Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 26-1-2006)

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Cuối năm là thời điểm tổng kết mọi thứ, mục “Thư tín” cũng nhìn lại năm sắp tàn để xem các tin và bài nào được quý vị quan tâm nhiều, hầu đáp ứng cho thích nghi. Khó kiểm chứng được số thính giả RFA Việt ngữ, người ở hải ngoại nghe qua sự tiếp vận của các đài phát thanh địa phương hay nghe trên Internet; người trong nước thì phải rà các làn sóng, hay là qua email do thân nhân từ hải ngoại chuyển về, hoặc cố gắng vượt tường lửa vào Web.

NewYearDog200.jpg
Chúc mừng Năm mới. RFA PHOTO

Tình hình truy cập Web RFA Việt ngữ thì đài chúng tôi có số liệu về tất cả những đề mục trong chương trình, và theo mọi loại đúc kết. Song song với các việc vừa kể, chúng tôi cũng tiến hành thường xuyên những cuộc thăm dò ý kiến thính giả, nhất là người trong nước.

Trên danh sách 100 đề mục được xem nhiều nhất trong năm 2005, lãnh vực “Nhân quyền” đứng đầu - điều này cho thấy rõ mối quan tâm của người Việt hải ngoại cho đồng bào trong nước được hưởng cái quyền căn bản đó, trong khi ở trong nước thì ngày càng nhiều người tìm hiểu về quyền lợi của mình.

Các lãnh vực kế tiếp trong danh sách là Dân chủ, Tư liệu, Thời sự, Tôn giáo, …Trong “Tư liệu”, bài thuyết trình của Tiến sĩ Lê đăng Doanh tại một cuộc họp kín của bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam được nhiều người tìm đọc nhất.

Về bài vở, bài tường trình những tuyên bố của ông Nguyễn Cao Kỳ khi ông trở về Việt Nam, được nhiều người thắc mắc. Kế đến, là bài nói về vụ Tổng biên tập và các phòng viên của VNExpress bị Thủ tướng đích thân ra lệnh xử lý, vì họ nêu lên chuyện giới chức chính phủ “chạy đua sở hữu ô-tô cao cấp”.

Kế tiếp, là tường trình về vụ biểu tình của người Việt hải ngoại chống phái đoàn Thủ tướng Phan văn Khải tới tòa Nhà Trắng. Chuyến ông Khải sang Mỹ cũng đã đưa số lượt truy cập trang Web RFA Việt ngữ lên cao nhất. Số thính giả cũng vậy nhưng tiếc rằng, chúng tôi không kiểm được cho chính xác. Về chuyên mục thì “Âm nhạc cuối tuần” được nhiều quý vị tìm đến nhất; kế đến, là “Thời sự”, “Kinh tế”, “Đời sống người Việt khắp nơi”, “Phụ nữ”, “Thư tín”, “Đọc báo trong nước trên mạng”, … đó là các đề mục được quý vị thính giả chú ý và ưa chuộng nhất trong năm ngoái. Bây giờ thì mời quý vị và các bạn cùng Thy Nga xem chồng email nhận được trong tuần qua nhé.

Vụ cá độ 1 triệu 800 ngàn đôla

“Tôi thấy xót xa cho người dân Việt Nam, kẻ nghèo không có mảnh đất để sống, trong khi quan chức thì vung tiền đánh cá như vậy!”

Tin gây chú ý nhất là về vụ một quan chức Nhà nước Việt Nam cá độ tới một triệu tám trăm ngàn đô-la! Là chuyện vui chơi trong vòng một tháng thôi đấy, tài sản của ông ta thì còn tới đâu nữa? cứ như là tiền trên trời rơi xuống ấy!

Sau khi nghe chuyện đó, ông Tuấn Lê thở dài ngao ngán: "Trong khi ấy, biết bao người dân vẫn không có cơm mà ăn, thật đáng buồn cho đất nước mình!"

Thời mở cửa, Việt Nam nhận được bao nhiêu là tài trợ của quốc tế nhưng để xây dựng thì ít mà vào túi giới chức các cấp thì nhiều. Cảm nghĩ của thính giả Văn Vũ: “Tôi thấy xót xa cho người dân Việt Nam, kẻ nghèo không có mảnh đất để sống, trong khi quan chức thì vung tiền đánh cá như vậy!”

Bạn Chí Ngô thốt lên "Hết cỡ nói!" trong khi thính giả Phát Lê phân tách vấn đề hợp thức hóa cá cược và cho rằng: "Nên hợp thức hóa cá cược nói chung, vì có nhiều điểm lợi: thứ nhất để kiểm soát mọi hình thức cá cược, tránh những hình thức tranh chấp, thứ hai là thâu được thuế để bổ sung ngân quỹ, và thứ ba là không để món tiền lời vào tay các băng đảng thâu gom. Đây là một việc hay, mà những nước dân chủ trên thế giới đã và đang làm."

