Trao đổi thư tín với Thính giả ngày 30-11-2006


2006.11.30

Thy Nga, phóng viên đài RFA

LibbyLiu150.jpg
Bà Libby Liu, Tổng giám đốc đài Á Châu Tự Do. (c) RFA/Maggy Sterner.

Tự do thông tin ở Việt Nam?

Thưa quý vị, trên tờ “Wall Street Journal” số ra ngày 14 tháng 11, trong bài “Hanoi in full bloom” (Hà Nội nở rộ) của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng, ông viết rằng chính quyền Việt Nam cho phép tự do báo chí, và nói rõ là người dân được thoải mái mở trang Web của đài RFA cũng như VOA.

Tổng Giám đốc đài RFA, bà Libby Liu, cho rằng điều đó không đúng với thực tế vì Website của đài chúng tôi vẫn bị nhà cầm quyền Việt Nam ngăn chặn, sóng phát thanh thì bị phá, và đã nhiều lần, phóng viên của Đài xin phép vào Việt Nam để hành nghề một cách công khai chính thức thì bị từ chối.

Gần đây nhất là vào ngày 13 tháng 11, một phóng viên của ban Việt ngữ RFA không được phép của phía Việt Nam để tham gia đoàn báo chí của Tòa Bạch Ốc, tháp tùng Tổng thống Hoa Kỳ sang Việt Nam.

Do đó, bà Liu đã viết vài hàng như vừa nói, để vấn đề được sáng tỏ. Thư ngỏ của Tổng Giám đốc RFA được đăng trên tờ “Wall Street Journal” ấn bản Á châu số ra ngày 22 tháng 11.

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Văn Bàng nói đúng, khi phát biểu rằng nay đã đến lúc để quên đi quá khứ, nhìn về tương lai. Tuy nhiên, mọi người cần thực hiện điều ấy với nhiều cảnh giác. Đừng nên mang mối ảo vọng rằng khi Hà Nội nới lỏng cho nền kinh tế thì cũng sẽ nới lỏng sự kiểm soát hoạt động truyền thông.

Lá thư của bà Liu kết thúc với câu “Đừng nên mang ảo tưởng là khi Hà Nội nới lỏng kinh tế thì cũng nới bớt sự kiểm soát hoạt động truyền thông.”

Không được cấp giấy vào Việt Nam để tường trình tại chỗ về Thượng đỉnh APEC tuy vậy, ban Việt ngữ chúng tôi vẫn liên tục có những bài tường thuật mọi khía cạnh xoay quanh sự việc đó.

Và số liệu cho thấy là vào các ngày diễn ra hội nghị APEC, số thính giả / độc giả theo dõi chương trình Việt ngữ RFA gia tăng mạnh mẽ. Hơn 72 ngàn lượt người đã truy cập trang Web RFA Việt ngữ trong ngày 20 tháng 11, là số liệu cao nhất trong một ngày của chúng tôi, không kể số người truy cập được qua Proxy.

Bản tin được coi nhiều nhất là về Tổng thống Bush đến thành phố Hồ-chí-Minh. Riêng với đồng bào trong nước thì truy cập nhiều nhất bài nói về vị thế của Việt Nam giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Chuyên mục được coi nhiều nhất trong thời gian vừa nói, là “Điểm báo trong nước trên mạng” với bài về những tiết lộ của nguyên Thủ tướng Vũ Khoan, và chi tiết xoay quanh xì-căng-đan lừa gạt 10 triệu đô-la, gợi sự tò mò của nhiều người.

Hậu hội nghị APEC

Sau khi quan khách đến dự APEC ra về, những cảnh trí hoành tráng được hạ xuống, thì mọi chuyện trở lại như trước. Thính giả trong nước mà chúng tôi xin gọi tắt là H.M. cho rằng:

“Hội nghị APEC kết thúc, để lại suy nghĩ cho người dân Việt Nam, có lẽ miếng “Hot dog” đang dần thay thế con “cá rô cây” chăng?”

LauraBushDragonApec200.jpg
Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush và Đệ nhất phu nhân Laura Bush thưởng thức đội múa lân tại Viện bảo tàng lịch sử ở TP. HCM hôm 20-11-2006. AFP PHOTO.

Email từ Hà Nội viết đến ban Việt ngữ RFA kể lại là những kẻ ăn xin, những trẻ bụi đời bị chở đến các chỗ tập trung để cho đường phố được sạch sẽ, thì nay đã được thả ra.

Đám đông dân chúng chầu chực tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng trước Viện Tiếp dân, chờ được khiếu kiện, cũng gặp trường hợp tương tự.

