Lê Dân, phóng viên đài RFA
Chỉ trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này, hàng mấy chục ngàn công nhân làm việc ở các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài quanh vùng Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng loạt đình công. Hầu hết vẫn là yêu cầu tăng lương tối thiểu. Vì sao hiện tượng này xảy ra và lan nhanh như vậy ?

Khởi đầu từ ngày 29 tháng Mười Hai năm 2005 vừa qua, khoảng 5 ngàn công nhân làm việc tại công ty Kollan trong khu chế xuất Linh Trung 1 đã đồng loạt đình công yêu cầu được tăng lương.
Không được ban giám đốc đáp ứng, đến ngày mùng 3 tháng Giêng, công nhân tại đây lại đình công, rồi nhanh chóng được công nhân tại các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài như Danu Vina, Quint Major, Hải Vinh và Chutex hưởng ứng. Tất cả có khoảng trên 12 ngàn lao động đình công.
Sang hôm sau, mùng 4 tháng Giêng, thêm 13 doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương cũng đình công với hàng chục ngàn công nhân tham gia.
Lan rộng
Các diễn tiến với tầm mức đông đảo này đã khiến doanh giới và nhà cầm quyền hết sức quan tâm. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã phải cử phần lớn cán bộ đến từng doanh nghiệp giải thích, can gián... nhằm tránh không để tình trạng đình công lan rộng thêm.
Một viên chức quản trị một công ty FDI ở khu chế xuất Linh Trung 1 cho biết: "Công ty này trước đây không có vấn đề gì hết, nhưng do Freetrend tăng lương, nên công nhân bên này cũng đòi tăng. Trước đây đã có giải thích rồi là công ty này tăng lương mỗi năm một lần là vào tháng Bảy, còn bên Freetrend họ tăng vào cuối năm."
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một buổi họp khẩn, gồm đại diện của các ban ngành, liên đoàn lao động và các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài, để cùng tìm phương cách giải quyết.
Tại buổi họp này, phó chủ tịch Ủy ban, ông Nguyễn Thiện Nhân, đã cam kết kể từ ngày mùng 5 tháng Giêng là thành phố sẽ không để phát sinh thêm các cuộc bãi công có hành động quá khích. Đồng thời thành phố sẽ họp trở lại với các doanh nghiệp để tìm hiểu xem có thể chia sẻ phần nào thiệt hại của doanh nghiệp hay không.
Về phía công nhân, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ sự thông cảm. Theo ông thì chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 28%, tỉ giá trao đổi giữa đồng Việt Nam với đôla Mỹ tăng 14%, trong khi bộ Lao động lại qui định mức trao đổi chỉ là 1 đôla ăn 13,910 đồng đã làm tiền lương công nhân tại các doanh nghiệp FDI trong thực tế bị giảm sút.
Vào dịp cuối năm
Viên chức quản trị công ty Danu Vina cũng tỏ ra thông hiểu hoàn cảnh của các anh chị em công nhân vào dịp cuối năm.
“Sự việc đáng tiếc này phải được nhìn nhận vào vấn đề, là vào cuối năm. Nhiều anh chị em ở miền Bắc, miền Trung về quê ăn Tết, cần có nhiều tiền. Tiền tàu xe gì cũng lên giá, nên người ta có quyền đòi hỏi. Nhưng sự đòi hỏi ở đây không chính đáng vì không tuân thủ theo pháp luật.”
Tuy được thông hiểu từ phía lãnh đạo, giới quản trị doanh nghiệp FDI, nhưng các cuộc đình công không được nhiều quan tâm từ công đoàn và công an. Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Huy Cận, cho biết công đoàn luôn luôn ủng hộ sự tồn tại phát triển của doanh nghiệp và đã tăng cường cán bộ cho các khu chế xuất-khu công nghiệp để ngăn chận mọi cuộc đình công. Còn đại tá Lê Thành Bình, phó giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định sẽ xử lý những người kêu gọi đình công, chấn chỉnh để không xảy ra những tình trạng tương tự.
Trước mắt thì doanh nghiệp FDI nào cũng có thiện chí đáp ứng, tuy mức độ có khác nhau. Công ty Hansoll Vina thông báo là công nhân được tăng từ 630 ngàn lên 870 ngàn một tháng, nhưng các thông báo bị xé đi. Công ty Kollan quyết định cho tăng mỗi người thêm 80 ngàn một tháng, công ty Freetrend cũng đồng ý tăng.
“Công ty vẫn giữ nguyên ý định là 790 với 60 ngàn phụ cấp sinh hoạt bình thường. Còn khi nào nhà nước có thông tư thì công ty lại lên theo đúng của nhà nước.”
Viên chức quản trị một công ty FDI khác cũng ở khu chế xuất Linh Xuân 1 cho biết: "Dù quy định của chính phủ chưa có, nhưng công ty cũng đã sẵn sàng trả phụ cấp hỗ trợ thêm cho mỗi anh chị em công nhân mỗi người một trăm ngàn. Khi có quy định của chính phủ thì công ty sẽ tăng lương theo quy định đó."
Nguyên nhân chính
Nhìn vào vấn đề một cách sâu sát hơn, thì tất cả các cuộc đình công đều xoáy quanh yêu cầu muốn được tăng mức lương tối thiểu. Thế nhưng việc này tuy được loan báo đã khá lâu, lại bị dời đến một thời gian thực hiện chưa có công bố cụ thể.
Vì vậy mà cấp lãnh đạo các địa phương trong những ngày qua đều ngỏ ý và gởi văn thư xin Thủ tướng chính phủ nhanh chóng loan báo để công nhân yên tâm trở lại làm việc.
Khó khăn của phía chính phủ là tuy đã ban hành quy định mức lương tối thiểu cho công nhân thuộc khu vực FDI, nhưng lại không quy định cơ chế trả lương cho họ. Nên tuy mức sàn có cao hơn bên lãnh vực doanh nghiệp nhà nước, nhưng đời sống công nhân FDI khó khăn hơn.
Ông Đặng Như Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban Các Vấn đề Xã hội thuộc Quốc hội, cho biết là với mức lương tối thiểu là 350 ngàn đồng một tháng, nhưng công nhân doanh nghiệp nhà nước có thể được hưởng gấp 3 lần là 1 triệu 50 ngàn một tháng. Trong khi bên khu vực FDI thì 626 ngàn là chỉ chừng đó mà thôi.