Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Những ngày giáp Tết, báo Xuân khắp nơi trực rỡ trình bày những hình ảnh tươi đẹp đang chào đón một nước Việt Nam thịnh vượng và phát triển trong năm Đinh Hợi. Tuy nhiên, trong các viên đường theo thông lệ, lại có lẫn một viên thuốc đắng trên báo Lao động Xuân ấn bản Miền Trung Tây nguyên.

Những năm gần đây, Việt Nam luôn luôn được nhắc đến như một "tiểu long kinh tế" tương lai của châu Á với mức tăng trưởng cao thứ nhì, chỉ sau Trung Quốc.
Rồi đến khi gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cùng 149 quốc gia khác trên thế giới, báo chí và các cơ quan tuyên truyền Việt Nam lại thi nhau lập lại những sáo ngữ nghe nức lòng, như "chuẩn bị cất cánh", "sẵn sàng giương buồm ra biển lớn", hoặc "bay lên Việt Nam"......
Kèm theo là những thông tin, số liệu kinh tế, năm sau cao hơn năm trước, Việt Nam cao hơn láng giềng. Đại loại như chỉ số tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2010 dự báo là 7,5% trong khi Thái Lan chỉ được 4,8%, Malaysia được 5,3%.....
Liều “thuốc đắng”
Trong không khí đầy phấn khởi đó, đã có những tiếng chuông cảnh tỉnh gióng lên về thực tế mà Việt Nam cần đối diện. Chẳng hạn như hồi gần đây của tạp chí kinh tế The Economist, nhật báo tài chính The Wall Street Journal và một số cơ quan nghiên cứu, phát triển quốc tế....đã có nêu lên những thông tin, số liệu về thực trạng mà Việt Nam cần vượt qua, hoặc nên chuẩn bị kế hoạch cụ thể.
Mới nhất là trên số Lao động Xuân năm nay, ấn bản Miền Trung-Tây nguyên, có đăng bài tạp bút của nhà báo Trần Trọng Thức mang tựa đề "Hội chứng ru ngủ". Bài này được nhiều người xem là một liều "thuốc đắng", nhưng "đã tật", nên được tiếp thu một cách nghiêm chỉnh, thì mới có thể khỏi bệnh, hoặc chí ít là đỡ bệnh.
Bài tạp bút viết "một cuộc nghiên cứu có tựa đề Foresights 2020 căn cứ vào ý kiến của hơn 1,600 doanh nhân, chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách nổi tiếng, đã dự đoán rằng mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại từ năm 2011 trở đi với tỷ lệ trung bình hàng năm là 4,6%, thấp hơn của Philippines và Thái Lan là 4,7%, Malaysia là 4,8% và cả Indonesia là 5%".
Nhà báo Trần Trọng Thức đưa ra bài toán đơn giản để có một cái nhìn thực tế hơn về những con số bách phân đó, mà quan trọng hơn là cần chú ý đến điểm xuất phát của tăng trưởng. Thí dụ như GDP của Việt Nam hiện nay là 52 tỷ 800 triệu đôla, nếu nhân với mức tăng trưởng đến 8,4% thì số tăng trưởng tuyệt đối là 4 tỷ 400 triệu đôla.
Dễ thoả mãn
Nếu sử dụng phép tính ấy với Thái Lan là 172 tỷ nhân với 6,5% thì họ được 11 tỷ đôla. Nhà báo Trần Trọng Thức kết luận "như vậy thì không có gì đáng tự hào về cái gọi là mức tăng trưởng đứng hàng thứ hai châu Á và hàng đầu khu vực cả".
Ông viết thêm một số dẫn chứng khác để đưa ra nhận xét rằng "hình như chúng ta dễ thỏa mãn với những từ ngữ mỹ miều, và thật đáng lo nếu đi tìm lời giải cho bái tóan phát triển đất nước bằng những lời tự ru ngủ".
Bài tạp bút được ông kết luận "xin đừng quên là khoái cảm được vuốt ve sẽ hạn chế khả năng tư duy cái mới, vốn được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu để thành công trong thời hội nhập".
Nhà báo Trần Trọng Thức là người đã đóng góp rất nhiều vào những tờ Tuổi Trẻ, Lao động. Quý thính giả có thể tìm đọc thêm về bài "Hội chứng ru ngủ" trên số Lao động Xuân 2007, ấn bản Miền Trung-Tây nguyên, hoặc trên trang web của báo này là www.laodong.com.vn.