Họ đã bị xúc đi để quan khách chỉ thấy toàn là những điều tốt đẹp ở thủ đô. Nay được thả ra, họ trở lại vườn hoa, tiếp tục cuộc sống vất vưởng, mong mỏi được giải quyết thỏa đáng về nhà đất của họ đã bị chiếm đoạt.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa tìm đến Đài RFA để bày tỏ tâm sự sau khi ông bị vu cáo này nọ, mà báo chí truyền thông trong nước không thể giúp ông trình bày nỗi oan ức... Ngày nào mà người dân trong nước được phép nói ra hết tâm tư thì người ta sẽ không còn chạy tới đài RFA nữa…

Tuần qua, RFA Việt ngữ nhận được thư của thính giả T.H. thuật lại hoàn cảnh gia đình ông như sau:

“Tôi là một nhà văn nghèo, sống qua ngày bằng nhuận bút. Trước kia, tôi đi “Kinh tế mới” trở về năm 1985 thì khu đất của gia đình tôi, nghe ba mẹ tôi nói là đã bị lấy, họ có bồi thường hoa màu mấy chục ngàn đồng cho 3000 mét vuông đất và hai nhà.

Trên khu đất đó, riêng phần tôi có môt căn nhà tranh trị giá hồi năm 1977 khoảng hai chỉ vàng, chẳng có một chữ ký nào của tôi trong việc gọi là “hiến cho Phường” và tôi cũng không được bồi thường đồng nào.

Mảnh đất đó từ ông cố tôi truyền lại. Đến năm 1985, mẹ tôi làm đơn hỏi Ủy ban Tỉnh thì họ cho biết là đình chỉ việc giải quyết đất cho tới khi có lệnh mới. Từ đó thì Ủy ban Phường cho một số hộ thuê tới giờ.

Tôi chỉ đồng ý nếu trưng dụng đất của tôi vào việc làm đường, trạm xá, trường học nhưng đây, họ cho thuê lấy tiền! Tôi rất buồn nhưng từ lâu không dám nói ra vì sự tồn tại. Tôi muốn hỏi Đài là có cách nào cho tôi xin chừng 100 mét vuông để ở không? …”

Nhà đất của mình mà nay phải cầu xin lại một chỗ để sống, thật là chuyện quái lạ vào thời đại này. Đã vào tay họ rồi, thì khó thể đòi lại, ông à. Chúng tôi cũng chưa biết cách nào để giúp ông đây.

Tuần rồi, “Nhóm phóng viên tại Huế” cũng chuyển đến ban Việt ngữ RFA bộ hồ sơ gồm rất nhiều văn kiện và đơn của Dòng Mến Thánh giá Huế đòi lại cơ sở của giáo hội mà chính quyền địa phương sử dụng từ đầu năm 1978 tới giờ không hoàn trả, nay còn dự định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một pháp nhân khác.

Cơ sở ấy là ngôi trường tiểu học Thêrêsa, đang được sử dụng làm trường Mầm non Phước Vĩnh và chính trường này đang xin giấy xác nhận quyền sử dụng đất.

Chia sẻ của Thính giả RFA

Thính giả Langbian nhận định, sau khi nghe bài nói về tình hình nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:

“Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa tìm đến Đài RFA để bày tỏ tâm sự sau khi ông bị vu cáo này nọ, mà báo chí truyền thông trong nước không thể giúp ông trình bày nỗi oan ức... Ngày xưa làm Cách mạng, người Cộng sản hô hào dân chúng là “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”.

Nay thì “gậy ông đập lưng ông” rồi đó! nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị áp bức nên phải lên tiếng đấu tranh. Chuyện đời thật lẩn quẩn … buồn cười ... Ngày nào mà người dân trong nước được phép nói ra hết tâm tư thì người ta sẽ không còn chạy tới đài RFA nữa ...”

Theo dõi tin tức, thính giả V.T. viết:

“Tôi rất tâm đắc với quí Đài, vì dân chủ - nhân quyền, vì công bằng xã hội mà lên tiếng giúp cho dân lành bị áp bức.

Tôi rất tâm đắc với quí Đài, vì dân chủ - nhân quyền, vì công bằng xã hội mà lên tiếng giúp cho dân lành bị áp bức. Xem được các trang Web, tôi in ra, đem về chuyền tay nhau đọc. Tôi cũng bị khó khăn khi nhà cầm quyền phát hiện là tôi quảng bá tin tức cho bà con hàng xóm cùng biết. Đã nhiều lần, tôi bị Công an gọi lên “làm việc”, nhưng tôi trả lời rằng tôi có cái quyền tự do, không thể ngăn cản tôi.

