Trà Mi, phóng viên đài RFA
Có thể nói người phụ nữ được giới truyền thông quốc tế chú ý nhiều nhất trong tuần qua là đương kim đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, Laura Bush, khi bà thực hiện chuyến công du lần đầu tiên sang xứ sở Hồi Giáo Afghanistan, với mục đích kêu gọi, cổ võ cho nữ quyền tại đây.

Chuyến đi này được xem là một trong những dấu hiệu cho thấy đệ nhất phu nhân nước Mỹ bắt đầu góp tiếng nói vào chính trường và ngoại giao, thay đổi hình tượng ban đầu về một Laura trầm lặng ở nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống George W.Bush.
Chuyên mục Phụ Nữ kỳ này xin được dành để nói người phụ nữ không chỉ nổi tiếng trên nước Mỹ, mà còn được cả thế giới biết đến: phu nhân Laura Bush.
"Laura mới"
Giới phân tích thời cuộc quốc tế đã gọi đệ nhất phu nhân ở nhiệm kỳ hai này là "Laura mới", vì bộ cánh của một nhà ngoại giao mà bà vừa khoác lên mình, khác hẳn với một Laura trước vốn ít nhúng tay vào chính trường.
Chuyến viếng thăm Afghanistan của phu nhân hôm thứ tư tuần qua tuy ngắn ngủi chỉ trong 6 giờ đồng hồ, nhưng đã gây nhiều tiếng vang vì đây một chuyến xuất ngoại một mình hiếm thấy của bà Bush, và cũng là tín hiệu cho thấy đệ nhất phu nhân đã bắt đầu bước ra khỏi 4 bức tường của Nhà Trắng để tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn.
Với mục tiêu trọng tâm của chính quyền Bush nhiệm kỳ hai là cải thiện ấn tượng về người Mỹ trong cái nhìn của quốc tế, sự góp mặt của đệ nhất phu nhân có thể là một con chốt quan trọng trên bàn cờ chiến lược đó.
Chuyên gia James Rosebush, ngưòi từng là trợ lý cho đệ nhất phu nhân Nancy Reagan, và cũng là tác giả của cuốn sách viết về các đệ nhất phu nhân của nước Mỹ, nói rằng những gì bà Bush có thể làm để cải thiện bộ mặt Hoa Kỳ cũng như hình ảnh của Tổng thống Bush trên trường quốc tế là không có giới hạn.
Chuyến viếng thăm Afghanistan
Điển hình gần đây nhất là chuyến viếng thăm bất ngờ của phu nhân Bush đến Afghanistan, sào huyệt trước kia của mạng lưới khủng bố Al Qaeda và hiện có 17 ngàn binh sĩ Mỹ trú đóng để tiếp sức với xứ sở này chống lại quân nổi dậy. Trọng tâm của chuyến công du này là cổ võ cho nữ quyền, mà đặc biệt là giáo dục và tự do dân chủ cho phụ nữ Afghanistan.
Chuyến đi nằm trong khuôn khổ của phái đoàn Hội đồng Phụ Nữ Mỹ-Afghanistan, với mục tiêu giúp phụ nữ tại đây có cơ hội được học tập, một quyền lợi đã bị tước đoạt bởi thể chế Taliban trước đây.
Chúng ta vừa thoát khỏi sự thống trị của khủng bố chỉ vài năm nay, khi đó phụ nữ không được đi học và không được hưởng những quyền cơ bản nhất.
Trong vòng vây bảo vệ an ninh nghiêm ngặt tại thủ đô nhiều bụi bặm và đầy nguy hiểm như Kabul, bà Bush đã đến thăm các nữ sinh viên Viện đào tạo sư phạm, và phát quà cho trẻ em trên đường phố. Ngoài ra, bà còn có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Hamid Kazai của Pakistan và ăn tối với lính Mỹ tại căn cứ Bagram.
Phát biểu tại Viện đào tạo nữ giảng viên ở thủ đô Kabul, bà Bush công bố khoản viện trợ trị giá hơn 17 triệu mỹ kim thiết lập trường đại học Hoa Kỳ tại Afghanistan, xây dựng nhà cửa và tạo các nguồn học bổng dành cho nữ giới. Bà còn cam kết nguồn tài trợ 3 triệu rưỡi đô la để xây mới 1 trường học quốc tế gồm các bậc học từ mẫu giáo tới lớp 12 tại xứ này.
Phu nhân Tổng thống Bush nói rằng chính phủ Mỹ nhiệt liệt ủng hộ sự tham gia của phụ nữ Afghanistan trong mọi lĩnh vực của xã hội, không chỉ tại thủ đô Kabul, mà ở mọi nơi trên lãnh thổ.
Đấu tranh cho nữ quyền
Đấu tranh cho nữ quyền, đệ nhất phu nhân Laura Bush là người từng lên án những hành động đàn áp và đối xử bất công của thể chế độc tài Taliban đối với phụ nữ Afghanistan, và gọi chế độ này là khủng bố.
Cuộc chiến chống khủng bố chính là cuộc chiến cho quyền lợi và nhân phẩm của nữ giới. Chỉ có khủng bố và Taliban mới cấm phụ nữ không được quyền đi học. Chỉ có khủng bố và Taliban mới đe doạ sẽ rút móng tay phụ nữ nếu họ sơn móng tay. Trước đây, Taliban và các đồng minh khủng bố đã đẩy cuộc sống của phụ nữ và trẻ em tại Afghanistan đi đến chỗ khốn cùng.
