Trao đổi thư tín với thính giả ngày 26-10-2006 (phần 1)


2006.10.26

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Trước tiên, RFA Việt ngữ xin thông báo là kể từ ngày 29 tới đây, các băng số phát thanh của chúng tôi phải thay đổi đôi chút, theo với giờ mùa Đông tại Hoa Kỳ. Từ Chủ Nhật này, chương trình buổi sáng (tính theo giờ Việt Nam) sẽ được phát trên các băng số 19, 22, 25, 31 và 49 mét; và chương trình buổi tối (giờ Việt Nam) trên các băng số 19, 22, 25, 31, 41 và 49 mét. Xin quý thính giả lưu ý.

ListenerForum200.jpg
RFA PHOTO

Tuần này, ban Việt ngữ nhận được email của thính giả mà chúng tôi xin gọi tắt là H.D. lần đầu tiên viết đến đài:

“Sau khi nghe cuộc phỏng vấn của quí đài với Giáo sư Hoàng Minh Chính trong cương vị Tổng Thư Ký Đảng Dân Chủ Việt Nam 21, tôi cảm thấy rất phấn khởi. Mặc dù chỉ là một người đàn bà tầm thường nhưng tôi cũng nhìn ra được những khiếm khuyết trầm trọng mà nhà cầm quyền Việt Nam đã gây ra cho dân tộc và đất nước. Chính tôi và gia đình tôi đã hứng chịu những oan khiên ấy một cách trầm kha, cũng như đã chứng kiến nhiều cảnh bi thương mà đồng bào mình gánh chịu …

Đây là lần đầu tiên, tôi góp ý kiến với quí Đài để ủng hộ Đảng Dân Chủ 21 được thành công mỹ mãn. Tôi cũng xin chúc toàn thể ban Việt ngữ được dồi dào sức khỏe lẫn tinh thần, để tiếng nói của quí đài luôn là nơi chuyên chở nguồn vui, niềm an ủi, sự tín thác tuyệt vời, và là sợi dây thương yêu nối kết người dân Việt ở khắp nơi.”

Hoan nghênh chị H.D. đến với ban Việt ngữ RFA và chia sẻ cảm nghĩ với chúng tôi.

Kể từ ngày Chủ nhật 29-10, các băng số phát thanh của chúng tôi phải thay đổi đôi chút, theo với giờ mùa Đông tại Hoa Kỳ. Chương trình buổi sáng, tính theo giờ VN, sẽ được phát trên các băng số 19, 22, 25, 31 và 49 mét; và chương trình buổi tối (giờ Việt Nam) trên các băng số 19, 22, 25, 31, 41 và 49 mét.

Trong thư, câu chị viết “Mặc dù chỉ là một người đàn bà tầm thường …” thì Thy Nga không đồng ý vì nam nữ đã bình quyền từ lâu rồi, và người nào (dù là thường dân chăng nữa) cũng có ý kiến chứ, phải thế không, chị H.D. Mong tiếp tục nhận được thư của chị nhé.

Nói đến nữ giới Việt Nam thì mới đây, chúng tôi ghi được một câu làm cho nhiều người xúc cảm, đó là câu của vợ nhà dân chủ Nguyễn Ngọc Quang. Một tháng rưỡi sau khi anh bị bắt, gia đình mới được biết tin tức. Chúng tôi đã hỏi thăm chị Trang sau khi chị được phép đi “thăm nuôi” chồng về. Khi được hỏi cảm nghĩ thế nào trong tình cảnh đó, chị nói:

“Tôi thấy một khi mà bênh vực cho chính nghĩa thì chuyện cần phải hy sinh ấy thì lúc nào tôi cũng nghĩ tới. Buồn thì có buồn nhưng khi nghĩ về chính nghĩa thì tôi thấy là đôi lúc, cả vợ cả con cùng phải hy sinh như thế.”

Nghe câu nói ấy của vợ nhà dân chủ Nguyễn Ngọc Quang, thính giả Hùng cảm nghĩ:

“Tôi thật cảm phục sự can đảm và hy sinh của chị Trang. Nước Việt Nam chúng ta sẽ được hưởng độc lập tự do hạnh phúc thật sự khi mà mọi người cùng đứng lên đòi quyền làm người và tự do… Cảm ơn RFA đã cung cấp đầy đủ tin tức về cuộc đấu tranh.”

