Dân biểu Loretta Sanchez đề nghị Malaysia xét lại quyết định đục bỏ bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam


2005.07.03

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Đại diện lập pháp Mỹ địa hạt 47 miền Nam tiểu bang California, dân biểu Loretta Sanchez, đã viết thư cho ngoại trưởng Malaysia yêu cầu xét lại quyết định đục bỏ tấm bia tưởng niệm những thuyền nhân Việt bỏ mình tại biển Đông trên đường đi tìm tự do sau ngày 30 tháng Tư năm 1975.

BidongIsland200.jpg
Tấm bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam trên đảo Bidong. Photo by Thanh Quang/RFA

Trong cuộc phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện, người nữ dân biểu chuyên bênh vực quyền lợi cho người Mỹ gốc Việt này giải thích lý do và ý nghĩa việc làm của bà.

Tấm bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam chết trên biển Đông, được hơn một trăm người Việt Nam tại Hoa Kỳ và Australia dựng lên trên đảo Pulau Bidong của Malaysia khi trở lại thăm viếng nơi này và cầu siêu cho những người đã chết hồi tháng Ba vừa qua.

Đối với những người liều mạng ra đi trên những chiếc thuyền mong manh lúc bấy giờ, đảo Pulau Bidong của Malaysia là bến bờ đầu tiên của tự do và an toàn sau chuyến phiêu lưu thập tử nhất sinh và hãi hùng trên biển cả.

Thế nhưng cách đây hai tuần, thể theo yêu cầu từ phía Việt Nam, chính quyền Malaysia ra lịnh đục bỏ tấm bia tưởng niệm thuyền nhân xuống, gây xúc động và căm phẩn trong dư luận người Việt hải ngoại.

Phát biểu cảm tưởng với đài Á Châu Tự Do khi nghe tin này, một bạn trẻ ở Hà Nội, anh Lê Phương, cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Tuần trước, bà Loretta Sanchez, đại diện dân cử địa hạt 47, nơi cư ngụ của đông đảo cử tri Mỹ gốc Việt bang California, gởi một bức thư cho ngoại trưởng Syed Hamid Albar của Malaysia, bày tỏ sự quan tâm của chính bà và của cư dân trong địa hạt mà bà đại diện về hành động đục bỏ tấm bia tưởng niệm thuyền nhân trên đảo Pulau Bidong.

Tấm bia tưởng niệm người Việt bỏ mình trên đường vượt biên là biểu tượng của một giai đoạn đáng nhớ trong lịch sử rằng câu chuyện về thuyền nhân Việt Nam liều mình đi tìm tự do là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử của người Việt Nam.

Nữ dân biểu Loreta Sanchez giải thích nguyên nhân thúc đẩy bà can thiệp vào chuyện này là vì theo bà nghĩ tấm bia tưởng niệm người Việt bỏ mình trên đường vượt biên là biểu tượng của một giai đoạn đáng nhớ trong lịch sử rằng câu chuyện về thuyền nhân Việt Nam liều mình đi tìm tự do là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử của người Việt Nam.

Cũng vậy, tấm bia tưởng niệm những người đã chết trong giai đoạn đó cũng quan trọng không kém vì nó nhắc nhở lại những chuổi ngày đau buồn gian khổ của bao nhiêu thuyền nhân Việt Nam trong quá khứ.

Trong bức thư gởi ngoại trưởng Malaysia, dân biểu Sanchez viết rằng đài tưởng niệm thuyền nhân trên đảo Pulau Bidong không chỉ là biểu tượng thiêng liêng của tự do mà còn phản ảnh lòng biết ơn sâu xa của người Việt bỏ nước ra đi đối với chính phủ Malaysia và người bản xứ đã cưu mang họ một thời.

Bà viết tiếp rằng việc đục bỏ như vậy là hành động không chính đáng, và bà mong chính quyền Malaysia hiểu rằng bia tưởng niệm không chỉ có ý nghĩa với người tị nạn Việt Nam mà còn mang nhiều ý nghĩa đối với thế giới.

