Thy Nga, phóng viên đài RFA
Nghe bài nói về chuyện “dạy thêm, học thêm” một số thính giả và bạn đọc RFA, viết đến ban Việt ngữ góp ý. Thính giả mà chúng tôi xin gọi tắt là Q.L. cho rằng đó là

“Lỗi của Bộ Giáo Dục. Lương bổng cho giáo viên thì nhỏ giọt, bài vở cho học sinh thì ngập đầu. Thời gian giảng dạy trong lớp quá ít, trong khi nhiều thứ vô bổ cũng còn dạy. Rốt cuộc, học sinh cố học để lấy điểm chứ hiểu biết gì nhiều!
Hệ thống giáo dục của chúng ta cần phải sửa trị tận gốc kìa, chứ cái kiểu “hư đâu sửa đó” thì muôn đời cũng không cải tiến được.”
Từ Canada, thính giả Tony DuMaurier nhận xét và so sánh: "Ở Canada và Hoa Kỳ, sinh viên học sinh được khuyến khích cho ý kiến kín đáo về môn học và khả năng giảng dạy của giáo sư. Điều này giúp cho trường điều chỉnh phẩm chất giáo dục."
Dịp năm hết Tết đến, e rằng lệ biếu xén cấp trên lại có cơ hội xuất hiện, thính giả này nói thêm: "Vào các mùa lễ như Giáng Sinh thì chủ nhân những hãng xưởng, văn phòng, phải đi mua quà cho nhân viên để tỏ lòng cảm ơn nhân viên, đồng thời khuyến khích nhân viên trong việc làm. Tại Việt Nam thì mọi thứ ngược lại."
Diễn đàn Paltalk
Trong khi ấy, thính giả Hoàng Minh mong là "Các giáo sư Việt Nam hay những bạn đi du học tha thiết với giới trẻ nên có một vài tiếng mỗi tuần, thuyết trình trên diễn đàn Paltalk cho lứa trẻ ở trong cũng như và ngoài nước học hỏi và nâng cao nhận thức, vì lớp trẻ ít có cơ hội được nghe những vị giỏi thuyết trình."
Lỗi của Bộ Giáo Dục. Lương bổng cho giáo viên thì nhỏ giọt, bài vở cho học sinh thì ngập đầu. Thời gian giảng dạy trong lớp quá ít, trong khi nhiều thứ vô bổ cũng còn dạy. Rốt cuộc, học sinh cố học để lấy điểm chứ hiểu biết gì nhiều!
Thời đại “Tin học” ngày nay có nhiều phương tiện giúp mở mang tầm hiểu biết. Một trong những phương cách ấy là Paltalk, diễn đàn trao đổi ý kiến mà giới trẻ, nhất là lứa trẻ ở Việt Nam, tham gia ngày càng nhiều.
Trong thời gian qua thì nhiều bạn đã viết hoặc gọi đến Đài để hỏi chúng tôi cách vào Paltalk. Xin trả lời chung là các bạn hãy mở www.paltalk.com; bấm vào ô “Download”, sign in, log in, rồi bấm vào ô “Browse chat room”, nơi khung Search, gõ “Viet nam” sẽ ra danh sách các Forum tiếng Việt, có cả số người đang thảo luận về đề mục ấy. Chọn Forum mà bạn muốn thảo luận, double click vào đó.
Bạn có thể ghi tên khác nhau, tùy chọn, và thẳng thắn phát biểu ý kiến của mình. Nhưng bạn nên nhớ là không phải người nào trong “chat room” cùng với bạn cũng đều có chung quan điểm. Bạn không biết gì về nhân thân của họ, nên đừng vội vã đưa tên thật và địa chỉ liên lạc nhé. Chúc thành công!
Vụ án Nhân văn Giai phẩm
Thính giả Lang Bian viết đến ban Việt ngữ: "Cám ơn đài RFA đã sưu tầm về vụ án "Nhân văn Giai phẩm" rất hay và giá trị. Sau loạt bài này, nên soạn tiếp về sự kiện "Học tập cải tạo". Hãy trả lại cho Lịch Sử sự thật dù có phũ phàng. Hãy trình bày những kinh nghiệm và những bài học dù đau đớn." Và thư của thính giả B.Q. ở Bình Định: "Vì yêu nước và khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc nên trước kia, tôi đã bỏ học để theo Cộng sản. Năm 1985, khi trở về sống chung với những người dân, tôi mới nhận ra bộ mặt thật của chế độ.
