Phỏng vấn Mục sư Nguyễn Hồng Quang về việc rút tên ra khỏi khối dân chủ 8406
2006.10.27
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Một số thành viên trong ban điều hành giáo hội Tin lành Mennonite vừa công bố rút tên ra khỏi khối dân chủ 8406, trong đó có mục sư Nguyễn Hồng Quang, Tổng quản nhiệm Hội thánh và mục sư Nguyễn Công Chính quản nhiệm giáo hạt Mennonite ở Tây Nguyên.
Trà Mi liên hệ với mục sư Quang, người đứng đầu hội thánh, để tìm hiểu thêm sự việc này và cập nhật về tình hình sinh hoạt của giáo hội Tin lành Mennnonite trong nước. Ông cho biết:
Mục sư Nguyễn Hồng Quang: Chúng tôi phải ra khỏi và ngưng tham gia phong trào 8406 vì nhiều lý do. Thứ nhất là theo quy chế điều hành của Giáo hội, khi có sự chọn lựa, phải chọn lựa quyền lợi của hội thánh và các thành viên lên trên tất cả để bảo vệ quyền lợi của giáo hội.
Trước đây chúng tôi không có sự chọn lựa đó nhưng trong tình thế giáo hội đang nguy cấp chúng tôi phải quyết định như vậy. Nếu không, sẽ thêm nhiều người đi tù, nhiều người bị tra tấn, nhiều người bị mất tích.
Trà Mi: Mục sư nói vì quyền lợi của giáo hội mà phải quýêt định rời bỏ khối 8406, mục sư có thể cho biết cụ thể hơn những quyền lợi đó là gì?
Mục sư Nguyễn Hồng Quang: Chẳng hạn như bên ngoài thì chính quyền bảo là cho tự do tôn giáo, nhưng bên trong thì họ bắt bớ, tra tấn , đánh đập, khủng bố, đe doạ, phân hoá chúng tôi. Họ đã tấn công cả nội bộ trong giáo hội.
Hiện đang có 1 sự ảnh hưởng, tuyên truyền, dao động từ trong giáo hội trong và ngoài nước cùng đứng 1 phe đứng lên chống lại những người chân chính trong giáo hội. Họ là một nhóm Mennonite được sự hỗ trợ của chính quyền, nổi dậy chống đối dữ dội.
Hiện đang có 1 sự ảnh hưởng, tuyên truyền, dao động từ trong giáo hội trong và ngoài nước cùng đứng 1 phe đứng lên chống lại những người chân chính trong giáo hội. Họ là một nhóm Mennonite được sự hỗ trợ của chính quyền, nổi dậy chống đối dữ dội. Họ gửi những văn thư cộng tác với chính quyền, với công an để triệt hạ chúng tôi. Họ tuyên truyền rất sâu đậm. Đây là điều chưa bao giờ có trong tình trạng giáo hội của chúng tôi lâu nay.
Trà Mi: Mục sư có nghĩ là khi ra khỏi khối 8406 thì những hoạt động của giáo hội Mennonite sẽ phần nào được dễ dãi hơn, bớt được phần nào những sự sách nhiễu từ phía chính quyền hay chăng?
Mục sư Nguyễn Hồng Quang: Điều đó không có gì bảo đảm. Chúng tôi rút tên ra 8406 là để đối phó với nội bộ. Với chính quyền thì chúng tôi không hy vọng gì rằng ra khỏi 8406 thì họ ngưng sách nhiễu.
Bởi vì 8406 mới thành lập mấy tháng nay thôi trong khi sự bắt bớ sách nhiễu đối với giáo hội chúng tôi đã xảy ra từ nhiều năm tháng rồi. Chúng tôi nhiều lần bị bức hại, bị đi tù lúc đó có tham gia 8406 gì đâu, nhưng lúc này, cả giáo hội lẫn xã hội lấy cớ đó để tiếp tục quấy nhiễu chúng tôi.
