Vẫn còn 29 tỷ đồng tiền cứu trợ chưa được phân phối cho nạn nhân cơn bão Chanchu


2006.08.11

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Hai tháng rưỡi sau khi bão Chanchu hoành hành tại biển Đông, giết hại hơn 266 ngư dân Việt Nam và nhấn chìm một số tàu đánh cá, chính quyền Quảng Nam và Đà Nẵng chỉ mới chi hết 5 tỉ trong số 34 tỉ đồng tiền trợ giúp để cấp cho gia đình các nạn nhân của bão Chanchu. Hiện còn tồn đọng 29 tỉ đồng chưa được phân phối.

ChanchuTyphoonVictims150.jpg
Bà Vo Thi Lai, 65 tuổi, than khóc sau khi nghe tin 2 người con trai thiệt mạng trong trận bão ChanChu. AFP PHOTO

Bão Chanchu tuy không thổi trực tiếp vào Việt Nam nhưng đã gây thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng và tài sản của ngư dân thuộc Quảng Nam-Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định. Tại các tỉnh, thành phố này, 20 ngư dân thiệt mạng, hơn 250 người mất tích với 13 tàu đánh cá bị chìm.

Vào ngày 31 tháng 5 chính phủ Việt Nam ban hành quyết định phân bố 21 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương về các tỉnh có nạn nhân bão Chanchu để gíup ngư dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Số tiền trợ giúp tăng lên nhiều do sự đóng góp quyên tặng của các tổ chức từ thiện và các cá nhân trong và ngoài nước.

Quyết định của Thủ tướng chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu trước ngày 15 tháng 6, các đoàn kiểm tra của các tỉnh, thành phố phải hoàn tất các thống kê về thiệt hại liên quan đến tàu, thuyền, ngư cụ cũng như khả năng tái sản xuất của từng hộ ngư dân.

Ngoài ra chính phủ cũng yêu cầu chính quyền địa phương nêu lên mức trợ cấp cho các gia đình bị nạn, đồng thời đưa ra các biện pháp xoá nợ, khoanh nợ, giãn nợ và cho vay thêm để sủa chữa, đóng mới tàu thuyền.

Kết quả sau hai tháng rưỡi, chỉ có khoảng 15% số tiền cứu trợ được phân phối cho các gia đình nạn nhân.

Chỉ lo cấp tiền cứu trợ

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietweb@rfa.org

Giải thích về hiện tượng này, thứ trưởng Tài Chánh Trần Văn Tá cho biết là Bộ tài Chánh chỉ lo cấp tiền cứu trợ, hướng dẫn cách sử dụng chớ không kiểm tra xem tiền đã được các địa phương phân phối chưa và có đúng mục đích, đối tượng hay không.

Ông Đào Xuân Thế, Trưởng phòng quản lý ngân sách địa phương Bộ Tài Chánh cũng xác nhận là Bộ chỉ cấp tiền còn việc phân bố thế nào cho phù hợp là tùy theo quyết định của địa phương từ ấp cho đến xã, phường, quận huyện. Chỉ khi nào có tiêu cực xảy ra, Bộ Tài Chánh mới thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm.

Sở Lao động Thương binh và xã hội Đà Nẵng cho biết là ngoài việc trợ cấp tiền mặt cho các gia đình nạn nhân như cấp năm triệu đồng cho mỗi gia đình có người chất và mất tích, năm trăm ngàn đồng cho một ngư dân trở về và 30 triệu đồng cho một tàu tham gia cứu hộ trong và sau cơn bão, Sở còn có những chươgn trình trợ giúp khác nữa.

Chẳng hạn như tặng sổ tiết kiệm, mua thẻ bảo hiểm y tế cho con em, thân nhân gia đình có ngừơi bị nạn, trao học bổng.

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng thừa nhận là “dù rất nổ lực, tìm ra nhiều chương trình khác nhau để giúp đỡ nhưng số tiền giải ngân vẫn còn ít so với số tiền được hỗ trợ.”

Ông cho biết thêm là quan điểm của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là hạn chế thấp nhất việc cấp tiền mặt cho ngư dân để tránh tình trạng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”

Giải thích thêm về sự chậm trễ trong cứu trợ ông An cho rằng việc đánh giá thiệt hại của tàu thuyền cần thời gian, hơn nữa việc đề nghị xoá nợ hay giảm nợ cũng gặp khó khăn vì phần lớn việc vay mượn của các chủ tàu không có khế ước hoặc xuất phát từ việc vay nóng của tư nhân nên khó kiểm tra.

Những khó khăn của người dân

Một người dân thuộc huyện Thanh Khê, Đà Nẵng nơi có nhiều gia đình bị thiệt hại do bão Chanchu phát biểu về tình hình cứu trợ tại đây. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Các tỉnh khác như Quãng Ngãi, Bình Định, các cơ quan chức năng cũng đang lúng túng trong việc phân phối tiền cứu trợ. Theo dự kiến của các cơ quan này thì sớm nhất phải hết tháng 11 năm nay mới có thể giải ngân hết tiền cứu trợ.

Một cư dân của huyện Đức Phổ, Quãng Ngãi có ý kiến: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Ngoài việc không được trợ giúp đúng theo ngân quỹ được phân phối, các chủ tàu thuyền bị nạn còn gặp khó khăn trong viiệc đòi tiền bảo hiểm.

Một chủ tàu cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Đứng trước các khó khăn các địa phương nêu ra hiện nay, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các ban ngành liên hệ cần phải xây dựng qui chế quản lý, phân bổ các nguồn tài lực giúp người dân và địa phương khắc phục thiên tai và nhất là dứt khoát không để xảy ra tiêu cực.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.