Thy Nga, phóng viên đài RFA
Lại một vụ người dân bị chiếm đoạt đất đai! Ban Việt ngữ RFA từng nhận được nhiều e-mail cho biết trường hợp bị giới chức cầm quyền cưỡng chiếm nhà cửa đất đai. Mới đây, là vụ Dòng Thánh Giuse tại Nha Trang. Từ thành phố này, một con chiên của Giáo xứ Thánh Gia, thính giả Hồng cho chúng tôi biết thêm một số chi tiết:

“Về vụ tranh chấp trường Võ thị Sáu của Dòng Thánh Giuse Nha Trang với nhà cầm quyền, thật sự nhiều lúc chúng tôi không hiểu nổi thế nào là Công lý, thế nào là Công bằng dân chủ? Sự thật hiển nhiên trước mắt như giấy tờ đất Nhà Dòng còn, mà bây giờ lại bị chính quyền cướp giữa ban ngày.
Mà đâu chỉ một vụ này, nhiều miếng đất khác trong thành phố Nha Trang cũng bị cướp trắng trợn như thế! miếng đất ở Nhà thờ Chánh Tòa cũng đang tranh chấp, miếng đất ngay Nhà thờ Phước Hải, miếng đất của Giáo xứ Ba Làng, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ, v.v… còn nhiều miếng đất bị cướp, xây làm khách sạn, và dân chúng không bao giờ có thể lấy lại được nữa, nhiều người bị lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Trong khi đó, Nhà Dòng muốn xây một bệnh viện cho dân nghèo thì thật khó khăn.” Cám ơn chị Hồng đã cho RFA Việt ngữ biết những chi tiết vừa nói. Thưa quý thính giả, tin sau cùng mà chúng tôi nhận được về vụ này, là vào sáng thứ Ba vừa qua, giờ Việt Nam, khoảng 150 giáo dân đã biểu tình đòi chính quyền Nha Trang trả lại cho Nhà Dòng Thánh Giuse trường kể trên.
Chương trình “cấp phát sổ đỏ”
* Về chương trình “cấp phát sổ đỏ”, thính giả họ Lê thuật lại lời một người bà con làm cán bộ ngân hàng tại Việt Nam:
“Sổ đỏ” là một hình thức pháp lý để người dân cầm cố với ngân hàng hầu có thể vay vốn mà buôn bán. Với lãi suất rất cao và tình trạng thiếu luật lệ rõ ràng, đa số người dân không có khả năng trả tiền lời lẫn vốn cho ngân hàng. Vì thế, ngân hàng có lý do hợp pháp để tịch thu nhà đất của họ, bán cho những người, mà đa số là cán bộ, có khả năng tài chính, và quen biết để mua lại những bất động sản đó với giá rẻ.
“Sổ đỏ” là một hình thức pháp lý để người dân cầm cố với ngân hàng hầu có thể vay vốn mà buôn bán. Với lãi suất rất cao và tình trạng thiếu luật lệ rõ ràng, đa số người dân không có khả năng trả tiền lời lẫn vốn cho ngân hàng
Một điều nữa là người vay vốn còn phải chi khoảng 3% số tiền được vay cho cán bộ ngân hàng để thủ tục được thông qua suông sẻ.
Do đó, tình trạng người dân phải làm mướn trên chính mảnh đất của mình ngày trước, là một nghịch lý hiện đang diễn ra, rất phổ biến tại Việt Nam.”
Những vụ đàn áp tôn giáo
Tin tức vẫn dồn dập về những vụ đàn áp tôn giáo. Tín hữu Công giáo, Tin Lành, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo đã và đang gặp phải nhiều khó khăn để có thể sinh hoạt đạo. Sau khi nghe bài phỏng vấn ông Lê Công Cầu, Tổng thư ký ban Hướng dẫn gia đình Phật tử Thừa Thiên - Huế, thính giả Vũ bão Tố viết đến RFA Việt ngữ như sau:
“Đạo Phật là đạo của Bi, Trí, Dũng. Hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo Việt Nam Thống Nhất có những vị cao tăng bất khuất như Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sỹ, Thiện Minh. Nay nghe cuộc phỏng vấn của Ỷ Lan với anh Lê Công Cầu thì thấy rõ sự bất khuất và thẳng thắn của một huynh trưởng gia đình Phật tử. Anh Cầu rất xứng đáng là người con Phật chân chính, nói lên tiếng nói của lương tâm, của lẽ phải mà không sợ bất cứ sự trả thù nào từ bạo quyền. Chữ “Dũng” trong đạo Phật đã được anh thể hiện trọn vẹn.
