Nhà văn nữ Lý Lan, một cây viết có sức sáng tác đa dạng (phần 2)
2007.06.24
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Chương trình Văn Học Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm xin tiếp tục giới thiệu nhà văn nữ Lý Lan, một cây viết có sức sáng tác đa dạng và đang được độc giả trong nước ái mộ qua hơn hai mươi tác phẩm. Từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, từ những ghi chép rất duyên dáng đến những câu thơ xúc tích và mang nhiều hình ảnh đậm nét văn học miền nam.
Nhưng có lẽ trên hết vẫn là tác phẩm dịch thuật đồ sộ của chị qua bảy quyển tiểu thuyết nổi tiếng thế giới Harry Potter của nhà văn nữ người Anh, J.K Rowling. Tuy nhiên bất ngờ nhất là tài năng trong lĩnh vực thi ca của chị.
Tập thơ Là Mình của Lý Lan được Hội Nhà Văn Thành Phố Hồ Chí Minh trao giải vào năm 2006 đã phần nào chứng minh cho một mảng thành công khác nơi nhà văn nữ đa dạng này. Trong chương trình hôm nay có giọng minh họa thơ của Trà Mi mời quý vị theo dõi.
Lối viết chân phương, dung dị
Trong tuần trước chúng tôi có thưa với thính giả vài nét về văn phong của nhà văn Lý Lan được thể hiện qua nhiều tác phẩm mà qua đó người đọc nhận ra ngay lối viết chân phương, dung dị của một người miền Nam, thích quan sát tỉ mỉ những sinh hoạt của đời sống và thổi vào đó những hơi thở riêng của mình để sự kiện có hình ảnh tươi tắn hơn, sâu sắc hơn.
Lý Lan thường dùng những cảm nhận về quan cảnh quanh mình để gián tiếp tuyên xưng tình yêu quê hương sâu sắc của chị vào tác phẩm. Đôi khi nhà văn ham viết đến đỗi sự việc gì cũng có thể gây cho chị liên tưởng về nơi chôn nhau cắt rún và cứ thế những trang viết quê hương ngày càng lấn sân vào tác phẩm của chị và cũng lấn cả vào trí nhớ của người đọc từng quen biết chị xưa nay.
Những tình cảm đằm thắm này bàng bạc trong hầu hết các tác phẩm văn xuôi của Lý Lan tạo cho văn chương của chị có một phong cách riêng cho đến khi tập thơ Là Mình được ra mắt thì người đọc hoàn toàn bất ngờ với những bài thơ mang âm hưởng hoàn toàn khác. Không những khác mà còn hoàn toàn thay da đổi thịt đến nỗi khó tìm thấy một nét quen thuộc nào, dù nhỏ của Lý Lan, nhà văn.
Trong bài Nỗi Buồn, dưới hình thức thơ tự do, nhà thơ Lý Lan đã thả nổi những thao thức của mình và lan man với những ý tưởng lạ lẫm mà chị chưa hề kinh qua trong đời sống thật. Cái ý thích muốn một lần say để tìm hiểu cái cảm giác khi say như thế nào đã làm chị day dứt và tự hỏi phải chăng sớ phận của người đàn bà là luôn luôn phải nén lòng, nén những tình cảm thật lẫn những giận dữ căng trào vì những ràng buộc có cái tên rất đẹp là truyền thống?
Nỗi Buồn
Trong ác mộng của em anh say mèm ngã gục trong lòng em mà khóc tuyệt vọng Em ôm anh trong vòng tay nhẹ như bong bóng buồn đến không lời - vì em không say Ước gì em cũng có thể say có thể khóc và dám ngã vaò vòng tay người nào đó Ước gì một lần nào đó anh tỉnh táo ôm em trong tay, trong mơ cũng được em gục vào ngực anh khóc như anh khóc bất lực, vô vọng, buông xuôi. Anh sẽ biết thế nào cơn giận cuồng điên phải nén lại nỗi buồn đặc quánh không lối thoát ra bằng âm thanh, ngôn từ. Anh có thể cảm nhận được sự nhẹ tênh bong bóng em trong tay anh chỉ là hơi, là khoảng trống là số không Em có́ thể sẽ hiểu nỗi tuyệt vọng cùng đường, giới hạn của sức người, sự bất lực. Và anh sẽ biết nỗi buồn mà người đàn bà buồn.
Trong lời lẽ đầy ẩn dụ của bài thơ vẫn miên man ẩn chứa những hình ảnh mà xã hội vẫn thường chứng kiến: người nam và sức mạnh được xã hội hùa nhau công nhận, kể cả những thói quen xấu đến nỗi nhà thơ phải bật lên:
Ước gì một lần nào đó anh tỉnh táo ôm em trong tay, trong mơ cũng được
Mọi ao ước hình thành từ những dồn nén phải chăng đem được cái sức mạnh tự thân của nó vào thi ca khiến những vần thơ hiền lành bỗng trở nên vần vũ?
Anh sẽ biết thế nào cơn giận cuồng điên phải nén lại nỗi buồn đặc quánh không lối thoát ra bằng âm thanh, ngôn từ.
