Quản lý dược phẩm lỏng lẻo khiến một em bé thiệt mạng

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Quản lý dược phẩm là một nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế và dược phẩm. Thế nhưng, vừa qua do lỏng lẻo trong quản lý vaccine chủng ngừa khiến sáu trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh sau khi tiêm chủng đã bị sốc, trong số đó một cháu tử vong.

Prioxix200.jpg
Vaccine Prioxix.

Việc thành lập Hội đồng chuyên môn đánh giá sử dụng vaccine Prioxix tại thành phố Hồ Chí Minh theo chỉ thị của Bộ Y Tế, rồi việc Tổ chức Y Tế Thế giới phải cử chuyên gia sang Việt Nam khảo sát và Tổ hợp dược phẩm Glaxosmithkline gởi chuyên gia y khoa về an tòan vaccine sang Việt Nam, cho thấy mức độ nghiêm trọng của sự vụ.

Mạng người là quí và uy tín của một công ty sản xuất vaccine cũng quan trọng nên các bên phải phối hợp sau khi sáu cháu bé tại thành phố Hồ Chí Minh bị sốc thuốc khi chủng ngừa bằng vaccine.

Nhiệm vụ của hội đồng chuyên môn được cho biết là điều tra đánh giá nguyên nhân, mức độ các trường hợp phản ứng phụ, tử vong có liên quan đến việc tiêm vaccine.

Phía đơn vị sản xuất vaccine Priorix thì cho rằng chưa hề có trường hợp nào tương tự như vừa xảy ra tại Việt Nam đã từng diễn ra trên thế giới.

Tuy nhiên sau một ngày làm việc, hội đồng đã đưa ra nhận định ban đầu về tai biến nơi cháu bé 13 tháng tuổi là do nhiễm độc tố. Tuy nhiên hội đồng chưa cho biết lọai độc tố đó là gì, vào khi nào, cơ chế nhiễm ra sao vì còn phải chờ các thí nghiệm đối chứng.

Bà Dida, phát ngôn nhân của Đại diện Tổ chức Y Tế Thế giới tại Hà Nội cho biết về công việc đang được tiến hành. Đại ý theo bà là chưa thể đưa ra kết luận gì mà phải chờ kết quả chính thức. Bà hy vọng sẽ sớm có được kết quả đó.

Bạn nghĩ gì về sự cố này? Xin email về Vietweb@rfa.org

Báo chí trong nước đã vào cuộc và cho biết là số vaccine gây tai biến nơi các cháu là do một công ty dược không có chức năng kinh doanh vaccine cung cấp. Đó là công ty TNHH dược phẩm và trang thiết bị y tế Hòang Đức.

Con đường lắt léo của số vaccine mà công ty TNHH Hòang Đức bán ra cho đơn vị sử dụng là Trung tâm Y Tế Quận 5 đuợc báo chí trong nước thuật qua giải trình của giám đốc Đặng Văn Tuờng của Hòang Đức là công ty này mua 1000 liều vac xin trong lô hàng 11 ngàn liều mà nhà sản xuất Glaxosmithkline nhập về chứa trong kho lạnh của hãng dược Zuellig Pharma.

Ông Lê Trương, bác sĩ giám đốc Trung tâm Y tế Quận 5, nói rằng vào ngày 25 tháng tư năm nay khi trung tâm hết vaccine Priorix chính ông gọi điện cho Glaxosmithkline để mua nhưng thấy Công ty Hòang Đức chở 109 liều đựng trong thùng lạnh đến cho trung tâm.

Đại diện của công ty Glaxosmithkline tại Việt Nam cho đến ngày 18 tháng 5 vừa qua vẫn chưa có phát biểu gì mà nói vẫn đang chờ kết quả điều tra. Công ty này cho biết sẽ lấy mẫu vaccine trong lô hàng mà Trung tâm Y tế Quận năm đã mua để làm xét nghiệm độc lập.

Trong khi các cơ quan chức năng đang lo giải quyết hậu quả của tình trạng quản lý lỏng lẻo lâu nay dẫn đến tử vong cho người chủng ngừa, thì dân chúng hoang mang. Những gia đình có con nhỏ phải chủng ngừa thì rất lo ngại khi phải đưa con em đi chích ngừa dù là bệnh gì. Một vị phụ huynh cho biết về tình hình quản lý dược phẩm trong nước: "Giờ phải chờ cho tình hình tạm lắng mới dám cho đi tiêm ngừa lại, chắc cũng phải ba tháng."

Phát ngôn nhân Dida của đại diện WHO tại Hà Nội thì nói là tổ chức này ủng hộ việc tạm ngưng sử dụng Priorix cho đến khi có điều tra thêm, nhưng không khuyến cáo ngưng các lọai tiêm phòng khác.

Theo qui định của ngành y tế Việt Nam thì vaccine là mặt hàng phải đuợc bảo quản vận chuyển đặc biệt kỹ lưỡng nằm trong dây chuyền lạnh quốc gia. Tức vaccine nhập về tại 4 kho lạnh khu vực đó là Viện Vệ Sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Dịch Tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur Sài Gòn.

Tiếp đó đuợc phân về kho lạnh tại các trung tâm y tế dự phòng của các tỉnh, rồi đến tủ lạnh của đội y tế dự phòng quận huyện, cuối cùng là bỏ vào các phích nước đá đưa xuống phường tiêm chủng. Khi bỏ vaccine vào phích đá mang đi tiêm thì chỉ sử dụng trong ngày mà thôi. Nếu nhiệt độ không ổn định thì vaccine hư ngay và không dùng đuợc. Thế nhưng số vaccine mà Trung tâm Y tế Quận năm mua từ Công ty Hòang Đức lại có một số sử dụng trong suốt ba ngày, số còn lại vẫn chưa được cơ quan chức năng cho biết đang đuợc bảo quản ra sao.

Câu 'lợn lành hóa thành lợn què' có thể áp dụng cho truờng hợp nhiều người lo tiêm phòng bệnh nhưng gặp phải lọai thuốc dởm nên tự nhiên thành mắc bệnh, và trong trường hợp cháu bé tại Sài Gòn thì mất mạng. Nếu quả đúng vaccine nhiễm độc tố gây tử vong cho nạn nhân; thì nguyên nhân sâu xa vẫn là sự tắc trách của ngành y tế thành phố.