Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 8-6-2006)
2006.06.09
Thy Nga, phóng viên đài RFA
Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn nhận được thư hoặc lời nhắn trong “Hộp thư thoại” hỏi cách để người ở trong nước nghe được RFA bằng radio, cũng như về những tần số để bắt sóng. Điều này, ban Việt ngữ RFA đã trả lời nhiều lần trên mục “Thư tín” và đã viết rõ trong bài “Những câu mà thính giả thường hỏi” đăng trong mục “Hỗ trợ” trên Web RFA Việt ngữ.
Chúng tôi cũng hiểu rằng ở trong nước, truy cập trang Web này là chuyện không dễ dàng do đó, quý vị nào gặp khó khăn khi truy cập, hãy email đến vietweb@rfa.org đăng ký nhận “Bản tin hằng ngày”. Trong bản tin, có đường dẫn đến chương trình Việt ngữ và Proxy vượt “tường lửa”.
Liên quan đến chuyện nghe RFA Việt ngữ qua Internet, một số thính giả gửi thư và gọi điện đến đài phàn nàn rằng có khi họ nhấp chuột vào biểu tượng cái loa, ở trang “Nghe đài và xem tần số” mà không nghe được.
Xin trả lời là phần âm thanh chỉ được đưa lên mạng khoảng nửa tiếng đồng hồ sau khi phát thanh. Như vậy, nếu bạn muốn nghe chương trình phát thanh từ 9 giờ đến 10 giờ tối ngày 6 tháng 6 chẳng hạn thì phải ít nhất 10 giờ rưỡi, bạn mới có thể nghe được khi nhấp chuột vào biểu tượng cái loa ở trang “Nghe đài và xem tần số”.
Cũng có bạn phàn nàn rằng khi muốn nghe một bài nào đó, nhấp chuột vào thì lại chỉ nghe được phần đầu, rồi sau đó bị báo lỗi.
Xin trả lời là dưới mỗi bài, có hai hàng chữ dành cho âm thanh. Hàng thứ nhất để nghe trực tiếp on line, có biểu tượng cái loa, và hàng thứ hai, là “tải xuống để nghe” có biểu tượng là mũi tên. Ở trong nước, nghe on line nói chung là khó vì giải băng tần không đủ rộng. Tốt nhất là bạn dùng hàng thứ hai.
Nhấp chuột phía bên phải, nghĩa là “Right click” vào hàng chữ này rồi lưu, tức là “save” vào một “folder” là một danh mục mà bạn tạo ra trên desktop. Sau đó, bạn nghe từ folder này sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhưng nếu bạn truy cập Internet ở một dịch vụ cho thuê máy vi tính, thì nghe xong nhớ xóa folder đó nhé! Chúc bạn may mắn.
Có tin nữa là tuần qua, thính giả mà chúng tôi xin gọi tắt là H.H. mách cho biết Radio hiệu Sony 321 và 323 do Nhật Bản làm, nghe RFA tốt lắm, cả hai buổi phát thanh sáng và tối, chỉ phải xê dịch chút ít với làn sóng 25. Vậy, quý vị thử xem sao.
Hậu quả trận bão số 1
Tin tức và hình ảnh về những ngư dân thiệt mạng trong trận bão số 1 khiến nhiều người tức giận, đồng thời ngán ngẩm về mấy cái trung tâm dự báo thời tiết tại Việt Nam.
Thính giả Minh Trần đòi đưa những người có trách nhiệm ra tòa, trong khi ấy, bạn Khanh Đồng lại có đề nghị độc đáo: “Mấy ông bà khí tượng Việt Nam, tôi nghĩ là nên đem ra biển thay cho ngư dân còn hơn, có cách nào để thử nghiệm hệ thống dự báo hiệu quả như vậy nữa hay không?”
Những hình ảnh tang thương đó khiến dân chúng bàng hoàng và không còn tâm trí nào để nghe tin về lễ ký kết với Hoa Kỳ cho việc Việt Nam xin vào WTO. Gia nhập WTO dĩ nhiên là có những điều lợi nhưng đồng thời lại có những điều mà Việt Nam phải chống đỡ cho thích ứng.