Hình ảnh cô đơn
Trong bài thơ nổi tiếng "Những bóng người trên sân ga" Nguyễn Bính đã nhìn thấy nhiều cảnh người đưa tiễn người mà trong đó một hình ảnh cô đơn làm bật ra trong ông những lời thơ thật đẹp và cũng thật khó nguôi:
Có lần tôi thấy một người đi Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì Chân bước hững hờ theo bóng lẻ Một mình làm cả cuộc phân li.
Người hiện diện trong bài thơ không nói gì cả, nhưng những bước chân hững hờ của đương sự lại đẩy Nguyễn Bính đến ý tưởng của một cuộc phân ly đang xảy ra trong trái tim của chỉ một người, mà người đó rõ ràng đang đau cái đau của kẻ lữ hành không người đưa kẻ đón. Một mình làm cả cuộc phân li là một câu thơ gây ấn tượng cho người đọc, có nhiều người trong hơn nửa thế kỷ qua câu thơ này vẫn cón đậm nét trong lòng.
Một chi tiết đặc biệt trong bốn câu thơ của Nguyễn Bính vừa đọc gợi cho chúng ta thấy người lữ khách này không mang hành lý theo người, anh hay chị ta không định được phương hướng cho chuyến đi và do đó Nguyễn Bính thấy không cần thiết đặt một chút hành trang nào cho con người đang bị ám ảnh bởi cuộc phân ly tình cảm này.
Lý Lan thì khác. Trong suốt bài thơ "Cam đảm lên" nhà thơ rất tỉnh táo diễn tả đến hai lần mớ hành lý mà người đàn bà mang theo, một lần tại quầy vé và một lần khi nhận lại ở điểm đến của phi trường.
Không có một từ nào nói lên sức nặng của mớ hành trang này nhưng ở những câu đầu: Tự mình lê hành lý đến quầy vé.. và câu sau: Tự nhận hành lý một mình lê bước.... đã nói lên rất nhiều điều. Ít ra hành lý mang theo của người nữ trong bài thơ khá nặng, hay nói đúng hơn tâm trạng ủ ê đã làm cho chủ nhân của chúng cảm thấy quá tải khi phải mang vác mớ hành trang không muốn mà phải mang này.
Vì sao? Vì không có ai đưa đón mà cũng không mang tâm trạng gần như thất tình của nhân vật trong bài thơ Nguyễn Bính. Vậy thì điều gì làm hành lý của chị lại trở nên nặng nề như vậy?
Có lẽ, sức nặng này là sức nặng tâm lý.
Can đảm lên Người đàn bà độc hành Tự đưa mình ra phi trường bằng xe buýt Tự mình lê hành lý đến quầy vé tự mình đi suốt bốn chuyến bay Can đảm lên Người đàn bà tóc đen mang hộ chíêu Việt Nam Người lữ khách một mình đi qua cổng kiểm soát an ninh Cởi áo khoác cởi giầy ra cho máy rà soát Can đảm lên Người đàn bà đi thẳng đến cửa đợi máy bay không cần ngoái lại từ giả ai Ngồi một mình nhìn máy bay lên xuống bên kia lớp kiếng Đi đâu về đâu những chiếc máy bay xuống xuống lên lên? Can đảm lên Người đàn bà một mình đi hai ngàn rưởi dăm Biết rõ không ai đợi ở phi trường nơi đến Chuyến bay hoãn cũng không cần gọi ai để báo mình sẽ trễ Can đảm lên Người đàn bà một mình đón mình ở phi trường nửa đêm Tự nhận hành lý một mình lê bước Hai ngàn rưởi dặm đi, hai ngàn rưởi dặm về và chuyến xe buýt cuối cùng Can đảm lên Người đàn bà một mình trở về nơi không phải là nhà Cuối cùng dừng bước trong căn phòng vắng Tối. Lạnh. Trống rải. Mỏi. Mệt. Một mình Can đảm lên
Thông thường, hành lý mang theo của một người di dân thường là gì? Nhiều thứ lắm. Ngoài áo quần là những thứ cần thiết nhất thì thường là những tấm hình mới chụp của gia đình, một chai dầu gió, một ít kim chỉ dành để khâu những vết rách nho nhỏ. Nếu là người lo xa có khi còn là một cuốn tự điển hay một vài cuốn truyện mà mình ưa thích phòng khi một mình một bóng nơi đất lạ quê người.
Tuy nhiên trong bài Can đảm lên không có một dấu hiệu nào cho thấy những thứ vừa kể có thể hiện diện trong hành lý của một người ý thức rất rõ sự cô đơn cùng cực mà mình sắp phải đối diện. Không có một thứ hành lý nào có thể ấp ủ cho sự cô đơn ấm lên họăc khiến nó tự lụi tàn đi.