Dân chúng đi kiện Nhà nước

Hố cách biệt giữa người giàu, kẻ nghèo tại Việt Nam thật quá chừng. Trong khi các quan chức thâu tóm được tiền rừng bạc biển, của chìm của nổi, thì đời sống người dân ra sao? Theo dõi sát vụ khiếu kiện của 14 hộ gia đình ở Đồng Tháp, thính giả họ Tạ góp ý sau khi nghe bài chúng tôi hỏi chuyện người đại diện các gia đình đó, và phỏng vấn ông Phó Trưởng đoàn Thanh tra chính phủ:

“So sánh hai bài đó thì tôi thấy một vị thanh tra mà không đi xem xét, tìm hiểu nỗi bức xúc của người dân khiếu kiện. Phải chăng, ông quan này cũng chẳng hơn gì các quan quyền địa phương?”

Thính giả Văn Thành ngán ngẩm: “Dân chúng đi kiện Nhà nước thì chẳng khác nào “Con kiến mà kiện củ khoai”! Tham nhũng từ trên xuống dưới thì ai đứng ra giải quyết đây?”

Thính giả ghi trong thư là “nông dân Ái Việt” cũng kể về chuyện các đoàn thanh tra chính phủ:

“Dân chúng đi kiện Nhà nước thì chẳng khác nào “Con kiến mà kiện củ khoai”! Tham nhũng từ trên xuống dưới thì ai đứng ra giải quyết đây?”

“Những vụ bắt bớ người dân tộc thiểu số ở Tây nguyên là có thật. Chuyện đánh người, bắt người vô tội xảy ra hàng ngày. Người dân kêu cứu nhưng vô vọng, chẳng hạn như vụ xảy ra tại Sông Lô, Bãi Tiên, Khánh Hòa.

Trung Ương cử hết đoàn thanh tra này đến đoàn thanh tra kia, tìm ra được tội tầy trời của Nguyễn Văn Tự, Bí Thư Tỉnh ủy Khánh Hòa và đồng bọn, triệu ra Hà Nội xử lý nhưng rốt cuộc, y vẫn tiếp tục giữ chức Bí Thư trong nhiệm kỳ này. Hỏi ra mới biết, y là thân tín của Thủ tướng Phan Văn Khải!”

Vấn đề môi trường

Tuần này, nhiều thính giả đưa ý kiến về vấn đề môi trường, sau khi nghe về vụ dân chúng ở Nghệ An phong tỏa một nhà máy sản xuất. Email của một thính giả như sau:

“Người dân địa phương đã làm rất đúng. Phải yêu cầu nhà máy sản xuất đó dời đi nơi khác (đến khu vực chuyên sản xuất, không phải trong làng trong xóm như vậy được) và yêu cầu nhà máy bồi thường cho dân trong làng.

Nếu không có hệ thống lọc nước thải và bụi bẩn, tiếng ồn thì không cho hoạt động trở lại. Về mặt chính quyền thì phải phạt nhà máy sản xuất đó về tội gây ô nhiễm môi trường. Cũng cần phải phạt nhân vật có trách nhiệm trong cơ quan công quyền địa phương.” Từ Sydney bên Úc, thính giả Huỳnh Văn Cẩn nhận xét về vấn đề môi trường tại Việt Nam:

“Chính quyền dường như không muốn biết đến hậu quả cực kỳ nghiêm trọng gây ra từ ô nhiễm môi trường! Việc xử dụng chất hoá học trong nông nghiệp, công trường thải nước kỹ nghệ bừa bãi vào sông đã làm các sông lớn như Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai ở miền Nam bị ô nhiễm trầm trọng. Cá tôm các sông đó ngày càng ít đi.

Tôi không hiểu người dân lấy gì để sống khi mà đất và sông chỉ cung cấp thực phẩm đầy độc tố! Giờ đây, người dân phải tự bảo vệ môi trường sinh sống cho mình. Tôi ước ao là RFA sẽ đặt nặng vấn đề thông tin về hậu quả của ô nhiễm môi trường cho đồng bào Việt Nam hiểu biết thêm, và có thái độ thích hợp.

Mời các bạn tham gia mục Trao đổi thư tín với thính giả. Mọi thư từ xin gửi về Vietnamese@www.rfa.org

Mong rằng tiếng nói của quí đài sẽ đi đến tận hang cùng, ngỏ hẻm ở Việt Nam.”

Lời nhắn trong Hộp thư thoại

Trong những lời nhắn để lại trong Hộp thư thoại RFA Việt ngữ, có lời nhắn của: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Hôm nay đã là 27 Tết, những lá email chúc Xuân tiếp tục bay đến đài, ban Việt ngữ xin cám ơn các thính giả Sông quê, Mão Nguyễn, Thompson Huỳnh, Nguyễn Mộng Thường, Quốc Ái, Phong Nguyễn ở Canada, Nguyễn Khắc Trung ở Pháp, Phong Trần ở Na Uy, Văn Mai, Tiêu Dao, và đặc biệt là bạn Tôn Thất Long gửi tấm “e-card hiện đại” với những hình ảnh vui mắt.

Trước thềm Xuân mới, anh em chúng tôi tại đài mến chúc toàn thể quý vị an mạnh, hạnh phúc, phát đạt, thăng tiến như ý nguyện.