Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Ban Chỉ Đạo Cải Cách Tiền Lương Quốc Gia mới đây đã công bố nghị định của chánh phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, tăng phụ cấp với người nghỉ hưu.

Kể từ ngày mồng một tháng 10 tới, mức lương tối thiểu chung được ấn định là 450 ngàn đồng một tháng. Sau khi vừa nghe tin nhà nước cho tăng lương thì tức khắc một số mặt hàng tiêu dùng ở các chợ đã nhích giá lên. Theo giới hữu trách của Hà Nội thì mục đích của việc tăng lương là phải cải thiện và nâng cao được mức sống của người dân lao động. Nếu tăng lương nhưng tốc độ tăng giá ngoài thị trường chẳng kém gì mức lương mới thì chuyện tăng lương sẽ không còn có ý nghĩa.
Để ghi nhận một số ý kiến trước việc nhà nước cho tăng lương vào đầu tháng 10 tới, Ban Việt Ngữ chúng tôi hỏi ông Đoàn là một viên chức hiện sinh sống ở Tân Định thì được ông giải thích, người dân trung bình tại Saigon cần phải làm ra bạc triệu thì mới tạm sống đủ.
Tuy nhiên theo ông thì dù giá cả ngoài chợ có tăng chút ít, nhưng lại có tin vui đi kèm, đó là việc xăng giảm giá một ngàn đồng, một lít, ảnh hưởng tốt đối với sinh họat hiện giờ.
Trong khi đó thì từ Long Xuyên thuộc vùng đồng bằng Cửu Long, bà Hạnh, một tiểu thương cho biết, ở nông thôn thì 3 hay 4 trăm ngàn có thể sống qua ngày nhờ chăn nuôi và canh tác thêm hoa màu, chứ ở thành phố thì gay go lắm.
Chị Kim, làm nghề thợ may tại Thị Nghè nói mức lương tối thiểu do nhà nước ấn định chỉ có giúp gia đình chị với chồng và 2 con thể sống được chừng một tuần, nên luôn phải xoay sở bằng đủ mọi cách.
Báo chí cho hay, thông thường những mặt hàng chịu tác động sớm nhất của đợt tăng giá là lương thực, thực phẩm và những vật phẩm thuộc nhu cầu thiết yếu, bằng chứng là ngay từ đầu tháng 9, một số mặt hàng ngoài thị trường đã tăng giá chút ít, vì việc tăng lương gây ra yếu tố tâm lý đối với giới bán hàng, nên họ đã tự động nhích giá lên.