Trao đổi thư tín với thính giả ngày (27-6-2006)


2006.07.27

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Trong mục này kỳ trước, chúng ta đã đề cập nhiều về tình trạng ngành Giáo dục tại Việt Nam. Tiếp tục nói về những lãnh vực mà Việt Nam cần phải cấp bách cải thiện, kỳ này, RFA Việt ngữ ghi nhận ý kiến thính giả về vấn đề Pháp luật.

InternetGame150.jpg
Các em trai và gái đang chơi game tại một tiệm Internet ở Hà Nội hôm 21-6-2006. AFP PHOTO

Trong lá thư dài gồm những phân tách sâu sắc lồng với các câu tục ngữ để ví von, thính giả Văn Minh viết về nạn xét xử oan sai.

Pháp luật Việt Nam

“Trên góc độ của một người dân và đang là nạn nhân của một trong những vụ án bị xét xử oan sai, tôi xin có vài ý kiến nhận xét bản chất của việc soạn thảo luật pháp và chủ trương cũng như đường lối thực thi pháp luật của nhà cầm quyền Việt Nam như sau:

Về việc soạn thảo luật pháp: Quyền lực của Đảng là trên hết, pháp luật chỉ là công cụ.

1/ Do cơ chế một đảng, các cơ quan trên danh nghĩa là có các chức năng hoạt động khác nhau nhưng thực chất đều có sự chỉ đạo và liên kết với nhau chặt chẽ. Xét xử chỉ là hình thức, bất chấp mọi diễn biễn hoặc những yếu tố khác mà tuyên theo án đã duyệt.

Do cơ chế một đảng, các cơ quan trên danh nghĩa là có các chức năng hoạt động khác nhau nhưng thực chất đều có sự chỉ đạo và liên kết với nhau chặt chẽ. Xét xử chỉ là hình thức, bất chấp mọi diễn biễn hoặc những yếu tố khác mà tuyên theo án đã duyệt.

2/ Các bộ luật về hình sự của Việt Nam được soạn ra với chủ trương dùng hình luật làm công cụ cho chính quyền. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến điều tra xét xử oan sai. Câu chữ trong các bộ luật hình sự không minh bạch, định mức hình phạt không được thể hiện chi tiết và cụ thể hoá, dẫn đến rất nhiều khoảng trống để các nhà thi hành luật ở hạ tầng cơ sở xử nặng hay nhẹ tuỳ ý.

Về thi hành luật: 1/ Lợi dụng sự lỏng lẻo của luật để làm sai, dùng luật như là công cụ để kiếm tiền làm giầu. 2/ Không phổ biến pháp luật cho dân được biết. 3/ Xét sai xử oan để tham nhũng, bóp nặn dân đen …”

Theo thính giả này thì ngành Pháp luật Việt Nam có thể đăng kí lập kỉ lục Guinness về thành tích xử sai!

Liên quan đến việc tam quyền phân lập, thính giả Lê Trọng viết rằng ở Việt Nam thì Hành pháp và Lập pháp, hay gì gì chăng nữa, cũng chỉ là một. Không như ở những quốc gia dân chủ, các ngành Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp kiểm soát, kềm chế lẫn nhau.

Như chuyện bây giờ, Hành pháp Hoa Kỳ chấp thuận việc Việt Nam xin gia nhập WTO, nhưng Lập pháp Hoa Kỳ vẫn có thể hoãn bỏ phiếu cho Việt Nam qui chế PNTR, xét vì Việt Nam vẫn còn đàn áp nhân quyền và tôn giáo.

Thuế quá cao

Và thính giả mà chúng tôi xin gọi tắt là Đ.B. góp ý kiến về việc Việt Nam xin vào WTO: “Tôi là một người dân của nước Việt Nam. Qua các báo điện tử, tôi thấy nói nhiều đến phiên đàm phán đa phương tại Genève giữa Việt Nam và các đối tác để xin gia nhập WTO. Tôi có vài ý kiến, xin gửi qua đài RFA đến bàn hội nghị để các bên xét thêm.

Việt Nam mở cửa thị trường trong đó có xe hơi cũ, là một trong những điều kiện để gia nhập WTO. Thế nhưng mở cửa từ ngày 1 tháng 5 đến nay, chỉ có chưa tới 100 xe vào cảng Việt Nam, trong số này, mới hơn 30 chiếc được làm thủ tục nhập khẩu, các chiếc kia thì tạm bị dừng lại. Tình trạng này, theo tôi nhận định, là do:

1/ Thuế quá cao:Tổng cộng thuế đánh vào 1 chiếc xe, bằng 3 lần giá mua xe đó tại nước xuất khẩu. 2/ Rào cản giấy tờ, chẳng hạn như về Title, thủ tục rất phi lý. 3/ Luật pháp không rõ ràng. Bị thiệt thòi, dân viết hỏi các cơ quan liên hệ thì không hề được trả lời.”

Mấy ngày nay, tình hình kiểm duyệt các quán Internet có vẻ gắt gao hơn, báo chí, truyền hình liên tục đưa tin về các quy định mới trong việc sử dụng Internet. Điều đó cũng nói lên rằng nhà cầm quyền Việt Nam rất e sợ ảnh hưởng của Đài RFA và các website như Thtndc, tdngonluan, …

Kiểm soát Internet

Đầu tháng tới, tức là chỉ vài ngày nữa, chính phủ Việt Nam sẽ tuyệt đối kiểm soát việc sử dụng Internet công cộng.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ISP phải cài đặt phần mềm quản lý các dịch vụ công cộng, phải lưu giữ (ít nhất là 30 ngày) thông tin về khách sử dụng Internet gồm cả các địa chỉ Web mà khách truy cập, thời gian trên mạng, ... Về việc này, một kỹ sư trẻ ở Đà Nẵng email đến RFA Việt ngữ như sau:

“Mấy ngày nay, tình hình kiểm duyệt các quán Internet có vẻ gắt gao hơn, báo chí, truyền hình liên tục đưa tin về các quy định mới trong việc sử dụng Internet. Điều đó cũng nói lên rằng nhà cầm quyền Việt Nam rất e sợ ảnh hưởng của Đài RFA và các website như Thtndc, tdngonluan, …

Tuy vậy, có thể nói là việc cập nhật tin tức qua đài RFA đã trở thành món ăn tinh thần cho em. Em khó thể bỏ qua mặc dù biết nguy cơ bị liệt vào “danh sách đen”!

