31 năm sau, hồi ức của một trong những Việt đầu tiên đặt chân đến quận Cam


2006.04.30

Nhà văn Hoàng Khởi Phong

Tạp chí Văn học nghệ thuật do nhà văn Hoàng Khởi Phong phụ trách. Kỳ này, nhà văn Hoàng Khởi Phong xin gửi đến quý thính giả một ký sự, do chính ông sáng tác và diễn tả. Nhà văn kể lại đoạn đời 31 năm qua của ông nơi xứ người.

HoangKhoiPhong150.jpg
Nhà văn Hoàng Khởi Phong. Photo courtesy Thời Văn Online.

Kinh nghiệm của ông có lẽ cũng là kinh nghiệm của cả cộng đồng người Việt hải ngoại: Rời quê hương ra đi với hai bàn tay trắng, xây dựng đời sống mới và tạo điều kiện cho thế hệ thứ hai thành đạt từ thuở ban đầu đầy bỡ ngỡ và gian truân.

1- Những hạt tuyết đầu mùa quất vào mặt tôi làm cho tôi bừng tỉnh một giấc ngủ dài suốt hơn nửa năm trời. Phải nói ngay là trong suốt thời gian lơ mơ nửa thức, nửa ngủ này không phải lúc nào tôi cũng nằm thiêm thiếp trên giường, nhiều khi tôi nhìn thấy mọi việc diễn ra trước mắt, nhưng hầu như tôi không nhận biết được điều gì đích thực đang xẩy ra.

Tôi thấy mình kéo áo giáp che kín cổ khi nghe tiếng súng nổ liên hồi. Có lúc tôi thiếp ngủ trong một cánh rừng, khi theo đoàn quân triệt thoái từ cao nguyên xuống duyên hải. Có lúc tôi thấy mình chạy điên cuồng trong thành phố Sài Gòn, hay trên con tầu HQ8 lao đi trong biển đêm đen kịt...

Khi tôi hoàn toàn tỉnh là ngày Thanks Giving của năm 1975, tôi ngồi ở cây xăng Sunnoco ngay đầu tỉnh Bangor của tiểu bang Maine, đón những bông tuyết đầu tiên tôi thấy trong đời đập vào mặt tôi, tôi tự biết tôi không còn là một người lính bảo vệ phần đất của mình, mà là một người bán xăng trong một thành phố có sáu chục ngàn dân, trong đó chỉ có vài chục người cùng nói một thứ tiếng như tôi.

Những ngày đầu đến California

Nếu bạn muốn chia sẽ những kinh nghiệm xây dựng cuộc sống ở ngoại quốc. Xin gửi về Vietweb@rfa.org

2- Trước khi hoàn toàn tỉnh táo, tôi nhớ mỗi cuối tuần sau khi trang trải đủ tiền ăn, tiền nhà, tiền ăn trưa.. còn một chút tiền nào tôi chỉ dùng để mua hai chất lỏng. Xăng để đổ vào xe và rượu để đổ vào miệng, và đã có những ngày cuối tuần tôi nằm ngủ li bì, sặc mùi rượu. Tôi nghiệm được một điều càng dùng rượu để quên thì lại càng nhớ, càng dùng rượu để quên buồn thì lại càng buồn, để rồi nhận thấy mình nằm trơ trên giường, còn nỗi buồn tưởng chừng như chan hòa cùng trời đất.

Trong dịp Giáng Sinh đầu tiên trên đất Mỹ, tôi tỉnh dậy sau khi nốc cạn một nửa chai rượu mạnh, nhìn vào gương tôi không còn nhận ra tôi. Chỉ biết được ý nghĩ ngay lập tức của tôi là phải bỏ vùng đất này mà đi, nếu không thì cái khí hậu của vùng đông bắc, cùng với lượng rượu tôi đổ đều đều mỗi ngày vào trong người, sẽ làm cho tôi không bao giờ trở lại đời sống bình thường.

