Gia Minh, phóng viên đài RFA
Suy nghĩ một cách thông minh luôn là yêu cầu thiết yếu để có thể đưa ra những sáng kiến. Điều này đặc biệt quan trọng đối với lớp trẻ đang trong độ tuổi học sinh, sinh viên. Tuy vậy, để có thể tư duy sáng tạo cần có phương pháp.

Gần đây, ở những thành phố lớn của Việt Nam như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu một số khoá học giới thiệu môn ‘Phương pháp luận sáng tạo’ đã ra đời.
Trong chương trình kỳ này, Gia Minh giới thiệu cùng quí thính giả và các bạn giáo sư Phan Dũng, người đang phụ trách Trung Tâm Phương Pháp luận Sáng tạo thuộc Đại học Khoa học Tự Nhiên Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng là nhân vật tiên phong phổ biến môn học này tại Việt Nam.
Mời quí vị cùng nghe Giáo sư Phan Dũng trình bày về môn học này, cũng như hoạt động của trung tâm và hoạt động giới thiệu môn phương pháp luận sáng tạo vào chương trình học Việt Nam:"Bây giờ người ta đã hình thành một môn học về ngành này rồi; như vậy nó giống như một khoa học rồi."
Gia Minh: Môn học này được đưa vào Việt Nam như thế nào?
Giáo sư Phan Dũng: Hồi năm 1977, chúng tôi đưa vào ngoại khoá cho sinh viên, và sau đó thì hình thành một trung tâm. Đến nay chúng tôi dạy được mười mấy ngàn người rồi. Đối tượng học đa dạng: trong xã hội có những thành phần nào thì ở trung tâm chúng tôi đều có những thành phần đó, từ tổng giám đốc công ty cho đến cả người đạp xích lô.
Gia Minh: Đa dạng như vậy thì phải có cơ sở chung cho mọi người?
Giáo sư Phan Dũng: Chương trình có mấy phần: phần nhất là giới thiệu; phần hai là kiến thức cơ sở có liên quan đến nhiều ngành khoa học khác như tâm lý học, triết học… Phần thứ ba đi vào công cụ; phần này cũng chia ra thành nhiều mục riêng nữa.
Gia Minh: Nếu có người trẻ nào đến hỏi giáo sư cho một số công cụ tư duy thì giáo sư hướng dẫn điều gì cho họ?
Cái đã có sẵn thì nên tận dụng; chứ không nên mất công mò mẫm nữa. Trước đây người ta giải quyết vấn đề sáng tạo bằng hai cách: thứ nhất là kêu gọi; thứ hai là tạo điều kiện môi trường sáng tạo. Nay thì nên kế thừa những điều sẵn có, chứ đừng mất thời gian.
Giáo sư Phan Dũng: Nay đã có môn học rồi nên tôi khuyên là họ nên học phương pháp đã. Cái đã có sẵn thì nên tận dụng; chứ không nên mất công mò mẫm nữa.
Trước đây người ta giải quyết vấn đề sáng tạo bằng hai cách: thứ nhất là kêu gọi; thứ hai là tạo điều kiện môi trường sáng tạo. Nay thì nên kế thừa những điều sẵn có, chứ đừng mất thời gian. Cho đến nay có chừng 15 ngàn người học và sau khi học thì họ đều thấy ích lợi của môn học. Nhiều người học xong mách nhau. Số học viên càng ngày càng đông.
Gia Minh: Xin nêu ra gương thành công của một số người?
Giáo sư Phan Dũng: Gương thì có nhiều; nhưng môt điển hình là có một học viên từng là người thất nghiệp; sau khi học môn này thì trở nên một doanh gia hoạt động từ bắc vào nam. Người này tuyên bố thành công có được là nhờ môn học này. Tôi cũng sang Hoa Kỳ tham gia hội nghị về phương pháp luận sáng tạo để phát biểu tại đó.
Gia Minh: Tại sao cho đến nay môn này vẫn chưa được chính thức đưa vào chương trình giáo dục?
Giáo sư Phan Dũng: Ở Việt Nam có hai cách: cách chính thống thì chưa có; cách thứ hai là các trường tự thấy cần thì mời người về dạy. Bản thân tôi có nói với ba đời bộ truởng giáo dục. Gần đây thì thứ truởng giáo dục Trần Văn Nhung có mời chúng tôi làm hội thảo về phương pháp luận sáng tạo. Nhưng ở Việt Nam thì gì cũng chậm. Gia Minh: Còn về đội ngũ kế cận thì thế nào?
Giáo sư Phan Dũng: Chúng tôi đang làm hết sức mình nhưng cần có những nguồn khác nữa. Tuy nhiên ở Việt Nam cái gì định làm cho đến khi bắt tay vào làm thì dài lắm. Theo quan điểm của nhiều người thì có nhiều vấn đề bức xúc hơn phải giải quyết trước. Vấn đề là tầm nhìn thôi.
Quí thính giả và các bạn vừa nghe giáo sư Phan Dũng, giám đốc Trung Tâm Phương Pháp Luận Sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu về môn khoa học giúp suy nghĩ tích cực để có thể nảy ra các ý tuởng sáng tạo và sáng kiến giúp ích cho công việc và cuộc sống hằng ngày.
Vào chương trình tuần tới, mời quí vị cùng nghe kinh nghiệm thành công của một người nhờ theo học khoá Phương pháp luận sáng tạo.
Mục ‘Sáng kiến và Đời sống’ kỳ này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.