Chính quyền ngăn chặn những người dân tộc Khmer đi khiếu kiện ở An Giang


2007.04.19

Nguyễn Bình, phóng viên RFA tại Phnom Penh

Tin từ tỉnh An Giang, giáp biên giới Cambodia cho biết có khoảng trên 300 người dân tộc Khmer đang đi bộ từ Châu Đốc đến Cần Thơ để thưa kiện về đất đai. Phóng viên Nguyễn Bình từ Cambodia có bài tường trình về vụ việc này như sau.

Vào sáng thứ Năm, ngày 19 tháng Tư, khoảng trên 300 người dân tộc Khmer ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang đồng loạt xuống đường đi thành phố Cần Thơ để khiếu kiện về đất đai.

Dọc đường họ bị công an ngăn chặn không cho đi xe, do đó họ quyết định đi bộ từ đây đến Cần Thơ.

Một người trong đoàn khiếu kiện cho biết họ đang đi gần tới Long Xuyên. Họ đi Cần Thơ kiện để đòi lại đất đai bị nhà nước tịch thu vào năm 1978, 1979.

Ông Chao Út, cũng là một thành viên trong đoàn khiếu kiện cho biết vào năm 1978, lúc xảy ra chiến tranh biên giới, tất cả người dân tộc Khmer ở An Giang và gia đình ông bị nhà nước buộc di dời đi tỉnh Hậu Giang.

Đến năm 1981 trở về thì đất ruộng của ông bị nhà nước tịch thu để làm lâm trường trồng chàm. Đến khi lâm trường tan rã, nhà nước không trả lại đất cho ông, mà đem cấp cho cán bộ đảng viên.

Hiện gia đình ông rất nghèo, sống bằng nghề làm thuê làm mướn. Ông đã khiếu nại nhiều lần ở cấp huyện và cấp tỉnh nhưng không được giải quyết. Nay ông đến Cần Thơ để khiếu nại với cơ quan trung ương đóng tại đó.

Ông Trần Mạnh Rinh, phát ngôn viên của tổ chức Liên minh Khmer Kampuchea Krom ở Mỹ cho biết tổ chức ông cũng nhận được nhiều đơn khiếu kiện của bà con ở An Giang. Ông cho rằng chính quyền Việt Nam đang thực hiện chính sách sai lầm về đất đai.

Ông Trần Mạnh Rinh cho biết thêm là tổ chức ông sẽ vận động người Khmer Krom biểu tình trên toàn thế giới vào ngày 20 tháng Tư tới, để yêu cầu chính quyền Việt Nam trả lại đất đai cho người Khmer ở An Giang và trả tự do cho 3 vị sư bị bắt ở Sóc Trăng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.