Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 21-12-2007)

0:00 / 0:00

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Kính chào quí thính giả, hôm nay Thanh Trúc xin phép được tái ngộ quí vị trên mục trả lời thư tín, nhưng chỉ tạm phụ trách cho đến khi nào anh Việt Long có thể trở lại cùng quí thính giả mà thôi.

Thanh niên Sinh viên VN biểu tình phản đối Trung Quốc/Video do cô Kim Thu cung cấp.

Đầu thư, Thanh Trúc xin được hỏi thăm quí vị đã sẳn sàng với Giáng Sinh và Tết Dương Lịch chưa, vật giá leo thang lúc cuối năm có làm quí vị đau đầu? Và khi mà những tờ lịch của năm 2007 thưa dần đi như những chiếc lá úa vàng của thời gian từng cánh rơi theo cơn gió heo may của vùng Washington này.

Và rồi tin tức bên nhà cũng như và thư từ quí vị gởi đến chúng tôi đã không bình lặng như thu vàng hay đông trắng ở đây, bởi sự kiện Hoàng Sa Trường Sa gần như vẫn nóng và vẫn chiếm lĩnh tim óc bao người Việt ở trong và ở ngoài nước.

Chưa lúc nào tâm tư người trẻ Việt Nam rộn lên như lúc này. Tin tức, hình ảnh, âm thanh những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hồi tuần trước và tuần này được phóng về cho chúng tôi trên mạng lưới toàn cầu.

Vai trò của giới trẻ

Chính phủ Việt Nam thường ca ngợi thanh niên là nhân tố, là hạt nhân của đất nước. Lịch sử cũng từng minh chứng hùng hồn rằng khi người trẻ đứng lên để hô hào “Thanh Niên Việt Nam Bảo Vệ Tổ Quốc”, thì đó chính là tiếng nói trong sáng, trung thực và thiêng liêng nhất từ hồn dân tộc . Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay, tầng lớp sinh viên học sinh yêu nước, luôn là hình ảnh Trần Quốc Toản sáng chói của lịch sử dựng nước và giữ nước.

Rất nhiều vị thính giả đã gởi thư cho chúng tôi với câu hỏi là tại sao đến lúc này nhà nước bên Việt Nam chỉ phản đối chiếu lệ, vẫn có ý cấm cản sinh viên học sinh đi biểu tình để bày tỏ quan điểm của mình trước vụ Trung Quốc quyết định thành lập một đơn vị hành chánh là huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam nhằm quản trị các quần đảo tranh chấp trên biển Đông, trong đó có vùng Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam nhiều lần căn cứ vào lịch sử để chứng minh chủ quyền của mình .

Đây là câu hỏi chưa có giải đáp, chí ít từ giới thẩm quyền cao nhất. Trong khi chờ đợi, xin trích đọc thư của một thính giả ký tên Hiep Huynh:

Rất cảm ơn các bạn trẻ đã tiên phong trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Hãy nhìn Tây Tạng thì thấy hoạ mất nước tủi nhục như thế nào. Hoan hô tuổi trẻ Việt Nam

Rất cảm ơn các bạn trẻ đã tiên phong trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Hãy nhìn Tây Tạng thì thấy hoạ mất nước tủi nhục như thế nào. Hoan hô tuổi trẻ Việt Nam.

Cũng xin cảm ơn những bức thư liên quan đến Hoàng Sa Trường Sa của quí thính giả Thiên Do, Viet Trung, Trần Thuận.

Tại Sao Việt Nam Là Một Nước Chậm Phát Triển?

Qua một đề tài khác, thưa quí vị, tuần rồi ban Việt ngữ RFA nhận được một thư đáng chú ý của tác giả Nguyễn Trọng Nhân, xin trích đọc nguyên văn từng đoạn:

Xin chào đài RFA Việt Ngữ,

Tôi không muốn tham gia, tôi chỉ có ý kiến thôi. Tôi có nghe và theo dõi bài “ Tại Sao Việt Nam Là Một Nước Chậm Phát Triển?” Đề tài là hiện tại thì lại đem lịch sử và hận thù Bắc Nam vào.

Vậy xin hỏi các bạn, xin hỏi các người Việt chống Cộng, xin hỏi tất cả các người Việt Nam: bạn đã làm gì để đóng góp cho người Việt Nam chưa? Các bạn đã làm gì chưa? Hay các bạn chỉ giỏi chỉ trích và đổ lỗi cho người khác? Các bạn có biết những hành động bất thống nhất của các bạn là lý do chính tại sao Việt Nam vẫn còn là một đất nước chậm phát triển hay không?

Kính thưa ông Nguyễn Trọng Nhân, trước hết xin cảm ơn ông đã theo dõi sát những chương trình sáng chiều của RFA. Xin nói lại cho rõ là trong tư cách một đài phát thanh điền thế và một cơ quan truyền thông đúng nghĩa, công việc của RFA chúng tôi là đưa tin, là tường trình những vấn đề thời sự trong ngoài có liên quan đến Việt Nam, phần nhận định là quyền của thính giả.

Bạn nghĩ gì về ý kiến của ông Nguyễn Trọng Nhân? Xin email về vietweb@rfa.org, hoặc tham gia Diễn đàn RFA

Chúng tôi hiểu nỗi bức xúc của ông khi nghe các chuyên gia, bình luận gia, những người được phỏng vấn, lớp trẻ, phân tích cũng như thảo luận về lý do tại sao Việt Nam vẫn là một nước chậm phát triển và thẳng thắn nói lên ý kiến của họ. Ông có quyền không đồng ý, ông có quyền cho rằng Việt Nam là một nước phát triển nhanh, nhưng tại sao ông không phân tích để phản bác trực tiếp những lập luận mà ông không đồng ý theo tinh thần đối thoại thẳng thắn? Chúng tôi sẽ rất vui mừng nếu được đón nhận những ý kiến ấy của ông.

