Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 20-7-2006)
2006.07.20
Thy Nga, phóng viên đài RFA
Tuần này, RFA Việt ngữ nhận được nhiều phản ứng của quý vị thính giả về vụ án gọi là “Trộm đồ cổ tại Bắc Giang” và nạn công an lộng quyền. Thính giả Lê Khôi nêu thắc mắc:
“Vụ này xảy ra kéo dài trong nhiều năm, tại Bắc Giang là một vùng mang nặng lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Người Phật tử Việt Nam phải lấy làm lạ, tại sao một vụ bắt giam nhiều tu sĩ, nhiều tín đồ Phật giáo như vậy, xảy ra bên cạnh thủ đô Hà Nội, nơi có trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam mà không thấy các vị lãnh đạo có trách nhiệm trong Giáo hội có ai lên tiếng với chính quyền, hay là hỏi han nạn nhân. Họ có quan tâm khong? họ có theo dõi nội vụ như thế nào không?”
Vụ án “Trộm đồ cổ” ở Bắc Giang
Thính giả Nam Căn viết: “Đôi khi để chứng tỏ sự tiến bộ về chính trị, nhà cầm quyền Hà Nội so sánh tình trạng dân chủ của Việt Nam hiện nay với tình trạng chính trị thời Pháp thuộc hoặc thời quân chủ tàn bạo nhất Việt Nam là thời Lê Ngọa Triều để tự mãn. Tuy nhiên không biết dưới thời Pháp thuộc, các tu sĩ có bị tra tấn dã man như hiện nay không?”
Tình cờ làm sao, trong thư của thính giả khác, tên là Bright Quang, lại có câu trả lời:
Tại sao một vụ bắt giam nhiều tu sĩ, nhiều tín đồ Phật giáo như vậy, xảy ra bên cạnh thủ đô Hà Nội, nơi có trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam mà không thấy các vị lãnh đạo có trách nhiệm trong Giáo hội có ai lên tiếng với chính quyền,
“Tôi đã tìm hiểu qua tài liệu và thấy rằng chế độ phong kiến tại Việt Nam thời xưa tốt đẹp hơn chế độ Cộng sản hiện nay vì luật pháp thời phong kiến có bảo vệ quyền lợi của người dân Việt Nam. Còn luật pháp hiện nay thì không bảo vệ quyền lợi của nhân dân, mà chỉ lo bảo vệ cho quyền lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi!
Tôi nói vậy là vì thời phong kiến, nhà vua cho phép người dân được quyền kêu oan. Đối với trường hợp bị bắt oan, bị xử bất công, người dân còn được phép đến pháp quan hay tới Hoàng Cung đánh trống kêu oan. Nhưng dưới chế độ hiện nay, dân không có cái quyền đó!”
Tệ trạng công an lộng quyền bức hiếp người dân không phải là chuyện mới lạ gì, nhưng vụ tại Bắc Giang cộng với vụ xảy ra ở Long An khiến nhiều thính giả khó chịu về nạn đó.
Bạn Thu Hằng bày tỏ cảm nghĩ:
“Thật là tội nghiệp cho người dân, đã nghèo lại còn bị lớp người có quyền thế ức hiếp. Vậy mà những người có thế lực đó lại tự gọi là “đày tớ của nhân dân.
Đày tớ gì mà lại đánh chủ?! Hy vọng qua Đài, mọi người biết nội vụ, và chính quyền địa phương có giải quyết đền bù cho người bị gây thương tích.”
Và bà A.T. ở Saigon:
“Ủng hộ Đài Á Châu Tự Do. Đài hãy tìm hiểu thêm về những oan ức của người dân trong nước, và nêu tên những công an bức hiếp dân chúng. Chân thành cám ơn đài.”
Thính giả Patrick Võ thì yêu cầu đưa vụ tu sĩ Thích Đức Chính 70 tuổi chết vì không chịu nổi tra tấn, ra trước Quốc hội Hoa Kỳ trong khi họ đang xét việc Việt Nam xin quy chế PNTR.