Thính giả Huy Việt cho rằng: “Sân chơi WTO quá lớn, và luật lệ qui định trong tổ chức quốc tế này là những mạng lưới giăng khắp. Vụ Bửu Huy bị sa lưới là trường hợp điển hình …”
Trong khi ấy, nghe tin Đảng Dân Chủ Việt Nam phục hoạt, nhiều thính giả trẻ ở trong nuớc và hải ngoại đã thư đến đài, hỏi cách để tham gia ủng hộ. Và hôm vừa rồi, theo dõi tình hình tờ “Tự do ngôn luận” đã phát hành đến số 4 bất kể trở ngại, thính giả Trung Nghĩa nói lên cảm nghĩ:
“Tờ “Tự do Ngôn luận” ra đời, là điều ngạc nhiên lý thú, là hạnh phúc cho người dân Việt sau hơn 30 năm bị mất nó, và cũng là thách thức lớn cho chế độ …”
Nhà báo Trần Quang Thành
Bài phỏng vấn nhà báo Trần Quang Thành kèm theo ảnh chụp khuôn mặt ông bị tạt acid làm nhiều người xúc động. Và đây là lần đầu tiên, ban Việt ngữ RFA nhận được cùng lúc nhiều thư ngỏ ý giúp đỡ như vậy cho một người hay một tổ chức mà chúng tôi phỏng vấn.
Từ Đức, bạn Hoài Nguyên email như sau: “Tôi rất khâm phục tấm lòng yêu nghề và sự dũng cảm của nhà báo Trần Quang Thành. Tôi muốn giúp ông chút tài chánh, coi như chia xẻ bớt nỗi đau tinh thần cũng như vật chất của ông. Vậy phải làm thế nào, xin các anh chị chỉ dẫn.”
Cũng từ Đức, thính giả Bùi Mạnh Tuấn viết: “Được biết hoàn cảnh ông Trần Quang Thành hiện nay thêm khó khăn sau khi con gái ông mất, tôi muốn tìm cách giúp đỡ ông về tài chính. Mong quý vị cho tôi biết cách liên lạc với nhà báo Trần Quang Thành. Trong khi ấy, nếu quý vị có dịp liên lạc với ông Thành, xin cho tôi gửi lời thăm và chúc sức khoẻ ông cùng với người cháu của ông.”
Từ Úc, thính giả Bảo An “rất cảm động khi nghe câu chuyện về anh Trần Quang Thành. Làm thế nào để giúp người có được công lý trong một xã hội như vậy? Nếu chúng tôi muốn được giúp đỡ an ủi gia đình anh Trần Quang Thành thì gửi về đâu? Cảm ơn RFA.”
Thính giả Trần Khanh (hay Khánh) “rất xúc động nghe cuộc nói chuyện của nhà báo Trần Quang Thành, một chiến sĩ dũng cảm đã dám nói lên sự thật trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam như thế. Xin quý đài cho tôi biết cách để trực tiếp gửi chút quà tặng với tinh thần tương thân tương trợ một người anh hùng mà tôi mến phục.”
Các thính giả Sơn Nguyễn, Minh Trí, Kent Trần, An Nhơn, Quang Minh, Trung Nhật, Văn Võ, K.T., … đều nói lên cảm xúc, và hỏi cách để chia xẻ phần nào nỗi cơ cực của ông Thành.
Xin trả lời chung là chúng tôi sẽ tìm cách chuyển thư của quý vị và các bạn đến nhà báo Trần Quang Thành để ông trực tiếp phúc đáp.
Vấn đề dân chủ và tự do tôn giáo
Mời các bạn tham gia mục Trao đổi thư tín với thính giả. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org
Thính giả Tony DuMaurier góp ý về vấn đề dân chủ và tự do tôn giáo có hay không, dưới chế độ hiện hành tại Việt Nam, và vai trò của người luật sư trong các xã hội Cộng sản.
Nói về luật pháp thì Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Việt Nam có Chỉ thị số 52 theo đó, điều tra tham nhũng, nếu đụng đến đảng viên thì phải hỏi ý kiến Đảng Ủy.
Nghe tin đó, thính giả Khôi Lê thốt lên “Như vậy là tại Việt Nam, có hai hạng công dân trước pháp luật hay sao? Hiến pháp Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có khoản “Mọi công dân được đối xử bình đẳng trước pháp luật” không?
Nếu có thì Bộ Công An có lẽ phải kiện Bộ Chính Trị về việc đã ra Chỉ Thị số 52 trái với Hiến pháp, gây khó khăn cho công tác truy tìm người phạm pháp, cản trở việc điều tra của cơ quan hữu trách.”