Tôi cứ tưởng nhà cầm quyền Việt Nam mở cửa thì họ cũng mở mắt, mở tâm để họ thấy và hiểu được tình hình chung của dân tộc cũng như của thế giới. Nhưng không, họ mở cửa để tự cứu!...
Trước tình hình bức bách hiện nay của dân tộc, tôi kính đề nghị các tổ chức đấu tranh cho tự do, nhân quyền, tín ngưỡng trong nước cho tôi được ghi tên làm thành viên, nghĩa là trong nước có bao nhiêu hội, đoàn, đảng, … thì tôi xin ghi tên để tham gia bấy nhiêu phong trào.”
Những người yêu nước
Trước tình hình bức bách hiện nay của dân tộc, tôi kính đề nghị các tổ chức đấu tranh cho tự do, nhân quyền, tín ngưỡng trong nước cho tôi được ghi tên làm thành viên, nghĩa là trong nước có bao nhiêu hội, đoàn, đảng, … thì tôi xin ghi tên để tham gia bấy nhiêu phong trào.
Trong khi đó, lại có thư của thính giả Lê Hoàng Quân với quan điểm hơi khác những thư mà RFA Việt ngữ thường nhận được. Thư khá dài mà thời gian dành cho mục này có hạn, chúng tôi chỉ có thể trích đoạn như mọi thư khác mà thôi:
“Người Việt Nam ai cũng yêu nước hết, nhưng mỗi người một cách, và cái dở của chúng ta là không biết bỏ qua những ý kiến dị biệt để đoàn kết với nhau …
Chính quyền hiện tại còn nhiều cái sai lầm, trầm trọng nhất là nạn tham nhũng, nhưng chúng ta nên nhìn với con mắt tích cực … So với hơn 84 triệu dân thì những người tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam chẳng đáng là bao nhiêu. Họ kiêu căng chống đối, tự đề cao quá nhiều, và ngông cuồng thách thức chính quyền. Những người chống đối, hành động vì bất mãn, lại tự đề cao, cho là can đảm …
Hội nhập với kinh tế thế giới đương nhiên sẽ phải đi theo lối sống dân chủ của thế giới, và chính quyền này tự họ sẽ tiến đến dân chủ nhanh hơn là do những tranh đấu của một số người bất mãn … Kinh tế phát triển thì người dân sẽ hài lòng, và lớp trẻ đương nhiên sẽ tiếp nhận được những cái hay từ khắp nơi …”
Đây không phải lần đầu tiên, ban Việt ngữ RFA nhận thư thính giả có nội dung tương tự nhưng đây là lần đầu, chúng tôi nhận được thư phản bác lại các nhà tranh đấu dân chủ một cách lịch sự nhã nhặn thế này. Các lá thư trước thì có những lời khiếm nhã, hằn học, và đôi khi thô tục nữa vì vậy, chúng tôi không thể trích đọc, và cũng không cần trả lời bởi lẽ, không có gì để thảo luận với những vị đó cả.
Về ý kiến của ông Lê Hoàng Quân, xin thưa với ông rằng điều ông nói chính là cách thức của một số nhà nước, sử dụng như kế hoãn binh để hạn chế tự do của người dân. Họ thường đưa ra công thức “kinh tế trước, dân chủ sau” hoặc hoa mỹ hơn, là “ổn định trước, dân chủ sau”.
Ban Việt ngữ RFA chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc hội luận trong đó, các chuyên gia trong ngoài nước đã phân tích sâu sắc vấn đề này rồi. Ông có thể xem và nghe lại những bài đó.
Về câu ông viết rằng "Hội nhập với kinh tế thế giới đương nhiên sẽ phải đi theo lối sống dân chủ của thế giới, và chính quyền này tự họ sẽ tiến đến dân chủ nhanh hơn là do những tranh đấu của một số người bất mãn" thì xin thưa là ông có thể lấy trường hợp của Trung quốc để nghiên cứu.
Họ đã đổi mới kinh tế hàng mấy chục năm nay, đã hội nhập với thế giới, và phát triển kinh tế rất nhanh so với thời cương quyết đi theo chủ nghĩa xã hội thuần túy nhưng dân chủ có “đương nhiên” đến với người dân đâu; và theo ý kiến của giới chuyên gia thì biết bao mâu thuẫn nội tại trong xã hội đó cho thấy sự ổn định chỉ là cái vỏ mong manh bên ngoài mà thôi.
