Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng - Trà Mi
Câu hỏi của thính giả:

“Xin bác sĩ vui lòng cho biết. - Bệnh viêm phổi có liên quan với bệnh viêm phế quản mạn không? - Tôi năm nay 64 tuổi, bị bệnh viêm phế quản mạn mấy năm nay.Không rõ bị bệnh này có phải do quá trình hơn 30 năm làm nghề giáo không? - Có cách trị lịệu nào tối ưu để trị bệnh này không? Hiện nay cứ 1,2 tháng tôi phải đi khám về được cho uống 1 đợt trụ sinh.”
Đáp:
“Viêm phế quản mạn được định nghĩa là tình trạng ho có đàm ít nhất ba tháng liên tiếp trong vòng ít nhất hai năm liên tiếp. Đặc điểm của bệnh này là sự gia tăng bài tiết các chất nhầy trong cuống phổi. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm phổi, đặc biệt là với loại vi trùng có tên là Haemophilus influenzae.
Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây ra viêm phế quản mạn là thuốc lá. Hút thuốc lá chịu trách nhiệm đến 80 phần trăm nguy cơ gây ra viêm phế quản mạn. Bệnh này cũng liên quan đến ô nhiễm không khí, nhiễm trùng và các yếu tố di truyền.
Một số nghề được thống kê với viêm phế quản mạn là các nghề tiếp xúc với bụi như thợ mỏ than, thợ mỏ vàng. Nghề giáo không thấy được liệt kê như là một yếu tố nguy cơ của viêm phế quản mạn, tuy nhiên, nếu dùng loại phấn cũ có nhiều bụi và cứ phải hít bụi phấn hàng ngày từ năm này sang năm khác, cũng có thể đó là một yếu tố nguy cơ.
Tuỳ theo giai đoạn của bệnh mà viêm phế quản được điều trị khác nhau. Điều quan trọng nhất là bỏ thuốc lá. Bệnh nhân nên chích ngừa viêm phổi, và cũng nên chích ngừa cúm hàng năm. Cách phương cách khác cũng được dùng tuỳ theo từng giai đoạn là thuốc làm dãn phế quản, thở dưỡng khí, thuốc chống viêm.
Thuốc kháng sinh chỉ được dùng khi bệnh trở nặng do bội nhiễm vi trùng. Hai phương cách được chứng minh có thể kéo dài mạng sống của người viêm phế quản mạn là bỏ thuốc là và thở dưỡng khí liên tục khi mức dưỡng khí trong máu đã tuột xuống mức cần dùng bình dưỡng khí.”
Mời các bạn tham gia mục Sức khoẻ và Đời sống. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org
Để tiếp tục về bệnh viêm phổi, hôm nay chúng ta sẽ nói về cách phòng ngừa. Làm sao để ngừa viêm phổi?
Hai điều quan trọng nhất là chích ngừa viêm phổi và chích ngừa cúm. Ngoài ra, những điều khác thường làm trong việc tránh lây các bệnh truyền qua đường hô hấp như tránh tiếp xúc với người bệnh, hít những hạt bụi khí do họ ho ra trong không khí, rữa tay thường xuyên, cũng là điều nên làm.
Những ai nên chích ngừa viêm phổi?
Có hai loại thuốc chủng chính (vaccines) giúp phòng viêm phổi:
- Một loại được dùng ở trẻ dưới hai tuổi, (pneumococcal conjugate vaccine –PCV-). Thuốc này dùng ngừa vi trùng S. pneumoniae, ở trẻ em thuốc này có tác dụng chính là giảm nguy cơ viêm màng não và nhiễm trùng tai, vì vi trùng này là nguy cơ chính gây ra hai bệnh này ở trẻ em, tuy nhiên, nó cũng giúp giảm nguy cơ viêm phổi.
- Một loại chống lại một số loại vi trùng thường gặp của S. pneumoniae (pneumococcal polysaccharide vaccine –PPV-) được khuyến cáo nên dùng ở người từ 65 tuổi trở lên hoặc những người có nguy cơ cao bị viêm phổi nặng.
Những người lớn có nguy cơ cao bị viêm phổi cần chích ngừa viêm phổi là những ai?
Đó là những người có: - Các bệnh phổi mạn tính như hen suyễn, viêm phế quản mạn - Các bệnh tim mạn tính - Bệnh gan - Bệnh thận - Những người bị tổn thương lá lách hay đã bị cắt lá lách - Một số loại ung thư - Bệnh tiểu đường - Bị suy giảm miễn dịch
Những ai nên chích ngừa cúm?
Thuốc ngừa cúm cần phải chích hàng năm. Thuốc này giúp ngừa cúm và các nhiễm trùng hoặc viêm phổi thường đi sau cúm.
Những người trên 50 tuổi, nhất là trên 65 tuổi nên chích ngừa, vì nếu bị cúm sẽ dễ bị nặng và bị các biến chứng như viêm phổi. Ngoài ra những người khác có nguy cơ cao bị cúm và nếu bị dễ nặng với các biến chứng nguy hiểm cũng nên chích ngừa cúm hàng năm. Đó là những người:
- Sống trong những viện điều dưỡng, viện dưỡng lão - Những người có các bệnh tim, phổi và các bệnh kinh niên khác như tiểu đường, bệnh thận - Những người bị suy giảm miễn dịch, như ung thư, HIV/Siđam, hoặc dùng các thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch - Phụ nữ có thai trong mùa cúm - Các thiếu niên, trẻ em cần dùng aspirin kéo dài - Trẻ em từ sáu tháng đến 23 tháng tuổi (dùng thuốc riêng cho trẻ em)
Những người tiếp xúc thường xuyên với các thành phần kể trên, như các thành viên trong gia đình, làm việc trong những nơi tiếp xúc với các thành phần kể trên, các nhân viên y tế cũng nên chích ngừa để mình không bị lây bệnh rồi lây cho những người có nguy cơ cao kể trên.
Có mấy loại thuốc ngừa cúm?
Có hai loại thuốc chủng ngừa cúm chính:
- Một loại được tổng hợp, dùng để chích. Trong loại này, loại dùng cho người lớn và trẻ em dưới hai tuổi hơi khác nhau vì loại dùng cho trẻ em nhỏ cần dùng các chất phụ gia an toàn hơn cho trẻ nhỏ.
- Một loại được điều chế từ vi rút sống được làm yếu đi, chỉ dùng ở người khỏe từ 5 đến năm mươi tuổi, được hít vào mũi chứ không phải chích vào bắp thịt.
- Khi cần thiết, cũng có thể dùng thuốc uống trị cúm để phòng cúm, nhưng phải dùng trong vòng hai ngày từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh và phải dùng liên tục ít nhất là 10 ngày.
Viêm phổi là bệnh thường gặp và thường gây tử vong nhất ở Việt Nam. Điều quan trọng nhất để tránh biến chứng và giảm tỉ lệ tử vong là phát hiện sớm và chữa bệnh sớm. Điều quan trọng cần chú ý khi chữa bệnh là dùng đúng loại và đủ liều kháng sinh, nâng đỡ cơ thể bằng cách giữ vệ sinh, ăn uống đủ dinh dưỡng, và chữa các triệu chứng. Cần đến bác sĩ và bệnh viện đúng lúc, đừng nên để quá trể. Bệnh có thể được phòng bằng chích ngừa viêm phổi và chích ngừa cúm.
Kỳ sau chúng ta sẽ nói về một bệnh khác trong những bệnh thường gặp nhất ở Việt Nam, đó là bệnh lao đường hô hấp.
Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quí vị để được thăm khám trực tiếp.