Tháng 2 năm 1976, tôi từ trên xe bus Greyhound bước xuống thành phố Santa Ana thuộc quận hạt Orange County của tiểu bang California. Rải rác trong vùng này có khoảng ba chục ngàn người cùng nói một thứ tiếng với tôi đang sửa soạn đón cái Tết đầu tiên xa quê nhà.

Thời gian đó, các chương trình huấn nghệ được mở ra ở nhiều nơi, một trong những chương trình huấn nghệ đặc biệt là chương trình CETA, đã giúp cho hàng ngàn người tị nạn Việt Nam trong các chương trình ngắn hạn, được trả lương tối thiểu trong thời gian huấn nghệ để trở thành thợ hàn, thợ điện, thợ tiện, thợ sửa xe, xây cất nhà cửa…

Một số người khác nhìn xa trông rộng, theo học ngành computer để trở thành các thảo chương viên, và một số tiếp tục sống một đời sống tương đối chật hẹp trong vài năm, để tiếp tục học lên trong các trường đại học, rồi vài năm sau ra trường trở thành các kỹ sư điện kỹ nghệ, kỹ sư điện tử, kỹ sư điện toán, kế toán tài chánh, nhà băng… và gia nhập ngay vào hàng ngũ của những người cổ trắng.

Tôi theo học một khóa đặc biệt bốn tháng về thợ tiện ở trường Orange Coast College. Năm đó tôi 33 tuổi, lẽ ra còn trẻ có thể tiếp tục việc học hành vì chiến tranh mà phải bỏ dở ở quê nhà. Song nghĩ lại, thì khi cơn hồng thủy ập tới, tôi chỉ thoát thân được một mình, bỏ lại cả tiểu gia đình của riêng tôi, cũng như đại gia đình bao gồm bốn anh em ruột thịt ở bên kia bờ biển. Tôi cần phải sớm có công ăn việc làm, sớm kiếm ra tiền để gửi về phụ giúp người thân.

Cùng theo học với tôi tại ngôi trường này có khá nhiều người Việt tị nạn như tôi. Đó là thế hệ di dân đầu tiên. Có những vị thẩm phán đi học kế toán, giáo sư trung học, cựu công chức hạng A đi học thảo chương viên, phần đông giới quân nhân như tôi theo học các lớp thợ tiện, thợ hàn, thợ điện, sửa xe hơi.. là những nghề hơi nặng nhọc, vất vả tay chân một chút, nhưng sớm kiếm được việc làm ổn định.

Tôi mượn hình ảnh rừng mắm của nhà văn Bình Nguyên Lộc, viết về những người đi khẩn hoang ở miền Nam vào vài thế kỷ trước, trồng những rừng mắm, rừng tràm, rừng đước để thuần hóa đất đai trong một vùng sông rạch nước lợ.

30 năm sau

Ba chục năm sau ngày miền Nam thất trận, người Việt túa ra sinh sống ở khắp mặt địa cầu, và có mặt trên gần một trăm quốc gia của năm đại lục. Giờ đây thế hệ di dân đầu tiên đã nằm xuống gần một nửa. Họ có khác gì những người khai hoang của miền Cà Mau, Đồng Tháp xưa kia.

VnWarMemoria200.jpg
Tượng đài Chiến tranh Việt Nam ở Westminster, California, nơi có nhiều người Mỹ gốc Việt. Photo courtesy Wikipedia >> Xem hình lớn hơn

Nước Mỹ không chỉ đón nhận vài ngàn, vài chục ngàn người Việt như đã đón một số di dân nhiều sắc tộc Âu Châu sau đệ nhị thế chiến, mà đã đón nhận hào phóng hơn, với nhiều đợt di dân khác nhau và liên tục. Cứ đợt di dân này vừa chấm dứt thì đợt khác tiến tới, gồm đợt di tản ngay sau tháng 4 năm 75, kế đó từ cuối thập niên 70 trở đi là đợt di dân đoàn tụ, di dân vượt biên và di dân nhân đạo được gọi là HO.