Chính sách kiểm soát thông tin

“Dân chủ là gì?” là tài liệu mà Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, một nhà dân chủ khác ở Việt Nam, đã dịch từ Website của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và điều này đã khiến nhà cầm quyền Việt Nam bỏ ông vào tù. Thính giả T.G. viết đến RFA:

“Trên Internet và đặc biệt là qua quý Đài, tôi mới hiểu ra là Bác sĩ Phạm Hồng Sơn bị bắt vì đã dịch tài liệu “Dân Chủ là gì” ra tiếng Việt. Tôi rất muốn có tài liệu ấy để mở mang kiến thức nhưng tôi ở trong nước mà tại Việt Nam thì tài liệu đó không được phổ biến. Tôi không biết tìm xem tài liệu đó ở đâu nên viết thư này mong quý đài giúp.”

Bạn T.G. viết là tài liệu này không được phổ biến tại Việt Nam. Phải nói thêm rằng “đụng đến bài đó là bị bắt” bạn à. Chúng tôi đã gửi tài liệu đến bạn, và nhân đây cũng xin nhắc với quý độc giả / thính giả là Website RFA Việt ngữ có lưu trữ trong phần “Tư liệu” bài “Dân chủ là gì” do bác sĩ Phạm Hồng Sơn dịch.

Ngay bây giờ thì quý vị có thể xem bằng cách bấm vào đường link dưới đây: “Dân chủ là gì?” – Phạm Hồng Sơn

Cũng từ trong nước, thính giả T.N.

“Xin cảm ơn quý Đài đã gửi các bản tin mà tôi rất thích. Các địa chỉ vượt tường lửa thật hữu hiệu, ấy thế mà nhiều khi mở ra vẫn chậm chạp, dường như biện pháp kiểm tra có phần gắt hơn thì phải! Chúc ban Việt ngữ dồi dào sức khoẻ để luôn là nguồn động viên quý giá, là nơi tin cẩn cho những ai muốn bày tỏ tâm sự u uất, sợ hãi của mình.”

Tôi thật cảm phục sự can đảm và hy sinh của chị Trang. Nước Việt Nam chúng ta sẽ được hưởng độc lập tự do hạnh phúc thật sự khi mà mọi người cùng đứng lên đòi quyền làm người và tự do… Cảm ơn RFA đã cung cấp đầy đủ tin tức về cuộc đấu tranh.

Về biện pháp kiểm soát mạng thông tin Internet mà nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng xiết chặt, thính giả ký tên là “Một người Việt Nam bình thường” viết:

“Tôi cực lực phản đối nhà cầm quyền đã can thiệp quá sâu vào quyền tự do của người dân.

Mong đài RFA có thêm một Forum để người dân Việt Nam bày tỏ quan điểm của mình, những ý nghĩ mà chúng tôi không dám nói với ai.

Tôi yêu Tổ quốc Việt Nam nhưng tôi không thể nào yêu chế độ hiện nay tại Việt Nam.”

Xin trả lời là Đài RFA đang xét cho ban Việt ngữ có Forum như bạn yêu cầu. Chưa rõ kết quả ra sao, hiện giờ thì quý vị cứ email ý kiến và quan điểm đến mục “Thư tín” này nhé.

Sự ra đời của Công đoàn Độc lập

Tuần qua, tin khiến rất nhiều người chú ý, là về sự thành lập của “Công đoàn độc lập”. Lâu nay, giới công nhân trong nước không được bảo vệ quyền lợi một cách thỏa đáng vì vậy mọi người mong là Công đoàn độc lập sẽ hoạt động hữu hiệu hơn, cho cuộc sống của công nhân và gia đình họ bớt khổ.