Xuyên suốt bài thơ, người đọc cảm thấy toát ra cái tịch liêu đáng sợ của một thế giới hiện đại mà người đàn bà đang kinh qua. Từ việc khám xét hành lý với những máy móc vô hồn: Cởi áo khoác cởi giầy ra cho máy rà soát nhân vật chính trong bài thơ đã tỏ ra dửng dưng đến lạnh lùng vô cảm, nhưng tiếp ngay sau đó là một vội vã gần như chạy trốn qua câu Người đàn bà đi thẳng đến cửa đợi máy bay không cần ngoái lại từ giả ai thì người đọc vỡ ra một lẽ: có một tâm trạng vượt qua ranh giới của bất an chạm đến tận cùng của nỗi cô đơn mà người đàn bà muốn dấu.
Nỗi cô đơn này dính líu gì đến chuyện hành lý ? Có. Hành lý trong bài thơ, nếu có, không thể là những vật dụng bình thường. Hành lý chỉ có thể là những kỷ niệm, những u hoài cùng đầy ắp những tình cảm mà nhà thơ gói ghém trong một nổ lực tuyệt vọng muốn đem theo với mình bằng hết. Những tuổi thơ êm ả, cùng những run rẩy đầu đời của thời mới lớn. Và biết đâu trong đó không là những lo lắng vụn vặt của người thân cho bước đường dài đầy hiu quạnh mang tên nước ngoài?
Bài thơ, qua một giai điệu đều đều như vừa kể chuyện vừa hỏi han người nghe và cũng vừa làm những động tác của một nhạc trưởng trên bục chỉ huy. Ba từ can đảm lên được lập đi lập lại nhiều lần như một động tác tự đánh lừa mình.
Toát lên nỗi sợ hãi trước im ắng của hoàn cảnh lạ lẫm trước mặt, người đàn bà trong bài thơ không hy vọng những gì sắp xảy ra cho chị khi biết rõ rằng sau khi máy bay đáp xuống cũng là lúc chị phải một mình đón mình ở phi trường nửa đêm.
Người đàn bà một mình đón mình ở phi trường nửa đêm Tự nhận hành lý một mình lê bước Hai ngàn rưởi dặm đi, hai ngàn rưởi dặm về và chuyến xe buýt cuối cùng Can đảm lên
Cái hình ảnh đơn chiếc và tận cùng của sự cô đơn này ám ảnh mạnh mẽ người đọc. Ai đã từng đi xa, nhất là đến những vùng đất lạ đều thấm thía cái nỗi buồn này. /em>một mình đón mình ở phi trường nửa đêm chỉ có thể giải thích bằng cảm giác vừa buồn, vừa sợ, lại vừa tủi thân.
Dù sao khi Một mình làm cả cuộc phân li thì nhân vật trong thơ Nguyễn Bính vẫn chỉ lẩn quẩn cùng nỗi buồn của tình cảm lứa đôi mà không hề bị một áp lực xã hội nào, vì vậy so với hình ảnh người đàn bà trong bài thơ của Lý Lan, những lo âu thời đại hình như choán hết mọi ngăn kéo tình cảm trai gái để chỉ còn lại những vấn đề hết sức đời thường.
Nhịp dẫn của ba từ can đảm lên đang được lập đi lập lại bỗng nhiên bị vấp bởi một câu ở gần cuối bài thơ: Người đàn bà một mình trở về nơi không phải là nhà như một vết xé, rách toạc những ẩn dụ từ khi bắt đầu. Trở về nơi không phải là nhà nghe đâu như tiếng khóc và trong tiếng khóc ấy chúng ta cảm nhận được những bất trắc nội tại sắp xảy ra cho người đàn bà này. Câu thơ mở ra một hoàn cảnh mới hoàn toàn không tiên đóan được và do đó nỗi bất an tăng lên nhiều lần.
Người đàn bà một mình trở về nơi không phải là nhà Cuối cùng dừng bước trong căn phòng vắng Tối. Lạnh. Trống rải. Mỏi. Mệt. Một mình Can đảm lên
Bây giờ người đàn bà trong bài thơ đang yên lặng với cái bàn viết xa hàng ngàn dặm. Nơi bàn viết này chị có thể lên internet để tìm gặp lại những hình ảnh mà chị lìa xa. Tuy thế, dù sao đây vẫn chỉ là một thế giới ảo, thế giới mà những thân quen không thể tiếp cận, cảm thụ bằng giác quan. Cảm tưởng của chị ở một bàn viết mới ra sao trong thời đại mà chỉ cần một cái nhấp chuột là có thể tha thẩn về nhà?
Các tin, bài liên quan
- Nhà văn nữ Lý Lan, một cây viết có sức sáng tác đa dạng (phần 1)
- Charlie Trực Nguyễn, đạo diễn phim Dòng Máu Anh Hùng
- Bài thơ Con Cóc qua nhận định nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc (phần 2)
- Bài thơ Con Cóc qua nhận định nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc (phần 1)
- Nhà thơ, họa sĩ Ly Hoàng Ly
- Tạp chí văn chương mạng Da màu (phần 2)
- Phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc về nền văn học của miền Nam Việt Nam
- Tạp chí văn chương mạng Da màu (phần 1)
- Văn chương mạng