Trà Mi: Thưa mục sư nói là “xã hội” nghĩa là ông muốn nói đến thành phần nào?
Mục sư Nguyễn Hồng Quang: Là hệ thống chính quyền và dân chúng bị sách động.
Trà Mi: Xin được trở lại với nguyên nhân từ đầu khi những thành viên giáo hội Mennonite cũng như cá nhân mục sư quýêt định gia nhập khối 8406 là gì, thưa mục sư?
Mục sư Nguyễn Hồng Quang: Bước vào 8406 vì chúng tôi nhận định rằng đây là một phong trào nói lên khát vọng, tiếng nói và trách nhiệm trước nỗi đau khổ của chính mình và đồng bào. Chúng tôi vào 8406 để cùng cất lên tiếng nói đấu tranh cho những giá trị căn bản của con người, các quyền của con người, trong đó có quyền lợi của giáo hội chúng tôi là tự do truyền đạo, tự do xây dựng giáo sở, theo đạo, đổi đạo...Đó là những giá trị mà chúng tôi bước vào 8406 để cùng toàn dân cất lên tiếng nói đó.
Trà Mi: Thế thì với quyết định rút khỏi khối 8406 bây giờ có phải là những ý chí đó phần nào bị mai một đi hay không đủ sức mạnh như ban đầu, thưa mục sư?
Điều đó thì mình phải nhìn toàn cục của vấn đề. Lúc chưa có 8406 thành viên giáo hội Mennonite đã mạnh mẽ cất tiếng đấu tranh rồi, cho nên việc ra khỏi tổ chức 8406 không có nghĩa là tinh thần, sự dấn thân, ý chí hy sinh chấm dứt. Nó chỉ là một sự chọn lựa khi chúng tôi cần phục hồi lại những đổ vỡ, mất mát mà tín hữu của chúng tôi khắp nơi đang bị lâm vào.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang: Điều đó thì mình phải nhìn toàn cục của vấn đề. Lúc chưa có 8406 thành viên giáo hội Mennonite đã mạnh mẽ cất tiếng đấu tranh rồi, cho nên việc ra khỏi tổ chức 8406 không có nghĩa là tinh thần, sự dấn thân, ý chí hy sinh chấm dứt. Nó chỉ là một sự chọn lựa khi chúng tôi cần phục hồi lại những đổ vỡ, mất mát mà tín hữu của chúng tôi khắp nơi đang bị lâm vào.
Trà Mi: Mục sư có thể cho biết ngoài ông và mục sư Nguyễn Công Chính, số người thuộc giáo hội Mennonite quyết định rời bỏ 8406 là bao nhiêu?
Mục sư Nguyễn Hồng Quang: Có 7 người trong ban điều hành, lãnh đạo của giáo hội. Việc làm của họ ảnh hưởng đến an ninh và sự tồn tại của giáo hội cho nên những người đó đồng lòng với chúng tôi rút tên ra. Riêng trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài, với tư cách là mục sư nhiệm chức, cố vấn pháp luật cho giáo hội. Vì ông ta không trực tiếp chăn chiên cho nên việc ông ta đứng trong 8406 không ảnh hưởng đến bầy chiên. Thế nên, luật sư Đài không có trong danh sách rút tên ra khỏi 8406.
Trà Mi: Nhân tiện xin được phép hỏi thăm tình hình hoạt động của giáo hội Mennonite trong những ngày gần đây như thế nào, thưa mục sư?
Mục sư Nguyễn Hồng Quang: Chính quyền ra sức gây ly gián và triệt tiêu hội thánh chúng tôi bằng các biện pháp như thả truyền đơn, rỉ tai hoặc đến từng nhà tín đồ để đe doạ. Ngày 3/10, chính quyền tổ chức họp dân và đem tôi ra đấu tố, vu cáo cho chúng tôi. Họ kích động nhân dân bằng những văn bản ghi sai sự thật do chính quyền tự tạo dựng nên để kích động người dân đập phá nhà cửa chúng tôi và tấn công cộng đồng Mennonite của chúng tôi.
