Luật quốc tế, vấn đề then chốt của sự hoà nhập giữa Việt Nam với thế giới


2007.07.07

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Hội nhập là một từ được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong nước thời gian qua, và càng trở nên cấp bách hơn sau khi Việt Nam gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO.

BusinessWTOShopping200.jpg
Một cửa hàng bán quần áo ngoại nhập ở Hà Nội hôm 27-10-2006. AFP PHOTO

Theo một chuyên gia từng họat động lâu năm trong lãnh vực ngân hàng và tài chính ở Hoa Kỳ và Việt Nam, ông Bùi Kiến Thành, hiện là cố vấn cao cấp của tập đoàn tư vấn Hoa Kỳ AIG (American International Group) ở Hà Nội, thì pháp lý hội nhập và luật quốc tế là vấn đề then chốt của sự hoà nhập giữa Việt Nam với thế giới. Mời quí vị nghe bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện với ông Bùi Kiến Thành sau đây:

Thanh Trúc: Trước hết xin ông giải thích về khái niệm hội nhập giữa Việt Nam với khu vực và với thế giới?

Ông Bùi Kiến Thành: Khi mình đã ký những hiệp định thì dụ hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ hay hiệp định đa phương với tổ chức WTO thì có những luật điều chỉnh của những văn bản ấy.

Thí dụ với Hoa Kỳ thì có những luật của Việt Nam không phù hợp với một số những luật của bên Mỹ. Thế thì hai bên đã có sự thỏa thuận là phía Việt Nam phải điều chỉnh những đạo luật nào của Việt Nam để hiệp định có thể đi vào áp dụng được.

Cũng vậy như là WTO, Việt Nam mình chưa có đủ những đạo luật có thể áp dụng trong những quan hệ cùng với 149 quốc gia khác, thì WTO cũng có nêu ra một số những điều luật của Việt Nam mà cần phải hoặc là giải thích thêm, hoặc phải sửa đổi cho nó phù hợp. Đấy là một cách gọi là hội nhập luật pháp để những quan hệ thương mại, đầu tư có thể được điều chỉnh một cách thiết thực và phù hợp.

Thanh Trúc: Thưa ông Bùi Kiến Thành, trong tiến trình hộp nhập không thể nào không tuân theo luật pháp quốc tế mà người ta còn gọi là công pháp quốc tế. Như vậy luật pháp quốc tế chính xác ra là gì?

Luật pháp quốc tế là một lãnh vực rộng lớn , bao gồm rất là nhiều lãnh vực khác nhau. Ví dụ trong luật pháp quốc tế thì có các công ước quốc tế, nhữngt công ước quốc tế về nhân quyền , những công ước quốc tế trong hệ thống của Liên Hiệp Quốc.

Ông Bùi Kiến Thành: Luật pháp quốc tế là một lãnh vực rộng lớn , bao gồm rất là nhiều lãnh vực khác nhau. Ví dụ trong luật pháp quốc tế thì có các công ước quốc tế, nhữngt công ước quốc tế về nhân quyền , những công ước quốc tế trong hệ thống của Liên Hiệp Quốc.

Ngoài Liên Hiệp Quốc cũng còn những công ước khác điều chỉnh quan hệ giữa các nước. Ngoài ra thì còn có những hiệp ước song phương hay đa phương mà Việt Nam ký kết với nước ngoài hay là những quốc gia ký kết với nhau. Cũng có những hiệp định thương mại song phương hay đa phương mà Việt Nam đã ký.

Hay nói chung là luật pháp của các nước, các quốc gia đối tác mà Việt Nam công nhận.. Rồi thì luật điều chỉnh của các hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Nói chung là tất cả luật pháp của các nước trên thế giới có ảnh hưởng đến quan hệ ngọai giao thương mại đầu tư đối với Việt Nam đều nằm trong hệ thống của luật pháp quốc tế.

Thanh Trúc: Thưa ông trong tiến trình phát triển và hội nhập thì chính phủ Việt Nam có thể làm gì để giúp các doanh nghiệp hay các tập đoàn kinh tế lớn trong nước thấu hiểu về luật pháp quốc tế?

Ông Bùi Kiến Thành: Có lẽ vấn đề đầu tiên là phải nêu ra cho các xí nghiệp, doanh nghiệp, những tập đoàn kinh doanh của Việt Nam về tầm quan trọng để thấu hiểu luật pháp quốc tế là gì. Phải biết rằng khi ta đi giao dịch với nước ngoài ta phải tuân thủ theo một số những hệ thống luật pháp của quốc tế cũng như của các nước mà ta giao dịch.

Nên và nên lưu ý các tập đoàn rằng đây là vấn đề quan trọng chứ không phải la đi ra ký kết một văn bản hay một hợp đồng mà không thể biết luật pháp quốc tế. Còn nếu mà nói luật pháp quốc tế là gì, nhà nước có thể làm gì được thì cái này rất là khó tại vì luật pháp quốc tế là một lãnh vực vô cùng rộng lớn, nhà nước không thể nàp đi lập trường dạy học cho từng doanh nghiệp được.

Trong mỗi doanh nghiệp là phải có luật sư chuyên nghiệp bởi vấn đề này không phải là lãnh vực luật bình thường mà phải được đào tạo chuyên nghiệp thì mới nắm được phần nào cái tinh tế của luật pháp quốc tế chứ không thể nắm hết được, luật pháp quốc tế áp dụng trong việc gì, trong hợp đồng nào trong hoàn cảnh nào, ngọai giao hay an ninh quốc phòng hay cái gì khác?

Mỗi cái đều có lãnh vực luật khác nhau . Vì vậy cho nên các công ty xí nghiệp phải có những luật sư để tư vấn cho mình chứ nhà nước không thể nào tư vấn hết cho mọi ngừơi được.

Thanh Trúc: Nếu mà theo như nhận định của ông thì luật pháp quốc tế hay công pháp quốc tế vẫn còn là một khái niệm xa vời, xa lạ đối với đại đa số quần chúng trong một đất nước đang phát triển như Việt Nam?

Ông Bùi Kiến Thành: Chính xác là như vậy. Hiện nay nước Việt Nam từ một chế độ gọi là nghị quyết đi ra một nhà nước pháp quyền. Trong mười mấy năm nay trong thời kỳ đổi mới Việt Nam xây dựng nên một số luật mà nguyên những luật của Việt Nam không thì dân chúng cũng chẳng hiểu được bao nhiêu.

Thậm chí các vị làm ra những cái luật này, các đại biểu quốc hội cũng chỉ nắm được phần nào vấn đề luật tại Việt Nam thôi chứ đừng nói gì tới luật quốc tế. Vì vậy chúng ta chưa có quen về vấn đề áp dụng luật pháp, ta chưa quen sống trong một chế độ gọi là nhà nước pháp quyền hay một thế giới pháp quyền.

Vì vậy cho nên giới lãnh đạo nhà nước, những người có trách nhiệm quản lý nhà nước cũng cần phải tìm hiểu rất là sâu về luật pháp cả trong nước và nước ngoài . Còn dân chúng nói chung thì làm sao mà hiểu được . Cái này là phải từng thời kỳ từng thời gian để mà đào tạo lần lần, để sống trong cái nếp của một quốc gia pháp quyền và một thế giới pháp quyền.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông Bùi Kiến Thành và bài phỏng vấn hôm nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.