Xin gửi lời kính mến thăm hỏi đến anh Lê Công Cầu. Phật giáo Việt Nam sẽ trường tồn vì còn có những người con Phật trong sáng và bất khuất như anh.”
Cuốn “Sách trắng” về nhân quyền
Giữa lúc đó thì ông Lê Văn Bàng của Nhà nước Việt Nam lại đưa ra cuốn “Sách trắng” về nhân quyền! Sau khi xem tài liệu này, Kỹ sư Lê Công Tác và nhóm bạn hoạt động tranh đấu, đã
“hoàn toàn thất vọng vì nhà cầm quyền Việt Nam tìm cách và cố tình giải thích khác đi về vấn đề nhân quyền.”
Và phản ứng của thính giả Huỳnh Tuấn:
Điều đáng tiếc là thay vì đương đầu với thực tế để tìm cách cải thiện tình trạng nhân quyền, giới cầm quyền Việt Nam lại ra sách bào chữa cho những việc làm sai lầm của họ. Chỉ khi nào họ chịu sửa đổi cách đối xử với mọi người, và chịu tiếp nhận ý kiến của người khác thì lúc đó, người dân Việt Nam mới có cơ hội tiến kịp với cộng đồng thế giới.
“Điều đáng tiếc là thay vì đương đầu với thực tế để tìm cách cải thiện tình trạng nhân quyền, giới cầm quyền Việt Nam lại ra sách bào chữa cho những việc làm sai lầm của họ. Chỉ khi nào họ chịu sửa đổi cách đối xử với mọi người, và chịu tiếp nhận ý kiến của người khác thì lúc đó, người dân Việt Nam mới có cơ hội tiến kịp với cộng đồng thế giới.”
Nghe chuyện tức cảnh, ông Mai Văn Toản viết mấy bài thơ tựa đề “Sách trắng nhân quyền”. Bài số 2 có các câu sau đây:
“Sách trắng Nhân quyền công bố ra nói ra xấu hổ với người ta … hành đạo tôn giáo đang ngăn cấm áp bức dân lành mãi kêu ca.”
và bài thơ số 5 có các câu:
“Sách trắng Nhân quyền loại bạch thư thưa trình thiên hạ chuyện thừa dư thực tế rõ ràng ai cũng biết ngụy ngôn lắc léo giữ khư khư …”
“Ðịnh hướng Xã hội Dân chủ”
Bạn Huyên Trương ở Úc thì sau nghe cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, đã nhờ làn sóng RFA nhắn với ông rằng:
“Rất ư là khó hiểu ý tưởng của ông Hà Sĩ Phu về “định hướng Xã hội Dân chủ”. Thưa ông, nhân dân đã không hiểu “Xã hội Chủ nghĩa” vậy, liệu họ có hiểu được “Xã hội Dân chủ” hay không?
Tôi đã sống và lớn lên trong cả hai chế độ ở miền Nam. Nay thì tôi đã định cư ở xứ tự do. Tôi đã hiểu thế nào là ngôn từ rỗng tuếch trong sự tuyên truyền của các chủ nghĩa. Dân chúng không cần chuyển từ chế độ này sang chế độ kia. Cần chi tiến dần dần lên Xã hội Dân chủ! Người dân chỉ muốn được chuyển từ đói nghèo, áp bức và đau khổ sang ấm no, tự do và hạnh phúc, đơn giản thế thôi!”
Trong khi ấy, thính giả họ Võ cho rằng
“Hiện nay, người dân trong nước đã nhận thức về tình hình. Điều cần là cách thức tiến hành đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền như thế nào cho có hiệu quả cao.”