Trên tinh thần đó, trong bài phát biểu trước các nữ giáo viên và sinh viên tại đại học Kabul, bà Bush đã tán dương việc nữ giới Afghanistan ngày nay đã được giải phóng ra khỏi ách đàn áp cai trị của thể chế độc tài Taliban, và đồng thời kêu gọi cho quyền lợi phụ nữ xứ sở Hồi Giáo, nhất là cơ hội được học tập và được đối xử bình đẳng.
"Chúng ta vừa thoát khỏi sự thống trị của khủng bố chỉ vài năm nay, khi đó phụ nữ không được đi học và không được hưởng những quyền cơ bản nhất. Sự chuyên chế bạo ngược đó nay đã được thay thế bằng 1 nền dân chủ non trẻ, và sức mạnh của sự tự do đang được biểu trưng khắp Afghanistan.

Tuy nhiên, chúng ta phải ghi nhớ rằng dân chủ không chỉ dừng lại ở những cuộc bầu cử. Sự sống còn của 1 xã hội tự do hoàn toàn phụ thuộc vào sự góp sức tham gia của mọi công dân, kể cả nam và nữ."
Ca ngợi binh sĩ Mỹ
Trong bữa cơm tối với các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan, đệ nhất phu nhân Bush cũng đã có lời khen ngợi và cảm ơn sự hiện diện của các chiến sĩ trên vùng đất này, nhờ đó mà hàng triệu em gái tại đây đã được cắp sách đến trường.
Bởi lẽ trước khi liên minh do Hoa Kỳ cầm đầu lật đổ thể chế cai trị độc đoán của chính quyền Taliban 3 năm trước đây, tất cả trẻ em nữ đều bị cấm không được đi học. Ngày nay, trong số 5 triệu trẻ em đến trường có gần 40% là trẻ em gái.
Đệ nhất phu nhân Bush nói rằng bà muốn thăm Afghanistan từ lâu rồi, nhưng chưa có cơ hội thực hiện. Đặc biệt là năm ngoái bà quá bận bịu với chiến dịch tranh cử của chồng. Hơn nữa, các lý do về an ninh cũng đã khiến cho kế hoạch này trì trệ.
Tiểu sử của đệ nhất phu nhân Laura Bush
Về tiểu sử của đệ nhất phu nhân Laura Bush, Trà Mi đã mời chị Thy Nga cùng tham gia vào chương trình hôm nay. Vì vị phu nhân này cũng là thần tượng của chị Thy Nga mà, cho nên Trà Mi đoán chắc là chị sẽ cho chúng ta biết thêm nhiều thông tin bổ ích đây.
Hỏi: Chị Nga ơi, nhân dịp nói về vị đệ nhất phu nhân nước Mỹ, chị có thể cho em và thính giả biết sơ lược về thân thế và sự nghiệp của phu nhân Tổng thống Bush không?
Đáp: Theo Thy Nga được biết thì bà Laura Bush sinh vào ngày 4/11/1946, tại Midland, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Năm 1968, bà lấy bằng Cử nhân về giáo dục của trường Đại học Southern Methodist. Sau đó, bà là giảng viên cho các trường học tại Texas và Houston. Đến năm 1973, bà tốt nghiệp Thạc sĩ ngành khoa học thư viện tại đại học Texas ở Austin, rồi làm thủ thư cho 1 trường công cũng tại Austin.
Năm 1977 đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc đời người phụ nữ yêu ngành giáo dục sư phạm này. Đó là khi bà gặp gỡ và kết hôn với Tổng thống George Walker Bush. Hiện họ có 2 người con gái song sinh là Barbara và Jenna.
Là đại sứ danh dự của chương trình Thập niên Dân trí thuộc tổ chức UNESCO, bà Laura Bush dẫn đầu các nỗ lực của Hoa Kỳ trong công tác phổ cập giáo dục cho người dân toàn cầu, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Bà là nhà hoạt động cổ võ mạnh mẽ cho quyền bình đẳng nữ giới.
Vai trò quan trọng
Hỏi: Dạ, em cũng được biết là bà cũng tham gia rất nhiều chương trình cổ suý, khuyến khích mọi người tham gia vào ngành sư phạm trong nước. Ngoài ra, bà cũng chính là người đi đầu trong nỗ lực xây dựng Viện đào tạo dành cho các nữ giảng viên, giáo viên tại Afghanistan nữa đó.
Một cuộc thăm dò tại Mỹ vào tháng 2 mới đây cho thấy phu nhân Laura Bush được 80% dân chúng ủng hộ, trong khi Tổng thống Bush chỉ được trên 40%. Người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Bush hồi năm ngoái nói rằng phu nhân Bush giữ vai trò hết sức quan trọng trong cuộc chạy đua khít khao giữa ông Bush và đối thủ Kerry.
Đáp: Vâng đúng thế.
Hỏi: Xin cảm ơn chị Thy Nga đã góp tiếng trong chương trình hôm nay.
Đến đây, Trang Phụ Nữ xin chia tay với quý vị và hẹn gặp lại trong một chuyên đề mới trên làn sóng này vào tuần sau. Trà Mi kính chào.