Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Mặc Lâm mời quý vị theo dõi câu chuyện nam diễn viên nổi tiếng trong nền điện ảnh Việt Nam vừa mới qua đời tuần qua tại Miền Nam California (Hoa Kỳ), đó là tài từ Lê Quỳnh, người được biết nhiều nhứt trong vai diễn chính bộ phim "Chúng tôi muốn sống" .
Tài từ Lê Quỳnh sinh năm 1934 tại Hà Nội. Ông di cư vào Nam năm 1954 và ngay sau đó ít lâu bắt đầu sự nghiệp điện ảnh của mình qua vai diễn trong phim Chúng Tôi Muốn Sống. Cũng từ phim này tên tuổi của ông bắt đầu nổi lên trong làng phim nhựa Việt Nam từ lúc phôi thai, sau đó ông xuất hiện liên tiếp trong nhiều bộ phim như Đất Lành, Thiếu Phụ Nam Xương, Hồi Chuông Thiên Mụ, Tổ Đặc Công 13, The Quiet American, A Night of The Dragon.
Cùng với nữ tài tử Kiều Chinh, Lê Quỳnh đã thật sự chinh phục khán giả Việt Nam qua các phim Hồi Chuông Thiên Mụ, Từ Sài Gòn Đến Điện Biên Phủ, Chờ Sáng. Ông cũng nhiều lần đại diện cho Việt Nam đi dự các liên hoan phim quốc tế ở khắp nơi trên thế giới. Tài tử Lê Quỳnh mất ngày 5 tháng 1 năm 2008 tại California, hưởng thọ 74 tuổi.
Âm thanh bản nhạc: "Một mùa thu năm qua cách mạng tiến ra đất Việt, bừng ngàn tiếng thanh niên xung phong phá xiềng. Đoàn người trai đi lên, miệng hô lớn: Quyết tiến! Quyết tiến! Chân oai nghiêm đều tiến. Một ngày qua thanh niên đã từ giấc mơ, phất cờ ...."
Bài hát mà quý vị vừa nghe được trích từ phần mở đầu bộ phim Chúng Tôi Muốn Sống. Phim được sản xuất bởi hãng Tân Việt vào năm 1956 do hai tài tử là Lê Quỳnh và Mai Trâm thủ vai chính. Tài tử Mai Trâm, trong một lần nói chuyện với Đài Á Châu Tự Do, cho biết: "Chuyện phim kể lại đời của Đại đội trưởng Vinh, một thanh niên quốc gia yêu nước, chống Pháp giành độc lập cho nước nhà. Vì chính sách cải cách điền địa nên cha mẹ là địa chủ Long đã bị chôn sống, còn chàng tuy không bị giết nhưng đã bị đày đi dân công.
Còn nữ cán bộ Lan - người yêu của Vinh, tận tuỵ hy sinh cho đảng, nhưng sau nhiều thảm cảnh dưới chế độ độc tài bất xứng, đã tỉnh ngộ trước khi rời bỏ cõi đời. Tôi xin nhắc lại, phim Chúng Tôi Muốn Sống đã ghi lại một lịch sử đau buồn của dân Việt khi cộng sản thi hành chính sách cải cách điền địa; và nay tuy đã nửa thế kỷ, đồng bào ta vẫn còn nhớ đến chính sách đã giết hại rất nhiều người vô tội. Cái thông điệp thể hiện trong phim là tiếng kêu thống thiết của những người bị đàn áp tàn nhẫn đến không còn đất để sống nữa."
Vai diễn của Lê Quỳnh trong phim này đã hoàn toàn chinh phục khán giả thời ấy. Nét diễn duyên dáng và đầy cá tính của Lê Quỳnh được giám đốc sản xuất của cuốn phim là ông Bùi Diễm, cũng là cựu đại sứ Việt Nam Cộng Hoà, cho biết : "Khi bắt đầu làm Chúng Tôi Muốn Sống thì chúng tôi cũng muốn chọn một người tài tử mà có thể nói rằng không những đẹp giai nhưng mà lại còn có khả năng để đóng phim được.
Thì trong thời gian lựa chọn ấy chúng tôi thấy Lê Quỳnh là người rất là xứng đáng đóng vai chính, thành ra chúng tôi ở trong hãng Tân Việt Điện Ảnh, tức công ty sản xuất ra cuốn phim Chúng Tôi Muốn Sống, thì có nhờ anh Vĩnh Noãn và một người đạo diễn Philippines tên là Manuel Condez, hai người hợp tác với nhau, cho nên chúng tôi sản xuất được cuốn phim Chúng Tôi Muốn Sống.
Trải qua rất nhiều thời gian với nhau khi làm cuốn phim Chúng Tôi Muốn Sống, chúng tôi phải đi ra Nha Trang, ở trong một cái trại do quân đội Việt Nam giúp, thành thử chúng tôi sống chung với Lê Quỳnh, với các tài tử khác như cô Mai Trâm. Do đó chúng tôi quen biết nhiều về cái gọi là cái khả năng đóng phim của Lê Quỳnh. Cuốn phim đó về một phương diện gọi là kỹ thuật, cũng như về phương diện tinh thần, thì vào thời đó có thể coi là một cuốn phim đầu tiên được sản xuất với đầy đủ kỹ thuật.
Thì trong thời gian lựa chọn ấy chúng tôi thấy Lê Quỳnh là người rất là xứng đáng đóng vai chính, thành ra chúng tôi ở trong hãng Tân Việt Điện Ảnh, tức công ty sản xuất ra cuốn phim Chúng Tôi Muốn Sống, thì có nhờ anh Vĩnh Noãn và một người đạo diễn Philippines tên là Manuel Condez, hai người hợp tác với nhau, cho nên chúng tôi sản xuất được cuốn phim Chúng Tôi Muốn Sống.
Và chúng tôi rất mừng là đã sản xuất được cuốn phim đó, và đồng thời chúng tôi cũng rất mừng được anh Lê Quỳnh nhận đóng cái phim đó. Lắm lúc chúng tôi cũng không đựoc rõ anh Lê Quỳnh ảnh học ở đâu diễn xuất nhưng mà sau khi thu một vài lần diễn thử thì chúng tôi thấy ảnh diễn thật đầy đủ khả năng để đóng phim. Chúng tôi đưa chuyện phim cho anh Lê Quỳnh rồi để cho ảnh đọc để ảnh nghĩ xem ảnh có thủ vai đó một cách có thể, nghìa là lột được tinh thần của cuốn phim không.
Thì ngay lúc đầu anh ta nhận thấy là anh ta có thể làm được. Và sự thực sau một hai tuần làm việc thì chúng tôi thấy ảnh đúng là người có khả năng có thể đóng vai trò chính trong phim đó, đóng vai chính với một tinh thần làm việc hết sức là thận trọng, thành thử vai trò của ảnh là vai trò hết sức xuất sắc trong cuốn phim Chúng Tôi Muốn Sống. Và chúng tôi rất vui lòng được có sự cộng tác của anh Lê Quỳnh trong cuốn phim đó."
Nhận xét về những yếu tố chính giúp tài tử Lê Quỳnh đạt được thành công trong lãnh vực phim ảnh cũng được nữ tài tử Kiều Chinh chia sẻ: "Và anh là một người vui tính, nhanh nhẹn, làm việc rất là hăng say. Anh làm việc rất là có lòng, có tình với công việc cũng như với bạn hữu trong khi đóng phim.
Tôi chỉ làm việc với anh trong 3 phim thôi, nhưng mà anh cũng còn có nhiều phim khác trước đó chẳng hạn phim rất nổi tiếng của anh là phim Chúng Tôi Muốn Sống do đạo diễn Vĩnh Noãn và ông Bùi Diễm là producer - nhà sản xuất, phim Hồi Chuông Thiên Mụ chúng tôi cùng đóng với nhau thì do đạo diễn Lê Dân và ông Bùi Diễm, tức là cựu đại sứ Việt Nam Cộng Hoà, ông cũng là producer. Anh Lê Quỳnh còn đóng nhiều phim khác nữa, chẳng hạn phim Thiếu Phụ Nam Xương của đạo diễn Jean le Duc.
Trước khi được làm việc với anh Lê Quỳnh trong phim Hồi Chuông Thiên Mụ năm 1957 thì chúng tôi là bạn, thế nên chúng tôi được biết nhau trước khi chúng tôi được đóng phim với nhau, thế nên khi đóng phim thì rất là thoải mái. Lê Quỳnh là người vui tính, làm việc hăng say, rất là nhanh nhẹn, thông minh, thành ra chúng tôi cũng có nhiều kỷ niệm với nhau.
Sau cuốn phim đầu tiên Hồi Chuông Thiên Mụ quay năm 1957, sau đó, mấy năm sau chúng tôi lại quay được phim thứ hai với nhau, đó là phim Từ Sài Gòn Đến Điện Biên Phủ, cùng có với anh Đoàn Châu Mậu, với lại chị Thẩm Thuý Hằng. Rồi sau đó chúng tôi lại quay một phim thứ ba, được làm việc cùng với nhau, đó là phim Chờ Sáng của đạo diễn Lê Mộng Hoàng.
Anh Lê Quỳnh cũng như là tôi hoặc các diễn viên khác trong nền điện ảnh Việt Nam, thưa anh Mặc Lâm, là chúng tôi cũng kém may mắn là vào nghề vào hoàn cảnh của đất nước trong thời gian chiến tranh, thành ra chúng tôi cùng làm việc rất là hạn chế, mà đặc biệt anh Lê Quỳnh lại là một người trong quân đội nữa. Anh cũng là một Thiếu Tá ở trong Không Quân."
Lê Quỳnh cũng được nhiều người biết sau khi sang Mỹ vào năm 1975 khi ông làm việc tại cơ quan USCC chuyên lo việc giúp đỡ những người tị nạn trong giai đoạn đầu đến Mỹ. Nhạc sĩ Nam Lộc là người gần gũi với ông nhiều trong giai đoạn này, kể lại :
"Quỳnh được cơ quan bác ái Công Giáo, tức Hội USCC, tuyển dụng và anh đã là một trong những người cố vấn về di trú đầu tiên được sự chọn lựa của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cũng như là của Sở Di Trú để làm về vấn đề di trú, và tôi thì làm về vấn đề định cư, cho nên hai anh em chúng tôi có nhiều cơ hội làm việc với nhau trong có lẽ cả chục năm trời."
Cuộc sống mới nơi đất lạ là đề tài muôn thuở của văn nghệ sĩ lưu vong. Tài tử Lê Quỳnh không là một biệt lệ. Ông cũng có những lúc thất vọng ê chề khi đến đất Mỹ. Tuy là nơi ông sống thoải mái với đời sống vật chất, nhưng nghề nghiệp mà ông yêu thích như chính thân thể của mình đã không còn cơ hội được tiếp tục cống hiến.
Nữ tài tử Kiều Chinh kể lại một ít chi tiết mà bà biết được về ngưòi bạn diễn của mình nơi đất lạ những lúc hai người cùng nhau đi tìm vai diễn tại kinh đô Hollywood: "Thưa, lúc mới sang bên đây tôi có gặp anh Lê Quỳnh một vài lần để đi application, đi interview để đi đóng phim, cũng như là anh Đoàn Châu Mậu. Nhưng rồi cũng không thấy cả hai anh xuất hiện trong các phim trường ở đây."
Và nhạc sĩ Nam Lộc cũng chia sẻ những gì mà ông cảm nhận được từ Lê Quỳnh, người mà ông cho là tài tử điện ảnh lớn của Miền Nam Việt Nam, sau khi đến Mỹ: "Về vấn đề nghệ thuật thì tôi tin là anh có một sự thất vọng bởi vì anh cũng cố gắng để tái tham dự vào những bộ phim của Hoa Kỳ được thực hiện tại Mỹ. Tuy nhiên, cái thời gian mà anh Lê Quỳnh làm việc từ lúc đó, chiến tranh Việt Nam là một vết thương chưa lành của người Mỹ, cho nên ít ai dám thực hiện phim về Việt Nam.
Họ cứ nhờ anh đóng những vai của người Á Châu ở nước khác, thí dụ như trong một phim thì họ nhờ anh đóng vai một người chồng Đại Hàn chẳng hạn, thì anh có tâm sự với tụi tôi là thôi, anh sẽ không xuất hiện trong vấn đề phim ảnh cho đến khi mà họ quyết định sử dụng anh trong những vai của người Việt Nam. Rất tiếc là anh cũng đã lớn tuổi rồi và anh cũng bị tai biến mạch máu não cách đây khoảng 10 năm trở lại, cho nên anh không có cơ hội".
Sự ra đi của tài tử Lê Quỳnh là một mất mát lớn cho người thân của ông và cũng để lại cho những người ngưỡng mộ ông một niềm luyến tiếc. Chúng tôi xin mượn lời nữ tài tử Kiều Chinh như một lời phân ưu đến nhân tài đất Việt: "Mình tiếc là anh Lê Quỳnh cũng đã đau thời gian quá lâu rồi, nhưng sự ra đi nào cũng buồn. Nhân đây cũng xin có một lời chia tay với anh Lê Quỳnh là chúc anh lên đường bình an và chúng ta sẽ gặp lại nhau".