Ánh Chân, phóng viên RFA
Lời giới thiệu: Trong Trang Phụ Nữ hôm nay, Ánh Chân sẽ cống hiến quý vị câu chuyện xoay quanh bộ phim tài liệu về một cô gái miền Bắc Việt Nam du học ở Hoa Kỳ mang tựa đề là MaiỖs America do đạo diễn Marlo Poras thực hiện và được công ty Women Make movies tại New York phổ biến...
Trước khi đề cập đến nội dụng cuốn phim tài liệu Mai's America, Ánh Chân xin được nói vài dòng về đạo diễn Marlo Poras.
Trong thời gian hai năm làm việc tại Hà Nội thực hiện các cuốn băng video về giáo dục phòng chống bệnh AIDS dành cho giới trẻ Việt Nam, bà Marlo Poras đã ngạc nhiên khi thấy sự thu hút của Hoa Kỳ qua phim ảnh do Hollywood sản xuất đối với giới trẻ trong nước.
Cũng tại đây Marlo Poras đã có dịp gặp gỡ và tiếp xúc với một nhóm học sinh trung học Việt Nam dự tính sang du học tại Hoa Kỳ, và muốn thực hiện muốn cuốn phim tài liệu nói về những suy nghĩ của thế hệ trẻ Việt Nam hãnh diễn về đất nước của mình và những gì diễn ra sau thời gian đặt chân đến Mỹ một quốc gia mà giới trẻ Việt Nam sinh ra sau thời kỳ chiến tranh chỉ được nghe nói đến như là kẻ thù trước kia của dân tộc.
Mai's America là cuốn phim đầu tay của đạo diễn Marlo Poras. Bà đã một mình thực hiện cuốn phim này mà không cần đến một đoàn quay phim. Bà đã theo chân cô gái Việt Nam tên Mai trong suốt 2 năm rưỡi liền, quay đến hơn 150 tiếng đồng hồ cuộc hành trình của cô ở Việt Nam, tại bang Mississipi, thành phố New Orleans bang Lousiana, thành phố Detroit.
Vì muốn cho người xem phim đến gần với sự thật về cuộc hành trình của cô Mai trong từng giai đoạn, đạo diễn Marlo Poras đã gắn một chiếc máy ghi âm trên người cô Mai trong suốt thời gian đó, và thu hình cô bất cứ lúc nào với chủ đích trình bày những nét rất bình thường và tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày của Mai.
Đến đây Ánh Chân xin được kể lại cho quý vị và các bạn nghe nội dung truyện phim tài liệu nói về cuộc hành trình của người thiếu nữ trẻ tuổi tên Mai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội- Việt Nam rồi sang Hoa Kỳ du học, mà Ánh Chân vừa xem qua.
Cuộc sống của cô thiếu nữ tên Mai tại Hà Nội rất thoải mái. Gia đình cô làm chủ một khách sạn nhỏ, vì thế cho nên cuộc sống dễ chịu hơn nhiều về mặt tài chính so với người dân bình thường. Mai rất tự hào về thành tích chống Mỹ của cha mình trước đây, khi ông còn phục vụ trong quân đội miền Bắc. Tuy nhiên, đối với Mai nước Mỹ mà cô bị thu hút là hình ảnh trong những cuốn phim của Hollywood mà cô được xem qua, và cô mơ ước được sang Mỹ du học.
Ước mơ của Mai trở thành sự thật khi gia đình chấp nhận cho cô sang Hoa Kỳ học năm cuối của chương trình trung học và để chuẩn bị lên đại học.
Ngoài sức tưởng tượng của Mai, cô đặt chân đến vùng nông thôn bang Mississipi nơi mà một gia đình địa phương đón nhận cô, và đây là chặng đầu tiên trong cuộc hành trình của người thiếu nữ trẻ tuổi. Mai muốn được gần gũi và thông cảm với gia đình đã nhận cô đến cho ăn ở trong thời gian cô đi học tại đây, nhưng sự thật không mấy dễ dàng.
Ông chủ của gia đình này đang bị thất nghiệp, còn người vợ thì đang được trị liệu chứng bệnh trầm cảm. Và Mai nhanh chóng nhận thấy rằng gia đình này trông đợi sự hiện diện của cô là để làm bạn với người con gái tuổi vị thành niên của họ tên Kim.
Cho dù Mai cố gắng phát triển sự cảm thông với họ nhưng hầu như không ai thật sự quan tâm đến cô. Điều làm cho cô khó nghĩ là tại sao mọi người trong gia đình này thích ngồi xem truyền hình hơn là nói chuyện với cô.
Rồi tại lớp học, vào một buổi học về lịch sử Hoa Kỳ có liên quan đến chiến tranh Việt Nam, thì cô giáo đã lấy trường hợp của Mai để giải thích cho các bạn cùng lớp hiểu về quan điểm của phía Việt Nam.
Thật ra thì chính cá nhân Mai, cô cũng đã bắt đầu hiều về chiến tranh trên quan điểm của Hoa Kỳ mà cô xem là kẻ thù trong cuộc chiến. Từ khi còn bé, cô đã được dạy là binh lính Mỹ tàn ác và giết người như không. Nhưng nay cô hiểu rằng những binh sĩ đó là những người trẻ tuổi giống như các bạn trai trong lớp của cô mà thôi. Họ bị đưa vào cuộc chiến trên một đất nước xa xôi mà chính họ cũng không hiểu rõ mình đến đó để làm gì.
