Tình trạng trên bảo dưới không làm gây nhiều thắc mắc cho người dân


2006.03.09

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Tuy đã có khuyến cáo của Cục Kiểm Tra Văn Bản Pháp Luật, Bộ Tư Pháp, yêu cầu bãi bỏ hay sửa đổi một số văn bản trái thẩm quyền hay trái luật nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa thi hành đúng đắn các khuyến cáo này, gây nhiều thắc mắc trong dân chúng.

Lawkhieukien200.jpg
Tình trạng trên bảo dưới không làm gây nhiều thắc mắc cho người dân. Photo courtesy of Vietnam Net

Trả lời phỏng vấn của báo chí vào cuối tháng hai vừa qua, ông Lê Hồng Sơn, Cục Trưởng Cục Kiểm Tra Văn Bản Qui Phạm Pháp Luật, Bộ Tư Pháp, cho biết là vẫn còn 9 trong số 33 tỉnh, thành phố ban hành những văn bản trái luật hay trái thẩm quyền vẫn chưa báo cáo lên Bộ Tư Pháp.

Một số tỉnh tuy có sửa nhưng vẫn còn sai. Đặc biệt hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng tuy dã được Bộ Tư Pháp yêu cầu hủy bỏ văn kiện sai phạm nhưng đã né tránh bằng cách sửa đổi thay thế. Tuy nhiên những văn kiện mới này vẫn trái luật.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm thuộc Luật sư đoàn thành phố Hồ Chí Minh góp ý về việc vi phạm này của các tỉnh, thành phố như sau: “Tình trạng trên bảo dưới không nghe cần phải được khắc phục. Đây là văn hóa của lãnh đạo các tỉnh cần phải thay đổi.”

Đối với việc Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố xé rào trong việc ban hành các biện pháp ưu đãi sai với qui định để thu hút vốn đầu tư vào địa phương mình phải chấm dứt tình trạng này, Luật sư Bùi Quang Nghiêm có ý kiến: “Chính phủ vẫn tôn trọng các quyết định trước đây của địa phương về vấn đề khuyến khích đầu tư dù rằng những quyết định này trái với qui định của nhà nước.”

Về câu trả lời của ông Cục Trưởng Phạm Hồng Sơn cho rằng các cá nhân hoặc tổ chức bị ảnh hưởng vì các văn bản không có giá trị pháp lý có thể kiện cơ quan ban hành văn bản đó ra trước Toà án Hành Chánh, Luật sư Nghiêm có nhận xét:

“Không thực tế. Người dân không có thì giờ và tiền bạc để nhờ Luật sư theo kiện cho mình. Nếu bắt buộc cơ quan bị kiện phải chịu án phí và mọi chi phí khác thì họa may người dân mới có thể theo kiện được.”

Tình trạng trên bảo dưới không nghe hay thường gọi là phép vua thua lệ làng, không những làm phiền hà cho người dân mà còn làm cho các nhà đầu tư e ngại vì phải qua nhiều cửa từ trung ương đến địa phương trong việc làm ăn, buôn bán với Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.