hiệu nhất cho các cơ quan lập pháp nhằm chống lại tội phạm buôn người.

Riêng với ban Việt Nam, tuy chỉ mới thành lập, nhưng đã có nhiều đóng góp đáng kể. Tuy nhiên, vì cộng đồng người Việt có nhiều phức tạp, nên danh tánh của những nhân viên người Việt làm việc cho La Strada phải được bảo mật để bảo vệ sự an toàn cho họ. Một trong những tình nguyện viên người Ba Lan, gốc Việt, cho biết tại sao chị lại tham gia vào La Strada:

“Bởi vì tôi thấy ở Ba Lan có nhiều vấn đề trong đó có các phụ nữ cần sự giúp đỡ của mọi người nên tôi vào đây để giúp mọi người và tôi xung phong làm việc này.”

Khi hỏi chị có sợ nguy hiểm khi trở thành thành viên của La Strada, tham gia chống bọn buôn người hay không, chị tâm sự:

“Thỉnh thoảng tôi cũng sợ nhưng cái quan trọng là giúp mọi người nên công việc này làm cho tôi cảm thấy mình có ích và tôi vẫn vui vẻ làm. Dần dần, nỗi sợ hãi biến đi và bây giờ thì không có nữa.”

Thưa quí vị, hiện nay, tệ nạn buôn người ngày càng tăng ở khắp nơi trên thế giới, không hẳn chỉ ở Ba Lan mà thôi. Và điều đáng buồn hơn cả là tỉ lệ nạn nhân là người Việt Nam, nhất là các phụ nữ, ngày càng cao ở Đông Âu. Tổ chức La Strada, trong đó có những người Ba Lan gốc Việt đang ngày đêm hy sinh thời giờ và công sức để mong chặn đứng tệ nạn này và giúp đỡ cho các nạn nhân.

Họ không hề nghĩ đến những nguy hiểm có thể xảy ra khi đối đầu với những tay trùm buôn người. Lòng nhiệt huyết của họ là những đóng góp không nhỏ trong việc ngăn chận vấn nạn này ở Ba Lan cũng như ở các nước Đông Âu. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị cùng các bạn trong chương trình kỳ sau.

Thông tin trên mạng:

- Giới thiệu về Quỹ La Strada

- La Strada Czech Republic

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.