Thi hành Chỉ thị đó thì những cố gắng chống tham nhũng mà Việt Nam cần phải tiến hành sẽ đi về đâu? Tình trạng bất công vẫn tiếp diễn, như thư của thính giả Văn Dũng
“Khi tại chức mà xảy ra sai phạm, đến khi về hưu cũng phải chịu xử lý. Không thể nêu bất cứ lý do gì để miễn trừ cả.Nếu không thì cán bộ công chức sắp về hưu cứ việc tham nhũng, ăn của đút lót để có mớ tiền rồi hạ cánh an toàn hay sao? Và nếu phạm tội giết người khi tại chức, lúc về hưu mới điều tra ra, thì cũng miễn truy cứu ư?”
Thính giả ký tên là Makasemasu cho rằng: “Cái đề nghị buộc cán bộ đảng viên các cấp phải kê khai tài sản, là chuyện hoang tưởng. Tài sản kếch xù mà tổng cộng tiền lương của họ trong 31 năm nay dù không đụng tới, cũng không thể nào nhiều tới vậy. Họ sẽ khai thế nào đây? hay là chuyện đâu rồi cũng vào đấy?”
Tình trạng tham nhũng
Từ Saigon, thính giả mà chúng tôi xin gọi tắt là N.T. gửi đến RFA những đoạn bài cùng với nỗi bức xúc của nhiều người về vụ PMU 18 giữa những kêu gọi chống tham nhũng từ chính quyền. Qua vụ tai tiếng đó mà tới giờ vẫn chưa được xét xử thỏa đáng, Bạn tự hỏi không hiểu Nhà nước Việt Nam có thực tâm chống tham nhũng hay không đây?
* Thính giả Lương Võ cho rằng vấn đề chống tham nhũng “sẽ không khả quan mấy vì: Thử hỏi ai có thể qui định tội tham nhũng của giới lãnh đạo đây? Những quyết định của Đảng Cộng sản vẫn trên cả luật lệ.”
Tôi đã biết được xung quanh mình có rất nhiều người hay biết và quan tâm theo dõi Đài Á Châu Tự Do. Họ chỉ là những người lao động bình thường, nhờ Đài mà họ biết được nhiều thông tin mà họ không thể có được qua các phương tiện thông tin đại chúng trong nước. Theo như tôi nhận thấy thì số thính giả quốc nội của đài Á Châu Tự Do ngày càng gia tăng. Vâng, đó là tín hiệu rất đáng mừng, và con số sẽ không dừng ở đó, tôi nghĩ thế.
Từ Hà Nội, thính giả mà chúng tôi xin gọi tắt là T.D. cho biết chuyên ngành là chính trị nhưng ông nhận thấy “Chính trị Việt Nam bị tha hóa biến chất, thối nát, tham nhũng. Đó là thứ chính trị lừa đảo dân. Việt Nam cần có dân chủ trong đời sống chính trị xã hội, cần được giải phẫu toàn diện để chỉnh đốn hệ thống chính trị.
Đảng phải nằm ngoài Nhà nước, có sự đối lập của đảng phái thứ 2 để giám sát, kiềm chế … Tôi phản đối cách lãnh đạo Nhà nước như hiện nay, tôi ủng hộ các nhà hoạt động dân chủ, đòi lại quyền cơ bản của con người, và mở rộng dân chủ …”
Theo dõi thời sự, sau khi nghe tin ông Trần Anh Kim bị gây khó khăn chỉ vì nói thẳng nói thật, bạn Minh Trí nhờ ban Việt ngữ RFA chuyển lời vấn an đến ông, cùng các nhà dân chủ ở trong nước.
Qua những vụ đàn áp mà các nhà hoạt động tranh đấu đang gánh chịu, thính giả trẻ này nhận định rằng Việt Nam đã trở thành chế độ “Công an trị”.
Thính giả RFA vẫn tiếp tục gửi thư đến đài để tâm sự với chúng tôi về thời “Cải cách ruộng đất”. Ông John Lê viết: “Tôi in toàn bộ loạt bài đó ra. Tôi và mọi người nghe đau lòng lắm. Ông ngoại tôi chỉ có vài chục mẫu ruộng mà bị xử bắn năm 1954.
