Trường Văn, phóng viên đài RFA
Vi phạm luật pháp ở mọi nơi, mọi cấp, là “chuyện thường ngày ở huyện” hay chuyện mà người dân thường nói “trên bảo dưới không nghe” đã làm cho trật tự kỷ cương trong guồng máy hành chánh hiện tại của Việt Nam lỏng lẻo để mỗi khi có việc khiếu kiện nào, dân chúng không biết trông cậy vào ai.

Báo chí Việt Nam vào lúc giáp Tết Bính Tuất vừa qua rộn lên câu chuyện một đôi vợ chồng già cư ngụ tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội bị người hàng xóm khóa cổng, xây tường bít lối vào nhà, phải leo tường nếu muốn đi ra ngòai cũng như trở về nhà.
Sự vụ nghiêm trọng đến nỗi Văn phòng Thủ Tướng Chính phủ phải ra văn bản yêu cầu Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội giải quyết. Tuy nhiên gần nửa năm trôi qua, câu chuyện vẫn như cũ, tức là hai ông bà già hoặc con cái muốn đi đâu hay đến thăm nom tiếp tế vẫn phải leo tường như cũ.
Thế lực nào đã ngăn cản người dân được quyền có lối đi ra ngòai theo như qui định của luật pháp Việt Nam.?
Trao đổi trực tiếp với người dân bị trực tiếp áp bức, chúng tôi nhận được câu trả lời sau đây: "Người có hành vi trái luật được xã hội đen là các thương phế binh che chở."
Công luận bức xúc đặt câu hỏi xã hội đen nào mà chỉ thị của Thủ tướng cũng không làm chúng chùn bước ? Hay họ dựa vào các người có chức có quyền để thao túng, áp bức dân lành ? Còn các cấp lãnh đạo địa phương từ xã, ấp lên đến cấp tỉnh, thành phố thì có dựa vào xã hội đen để thủ lợi hay không ? Điển hình là các vụ án Năm Cam và Đồi Hoa Mai.
Nhỏ nhất cũng là các vụ che chở cho con cháu làm bậy như chuyện lái xe lạng lách, vi phạm luật lao thông hoặc gây tai nạn bị bắt cũng chỉ cần một cú điện thọai là được thả ra và tiếp tục hành động ngông cuồng như trước. "Con cháu các người có chức có quyền bị bắt vì đua xe… chỉ cần một cú điện thọai là được thả ra."
Góp ý cho đại hội đảng sắp tới, nhiều người quan tâm đến vận mệnh của đảng vẫn kiên trì kêu gọi xây dựng Nhà nước pháp quyền, như họ đã từng kêu gọi suốt từ hơn 30 năm nay. Kêu thì cứ kêu, hai ông bà cụ ở thủ đô dù được Thủ tướng ra chỉ thị giúp đỡ vẫn cứ phải trèo tường mỗi khi muốn ra khỏi nhà.