Câu hỏi thứ hai của ông là làm sao Việt Nam phát triển được khi “còn quá nhiều người còn cái ý nghĩ hận thù Bắc Nam trong lòng” Thưa ý ông muốn nói người dân hai miền Nam Bắc thù nhau ấy ư? Thật tình thì trong các cụôc thảo luận bàn tròn đựơc thực hiện trên đài, chúng tôi không hề thấy có tinh thần ấy. Ông có thể cho biết thêm chi tiết minh hoạ điều ông nói không?

Nhân tiện, cũng xin nói với ông rằng, Hoa Kỳ từng là quốc gia có nội chiến Nam Bắc, có lúc người miền Bắc không ưa người miền Nam và ngược lại. Nhưng khi nội chiến chấm dứt, người Mỹ miền Nam và người Mỹ miền Bắc dù có thể phần nào còn đố kỵ do hệ lụy chiến tranh, nhưng nước Mỹ vẫn phát triển thành một quốc gia dân chủ và tự do nhất thế giới. Lý do là vì guồng máy cầm quyền của nước Mỹ lèo lái được con tàu quốc gia tới bến bờ mơ ước của nhân dân họ.

Lý lẽ thứ ba mà ông đưa ra như thế này: Làm sao Việt Nam có thể phát triển được khi người Việt Nam có quá nhiều tật xấu như đi trễ, không giữ uy tín, không có ý thức xã hội, xã rác bừa bãi, không nhường nhịn, vân vân… Thật ích kỷ !!

Chúng ta chỉ biết và chỉ giỏi chỉ trích người khác và luôn phủ nhận những hành động sai lầm của chúng ta. Trong khi các bạn tham gia đề tài này thì các bạn có làm gì được không. Nói hoài nói mãi cũng chỉ đem cái hận thù Nam Bắc ra làm đề tài để bình luận, bên kia chỉ trích bên này, có bình luận, tranh cãi với nhau ngàn năm đi nữa thì cũng chẳng thay đổi được gì, thật nhảm nhí.

Thưa ông những điều ông nêu ra không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Những điều ấy phản ảnh sự bi quan trong ý nghĩ và bi quan trong phê bình dù thẳng thắn cách mấy. Các tật xấu như ông kể thì thật ra dân tộc nào ít nhiều cũng mắc phải. Người ta hơn nhau ở ý thức và tinh thần cầu tiến mà thôi.

Còn lại thì thiết nghĩ trong một xã hội mà nếu chính phủ hay người dân chẳng bên nào chịu lắng nghe bên nào chỉ trích, góp ý, tranh cãi hay bình luận gì với nhau thì đất nước đó chỉ có thể dậm chận tại chỗ năm này qua năm khác.

VnStudentProtestChinaTruongSa200b.jpg
AFP PHOTO.

Về chương trình của RFA

Về chương trình Việt ngữ của RFA, Diễn Đàn Bạn Trẻ, với những ý kiến và quan điểm thẳng thắn bộc trực của giới trẻ trong ngoài nước, vẫn là tiết mục được chú ý nhiều nhất . Thay mặt Trà Mi, người phụ trách Diễn Đàn Bạn Trẻ, xin cảm ơn quí thính giả khắp nơi đã gởi thư góp ý, dù là tán đồng hay phản bác thì cũng được ghi nhận bằng tất cả sự tôn trọng.

Cũng đã khá lâu Thanh Trúc không được nghe những lời nhắn gời của thính giả qua hộp thư thoại của đài. Chúng tôi thật lòng mong quí vị gởi thư hoặc để lại ý kiến trong hộp thư thoại, cho chúng tôi biết phải làm gì để chương trình ngày càng phong phú hơn.

Thư của một thính giả tự giới thiệu tên là Duy Tân, cho chúng tôi biết bạn thích nghe đài Á Châu Tự Do từ khi còn ở trong nước. Sang đây bạn vẫn theo dõi chương trình của chúng tôi mỗi ngày. Đây là một khích lệ cho ban biên tập RFA. Cảm ơn bạn Duy Tân đã chia sẻ với chúng tôi về những sở thích và khả năng của bạn. Xin bạn tiếp tục liên lạc và trao đổi bài vở với chúng tôi nhé.

Một thính giả khác, ký tên tắt là VT, than phiền với Thanh Trúc rằng tại sao bản nhạc Việt Nam mà người emcee tức người giới thiệu chương trình mời thính giả nghe ở cuối giờ phát thanh hay bị ngưng nhỏ lại chứ không bao giờ cho chạy hết. Thưa ông hoặc thưa bà VT, đây là chuyện ngoài ý muốn. Chương trình phát thanh của Ban Việt Ngữ RFA chỉ có đúng một tiếng đồng hồ.

Sau phần nhạc đầu, rồi đến tin tức, thời sự, thường chúng tôi chỉ còn được hai hay ba phút cho phần âm nhạc mà thôi, nhưng đến đúng giờ thì nhạc kết thúc tự động phát lên với lời chào tạm biệt. Chuyện này xảy ra mỗi ngày theo một công thức, một format, đúng hơn là một thông lệ bắt buộc trước nay.

Cuối cùng, xin cảm ơn tất cả những thư phê bình góp ý của quí thính giả. Mọi ý kiến đóng góp hay chỉ trích đều được ban biên tập RFA trân trọng lắng nghe và ghi nhận.

Thanh Trúc kính chào và hẹn lại quí vị trong mục Trả Lời Thư Tín sáng thứ Sáu tuần tới.