Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Rửa tiền là một danh từ còn rất mới mẻ tại Việt Nam tuy nhiên mới đây,Tiến Sĩ Phùng Khắc Kế, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết ông rất quan ngại vấn đề này khi nhận thấy số tiền đổ vào thị trường chứng khoán rất lớn và ông e rằng trong số tiền đó không thể không có nguồn tiền bất chánh từ tham nhũng. Mặc Lâm có bài tường trình về vấn đề này, mời quý vị theo dõi.

Hợp pháp hóa tiền tham nhũng, chuyện đã có từ lâu
Trước đây vài năm, mỗi lần người dân nghe thấy một quan chức làm việc trong chính quyền tung tin trúng số là hình như người ta nghĩ ngay đến vị quan chức này có ý đồ che dấu số tiền tham nhũng của mình bằng cách truy tìm những người trúng số độc đắc để mua lại với giá cao hơn, và những tờ vé số này trở thành bùa hộ mạng cho chủ nhân của chúng khi bị dân chúng tố cáo đương sự có hành vi tham nhũng sau này.
Không ai có thể truy ra người nào là chủ của những tờ vé số này để kết tội kẻ mua nó, và cũng không ai nghĩ rằng có một dự luật nào đó cấm người ta được quyền trúng số nhiều lần.
Tuy nhiên thời gian trôi qua cùng với đà tăng trưởng kinh tế, cũng là lúc những nguồn vốn FDI của ngoại quốc đổ vào càng ngày càng nhiều, số tiền lên đến hàng trăm triệu đô la cho Việt Nam vay để xây dựng hoặc thực hiện dự án công cộng nào đó.
Và rồi số tiền khổng lồ này lần lượt bị bòn rút chảy vào túi các ông tham quan, điển hình là vụ MU18, khiến cho dân chúng uất ức vì những lộng hành quá đáng trong lúc ăn chơi gần như bại hoại của những quan chức chủ chốt.
Bên cạnh những kẻ đã sa lưới, số còn lại chưa bị phát hiện là tham nhũng đang tìm cách tẩu tán tài sản của mình, dưới hình thức rửa tiền qua những cuộc mua bán trên thị trường chứng khoán. Chỉ có thị trường chứng khoán mới có đủ khả năng chứng minh nguồn thu nhập bất chánh khi bị hỏi. Trúng số không thể lên đến hàng triệu đô la nhưng trúng cổ phiếu thì điều đó hoàn toàn có thể xảy ra.
Chứng khoán, phương tiện mới tẩy rửa tiền tham ô
Trong một cuộc trao đổi với báo chí bên lề Diễn Đàn Đầu Tư Việt Nam, Tiến Sĩ Phùng Khắc Kế, Phó Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã cho biết, ông rất quan tâm đến vấn đề rửa tiền từ các nguồn tiền có nguồn gốc tham nhũng.
Ông Kế cho rằng ít nhất là 10% thất thoát trong nguồn vốn đầu tư nước ngoài thông qua FDI bị tham nhũng và nguồn tiền khổng lồ này đã tham gia vào thị trường chứng khóan gây cơn sốt chứng khóan trong thời gian gần đây. Chúng tôi liên lạc được với Tiến Sĩ Phùng Khắc Kế và câu hỏi đầu tiên có liên quan về vấn đề này được ông trả lời:
“Vừa qua, trong những nguyên nhân mà thị trường chứng khoán sơ khai ở Việt Nam nóng lên là do cung thì nhiều mà cầu thì ít. Hay nói khác đi số lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán rất nhiều. Thực tế tình trạng vừa qua không những là chính phủ Việt Nam đánh giá mà các nhà quan sát quốc tế cũng đánh giá là ở Việt Nam có hiện tượng là thất thoát tiền từ những công trình đầu tư thông qua hiện tượng gọi là tham nhũng.