Qua RFA, em được biết rất nhiều thông tin hay, nóng hổi về tình hình đấu tranh cho dân chủ ngay trên đất nước mình, mà một người được coi là “thanh niên trí thức” thường xuyên đọc báo, xem truyền hình như em, lại chẳng hề biết gì cả!

Điều đó phản ánh rõ ràng sự bưng bít, kiểm duyệt thông tin của chính quyền. Em thường vào Internet tại các quán công cộng, và thật nực cườI là mỗi lần truy cập các trang phát thanh quốc tế, em phải nhìn trước ngó sau, lén lút như đi ăn trộm vậy.”

Bưng bít thông tin

Từ thủ đô Hà Nội, thính giả T.D. viết: “Tôi thiết nghĩ nếu quả thật Việt Nam có dân chủ và có nền chính trị tốt đẹp như các giới chức tuyên bố, thì không việc gì phải bưng bít thông tin như vậy. Phải nói rằng tình trạng mất dân chủ, mất nhân quyền ở Việt Nam đã tới mức báo động.”

Mời các bạn tham gia mục Trao đổi thư tín với thính giả. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org

Không vượt được “tường lửa”, ông A.V. đành viết đến đài, nói lên cảm nghĩ: “Thật là buồn cho cảnh bị bịt mắt, bịt tai đến độ tận cùng.”

Trong lúc ấy, qua lá email gửi đến RFA, bạn Đ.T.D. mong là ban Việt ngữ cố gắng hơn nữa để giúp đồng bào trong nước nói lên được tiếng nói của mình.

Thính giả Nguyễn Kim Luyến thì cho rằng: “Cộng sản Việt Nam đang ra sức trù dập những tiếng nói trung trực, đóng góp ý kiến để cải tiến đất nước. Họ tiếp tục bưng bít thông tin, cố đi ngược chiều bánh xe tiến hóa nhưng làm thế nào che khuất được ánh mặt trời!”

Vâng, làm sao che được ánh sáng của sự thật, thính giả B.C. viết: “Tự do ngôn luận là điều mà mọi người dân Việt Nam đang mong mỏi, và đó là cách căn bản nhất để đưa đất nước sang vận hội mới, hưng thịnh, và hạnh phúc thực sự cho toàn dân.”

Những thư từ, nhắn gửi khác

Trong số các lời nhắn ban Việt ngữ RFA vào tuần qua, có lời nhắn như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

RFA Việt ngữ vẫn tiếp tục nhận được thư thính giả về loạt bài “Cải cách ruộng đất”. Giới trẻ nhiều bạn viết đến đài, nói rằng khó thể tưởng tượng nổi sự kiện kinh hoàng như vậy đã diễn ra trên đất nước mình. Mời quý vị cùng nghe cảm nghĩ của hai bạn sau đây. Vũ Nguyễn viết:

Tình hình xã hội Việt Nam hiện nay không còn biết đâu là chân lý nữa. Phải thay đổi thôi, nhưng đừng tái diễn cảnh 50 năm trước nữa. Tôi đang trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân nhưng tôi không hiểu mình bảo vệ cái gì: nhân dân lao động, hay là những đảng viên và tầng lớp lãnh đạo?

“Coi những hình ảnh, đoạn phim cùng với tài liệu về cuộc Cải cách ruộng đất, cháu nghĩ rằng những người đó mang danh nghĩa là đi thống nhất đất nước (như cháu từng được học) nhưng với hành động như vậy thì họ không phải là con người nữa.

Thời đó, dân chúng bị Thực dân Pháp bóc lột sức lao động nên quay sang tin tưởng nơi Cách mạng. Nhưng rồi … niềm tin ấy mất dần, đó là nỗi đau nhất đối với người dân.”

Và email của thính giả M.P. “Bác trai tôi đã tận mắt chứng kiến cuộc đấu tố ông nội tôi và các “địa chủ cường hào” ở quê tôi. Bác cũng đã nhiều lần kể cho tôi nghe, nhưng đây là lần đầu tiên, tôi được xem các đoạn phim đó.

Nếu là đúng sự thật thì tôi vô cùng sửng sốt. Không thể tưởng tượng được. Hành động dã man như vậy chỉ có ở thời Trung Cổ. Một sự thật tàn khốc mà Đảng đã xóa trơn tru trong lịch sử!

Tình hình xã hội Việt Nam hiện nay không còn biết đâu là chân lý nữa. Phải thay đổi thôi, nhưng đừng tái diễn cảnh 50 năm trước nữa.

Tôi đang trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân nhưng tôi không hiểu mình bảo vệ cái gì: nhân dân lao động, hay là những đảng viên và tầng lớp lãnh đạo?”

RFA Việt ngữ xin cám ơn quý vị thính giả đã quan tâm theo dõi và đóng góp ý kiến cho chương trình. Thy Nga cùng toàn ban chào tạm biệt, hẹn tái ngộ quý thính giả và các bạn trong mục này kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.