Phỏng vấn bà Lê Thị Phú Dung về tình hình của Mục sư Quang ở trong tù


2005.06.28

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Trong chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Phan Văn Khải, một trong những vấn đề đựơc nêu lên là tự do tôn giáo tại Việt Nam, và một trong những tên tuổi đựơc nhắc đến là mục sư Nguyễn Hồng Quang của hội thánh Tin Lành Menonite.

Ban Việt ngữ đã hỏi chuyện bà Lê Thị Phú Dung, vợ mục sư Nguyễn Hồng Quang về tình hình ông Quang ở trong tù, bản thân bà và các cháu nhỏ ở ngoài cũng như sinh hoạt của hội thánh.

Bà Dung: Mới đây thì tôi cũng mới vừa đi thăm chồng tôi về thì sức khỏe chồng tôi thì tôi thấy là không được như khi còn ở nhà và chồng tôi nói là chồng tôi hay bị đau đầu. Ở trong điều kiện ở trong đó thì cũng không có đầy đủ về vệ sinh lắm cho nên cũng bị những bệnh về ngoài da, và cũng đau bau tử.

Nguyen-Hong-Quang030728_150.jpg
Mục sư Nguyễn Hồng Quang, hình chụp hôm 28-7-2003 (Source: Mennonite Church Canada file photo)

Và khi ở nhà thì chồng tôi đã hay bị đột quị rồi cho nên tôi rất là lo lắng dù cho chồng tôi không có nói ra là gặp những khó khăn gì và chồng tôi chỉ sợ là gia đình sẽ lo lắng và chồng tôi chỉ yên ủi là tôi ráng chăm lo cho 3 đứa nhỏ và lo công việc của Giáo Hội thôi.

Trà Mi: Dạ chúng tôi vừa được biết là Mục sư Quang vừa được chuyểnn lên trại giam ờ Đaklak, xin bà cho biết điều kiện sinh hoạt ở đây như thế nào?

Bà Dung: Tôi thì cũng mới lên thăm có một lần thôi, hôm chủ nhật 19/6. Ở Thành phố mà đi lên đến đó từ 8h00 tối lên tới thành phố Ban Mê Thuộc cũng là 3h30 sáng. Khi lên đó phải đi thêm 9 cây số nữa thì mới đến trại Đắc Trung. Đi đường xa như vậy mà lên đến nơi thì chúng tôi cũng chỉ được gặp từ 15 phút đến 20 phút thôi.

Chồng tôi nói rằng bị giam chung trong phòng khoảng 100 người, có rất nhiều thành phần trong đó và các bệnh xã hội là có ở trong đó. Chồng tôi cũng nói điều đó nhưng mà chồng tôi cũng nói với tôi là nói cho gia đình biết nhưng mà nếu nói rộng rãi ra thì chồng tôi rất sợ sẽ gặp những sự khó khăn. Cho nên lòng tôi rất là lo lắng cho chồng của mình, chỉ sợ là khi chồng tôi được thả ra rồi sẽ bị nhiễm những bệnh mà mình không làm. Không nói ra thì chúng ta cũng biết rồi là những bệnh về HIV.

Trà Mi: Sau chuyến thăm vừa rồi bà thấy tâm trạng của ông như thế nào?

Bà Dung: Nói chung thì chồng tôi cũng lo lắng vì ở trong môi trường đó. Nếu như ai ở trong trại, ở trong tù đều biết là khi chuyển đến trại mới đều có dạng “đầu gấu”. Khi mình đến thì thường thường họ hay uy hiếp tinh thần mình trước.

Chồng tôi nói là chồng tôi cũng bị điều đó, cũng có bị đánh nhưng cũng có Chúa che chở nên chồng tôi cũng đỡ được điều đó. Nhưng nói chung là cũng ở trong sự lo lắng mình dễ bị uy hiếp cho nên là tôi cũng lo lắng điều đó lắm.

Trà Mi: Những chuyến thăm nuôi bà có gặp khó dễ gì không, và mỗi lần như vậy được thăm nuôi trong thời gian bao lâu?

Bà Dung: Việc thăm nuôi thì không có gặp khó dễ gì vì chúng tôi cứ theo thủ tục mà vào thăm thôi. Chỉ những người thân ruột thịt trong gia đình mới được thăm thôi còn bạn bè thì họ không giải quyết.

Cho nên là nhiều Mục sư cũng như bạn bè của chồng tôi muốn thăm nhưng họ không giải quyết. Chỉ có tôi hay là mẹ hay là anh em ruột mới được vào thăm thôi. Chuyển qua trại mới này thì thăm cũng được 15-20 phút thôi, lịch thăm là một tháng một lần.

Trà Mi: Thưa bà là từ đó đến nay bà có nộp đơn xin kháng án hay bênh vực cho chồng mình không?

Bà Dung: Lúc trước thì tôi có nộp đơn, kỳ mà xử sơ thẩm xong thì gia đình tôi có làm đơn để xin xử phúc thẩm. Nhưng mà qua việc xử phúc thẩm thì tôi thấy không có sự trông cậy gì nữa. Bỏi vì xử thì tôi thấy lên tòa thì cũng chiếu lệ thôi, cho nên tôi thấy là mình không có lòng tin nếu mình xin xét xử một lần nữa nên gia đình tôi không làm nữa.

Chồng tôi cũng nói ở ngoài là đừng có xin xét xử gì nữa.