Sau khi nghe bài chúng tôi phỏng vấn anh Lê Trí Tuệ, đại diện ban Điều hành “Công đoàn độc lập”, thính giả Văn Lang viết:

“Hoan nghênh anh Lê Trí Tuệ! tôi chờ đợi “Đêm thắp nến” của các công nhân Việt Nam…”

Thính giả T.N. thì nhờ RFA đăng bức thư gửi đến “Công đoàn độc lập” để trình bày trường hợp của ông, kèm theo rất nhiều đơn từ. Theo ông thì công đoàn hiện thời chỉ bảo vệ lợi ích của giới chủ, thành ra ông luôn mong mỏi có một tổ chức nào đại diện cho công nhân lao động, và làm việc hữu hiệu để tranh đấu cho quyền lợi của giới này.

Trường hợp của ông là về tranh chấp tiền lương và trợ cấp thôi việc. Ông T.N. thuật lại là công ty Hai Trường Thành, nơi ông làm việc trước kia,

“trừ lương, cúp lương, và bắt nộp một triệu ba trăm ngàn, mới trả lại bằng cấp và sổ Bảo hiểm xã hội. Đưa vấn đề lên Công đoàn thì Công đoàn thoái thác.

Phản ánh lên Liên đoàn Lao Động, và Sở Lao Động Thương binh Xã hội thành phố Hồ-chí-Minh thì họ bảo là để Quận giải quyết, nhưng Phòng Lao động Quận Thủ Đức lại bất công …

Tôi năm nay 24 tuổi, là thính giả thường xuyên của RFA qua Internet. Tôi rất yêu thích cách trình bày vấn đề một cách thẳng thắn và tôn trọng sự thật của quý đài. Tôi tin tưởng con đường dân chủ của dân tộc Việt Nam không thể thiếu sự ủng hộ của tiếng nói ngôn luận cỡ tầm cỡ quốc tế như thế. Qua Đài, tôi hiểu và biết thêm nhiều nhân vật hoạt động trong phong trào dân chủ ngay tại quê hương mình.

Mong rằng “Công đoàn độc lập” sẽ công bằng để giới công nhân lao động có được niềm tin hơn…”

Từ thủ đô Hà Nội, lá email mang tựa đề “Ước muốn dân chủ ở Việt Nam” của bạn M.T.:

“Tôi năm nay 24 tuổi, là thính giả thường xuyên của RFA qua Internet. Tôi rất yêu thích cách trình bày vấn đề một cách thẳng thắn và tôn trọng sự thật của quý đài.

Tôi tin tưởng con đường dân chủ của dân tộc Việt Nam không thể thiếu sự ủng hộ của tiếng nói ngôn luận cỡ tầm cỡ quốc tế như thế.

Qua Đài, tôi hiểu và biết thêm nhiều nhân vật hoạt động trong phong trào dân chủ ngay tại quê hương mình. Ở đây, do sự bưng bít thông tin, chúng tôi không hề biết có những cá nhân đã ngày đêm tranh đấu cho nền dân chủ nước nhà, và tôi thật sự khâm phục họ …

Các thế hệ thanh niên chúng tôi lớn lên trong nỗi sợ truyền kiếp và giữa những bàn tay vô hình bóp nghẹt nếu chúng tôi dám sống thật với mình. Chúng tôi dường như ngủ quên trong nỗi lo toan nghiệt ngã của cơm áo và sự cam chịu.

Hôm trước, tôi lắng nghe trên đài, tâm sự của Phạm Hùng Vỹ, một người bằng tuổi tôi. Tôi như bừng tỉnh, đó cũng là tâm sự của chính chúng tôi, những người trẻ tuổi đầy hoài bảo. Tôi chỉ tiếc là mình chưa có sự can đảm như anh.

Mong rằng ban Việt ngữ RFA sẽ luôn song hành với con đường dân chủ đầy thử thách của Việt Nam.”

Những ý kiến khác

Tuần qua, RFA Việt ngữ nhận được email của Vũ Hoàng Việt nói là một du học sinh Việt Nam đang học tập tại Mỹ, muốn tham gia “Diễn đàn Bạn trẻ” với quan điểm ủng hộ Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.

Xin trả lời là đài RFA chúng tôi tôn trọng mọi quan điểm do đó, người điều hợp diễn đàn này là Trà Mi, sẽ thu xếp lịch trình để mời bạn tranh luận. Ban Việt ngữ hoan nghênh mọi người tham gia diễn đàn, cho nên chúng tôi không nghĩ là thính giả RFA trong và ngoài nước “hiểu nhầm” như bạn suy diễn đâu, Hoàng Việt à.