Hiện nay ở Mỹ có đến hai triệu người Việt, với rất nhiều thành công của từng cá nhân, và đã hình thành những cộng đồng Việt Nam, khá vững mạnh về kinh tế, hội nhập và sống hài hòa với các sắc dân chung quanh như ở Orange County, San Jose, Houston, Dallas, Seattle, Washington DC..

Chỉ có một điều duy nhất khiến tôi băn khoăn ở nơi đây, là sau ba chục năm hội nhập với đời sống Mỹ, dường như người Việt, mặc dù đã có những thành công cá nhân vượt bậc, nhưng trong việc phát triển đời sống cộng đồng, tôi cảm nhận được một điều người Việt gia công bảo vệ tất cả mọi điều liên quan tới nước Việt, cả cái tốt lẫn cái không tốt mà trong khuôn khổ bài viết này tôi không thể liệt kê.

Hình ảnh một gia đình

3- Để quý vị cảm thông với nỗi băn khoăn của tôi, tôi xin kể lại lại hình ảnh một gia đình tôi tình cờ quen biết khi mới từ tiểu bang Maine tìm về California vào đầu năm 1976. Theo cách gọi tên bằng họ của người Mỹ, ông ta tên là Trần. Tôi gặp ông lần đầu trong thời gian tôi theo học lớp CETA thợ tiện ở trường Orange Coast College.

Một tuần lễ sau buổi gặp gỡ này, ông Trần gọi điện thoại nhờ tôi dẫn ông đi mua xe hơi. Cả ba chúng tôi gồm ông Trần, người bạn tôi và tôi sau một hồi trả giá bằng tiếng Anh sơ đẳng, khi trả tiền ông Trần đã làm cho người bán xe "hết hồn", khi ông quăng một cái túi vải nặng trịch lên bàn, rồi mở mấy lớp giấy dầu trước khi mang ra một đống vàng lá. Rút cục tôi và anh bạn phải chở ông Trần lên chợ Tầu ở Los Angeles, bán vàng lá để lấy tiền mặt trả tiền xe.

Khi gặp tôi ông Trần đã gần năm chục, vốn là một ngư dân sinh sống ở Bà rịa. Ông mang được vợ và bẩy người con tuổi từ biết đi cho tới mười lăm, sang Mỹ được hơn một năm ông Trần sinh thêm một người con trai nữa là chẵn bốn trai, bốn gái. Với hoàn cảnh gia đình một vợ bẩy, tám con còn nhỏ như thế ông Trần không phải là người phải bận tâm về sinh kế như tôi.

Mỗi tháng gia đình ông Trần được hưởng trợ cấp tiền mặt khoảng gần hai ngàn đô la, đó là chưa kể tiền food stamp, và trợ cấp thuê nhà rẻ. Ông Trần có thể được coi như là một liên gia trưởng, hay trưởng khóm trong khu chung cư Voltaire, nằm trên đường Fairview thị xã Santa Ana.

Chung cư này có khoảng năm trăm đơn vị gia cư, trước khi người Việt tị nạn tới đây lập nghiệp luôn luôn còn trống một hai chục phòng. Chỉ một thời gian ngắn sau khi người Việt tìm về sinh sống tại Quận Cam, khu chung cư này không còn một căn trống. Lạ một điều là hễ cứ có một gia đình người Việt dọn vào thì nhiều lắm chỉ nửa năm sau, thế nào cũng có người bên cạnh dọn ra.

PhuocLocTho200.jpg

Có lần tôi gặp ông Trần trong đám giỗ gia đình người bạn, cô em họ ông nói với ông: - Anh để ý tìm hộ con bạn em một căn trong khu này. Ông Trần chỉ nói ngắn: - Thì mày cứ về ăn cá kho tiêu cho nhiều vào, ăn mắm chưng càng tốt. Con bạn mày thế nào cũng thuê được căn ngay kế bên mày.