Bên cạnh đó, mặc dù Mai cố gắng làm bạn với những người chung quanh nhưng cô thường xuyên cảm thấy mình như một kẻ đứng bên ngoài, bên lề mọi sinh hoạt ở nhà trường, không giống như cảm giác dễ chịu và thoải mại với các bạn cùng trường ở Việt Nam trước đây.
Người bạn Mỹ duy nhất mà Mai cảm thấy gần gũi là một thanh niên Mỹ đồng tính luyến ái tên Chris.
Dần đà cánh cửa đối với thế giới bên ngoài của Mai được mở rộng khi cô quen biết với Tommy, một thanh niên người miền Nam cùng với gia đình tản cư ra khỏi Sài Gòn vào năm 1975 và định cư ở Mỹ từ đó, lúc bấy giờ Tommy mới tròn ba tuổi.
Có thể nói Mai và Tommmy là biểu tượng cho thế hệ trẻ Việt Nam con cái của binh sĩ Miền Bắc chống Mỹ và binh sĩ miền Nam chống Cộng Sản ở hai bên chiến tuyến. Hai người trẻ tuổi này tất nhiên có những tư tưởng và quan niệm về chiến tranh Việt Nam đối chọi nhau.
Một lần Tommy đưa Mai đến một buổi họp mặt của cộng đồng người Việt tại một thành phố gần đó, và Mai thấy buồn vì nghĩ rằng mình là người ngoại cuộc bên cạnh những người cùng xứ sở, vì sinh hoạt của họ hoàn toàn xa lạ đối với cô, một người trẻ tuổi lớn lên ở miền Bắc trong một xã hội một nền văn hóa khác biệt.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Mai được nhận vaò trường đại học Tulane nhưng chỉ được một phần học bổng mà thôi. Lúc bấy giờ cô bắt đầu lo lắng về vấn đề tài chính cho việc học của cô, và gánh nặng đối với gia đình cô ở Việt Nam. Nhưng Mai luôn nghĩ rằng cha mẹ ở Việt Nam rất hãnh diện về mình và sẽ tiếp tục đài thọ học phí cho cô ở Hoa Kỳ.
Mai bắt đầu năm học đầu tiên tại đại học Tulane với một tâm trạng nặng trĩu, không còn giống như thời gian cô học năm cuối ở trung học, vì mối lo lắng không ngừng về vấn đề tài chính. Cha mẹ của cô ở Việt Nam khẳng định với cô rằng họ chỉ có khả năng trả tiền học cho một năm duy nhất ở đại học Tulane mà thôi. Họ thúc đẩy cô nên tìm một công việc làm để có tiền chi tiêu và trang trải học phí.
Cuối cùng vì không còn sự lựa chọn nào khác cho nên Mai tìm công việc hầu bàn trong một nhà hàng của người Hoa vào buổi tối sau giờ học.
Đến lúc này, Mai cảm thấy tuỉ thân vì nghĩ rằng bạn bè đồng lứa ở Việt Nam không phải đi làm kiếm tiền vất vả như cô. Hơn thế cô cho rằng mình không phải sinh ra để hầu hạ người khác hay bị sai khiến la mắng. Nhưng cô vẫn kiên nhẫn làm công việc mà cô cho là thấp kém đó.
Niềm tự tin của Mai dần đà bị soi mòn, và cô gặp khó khăn trong việc học. Đến cuối lục cá nguyệt đầu tiên cô thật sự muốn quay trở về với gia đình. Nhưng cha mẹ cô nói rằng nếu không không tốt nghiệp được đại học ở Hoa Kỳ và trở về Hà Nội thì đó là điều xấu hổ cho họ.
Cha mẹ của Mai khuyên cô hãy tìm lên thành phố Detroit nơi mà người con trai của một gia đình bạn đang làm chủ một tiệm làm móng tay. Họ nói rằng người đó kiếm rất nhiều tiền với nghề làm móng tay và khuyên cô hãy đi theo con đường đó để có thể kiếm ra tiền và tiếp tục việc học vấn cho chính mình.
Một lần nữa không còn giải pháp nào khác, nên Mai tìm đến cộng đồng người Bắc ở thành phố Detroit và học nghề móng tay. Tại đây Mai cảm thấy tìm được sự thông cảm của những người chung quanh, và nhận biết rằng không phải chỉ có riêng cô đang chống chọi với cuộc sống mới lạ tại xứ người mà cũng có những người đồng cảnh ngộ, cố gắng phấn đấu trong cuộc sống với hy vọng có thể làm được những điều mà gia đình ở Việt Nam đang mong đợi.
Công việc làm móng tay của Mai khiến cho cô nhớ đến cảnh hai cậu bé đánh giày trên đường phố Hà Nội, nhưng cô cũng tự an ủi là cô được may mắn hơn nhiều vì đã được học hành, và điều quan trọng hơn thế là cơ hội mà nước Mỹ đem lại cho những người di dân đặt chân đến đây.
Nhưng sau thời gian Sáu tháng sống và làm công việc móng tay ở Detroit, Mai đã quyết định trở về Hà Nội, mang theo với cô những vui buồn lẫn lộn.