Từ trong nước, bạn C.T. viết:

“Em rất thích nghe mục Thư tín để biết những tâm tư trăn trở của thính giả trong và ngoài nước về tình hình Việt Nam.

Em mong là nước mình ngày càng tiến bộ và phát triển…”

Và bạn D.Đ. ký tên là “Một thành viên yêu Dân chủ ở Việt Nam”

Khi rời Việt Nam, em mới 15 tuổi, rồi lo hòa nhập cuộc sống mới … nhưng sau chuyến trở lại thăm quê hương thì Quốc cảm nhận được nhiều và thương người dân thật nhiều. Những tin tức của đài RFA nhiều khi khiến Quốc xót xa đến rơi lệ…

“vẫn nghe tin tức quý Đài và cũng nhận được thông tin của Tiến Trung qua email, tiếc là không có cơ hội để gặp Tiến Trung và các bạn trẻ trong phong trào “Marathon Nối vòng tay lớn …”

Từ hải ngoại thì bạn Quốc Nguyễn tâm sự

“Khi rời Việt Nam, em mới 15 tuổi, rồi lo hòa nhập cuộc sống mới … nhưng sau chuyến trở lại thăm quê hương thì Quốc cảm nhận được nhiều và thương người dân thật nhiều. Những tin tức của đài RFA nhiều khi khiến Quốc xót xa đến rơi lệ …”

Thính giả Trần Toàn định cư ở Pháp, đề nghị:

“Quý đài đã nói về cuộc “Cải cách ruộng đất” và vụ “Nhân văn Giai phẩm”, tôi rất mong ban Việt ngữ RFA cũng nói về “Tết Mậu Thân 1968 ở Huế” nhất là hiện giờ, còn nhiều người Huế để làm chứng cho vụ đó. Tôi sinh trưởng ở Huế, và là một trong những người thoát chết trong vụ “Tết Mậu Thân” …”

Và lá email bay đến từ Úc của thính giả Phùng Mai:

“Nghe bài tưởng nhớ 50 năm cuộc Cách Mạng Mùa Thu Budapest tại Hungary, tôi hết sức cảm phục. Những tiết mục như thế rất cần thiết cho người Việt …

Cảm ơn RFA đã phát bài đó về Việt Nam cho người dân tôi được nghe.

Tôi tin rằng Việt Nam ngày nay sẽ không cần cuộc cách mạng đổ máu như thế, tuy nhiên người dân cần được biết để học hỏi, để đoàn kết và đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền hữu hiệu hơn.”

Các bạn Q.M. và H.V. email đến RFA Việt ngữ báo tin về một số vụ xảy ra tại tỉnh Phú Yên khiến dân chúng trong vùng rất bất bình:

“… Phú Yên là vùng đất mà người dân sống rất hiền hoà, vậy mà nay cũng không chịu nổi cảnh áp bức của Công an nữa!”

Mời các bạn tham gia mục Trao đổi thư tín với thính giả. Xin gửi email về Vietweb@rfa.org

Ban Việt ngữ RFA cũng nhận được cuốn thơ “Ru người ru đời” của tác giả Mạc Phương Đình gửi tặng. Cuốn này gồm nhiều bài thơ và trình bày rất đẹp. Nhà thơ Mạc Phương Đình cũng gửi cuốn “Khung trời hướng vọng” của Nguyễn Thùy. Đây là một cuốn sách dày, khảo luận thơ của rất nhiều thi sĩ.

Chúng tôi sẽ đọc dần, xin cám ơn ông Mạc Phương Đình và ông Nguyễn Thùy.

Đã hết giờ, Thy Nga phải ngưng nơi đây, mời quý vị nghe tiếp mục “Thư tín” vào chương trình phát thanh tối nay, với phần trả lời email của thính giả Ngọc Kiên.

Theo dòng câu chuyện:

- Trao đổi thư tín với thính giả ngày 26-10-2006 (phần 2)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.