Xem được các trang Web hải ngoại, tôi in ra, đem về chuyền tay nhau đọc. Tôi cũng bị khó khăn khi nhà cầm quyền phát hiện là tôi quảng bá tin tức cho bà con hàng xóm cùng biết.

Đã nhiều lần, tôi bị Công an gọi lên, bảo rằng không được nghe các đài phát thanh, không được truy cập các trang Web mà họ cho là “chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” nhưng tôi trả lời rằng tôi có cái quyền tự do, không thể ngăn cản tôi.”

Thính giả L.M.P. ở thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu cho biết địa chỉ của đại diện khối 8406 để liên lạc vì rất quan tâm đến hoạt động của khối này.

Xin thưa là rất tiếc, chúng tôi không được phép tiết lộ địa chỉ của đại diện khối 8406 cũng như địa chỉ của tất cả những cá nhân khác.

Trong bài về những sự kiện ở Việt Nam mà báo chí quốc tế không nói đến nhân hội nghị APEC, do chúng tôi soạn dựa trên bài viết cùng tên của tác giả Andrew Lâm, phát thanh viên có đọc nhầm vài dữ kiện về các vấn đề xã hội tại Việt Nam. Xin đính chính là:

“Số vụ phá thai lên đến 1 triệu rưỡi mỗi năm, nhiều vụ thiếu nữ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, số liệu thống kê ước lượng trong vòng 4 năm tại Việt Nam đã có trên 1 triệu người nhiễm HIV.”

Xin cáo lỗi cùng quý thính giả và tác giả Andrew Lâm, và cám ơn thính giả ký tên DiemTrang đã chỉ ra chỗ sai lầm.

Thính giả với Ban Việt Ngữ

Cũng từ trong nước, thính giả ký tên là “Nước vỡ bờ” đăng ký nhận “Bản tin hàng ngày” và nói rằng nhờ có thông tin của RFA Việt ngữ mà ông hiểu về tình hình chính trị của xứ sở mình rõ hơn.

Ông còn có lời khen ngợi đài RFA đã và đang góp phần xây dựng nền tảng dân chủ thực sự cho Việt Nam. Thính giả Linh Nguyễn “gửi quý Đài địa chỉ email … của thân nhân chúng tôi ở trong nước để đăng ký lần nữa “Bản tin hàng ngày” vì trong thời điểm APEC vừa rồi, người thân của chúng tôi báo tin là không biết vì lý do gì mà không nhận được “Bản tin hàng ngày” của quý đài nữa. ”

Chúng tôi vẫn tiếp tục gửi “Bản tin hàng ngày” đấy. Nhờ bạn Linh chuyển lời thăm và cám ơn thân nhân ở trong nước đã theo dõi chương trình và là thính giả trung thành của RFA dù gặp lắm trở ngại.

Thính giả V.P. “thích nghe đài Á Châu Tự Do vì nơi quí đài có những thông tin xác thực mà trong nước không thấy có. Nhưng ở chỗ tôi, nghe Đài bị trở ngại, vào trang Web RFA thì không thể vào được vì vậy, tôi muốn xin quí Đài gửi cho thông tin.”

Từ Calgary bên Canada, Cụ Chúc Nguyễn viết đến ban Việt ngữ:

Mời các bạn tham gia mục Trao đổi thư tín với thính giả. Xin gửi email về Vietweb@rfa.org

“Được nhận “Bản tin hàng ngày” của RFA, tôi rất hân hạnh. Tôi có máy computer, các bạn già của tôi thì không có. Chúng tôi thích thú vừa nghe bản tin vừa nhấp trà … Chúc các bạn trong Đài luôn tràn đầy nghị lực để sưu tầm tin tức hầu cống hiến cho người Việt chúng ta khắp nơi.”

Xin cám ơn Cụ cũng như tất cả quý thính giả / độc giả về cảm tình ưu ái dành cho anh em chúng tôi tại Đài.

Thư đã dài, toàn ban cùng Thy Nga chào tạm biệt, mong nhận được nhiều thư và lời nhắn hơn nữa của quý vị và các bạn.

Theo dòng câu chuyện:

- Tổng giám đốc Đài RFA chỉ trích Việt Nam đàn áp tự do thông tin

- Sinh hoạt tôn giáo trong nước gặp nhiều khó khăn trong những ngày diễn ra APEC

- Hội nghị thượng đỉnh APEC 2006

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.