Ở giáo hạt Tây Nguyên có mục sư Ralanche bị bắt. Người ủng hộ hạt Mennonite Kontum tên Asen cũng bị bắt đi tù mấy tháng nay không có tin tức. Một người chủ toạ hội thánh ở làng Goay cũng bị bắt đi giam cầm. Rất nhiều truyền đạo khác bị bắt, bị đánh đập.
Những người tham gia xây dựng nhà nguyện hồi tháng 5 khi họ về đến Kontum cũng bị bắt bớ, đánh đập. Tổng cộng hơn 20 người. Đó là sự bắt bớ, còn việc nhóm họp sinh hoạt đạo thì vẫn bảo đảm, vẫn thường xuyên. Trong lúc hội thánh nhóm lại học kinh thánh, cầu nguyện thì họ không xông vào nữa. Việc này giảm thiểu đáng kể. Mặt tiến bộ thấy rõ là những buổi nhóm thờ phượng chúa họ không trực tiếp vào lập biên bản hay xua đuổi hay đánh đập như giai đoạn trước đây.
Trà Mi: Theo mục sư thì nguyên nhân vì sao có sự gia giảm đó?
Mục sư Nguyễn Hồng Quang: Tôi nghĩ đây chỉ vì quyền lợi của chính quyền thôi, chứ 31 năm qua họ đối xử với Tin lành rất tệ. Nhưng ngày nay có những mặt chuyển biến ít nhất về mặt hình thức hầu tạo sự cảm thông nào đó để tìm sự ủng hộ từ bên ngoài khi họ quan hệ với quốc tế.
Trà Mi: Luật sư có tin tưởng rằng sắp tới đây, mọi chuyện sẽ càng lúc càng tiến bộ hơn?
Mục sư Nguyễn Hồng Quang: Đảng cộng sản còn thì tôn giáo vẫn còn bị sách nhiễu, bắt bớ. Ví dụ ở Đà Lạt trước năm 75 có 119 nhà thờ nhưng ngày nay chỉ còn 5,6 cái. Còn lại tất cả bị vô hiệu hoá, cho tới nay vẫn chưa hoàn trả lại. Như vậy cũng chẳng có gì cải thiện.
Ngay nhà thờ của Mennonite tại Sài Gòn này trước đây bị nhà nước tước đoạt đến giờ cũng vẫn chưa trả. Sinh hoạt đạo, truyền đạo, cầu nguyện tự do không được, chỉ ở những nơi nhà nước cho phép mà thôi. Như vậy cũng không thể là cải thiện. Chế độ cộng sản còn thì tôn giáo không có cơ hội được phát triển đúng nghĩa của nó.
Trà Mi: Chúng tôi xin cảm ơn mục sư Nguyễn Hồng Quang đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang: Cảm ơn chị.
Những bài liên quan
- Lý do khiến Luật sư Nguyễn Văn Đài bị cấm xuất cảnh?
- Ân xá Quốc tế tố cáo Việt Nam tạo không khí sợ hãi cho người dùng Internet
- Chính quyền địa phương gia tăng đàn áp hội thánh Tin Lành Mennonite vùng Tây Nguyên
- Vợ anh Nguyễn Ngọc Quang: sự hy sinh của gia đình tôi là cần thiết
- Thân phụ anh Phạm Bá Hải được phép đi thăm con
- Vai trò của Liên minh Dân chủ Nhân quyền cho Việt Nam?
- Công an lập trạm kiểm soát ngay trước nhà ông Nguyễn Khắc Toàn
- TNS Gary Humphries kêu gọi VN tôn trọng nhân quyền
- Việt Nam truy tố 4 thành viên Khối dân chủ 8406