Nói đến PNTR thì ngay sau khi nghe diễn tiến việc này trên làn sóng RFA Việt ngữ, thính giả trong nước mà chúng tôi xin gọi tắt là V.T. viết đến đài, thuật lại những chuyện lem nhem của cán bộ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam tại tỉnh Hà Tây, và trình bày trường hợp của ông bị qui là “phản động” để giới chức Hoa Kỳ suy xét trước khi chấp thuận cho Việt Nam quy chế PNTR.
Tiến trình Việt Nam xin vào WTO, thính giả Lê Trọng bày tỏ e ngại rằng “khi được vào rồi thì nhà cầm quyền Việt Nam lại sẽ trở mặt, quên hết tất cả những lời hứa hẹn. Vì vậy, cần phải có biện pháp chế tài nào đó nếu Cộng sản Việt Nam không thi hành đúng những điều đã cam kết.”
Giám thị Đỗ Việt Khoa tố cáo tiêu cực
Hiện trạng ngành giáo dục Việt Nam khiến những người có lòng quan tâm cho tương lai nước nhà phải âu lo.
Sau khi nghe tin thày giám thị Đỗ Việt Khoa lên tiếng tố cáo tiêu cực, và được tân Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân đến thăm, thính giả Sang Hạnh có ý kiến như sau:
“Hành động của thày Đỗ Việt Khoa được đông đảo người dân theo dõi, đồng tình ủng hộ. Chúng tôi thấy việc làm này là đáng hoan nghênh. Nhưng tôi và nhiều người thất vọng trước quyết định xử lý vụ tiêu cực của Sở Giáo dục tỉnh Hà Tây.
Việc tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tới gặp thầy Khoa, nghe Sở Giáo dục Hà Tây báo cáo, và chứng kiến quyết định xử lý vụ việc như kiểu thách thức dư luận, coi thường lẽ phải như đã diễn ra, thực sự tôi không tin tân Bộ trưởng là người dám nhìn thẳng vào những tồn tại của ngành giáo dục. Sai phạm đó rồi lại rơi vào im lặng …”
Hành động của thày Đỗ Việt Khoa được đông đảo người dân theo dõi, đồng tình ủng hộ. Chúng tôi thấy việc làm này là đáng hoan nghênh. Nhưng tôi và nhiều người thất vọng trước quyết định xử lý vụ tiêu cực của Sở Giáo dục tỉnh Hà Tây.
Vấn đề cần thiết phải cải tổ ngành giáo dục được nhiều thính giả như ông T.D. nêu lên. Theo ông thì lãnh vực giáo dục Việt Nam cần phải có cuộc Cách mạng thực sự, mổ xẻ để thích hợp đáp ứng cho tương lai của dân tộc.
Và một nữ thính giả thuật lại những chuyện đáng đặt câu hỏi về tiền bạc “ăn nên làm ra” của các viên chức Sở Giáo dục Đà Lạt. Bà kể là từng “chấm điểm cho một số cán bộ muốn có bằng cấp A, B hay C tiếng Anh mà chỉ biết chào hỏi và nói được tên họ là gì mà thôi! Một người khác, với trình độ cấp 2 Trung học phổ thông đã lên làm Hiệu trưởng, chỉ vì có cái cốt đảng viên!
Vợ một cán bộ lớn tại Sở Giáo dục thì chết tại Bệnh viện Đà Lạt, có lẽ là vì trình độ của các y sĩ tại đó, như là trường hợp một giám đốc Sở Y tế Đà Lạt đưa chị ông ta từ Hà Nội vào làm. Bà ta có trình độ lớp 2 Tiểu học nhưng sau 7 năm thì trở thành Bác sĩ tại bệnh viện này. Phải chăng do tình trạng đó mà bà cán bộ ấy thiệt mạng?
Đó chỉ là vài mẩu chuyện trong muôn ngàn chuyện mà hậu quả không lường được.
Theo tôi thì để cải thiện ngành giáo dục, một mình ông tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân không làm nổi nếu không thay đổi cơ chế lãnh đạo và thể chế chính trị.”
Nỗi oan ức của dân đen
Nhiều người dân trong nước, mang nỗi oan ức vì nhà cửa, đất đai bị chính quyền chiếm đoạt mà không được bồi thường thỏa đáng, năm này qua năm nọ không được giải quyết, đã nhờ đến tiếng nói của RFA Việt ngữ, như trường hợp của bà Trần thị Hai ở tỉnh Bình Dương bị mất đất, khiếu kiện đã 14 năm nay mà chưa được giải quyết, lại còn bị nhốt vào trại giam Phú Mỹ. Phải chăng quan chức địa phương làm vậy để dấu nhẹm sự thưa kiện của bà?
- vụ ông Nguyễn Quang Tân và bà Nguyễn thị Ngọc Diễm ở huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang bị bà Bùi thị Bê dựa thế lực của người thân là cán bộ cấp tỉnh và trung ương để dỡ nhà, cướp đất.
- vụ ông Nguyễn văn Dững cậy quyền thế của thân nhân là công an tòa án tỉnh Kiên Giang để cướp đất của bà Nguyễn thị Cam.
Ban Việt ngữ RFA xin cám ơn bạn M.Đ. đã đưa tin này.
Người dân thấp cổ bé miệng, vì thế thính giả Lynda Nguyễn “hy vọng là tiếng nói của họ qua làn sóng RFA sẽ vang đến tai các nhà lãnh đạo tại Việt Nam.”
Trong khi đó, thính giả Lương Võ nhận định rằng “có sự liên đới từ trên xuống dưới để tham nhũng và cướp đoạt tài sản của dân, của quốc gia. Cấp trên bao che cho cấp dưới, để cấp dưới cung cấp tiền và tài vật lên cấp trên, vì vậy khó thể diệt trừ được nạn này. Chỉ người dân là thiệt thòi.”
Mời quý thính giả tham gia mục Trao đổi thư tín. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org
Đánh giá của NEF về Việt Nam
Vừa rồi, tổ chức hoạt động môi trường “Bạn cùng Trái đất” phối hợp với Hội NEF về tân kinh tế học, để tiến hành cuộc nghiên cứu về môi trường sống ở các quốc gia trên thế giới, và đúc kết chỉ số về mức hiệu quả của việc sử dụng môi trường sinh thái hầu đem lại an vui cho con người.
Việt Nam được chỉ số cao, tức là được đánh giá là một trong các nơi có môi trường sống dễ chịu.
Trà Mi hỏi chuyện 3 người thuộc các thành phần và các miền khác nhau trong nước thì họ nói là cuộc sống ở Việt Nam nói chung còn túng thiếu nhưng được cái là không bị căng thẳng.
Thính giả Lê đức Duy rất bằng lòng về bài này, trong khi thính giả Dũng Đoàn cho rằng người dân Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, kế đến là thời bao cấp và những đợt thanh trừng này kia nên giờ đây, có mức sống như thế này là tốt rồi. Tâm lý đó, theo thính giả Dũng Đoàn là do sống nhiều năm dưới chế độ này, người dân đâm ra không còn chí tiến thủ nữa.
Thính giả Phan Ty góp ý với Trà Mi: “Hỏi họ thêm câu nữa là: Nếu anh hoặc chị được bảo lãnh đi Mỹ, Canada, Úc hay nước ngoài nói chung thì anh chị có đi không? xem họ trả lời ra sao.
Nếu cuộc sống thoải mái thật sự thì đã không có những “cô dâu Đài Loan, Đại Hàn, Singapore, ...” và chuyện xin ra nước ngoài lao động!”
RFA Việt ngữ xin cám ơn thính giả Đức Tôn về lời góp ý của ông cho vấn đề này.
Những vấn đề khác
Nói về những chuyện đang diễn ra tại Việt Nam thì bạn P.N. ở trong nước thông báo cho ban Việt ngữ RFA biết vụ vừa xảy ra tại xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Địa phương này có dịch cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng. Vào ngày 12 vừa qua, 2 nữ sinh đi phát những tờ giấy, khuyên mọi người ăn chay để tránh bệnh, nhưng các em đã bị bắt vào đồn công an và bị qui là “liên quan đến chính trị”? Bạn P.N. viết tiếp:
Đài Á Châu Tự Do là nơi cho chúng tôi biết được nhiều tin tức bị dấu nhẹm hoặc bị bóp méo, là nơi mà chúng tôi được “thốt nên lời” những điều ấm ức của mình cũng như của đồng bào mình, mà không có một cơ quan ngôn luận nào trong nước có thể cho chúng tôi cơ hội dù rằng đó là quyền của con người, nhưng trong một xã hội như Việt Nam hiện nay, cái quyền tối thiểu đó cũng không thể nào có được.
“Đài Á Châu Tự Do là nơi cho chúng tôi biết được nhiều tin tức bị dấu nhẹm hoặc bị bóp méo, là nơi mà chúng tôi được “thốt nên lời” những điều ấm ức của mình cũng như của đồng bào mình, mà không có một cơ quan ngôn luận nào trong nước có thể cho chúng tôi cơ hội dù rằng đó là quyền của con người, nhưng trong một xã hội như Việt Nam hiện nay, cái quyền tối thiểu đó cũng không thể nào có được.
Là một thính giả của đài, tôi rất cảm động khi những vấn đề trong nước, rất nhanh được quý đài cập nhật đăng tải lên với sự quan tâm rất lớn, đặc biệt là nhiều tin nóng hổi mà chỉ Đài Á Châu Tự Do mới có, và quý đài là nhịp cầu nối chúng tôi với thế giới tự do bên ngoài, cũng như thay cho người dân nói lên tiếng nói với mong mỏi là chính phủ có sự thay đổi trong tư duy, nới rộng vòng kềm kẹp cho người dân bớt khổ …
Xin cám ơn quý đài.”
“Tin nóng đây!” là tựa đề lá email, làm anh em chúng tôi chú ý ngay. Bạn P.N. viết chi tiết rõ ràng, kèm theo cả tờ giấy mà hai nữ sinh đó phát, để cho thấy rằng đó là “chuyện thật, người thật”.
Ban Việt ngữ RFA cám ơn bạn P.N. đã sốt sắng thông tin cho chúng tôi, và mong nhận được nhiều chuyện nữa do bạn tường thuật từ trong nước.
Trà Mi nhắn là đã nhận được thư tay của thính giả Lê Chí Việt. Cô gửi lời cám ơn sự quan tâm cũng như những lời động viên, khích lệ của ông dành cho chương trình Diễn đàn Bạn trẻ do cô phụ trách.
RFA Việt ngữ xin cám ơn quý vị thính giả đã quan tâm theo dõi và đóng góp ý kiến cho chương trình.
Thy Nga cùng toàn ban chào tạm biệt, hẹn tái ngộ quý thính giả và các bạn trong mục này kỳ tới.
Các tin, bài liên quan
- Khoảng 1,000 học sinh huyện Ðức Trọng có thể không có không có lớp học
- Có dấu hiệu một vụ án oan
- Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế lên án việc tra tấn các nạn nhân ở Bắc Giang
- Thầy Đỗ Việt Khoa: Hơi thất vọng về cách xử lý của tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân
- Cái chết không bình thường của Hòa thượng Thích Ðức Chính
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 13-7-2006)
- Đợt 1 tuyển sinh đại học 2006: gian lận thời @
- Phỏng vấn ông Phạm Mạnh Hùng, nạn nhân của vụ xử tù oan ở Bắc Giang
- Ngành giáo dục Việt Nam sẽ thật sự đổi mới sau 10 năm tới
- Gian lận thi cử tại Việt Nam, căn bệnh trầm kha (phần 2)
- Làm gì để giải quyết tận gốc những tiêu cực học đường?
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 6-7-2006)
- Gian lận thi cử tại Việt Nam, căn bệnh trầm kha (phần 1)
- Giới trẻ Việt Nam ngày nay thiếu hiểu biết về giới tính và an toàn tình dục
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 29-6-2006)
- Việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam chưa đạt hiệu quả
- Nạn gian lận thi cử ngày càng phổ biến ở Việt Nam
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 22-6-2006)
- Thí sinh không nhận được giấy báo hay lỡ bị mất vẫn sẽ được dự thi đại học
- Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 15-6-2006)
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 8-6-2006)
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 1-6-2006)
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 25-5-2006)
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 18-5-2006)