Gia Minh, phóng viên đài RFA
Lâu nay, những người chế biến tại Việt Nam muốn có được độ giòn, dai cho một số lọai thực phẩm như chả, nem, dưa chua.. đã sử dụng đến hàn the. Đây là lọai hóa chất có hại cho sức khỏe con người; thế nhưng đến khi báo chí lên tiếng cảnh báo và cơ quan chức năng bắt đầu vào cuộc thì người chế biến mới e dè và một số người tiêu dùng mới ý thức về tính chất độc hại của hàn the đối với sức khoẻ.

Hiện có một nhóm kỹ sư hóa tại Viện Công Nghệ Hóa Học Thành phố Hồ Chí Minh đang hòan tất một bộ thử nhanh hàn the trong thực phẩm để giúp cho các bà nội trợ phát hiện ra những thực phẩm có chứa chất độc hại đó để mà tránh.
Trong chuyên mục Sáng kiến & Đời sống tuần này, Gia Minh mời quí thính giả và các bạn cùng nghe giới thiệu về bộ thử nhanh hàn the đó.
Nhóm thực hiện
Thạc sĩ Phùng Văn Trung là trưởng nhóm nghiên cứu trình bày về công trình mà nhóm đang thực hiện:
Thạc sĩ Phùng Văn Trung : Thực ra mà nói, cái này người ta đã làm nhiều lắm rồi. Tụi em chỉ làm ra giả như một dụng cụ để cho người ta dùng rồi người ta phát hiện hàn the để tránh ăn, tránh sử dụng những hàn the trong thực phẩm. Nó chỉ là một cái hộp, trong đó có một lọ đựng giấy tẩm chất curcumin chiết xuất từ nghệ, rồi một lọ khác đựng dung dịch tạo môi trường acid để nó phản ứng với hàn the.
Nếu cho giấy nghệ tiếp xúc với thực phẩm đựơc acid hoá bằng dung dịch acid rồi đó, nếu có hàn the trong thực phẩm thì nó đổi màu của giấy nghệ, từ màu vàng sang màu cam thôi. Nó chỉ đơn giản vậy, tức là khi mình nhúng giấy vào miếng thực phẩm đã được acid hoá rồi đó mà nó đổi màu thì có nghĩa là nó có hàn the ở trong đó.
Gia Minh : Thường thường khi người ta nói về acid thì người ta lại ngại, vậy cái acid này có độc hại gì không?
Thạc sĩ Phùng Văn Trung : Acid thì thứ nhất nồng độ của nó không cao. Người ta vẫn dùng nó trong thực phẩm, như công nghệ làm nước tương người ta có dùng, hoặc một số thực phẩm khác cũng có dùng cái đó. Nhưng mà dùng ở liều lượng nào, cách sử dụng nào và chất lượng của loại đó mới là quan trọng. Chứ còn acid tạo môi trường dùng trong thực phẩm có nhiều loại.
Gia Minh : Cái khác biệt giữa bộ thử nhanh hàn the này với những cái đã có ở các nước đó là ở điểm nào?
Thạc sĩ Phùng Văn Trung : Thực ra về nguyên tắc thì nó không có gì khác, tức là nó chỉ là phản ứng giữa curcumin và acid boric để tạo ra chất màu cam thôi. Phương pháp này được nhiều nước trên thế giới, hầu như tất cả luôn đó, ứng dụng để phân tích borax trong thực phẩm.
Mình chỉ ứng dụng cái nguyên tắc đó, và mình dùng theo cách của mình, chứ trong phòng thí nghiệm thì người ta dùng phản ứng đó, tức phản ứng giữa curcumin với lại acid boric, nhưng mà nó qua nhiều công đoạn, qua nhiều bước xử lý mẩu các thứ, thì tụi em rút ngắn lại còn 3 bước để cho người ta dùng được đơn giản hơn.