Ngoài ra, còn điều nữa cũng xin thưa với ông là hàng ngũ những người tranh đấu cho dân chủ hiện nay, có mặt nhiều người rất trẻ, có học hành, và có công ăn việc làm đàng hoàng chứ không phải họ chỉ là những người “bất mãn” đâu, ông à. Quý thính giả và bạn đọc nghĩ thế nào về thư của ông Lê Hoàng Quân? cho ban Việt ngữ chúng tôi biết ý kiến với nhé.
Những thư từ khuyến khích, ủng hộ
Quý thính giả và bạn đọc nghĩ thế nào về thư của ông Lê Hoàng Quân? Cho ban Việt ngữ chúng tôi biết ý kiến với nhé. Xin email về Vietweb@rfa.org
Vào tuần qua, thính giả Quốc Nguyễn "gửi đến quý Đài sự hài lòng của riêng tôi về các tiết mục của Đài, tiết mục nào cũng hữu ích, và những thông tin làm cho tôi hiểu biết thêm về tình hình trong nước.
Mục “Người Việt khắp nơi” hay lắm, phản ánh đời sống khó khăn của đồng bào ta phải hy sinh tình cảm riêng tư để ra nước ngoài dù hợp pháp hay bất hợp pháp đối với quốc gia sở tại. Cũng không thể quên nhắc đến chị Thy Nga với giọng nói hương vị rau muống nghe dòn dã và hấp dẫn lắm.
Sau bữa ăn tinh thần hiểu biết tin tức và thời sự, chị cho thư giãn với những nhạc bản mà chị lựa chọn, điều này hay đấy nhưng tiếc là không nghe được trọn bài. Bù lại, vào mỗi cuối tuần, chị bỏ công sức và thời giờ cho thính giả thư giãn, hồi tưởng lại các nhạc sĩ và những bài ca hay mà họ đã hiến cho đời. Đặc biệt là vào tuần trước và tiếp tuần này, chị đã mời được cựu Đại tá và là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, mà những lính cũ chúng tôi rất thích nghe nhạc của ông …”
Thy Nga xin cám ơn ông đã dành cho cảm tình ưu ái, cũng như đã lắng nghe mục “Âm nhạc cuối tuần”.
Để kể ông nghe là Thy Nga tìm cách liên lạc với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từ cả năm nay mà không xúc tiến được. Cách nay hai tuần thì Thy Nga nhận được thư của một thính giả quân nhân chế độ cũ, hiện ở tỉnh Đồng Nai, gửi qua Bưu điện lòng vòng hơn một tháng để yêu cầu cho nghe bài hát “Giờ này, anh ở đâu”.
Bài này đã thôi thúc Thy Nga thực hiện chương trình về nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Phỏng vấn ông ta xong, Thy Nga cảm thấy buồn, và bài viết về người nhạc sĩ này đã khiến nhiều thính giả xúc động.
Bạn Hoàng Phát chẳng hạn, yêu cầu cho nghe lại bài này bài kia của Nguyễn Văn Đông vì không tìm thấy trên thị trường. Cũng do không mua được những nhạc bản mà Thy Nga sưu tầm cho các chương trình “Âm nhạc cuối tuần” một số thính giả cho biết đã phải download để lưu giữ, nghe dần.
Về nhạc bản phát vào cuối mỗi buổi phát thanh thì do thời giờ có hạn, không thể phát được trọn bài, ông ạ.
Trong khi ấy, nghe trường hợp một người Việt ở Kampong Cham tuy nghèo khổ và bị cưa mất một chân vì bệnh nhưng vẫn cưu mang, nuôi tới 6 đứa trẻ mồ côi, thính giả Hoàng Hà viết đến RFA Việt ngữ, ngỏ ý muốn gửi chút quà đến người có tấm lòng vàng đó.
(trả lời) Chúng tôi đã chuyển email của bạn đến Nguyễn Bình, phóng viên tường trình sự việc đó, để anh ấy liên lạc với ông Nguyễn Văn Chơn. Xin cám ơn nghĩa cử của bạn.
* Ban Việt ngữ RFA còn nhận được lời chúc Giáng Sinh và Năm mới của các thính giả Di Hương, Hậu Nguyễn, Lê Thảo, Cường Hân, và Phạm Thương (hay Phạm Thường).
Anh chị em chúng tôi tại Đài cảm ơn các bạn, và cũng xin chúc các bạn cùng gia quyến một mùa Giáng Sinh vui tươi, và Năm Mới 2007 an khang thịnh vượng.
Toàn ban cùng Thy Nga chào tạm biệt, mong nhận được nhiều thư và lời nhắn hơn nữa của quý vị và các bạn.