Khoảng năm 99 tình cờ tôi gặp lại ông Trần, đang ngồi uống cà phê tại khu lộ thiên trước cửa khu Phước Lộc Thọ. Trông ông trắng trẻo, béo tốt chứ không đen nhẻm như hồi mới tới Mỹ. Ông cho biết gia đình ông giờ đã lên tới ngoài ba chục người, mà trong đó cả con trai, con gái cùng với dâu và rể có được hai cái bằng bác sĩ, một bằng nha sĩ, một dược sĩ. Số còn lại hầu như đều hoàn tất đại học bốn năm.

Nếu không tốt nghiệp đại học thì cũng là chủ nhân của các cơ sở thương mại đang hoạt động trong cộng đồng người Việt. Cả hai chúng tôi vào một quán ăn trong khu Phước Lộc Thọ. Chỉ trong vòng nửa giờ, tôi hiểu gần trọn gia cảnh của ông. Nói chung các con ông người nào cũng có nhà riêng, có người có tới hai ba cái nhà, và ngay cả bản thân ông ngoài căn nhà để ơ, ông còn có một cái four plex cho thuê.

Tuy nhiên ông Trần có vẻ không được yên tâm về phần đạo. Ông là tín hữu công giáo thuần thành, với ông không thể chấp nhận việc phá thai, ly dị.... thế mà các con ông có đôi người không được xuông xẻ trong đời sống vợ chồng, một con trai và một con gái của ông đã ly dị. Cô con gái sắp đi thêm một bước nữa. Cậu con trai thì coi bộ đã ê càng, sau khi vợ mang con về nhà bố mẹ, cậu con trở về sống với ông Trần, và chủ trương chỉ có bạn gái mà thôi. Ông có dáng buồn vì những "khẩu lệnh" của ông giờ đây không còn ai nghe răm rắp, như hồi hơn một chục gia đình bà con thân thích, dắt díu nhau vào thuê nhà trong khu chung cư Voltaire.

Thời đó tuy ông không có chức vụ gì cả, song mỗi lời nói của ông, mỗi ý kiến của ông giá trị hệt như một mệnh lệnh trong quân đội. Giờ đây, trai gái, dâu rể không một đứa nào để ý tới những gì ông nói. Chúng vẫn hiếu thảo, vẫn đi đi về về thăm nom săn sóc vợ chồng ông, chúng vẫn lắng tai nghe những gì ông nói, nhưng hình như chúng không nghe rõ, chúng không hiểu rõ nội dung, hay cố tình phớt lờ.

Từ đó tới nay năm, sáu năm nữa đã qua, tôi không rõ giờ ông Trần còn sống hay đã mất. Nếu còn sống chắc ông đang bước vào tuổi tám mươi. Chắc ông sẽ ở những ngôi nhà sang cả, lái những chiếc xe đắt giá gấp năm, gấp mười lần chiếc xe Nova thuở xưa.

Nhưng dù lái xe gì chăng nữa, ở nhà đẹp tới đâu chăng nữa, nơi ông nhớ nhất vẫn là làng Phước Tĩnh, tỉnh Bà rịa, kế đó mới tới khu chung cư Voltaire và chiếc xe Nova mầu xanh lá cây mới tinh hảo, mà ông đã mua để có chân đi làm kiếm thêm cộng với số tiền trợ cấp xã hội ông lãnh hàng tháng. Chiếc xe đó đã thay cho con tầu đánh cá ba bloc của ông bỏ lại bên kia bờ biển. Dù còn sống hay đã mất, ông Trần chính là một trong những "đời mắm" điển hình của người Việt nơi quê người.

Hoàng Khởi Phong Tháng Tư 2006

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.