Chứ còn vận dụng y trang giống như quy định của các hiệp hội về phân tích hoá học thì như vậy quá khó đối với người dân, thành ra tụi em nghiên cứu tìm cách rút các bước ở trong đó lại.
Gia Minh : Khi rút gọn như vậy thì có ảnh hưởng gì không ạ?
Thạc sĩ Phùng Văn Trung : Đương nhiên là cái độ chính xác thì nó giảm so với theo quy định của Hiệp Hội Phân Tích, nó giảm xuống nhiều. Thành ra tụi em có một giới hạn nào đó thôi.
Gia Minh : Mức độ giới hạn đó có thể chấp nhận được ra sao ạ?
Thạc sĩ Phùng Văn Trung : Cái này thì cũng khuyến cáo là người ta, tại vì ở ngoài người ta sử dụng nếu mà sử dụng hàn the trong thực phẩm thì liều lượng cũng rất là cao, thành ra dùng để phân tích hàn the trong thực phẩm thì có thể chấp nhận được.
Gia Minh : Sau khi đã làm ra được như vậy rồi thì các cơ quan nào ở Việt Nam họ chấp nhận cho bộ thử nhanh này?
Thạc sĩ Phùng Văn Trung : Hiện nay tụi em đang làm hồ sơ đăng ký lưu hành. Được phép hay không thì chắc là phải chờ kết quả.
Gia Minh : Như vậy phải đợi bao lâu mới có được sự chuẩn thuận đó?
Thạc sĩ Phùng Văn Trung : Cái này nó cũng tuỳ thuộc nhiều thứ, không biết trước được. Mình cứ làm theo hồ sơ mình đưa lên rồi người ta xét người ta đưa cho các đơn vị nghiên cứu khác. Làm cái hồ sơ để gửi ra chỗ Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm (Bộ Y Tế) người ta mới xem xét, sau đó người ta gửi đi các nơi khảo nghiệm.
Gia Minh : Khi mà gửi đi cho tới nay đã bao lâu rồi ạ?
Thạc sĩ Phùng Văn Trung : Trước khi mình gửi một hồ sơ như vậy thì mình phải làm theo các quy định của nó. Hiện nay em đang làm các quy định đó, làm tới đâu thì mình hay tới đó. Làm theo các quy định của Bộ Y Tế, tức nó đòi hỏi mình phải kiểm tra trước những cái chỉ tiêu theo yêu cầu mà một bộ test nhanh phải có.
Ví dụ như là độ tin cậy phải bao nhiêu phần trăm trở lên, độ chính xác phải bao nhiêu phần trăm, các thứ đó. Tại vì cái lãnh vực bên tụi em thì nó khác, về bên phân tích th ôi, về bên hoá học các thứ thôi. Chứ còn ở bên Bộ Y Tế thì nó lại có một tiến trình làm theo đúng ở bên đó nữa, thì nó lại khác nữa.
Gia Minh : Nếu như mình không nhanh chóng thì cái công tình này nó cũng không giúp ích được, có phải không ạ?
Thạc sĩ Phùng Văn Trung : Dạ đúng rồi.. Thì tụi em cũng đang cố gắng.
Gia Minh : Ngoài cái này thì thạc sĩ còn có những ý tưởng nào nữa không để giúp bảo vệ trong vấn đề thực phẩm?
Thạc sĩ Phùng Văn Trung : Thực ra nhu cầu về bộ phát hiện nhanh hàn the trong thực phẩm thì rất là nhiều : Ure, phormon, rồi những màu tổng hợp các thứ thì rất là nhiều, nhưng cái khả năng thì mới chỉ được bấy nhiêu đó. Thành ra em cũng chỉ làm được cái thử hàn the thôi, còn mấy thứ khác thì chưa làm được. Có thử sơ sơ rồi nhưng mà thấy chưa có kết quả gì.
Gia Minh : Có những trở ngại rất khó là vì sao vậy?