Bác tôi cũng bị xử tử hình, con cái thì bị đày nằm chuồng trâu vài năm, nhà bị tịch thu. Tới năm 78 thì ở Saigon, cả trăm ngàn người bị gọi là “tư sản” phải nộp tài sản, đi tù, gia đình họ thì bị đày đi “kinh tế mới”. Chúng tôi yêu cầu tất cả nạn nhân của Cộng sản Việt Nam hãy kiện họ ra Tòa án Quốc Tế …”
Ngoài ra, anh em chúng tôi tại đài còn nhận được nhiều lá email chan chứa cảm tình, như của bạn T.H. ở Nha Trang cho hay:
“Tôi đã biết được xung quanh mình có rất nhiều người hay biết và quan tâm theo dõi Đài Á Châu Tự Do. Họ chỉ là những người lao động bình thường, nhờ Đài mà họ biết được nhiều thông tin mà họ không thể có được qua các phương tiện thông tin đại chúng trong nước.
Theo như tôi nhận thấy thì số thính giả quốc nội của đài Á Châu Tự Do ngày càng gia tăng. Vâng, đó là tín hiệu rất đáng mừng, và con số sẽ không dừng ở đó, tôi nghĩ thế.”
Bạn Hải Đăng: “Tôi hàng ngày nghe đài RFA. Ngày 2 lần, chính xác và hữu ích cho mọi người Việt trong và ngoài nước. Lại thêm Email nhắc nhở những ai không nghe được đài, thật là chu đáo …”
Và lá email bay đến từ Canada của bạn Hải Bùi: “Cám ơn quý Đài hướng dẫn cách vượt tường lửa. Tôi in ra và gửi về cho những trái tim tự do trong nước … Mến chào các anh chị.”
Thính giả Sanh Lương cũng bảo là “sẽ nói về Đài Á Châu Tự Do để giới thiệu đến thân nhân và bạn bè. Được nghe tin tức và xem trang của Đài, thật là quá quí cho gia đình chúng tôi.” Bạn Martino Lê “vừa được bạn bè giới thiệu trang Web của quý đài. Em rất vui vì được nghe những tin tức trong nước cập nhật rất nhanh. Những tin như thế này thì khi còn ở quốc nội, em không hề biết đến!”
Anh em chúng tôi tại Đài xin cám ơn cảm tình ưu ái mà quý thính giả và các bạn dành cho. Hy vọng là thông tin sẽ đến với nhiều người hơn nữa để đồng bào trong nước biết được những gì diễn ra chung quanh và trên thế giới, đó là điều mà RFA Việt ngữ mong mỏi.
Thư đã dài, Thy Nga cùng toàn ban xin chào tạm biệt quý thính giả và các bạn.
Những bài liên quan
- Các nhà tài trợ quan tâm đến hiệu quả sử dụng vốn ODA tại Việt Nam
- Thấy gì từ các vụ bê bối của Vietnam Airlines?
- Việt Nam kiểm điểm và rút kinh nghiệm sau thảm họa cơn bão số 1 gây ra
- Các chức danh lãnh đạo có thể được thi tuyển hay không?
- Nhà báo bị trù dập và tạt axit vì… đấu tranh chống tham nhũng (phần 2)
- Nhà báo bị trù dập và tạt axit vì… đấu tranh chống tham nhũng (Phần 1)
- Án tham nhũng: Đụng đến đảng viên là phải báo cáo
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 1-6-2006)
- Liệu có thể kiện Trung Tâm Dự báo khí tượng thủy văn về những thiệt hại của bão Chanchu?
- Phỏng vấn anh Ngô Ðức Thành về tình hình dự báo khí tượng thủy văn tại Việt Nam
- Thiệt hại nặng do bão số một gây ra: ai là người chịu trách nhiệm?
- Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội trả lời RFA về vấn nạn tham nhũng tại VN (phần 2)
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 25-5-2006)
- Quốc hội đòi chính phủ báo cáo vụ ông Nguyễn Văn Lâm để quên vali có nhiều phong bì tiền
- Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội trả lời RFA về vấn nạn tham nhũng tại VN (phần 1)
- Những thông tin mới nhất và bài học từ cơn bão Chanchu
- Việt Nam tiếp tục các nỗ lực cứu vớt các nạn nhân của cơn bão số 1
- Chống tham nhũng tại Việt Nam, chỉ nói không làm
- Quản lý nguồn vốn ODA, một vấn đề nóng trong kỳ họp Quốc hội khoá 11
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 18-5-2006)
- Tổ chức minh bạch quốc tế nói về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam
- Tình trạng tham nhũng đáng quan ngại tại Việt Nam
- Một số nội dung quan trọng trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội VN khóa 11 sắp tới
- Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 11-5-2006)
- Giáo sư Scott Fritzen nhận định về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam