Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Kính chào quí vị, nếu cho rằng người Việt ở Kampuchia phần lớn từ miền Tây Nam Bộ sang, người Việt ở Lào phần lớn từ mạn Bắc và Trung Bộ sang thì không sai chút nào, bởi đồng hương của mình mà Thanh Trúc gặp ở Vientiane cũng như ở ngọai vi thủ đô Lào đa số là người Bắc hoặc người Trung.

Người Việt định cư ở Lào đã hai ba thế hệ hoặc sang Lào sau 1975 đều là những người giỏi giang, khéo mua bán, căn cơ và thành đạt. Đó là cảm nghĩ của Thanh Trúc khi so sánh với cộng đồng Việt nghèo nàn ở Kampuchia.
Cũng có những người trôi dạt đến Lào như một quyết định may rủi hoặc tình cờ của số phận, sinh họat của họ như thế nào cũng là điều được trình bày trong Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tối hôm nay.
Những người thành công
Thanh Trúc mời quí vị đến thăm những người Việt mà tổ tiên ông bà của họ sang Lào lập nghiệp gần một trăm năm trước. Ông Kham Cương, một thương gia thành công, hiện là chủ nhân một khách sạn hạng trung ở thủ đô Vientiane, cho biết ông có nhiều việc khác để kiếm thêm huê lợi:
Ông Kham Cương: Ngoài khách sạn tôi còn buôn bán vàng ở Chợ Sáng và Chợ Chiều. Hai chổ ấy để cho con cái làm. Ngoài ra còn có việc làm xây dựng, làm ruộng. Tất cả những gì làm được thì tôi đều làm.
Thanh Trúc: Được biết những người Lào gốc Việt giàu có và thành đạt thì con cái của họ khi lớn lên họ đều cho đi nước ngoài du học. Gia đình ông thì sao?
Ông Kham Cuong: Hai con trai tôi đi học đại học ở Việt Nam đấy. Một học ngọai giao, một học chính trị. Tại lớn lên con bảo thích đi học ở Việt Nam nên tôi cho đi học ở Việt Nam.
Hẳn quí vị có nghe ông Kham Cương nhắc đến Chợ Sáng, ngôi chợ lớn nhất của thủ đô Vientiane. Bây giờ chúng ta rời phố để vào Chợ Sáng xem sao. Đây là một ngôi chợ khang trang, sạch sẽ, và nổi bật nhất là những cửa hàng hoặc quầy hàng thủ công mỹ nghệ trưng bày thật đẹp mắt:
Hỏi: Hàng thủ công mỹ nghệ này mình nhập từ đâu, thí dụ những cái tượng này?
Đáp: Của Thái Lan, và đây là đồ sứ của Tàu, lấy từ Việt Nam sang.
Hỏi: Trong chợ này có bao nhiêu của hàng thủ công mỹ nghệ của người Việt Nam mình?
Đáp: Ba bốn cửa hàng.
Hỏi: Anh mở cửa hàng bán sách này lâu chưa?
Đáp: Mấy năm rồi, chợ này là chợ lớn nhất của Vientiane, người Việt mình bán đủ các thứ mặt hàng, vàng bạc cũng có, ở trên tầng hai.
Hỏi: Người Việt mình ở đây có ai đi làm việc cho chính phủ không?

Đáp: Có chứ, người làm công nhân viên chức cũng có chức có quyền khá đấy.
Hỏi: Ở đây người ta gọi là Việt kiều đó hả?
Đáp: Đúng, Việt kiều bây giờ phần lớn thánh người Lào gốc Việt.
Hỏi: Anh Minh mở tiệm vàng này lâu chưa?
Đáp: gần hai mươi năm rồi.
Hỏi: Ở Chợ Sáng này có nhiều người Việt Nam bán vàng không?
Đáp: Nhiều, ba bốn chục người
Hỏi: Như vậy người mình khá quá. Còn thí dụ anh không có quốc tịch Lào mà chỉ là Việt kiều thôi thì có mở tiệm vàng được không?
Đáp: Được hết, tự do mà.
Hỏi: Người Lào thích mua vàng không, tháng nào bán đắt nhất?
Đáp: Tháng Mười Một tháng Mười Hai, mùa cưới mùa hỏi. … Nói chung là bây giờ thì buôn bán cũng đủ ăn đủ tiêu đủ xài. Mấy năm về trước thì kiếm ăn dể hơn vì mới giải phóng người ta còn có tiền nhiều.
Hỏi: Hình như người Việt mình ra buôn vàng cũng nhiều?
Đáp: Nhiều, Chợ này người Việt mình chiếm không phải 100% nhưng mà nói chung là cũng 75%, toàn người Việt mình hết ấy, tiệm vàng, tiệm buôn bán. Vì bây giờ người ta vào quốc tịch Lào, nhiều người cứ để tên Lào thành không biết ai người Việt ai người Lào. Nhưng mà người Việt buôn bán ở Vientiane không bảy mươi lăm thì cũng bảy mươi.
Hỏi: Người Việt ở Vientiane đều khá hết phải không ạ?
Đáp: Cũng có ngưới khá cũng có người nghèo cũng có người đủ ăn đủ xài. Dân mình đi đâu cũng siêng năng cần cù và tiết kiệm, xưa này ông cha để lại đức tính kiểu ấy, mình buôn được mười mình ăn bốn năm còn thì chừa lại. Nói chung cái vốn nó cứ đều vậy.
Tại Chợ Sáng, Thanh Trúc gặp chủ nhân một gian hàng bán đồ trang sức và mỹ phẩm mà nghe đâu giàu nhất chợ này. Bà vừa bán hàng vừa vui vẻ tiếp chuyện Thanh Trúc :
Đáp: Tôi là sinh ở đây, rồi cũng có ở bên Thái, ở Thái xong về Việt Nam, về Việt Nam xong quay lại đây. Ba mẹ tôi là người Huế. Gia đình ở bên này lâu rồi.
Hỏi: Cửa hàng mỹ phẩm này cũng nhiều tiền phải không?
Đáp: Quán này mua bốn chục ngàn.

Hỏi: Ở Chợ Sáng này bà có mấy hàng ?
Đáp: Ba, kể đây nữa là bốn. Hàng này bốn chục ngàn đô, hàng ngoài kia cái to nhất là một trăm năm mươi mốt, hai cái nhỏ nữa mỗi cái bốn chục hai cái tám chục. Tóm lại thì còn ba quán, một cái bán rồi, bán cho người Tàu.
Hỏi: Ở Chợ Sáng không chừng người Việt mình lại đông hơn người Lào bà nhỉ?
Đáp: Thì năm mươi năm mươi.
Bán hàng rong
Thanh Trúc mất nửa ngày để đi giáp chợ Sáng, thăm hỏi bà con người Việt mình ở đây. Nếu quí vị mỏi chân rồi thì xin dời bước ra đường lớn vậy.
Đúng là nơi nào cảnh ấy, người Lào có dáng vẻ thư thả, trầm lặng, cuộc sống ở thủ đô cũng thư thả từ tốn chứ không tất bật như Bangkok hay náo nhiệt như Hà Nội. Bây giờ chúng ta thả bộ trên con đường Mê Kông chạy dọc theo giòng sông Mekong chảy qua thủ đô nước Lào.
Từ xế chiều, người ta bắt đầu bày các quán giải khát và thức ăn, chuẩn bị đón khách ra đây ngồi hóng mát. Có dăm ba phụ nữ bán mực nướng ghé lại mời chào. Hình như ánh mắt và nụ cười thân thuộc ấy… chỉ thiếu chiếc nón lá thôi, nhưng Thanh Trúc đoan chắc với quí vị họ là người Việt Nam.
Họ qua đây bằng cách nào, khi nào, tại sao họ đi bán hàng rong? Sau một hồi nói chuyện, chị Hoa và chị Bé mới chịu giải thích các chị qua Lào là vì được chính phủ cấp giấy cho đi:
Đáp: Đi lên cái chổ nơi cầu Tràng Tiền ở Huế đó, nơi họ kêu cái chi nì… vô đó chụp hình, mua cái giấy chi đó một tờ tám ngàn, rồi mình về mình khai. Họ hỏi mình qua bên nớ có chị em làm ăn bên đó, rứa thôi .
Hỏi: Chị đi Lào, nhưng hồi nãy chị nói xin đi ba nước là sao?
Đáp: Họ làm cái giấy đi ba nước, Kampuchia, Lào, Thái. Như ri khi mô tui qua Thái là cũng bằng giấy ni, đều mình không qua Kampuchia mần chi thôi. Qua cửa khẩu Lào đã nà, rối mới tới cửa khẩu Thái, xong mình ưa vô siêu thị Thái chơi cũng được hết.
Hỏi: Như vậy là nhà nước cho dân xin đi lao động ở ba nước?
Đáp: Thì chơ răng, giấy là họ để Kampuchia, Lào, Thái, qua Lào cũng được, Thái cũng được Kampuchia cũng được nì.
Hỏi: Chị qua Lào bao lâu rồi?
Đáp: Hai ba tháng chi thôi. Thuê nhà ở, hai ba trăm đô một năm là hai ba chị em ở.
Hỏi: Có phải chị Bé đi giống chị Hoa không?
Đáp: Thì cũng làm hộ chiếu, thí dụ mình qua trong một năm hay một tháng đó là quyền của mình. Cái này thời hạn năm năm nhưng ở một năm hay một tháng là do mình. Bây giờ chị ở quá năm năm cũng được nhưng sợ công an kiểm tra giấy tờ, thấy không hợp lệ thì họ phạt..
Hỏi: Chị nào cũng có gia đình và con cái, sao không ở trong nước mà qua đây chi vậy?
Nhưng mà chúng ta vẫn đang đứng trên giòng Mekong chảy qua Vientiane, có phải không? Và trên giòng Mekong này của đất Lào đang có không ít những phụ nữ Việt tìm cách thóat khỏi đời nghèo như thế. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Đáp: Ở bên đó làm ăn khó quá, cả năm kiếm được năm ba triệu thôi. Qua đây một năm có thể kiếm được đôi ba chục triệu. Coi như ở suốt cả năm thì mỗi tháng mình kiếm khỏang trăm đô, một ngày kiếm ba chục ngàn, có khi bốn chục ngàn, ăn tiêu chi thì tháng cũng dành ra được tùy tháng một trăm đô hay bảy tám chục đô. Đó, mình lấy trung bình một tháng một trăm đô mình ở cả năm thì được khỏang một ngàn đô…
Hỏi: Chị Bé có làm được giống chị Hoa không?
Đáp: Buôn bán khi có khi không, khi đắt khi ế.
Hỏi: Khi hai chị qua đây thì lưng vốn là bao nhiêu?
Đáp: Có khi không có vốn, có khi ít trăm hay cở triệu, qua đây mình đổi tiền kíp ni, được vài ba trăm ngàn rồi mình đi lấy mực mình đi bán. Có người họ qua họ bán đậu hủ nóng, nếu họ có vốn thì họ dọn sạp ngồi bán. Tụi tui là nghèo mới đi lang thang như ri.
Hỏi: Nếu chị có được khỏang bao nhiêu thì chị về nước?
Đáp: Cái nớ không nói được…
Hỏi: Ở Cửa Nhà Đồ với bên Phú Bài mấy chị đi có nhiều không?
Đáp: Nhiều lắm. Có người có vợ có chồng có hai đứa con cũng qua đây thuê nhà ở, con gái thì qua làm móng tay móng chân.
Một buổi chiều trên bến sông Mekong Thanh Trúc gặp chừng mươi phụ nữ Việt đi bán mực khô như thế. Chị Hương vừa cời than nướng mực nơi cái lò xách theo, vừa tâm sự với Thanh Trúc:
Đáp: Em ở Huế, chợ Tài Lộc đi ra chổ cửa Đông Ba.
Hỏi: Làm giấy đi chị tốn bao nhêu tiền ?
Đáp: Tốn không mấy sảng, ba trăm ngàn.
Hỏi: Ở Huế chị không kiếm được việc làm?
Đáp: Vất vả quá chị nạ. Làm ăn không có tiền, có vốn mới buôn bán được, còn đi cắt đi hái cho họ, đi gặt lúa ngày kiếm hai chục ba chục không đủ ăn.
Hỏi: Qua đây đi bán mực rong nếu tằn tiện thì một tháng để dành được bao nhiêu?
Đáp: Ăn uống rồi tháng dư được 50 đô, tháng được tháng không, mùa mưa không đủ ăn mà giờ chứ về nước mình thì còn khổ hơn nữa, nói chung ở đây đỡ hơn bên Việt mình.

Hỏi: Chị định chừng nào về?
Đáp: Tết em về thăm cháu
Hỏi: Ra đây buôn bán chị có gặp khó khăn gì không?
Đáp: Khổ tâm vì nhiều khi thấy con người mình ngó không ra răng hết, thấy con người mình ngó tồi lắm. Nhiều khi đi mời đi mời như ri, người ta bán quán trong tê người ta nói,người ta kêu người Việt lên đây, kêu người Việt này nọ… Buồn …
Thanh Trúc đang kể cho quí vị nghe hai cảnh đời của người Việt ở Lào. Người Việt sung túc ở Chợ Sáng của Vientiane và người Việt nghèo bên bờ Mekong của thủ đô này. Muốn gọi là buôn thúng bán bưng cũng không đúng vì gia tài của họ chỉ là cái rổ mục khô cặp ở tay này, tay kia xách lồng than so sài với một que gổ để cời than và nướng những con mực khô bán cho khách.
Chiều xuống trên giòng Mekong chảy qua Vientiane, nắng chiều trên con nước sóng sánh ngoài kia không đủ thắp sáng những mảnh đời chật vật. Giòng Mekong khi vào nội địa Lào không dạt dào con nước như khi đổ vào going Tonlesap lượn qua Phnom Penh bên đất Chùa Tháp. Con nước Mekong ở Lào là con nước cạn đến thấy rõ doi đất hiu hắt lau thưa ngoài xa.
Phải đi nhiều đỗi nữa nưới mới xuôi nguồn, tụ lại thành ghềnh, bung lên thành thác, rồi cuồn cuộn đổ xuống, xô đẩy nhau thành chín con rồng hung dũng tiến về phương Nam bằng những bước chân ngập tràn phù sa. Một câu hát của Phạm Duy bổng trở về trong trí nhớ:
“Chiều buông trên giòng sông Cửu Long như một cơn ước mơ xa vời, chiều buông trên giòng sông Cửu Long, thương đời thương lẫn nhau trong chiều”..