Thạc sĩ Phùng Văn Trung : Ví dụ như cái Ure thì các phương pháp người ta dùng những enzim các thứ, Urea các thứ để làm cái phản ứng màu của nó, nhưng mà chưa tìm ra được những điều kiện làm sao để cho bảo quản rồi độ chính xác của nó cao, thành ra chưa có gì hết.
Ý kiến của người tiêu dùng
Người tiêu dùng nghĩ gì về chuyện hàn the trong thực phẩm và ý kiến ra sao khi có được một bộ thử nhanh chất hàn the như của nhóm kỹ sư Phùng Văn Trung?
Một bạn gái tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: " Em nghĩ là nên sử dụng, tại vì cái đó mình bảo vệ cho sức khoẻ của mình và gia đình của mình nữa."
Gia Minh : Đối với những người có học, có hiểu biết thôi, chứ còn những gia đình người bình thường, nội trợ bình thường,thì làm sao mà phổ biến cho họ?
Đáp: Cái chương trình này có phát trên tivi, trên báo có hết.
Gia Minh : Cô thấy người Việt Nam mình có thói quen cẩn thận đến mức độ đó không?
Đáp: Việt Nam mình thì chưa có thói quen đó, nhưng mà bây giờ thì mình nên tập dần thói quen đó để bảo vệ sức khoẻ của mình. Hiện nay theo em biết, thông tin đó chưa có được nhiều, nhưng mà em thấy với em hoặc là những người bạn của em trong băng thì người ta cũng bát đầu cảnh giác đối với vấn đề hàn the, ví dụ trong chả có hàn the nên ít ăn chả. Ví dụ như em thì em thích ăn bún mọc nhưng hiện giờ trong đó cũng có hàn the nên ít dám ăn lắm.
Khi em biết như vậy thì en có nói với những người khác là không nên ăn những thứ đó, có hàn the, có độc. Chứ thông tin của mình thì cũng vừa ít vừa mà cũng viừa nhiêu. Thí dụ mình chịu khó đọc báo, chịu khó lên mạng thì mình cũng thấy, thì bây giờ cách hay nhất là mình tự bảo vệ mình thôi. Thí dụ như mình biết thông tin về sản phẩm đó không tốt thì mình hạn chế sử dụng sản phẩm đó càng ít càng tốt. Em nghĩ như vậy.
Bác sĩ Lê thị Kim Phượng, thuộc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến về chất hàn the cũng như những họat động của trung tâm trong việc hướng dẫn người tiêu dùng:
Bác sĩ Lê Thị Kim Phượng : Cái đó nó có tác động, nó ứ đọng ở khớp rồi ở xương, này kia đó, thành ra nên hạn chế sử dụng. Và hiện nay người ta khuyến cáo là sử dụng những chất thay thế để cho có thể giòn, ngon này kia. Có tổ chức những buổi nói chuyện về trưyền thông cho người dân, mời người dân tới nghe.
Ở đó có giới thiệu về những sản phẩm an toàn, rồi những chất phụ gia độc hại. Rồi trong những sinh hoạt trò chuyện với thầy thuốc, có cả đối tượng báo giới nữa, trong các hội thảo khoa học chúng tôi mời những bác sĩ chuyên nghiệp hoặc là bên chỗ các kỹ sư hoá của công nghệ thực phẩm đó. Họ sẽ nói chuyện với người dân.
Như trình bày của kỹ sư Phùng Văn Trung, thì hẳn các bà nội trợ và chúng ta đều mong mỏi bộ thử hàn the nhanh vừa được giới thiệu sớm có mặt trên thị trường để người dân sử dụng nhằm bảo vệ sức khỏe và không cho những kẻ chế biến thực phẩm tắc trách cơ hội tiếp tục dùng hàn the một cách bừa bãi.
Mục Sáng kiến & Đời sống tuần này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.
Gia Minh chào tạm biệt.