Được hỏi ngoài những lý do vừa kể thì còn động lực nào khác thúc đẩy bà viết thư phản đối qua bộ ngoại giao Malaysia, dân biểu Loretta Sanchez trả lời vì bà là đại diện dân cử của rất nhiều người Mỹ gốc Việt ở địa hạt 47 tiểu bang California mà phần lớn là thuyền nhân.

Bà nói bà hiểu thế nào là nỗi đau và lòng căm phẩn mà họ biểu tỏ khi nghe tin bia tưởng niệm thuyền nhân, trong đó có người thân yêu xấu số của họ, bị đập bỏ một cách bất công như vậy. Với câu hỏi bà mong đợi sự phúc đáp như thế nào vì bia đã bị đục bỏ rồi, và bà sẽ trình bày điều gì nếu phía thẩm quyền Malaysia liên lạc với bà.

Bà Sanchez nói bà muốn chính phủ và người dân Malaysia hiểu tầm ảnh hưởng và sự tác động từ quyết định đục bỏ tấm bia đối với người Việt hải ngoại, đồng thời yêu cầu Malaysia cho phép hoặc giúp đỡ để bia được dựng trở lại.

Là một vị dân cử Mỹ thường lên tiếng binh vực cho các tù nhân lương tâm còn bị giam cầm ở Việt Nam, thường sát cánh cùng các đồng viện trong Tiểu Ban Quan hệ Quốc Tế như dân biểu Chris Smith và dân biểu Ed Royce để đẩy mạnh dự luật nhân quyền cho Việt Nam, nên khi đề cập tới Việt Nam nhất là trong bối cảnh thủ tướng Phan văn Khải sang thăm Mỹ, bà Sanchez nhắc tới buổi điều trần về nhân quyền và tự do tôn giáo tại hạ viện thứ Hai tuần trước, một ngày trước khi ông Phan Văn Khải đến Washington.

Bạn nghĩ gì về sự kiện này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Mục đích của buổi điều trần là nhấn mạnh với chính phủ Việt Nam và chính phủ Mỹ về những mặt tồn tại của tình trạng thiếu nhân quyền và thiếu tự do tôn giáo ở Việt Nam. Riêng với nổ lực cá nhân, bà Sanchez nói, thì tiếp tục vận động để dự luật nhân quyền cho Việt Nam được quốc hội thông qua là nhiệm vụ của bà trong những ngày tới, bên cạnh việc yêu cầu hành pháp Mỹ có biện pháp rõ ràng nếu Việt Nam không cải thiện như Hoa Kỳ mong đợi.

Được biết dân biểu Loretta Sanchez đã yêu cầu được tiếp xúc với thủ tướng Phan Văn Khải khi ông có mặt tại Hoa Kỳ nhưng không được phía hành pháp chấp thuận.

Tuy nhiên vào khi Nhà Trắng chuẩn bị tiếp đón ông Khải ngày 21 tháng Sáu, thì trước đó gần 40 nghị sĩ dân biểu thuộc lưỡng viện quốc hội đã ký tên trong một văn thư đề nghị tổng thống Bush nêu vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo với thủ tướng Việt Nam.

Năm 2000, nữ dân biểu Loretta Sanchez đi thăm Việt Nam hai lần, gặp một vài nhà bất đồng chính kiến trong nước. Khi trở về Mỹ, bà nhiều lần lên tiếng đòi Việt Nam chấm dứt trù dập đối lập, tôn trọng tín ngưỡng của người dân, trả tự do cho các tù nhân chính trị còn bị giam cầm.

Sau đó, Việt Nam hai lần bác đơn xin nhập cảnh của bà Sanchez, mà mới nhất là năm ngóai. Hà Nội viện cớ sự thăm viếng của bà lúc này không thuận lợi cho mối quan hệ giữa hai nước.

Được hỏi bà còn giữ ý định đi Việt Nam nữa không, bà Lotretta Sanchez nói bà hy vọng được Việt Nam cấp giấy nhập cảnh tháng Mười Một năm nay, được phép đi viếng thăm một vài nhân vật đối kháng như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, hoà thượng Thích Quảng Độ và những người khác nữa để tìm hiểu về những gì đang xảy ra ở Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.