Lãnh vực giáo dục
Trong chương trình RFA Việt ngữ, các bài về lãnh vực giáo dục được nhiều thính giả quan tâm. Tiếp sau loạt bài về việc “dạy thêm, học thêm”, là vấn đề “Học sinh Việt Nam quá kém về môn Sử”. Thính giả Nguyễn Tấn nhận định:
“Môn Sử bị thấp điểm nhất là điều dĩ nhiên thôi. Lý do đơn giản là vì chế độ hiện hành đâu dám viết sử một cách trung thực! Để đánh bóng cho chế độ, Lịch sử đã bị bóp méo.
Nếu mà Việt Nam không thật sự có dân chủ cho người dân thì không chỉ môn Sử mà tất cả các môn khác, các vấn đề khác sẽ đi đến chỗ lụn bại. Nói xa hơn nữa, không chừng Việt Nam sẽ mất luôn cả chủ quyền, tới lúc đó thì sự lo âu về môn Sử bị sa sút, còn gì để nói nữa đâu!”
Và ý kiến của bạn Thiện Thanh:
“Ở Việt Nam thì làm gì có bộ môn Sử! nó phải mang tên là “Chính trị” thì mới đúng lẽ! Môn đó chỉ làm công cụ tuyên truyền, tô vẽ.
Học suốt mấy năm trời mà chỉ thấy ca ngợi Đảng Cộng sản và Hồ Chủ tịch thì biết gì đến lịch sử Việt Nam. Kiến thức về lịch sử thế giới thì còn tồi tệ hơn nữa. Với một mớ kiến thức méo mó và phiếm diện như thế thì làm sao mà hội với nhập vào thế giới văn minh!
Học suốt mấy năm trời mà chỉ thấy ca ngợi Đảng Cộng sản và Hồ Chủ tịch thì biết gì đến lịch sử Việt Nam. Kiến thức về lịch sử thế giới thì còn tồi tệ hơn nữa. Với một mớ kiến thức méo mó và phiếm diện như thế thì làm sao mà hội với nhập vào thế giới văn minh!
Em nghĩ là không cần soạn lại sách sử làm gì. Lương tâm của người viết mà không có, thì chẳng làm cái gì được đâu.
Đọc quyển “Việt Nam Sử lược” của Trần Trọng Kim, thấy yêu đất nước Việt Nam bao nhiêu, thì lại càng thấy bộ môn Lịch Sử dưới chế độ hiện hành bị thiên lệch bấy nhiêu!”
Xin cám ơn những ý kiến đóng góp của các bạn. Thưa quý thính giả, trong buổi phát thanh tối thứ Hai vừa qua, chúng tôi có đề cập đến việc phát âm mẫu tự tiếng Việt sao cho thống nhất. Lại một vấn đề nhức đầu nữa liên quan đến từ ngữ! anh em chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến của quý vị.
“Phương pháp luận sáng tạo”
* Về “Phương pháp luận sáng tạo” do anh Dương Ngọc Thạch đề xướng, bác Luơng Võ có ý kiến sau khi nghe giới thiệu trong mục “Sáng kiến và đời sống”:
“Tôi rất cảm phục và hãnh diện về quá trình tranh đấu, học hỏi, tìm tòi của bạn Dương Ngọc Thạch. Bạn đã thâu thập được Phương pháp luận sáng tạo một cách triệt để, lại vừa có thể xử dụng trong việc chế ra các mẫu đồ chơi với khả năng làm tăng trưởng sức sáng tạo của trẻ em.
Bạn lại còn tiếp tục nghiên cứu để bổ sung cho ngành học này thêm đa dạng. Tôi mong chính quyền Việt Nam nhìn thấy được công việc làm của bạn để hỗ trợ tài chính, và áp dụng phương pháp mới do bạn sáng tạo vào các lãnh vực giáo dục và thể thao.
Một nhân tài có ngay tại Việt Nam mà chính quyền không biết trọng dụng thì thật là phí phạm.”
Đến đây thì đã hết giờ cho mục của chúng ta, Thy Nga xin chào tạm biệt quý vị và các bạn nghe đài.