Trà Mi: Thế còn tình trạng sinh sống của bà ở ngoài như thế nào, có gặp trở ngại, khó khăn gì hay không?

Bà Dung: Tôi thì đang đi học, tôi còn phải nuôi 3 đứa con nhỏ. Tôi hiện tại cũng đang thất nghiệp chưa làm công việc gì hết, bởi vì tinh thần của tôi đang rối, tôi phải đối diện với nhiều khó khăn lắm nên tôi chưa có tập trung để có thề làm công việc gì để ra tiền để nuôi con.

Về phía chính quyền thì trước đây họ liên tục cứ vào kiểm tra nhân khẩu. Nhiều khi đêm ngủ cũng không yên, họ cứ gõ cữa và kiểm tra miết thôi. Điều thứ hai nữa là về phần bên Hội Thánh thì nhà tôi cũng là một Hội Thánh cho nên có sự nhóm lại.

Mỗi chủ nhật chúng tôi nhóm lại thì chính quyền đều đến và ép buộc chúng tôi giải tán và mời những tín đồ của chúng tôi lên phường. Sau đó thì liên tục mời tôi là chủ nhà phải lên phường liên tục như vậy, bắt tôi phải cam kết không cho tín đồ đến nhà mình thờ phượng Chúa. Phần nữa là liên tục hết phường rồi đến an ninh quận đều mời tôi lên làm việc về việc nhóm họp đạo.

Bên cạnh đó thì việc xây dựng của gia đình chúng tôi đã lâu lắm rồi, cách đây cũng năm 2000 2002 rồi. Hồi đó chồng tôi còn bên ngoài thì họ không đến cưỡng chế bây giờ thì chỉ có mình tôi và 3 con nhỏ thì họ cứ liên tục mời về việc biểu cưỡng chế nhà cửa. Chiều hôm nay tôi cũng phải làm việc, sáng làm việc với phường chiều làm việc với quận.

Trà Mi: Sau hai lần họ kêu bà lên làm việc thì nội dung làm việc như thế nào và họ nói những gì?

Bà Dung: Họ cũng yêu cầu chúng tôi là cam kết là không được nhóm họp thờ phượng Chúa nữa. Nếu như mà chị tiếp tục để cho người khác đến nhà chị nhóm họp thờ phượng Chúa thì chúng tôi sẽ thực hiện theo pháp luật, họ nói như vậy.

Có những lần trước thì những anh công an có nói là chúng tôi sẽ không có ngừng ở chổ lập biên bản hành chính với chị đâu, những cái này cộng lại và chúng tôi sẽ đưa chị ra và sẽ truy tố trước pháp luật về cái tội là chị đã chống lại với người thi hành công vụ là yêu cầu mà chị không nghe và chị sẽ bước tới cái vi phạm đó và chị sẽ bị truy tố trước pháp luật về tội chống người thi hành công vụ đó.

Họ nói là chúng tôi không có muốn bắt chị để con nhỏ của chị ở ngoài mồ côi. Tối chủ nhật thì họ tới lập biên bản và sáng thứ hai là họ mời làm việc, họ luôn luôn biểu chúng tôi cam kết là ngưng và giải tán không cho Hội Thánh nhóm họp nữa cho đến chừng nào Giáo Hội của chị được nhà nước này công nhận, ở trên lệnh xuống cho chúng tôi là cho chị nhóm thì chúng tôi sẽ cho chị nhóm. Còn bây giờ chị không được công nhận cho nên chị không được nhóm.

Tôi cũng nói là việc nhóm họp của chúng tôi là quyền tự do tín ngưỡng của chúng tôi. Tôi cũng đề đạt nguyện vọng của Hội Thánh chúng tôi là chúng tôi chỉ muốn thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình, chúng tôi muốn là những người cùng niềm tin tín ngưỡng của chúng tôi được ngồi lại để thờ phượng Chúa thôi.

Trà Mi: Thế thì họ phản ứng ra sao trước câu trả lời của bà?

Bà Dung: Họ cho tôi là nói ngang và cố tình chống đối lại chính quyền cho nên từ đó họ nói rằng chúng tôi sẽ có biện pháp để ngăn chị lại. Và họ đã thực hiện, những biện pháp là họ đưa loa thông tin, họ dán thông báo trước Hội Thánh rồi họ đi tuyên truyền những người dân xung quanh là đừng có nghe lời dụ dỗ của tôi. Họ nói rằng đừng có ham lợi vật chất mà đến nhà của tôi sinh hoạt đạo trái phép.

Trà Mi: Bà có điều gì muốn nói với quí thính giả của đài trước khi mình chấm dứt câu chuyện ngày hôm nay không?

Bạn nghĩ gì về sự kiện này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Bà Dung: Tôi chỉ ước muốn một điều là được lên tiếng để cho chồng tôi được tự do vì chồng tôi không có tội gì hết. Thứ hai là tôi muốn Hội Thánh của chúng tôi tín hữu của chúng tôi được tự do nhóm lại trên đất nước của mình, thực hiện quyền tự do của mình được nhóm lại.

Đó là những điều mong muốn của tôi.

Trà Mi: Chúng tôi rất cảm ơn bà vì thời gian đã dành cho chương trình này hôm nay và cũng xin cầu chúc cho gia đình bà mau sớm thoát được cơn hoạn nạn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.