Những số tiền này hiện nay bị thất thoát ra ngoài xã hội và đương nhiên nó nằm dưới dạng tiên mặt. Trong thời gian vừa qua người ta dùng số tiền này để mua bất động sản, hoặc để mua ngoại tệ hoặc để mua vàng, và đương nhiên một khi thị trường chứng khoán ra đời thì không loại trừ rằng người ta sẽ dùng số tiền đó để tham gia vào thị trường chứng khoán.
Tôi nói có ý giải thích rằng thị trường chứng khóan vừa qua nó có nóng lên và chỉ số nó có lúc tăng lên nhanh chóng có phần do những nguồn tiền lớn từ những thất thoát do hiện tượng tham nhũng.
Mặc Lâm Thưa Tiến Sĩ, làm sao nhà nước có thể kiểm soát được số lượng tiền đang lưu hành trên thị trường chứng khoán khi người mua kẻ bán đều không xử dụng tài khoản và làm sao ngân hàng hay những cơ quan chức năng theo dõi và điều tra những nguồn tiền bất hợp pháp này?
Ô. Phùng Khắc Kế: Do đó tôi mới nói là vấn đề rất phức tạp không những trên những thị trường lâu đời rồi mà ngay ở Việt Nam lại càng khó khăn hơn vì hiện nay người ta vẫn gọi là thị trường tiền mặt, hay nói khác đi người dân không có tài khỏan trong ngân hàng và chỉ xử dụng tiền mặt trong sinh hoạt hàng ngày, do đó toàn bộ thu nhập hay chi tiêu của người dân không thể biết được.
Mặc Lâm Như vậy theo tiến sĩ hiện tượng rửa tiền qua hình thức mua bán trên thị trường chứng khóan là có thật?
Ô. Phùng Khắc Kế: Tôi đồng tình rằng trong những nguồn tiền đầu cơ vào thị trường chứng khoán có nguồn tiền từ tham nhũng, từ hối lộ từ thất thoát nhưng việc kiểm soát để ngăn chặn và theo dõi những hoạt động này là một việc khác. Tôi cho rằng hai việc này hoàn toàn khác nhau. Nhà nước đang cố gắng thu hẹp hiện tượng này, mà muốn làm việc này thì phải tổ chức thông qua các tài khoản ngân hàng. Việc tìm hiểu và chống lại tình trạng rửa tiền là phần hành của các cơ quan pháp luật.
Rửa tiền và Chống rửa tiền
Vấn đề rửa tiền còn rất mới mẻ tại Việt Nam, khi việc mua bán của người dân đều được thanh toán bằng tiền mặt và vì vậy những thu nhập bất chánh tạm thời yên tâm một thời gian.
Nhưng những kẻ này thừa bíêt rằng khi gia nhập WTO Việt Nam phải công khai mọi chi tiêu và qua sự giám định của ngân hàng. Cho tới lúc đó, chắn chắn sẽ có những hình thức rửa tiền khác xuất hiện.
Để biết thêm chi tiết về những hệ thống kết nối của các nước trên thế giới trong vấn đề chống rửa tiền chúng tôi liên lạc với Chương Trình Chống Rửa Tiền Toàn Cầu của Liên Hiệp Quốc, được gọi là The Global Programme against Money Laundering (GPML) có trụ sở tại Bỉ.
Chúng tôi nêu thắc mắc rằng không biết hiện nay Việt Nam đã ký những văn kiện nào hợp tác với Tổ Chức Liên Hiệp Quốc về vấn đề rửa tiền hay chưa? Và trong trường hợp phát hiện ra một vụ rửa tiền tại Việt Nam thì người dân có thể tố giác với tổ chức LHQ được hay không? Chúng tôi được ông Pat Celevan, Trưởng ban điều tra của tổ chức này cho biết:
“Theo chỗ tôi biết mặc dù Việt Nam có tham dự nhiều hội nghị do LHQ tổ chức về vấn đề rửa tiền nhưng chưa có một hiệp định nào được chính thức ký giữa nước Việt Nam và Liên Hiệp Quốc cả. Riêng về việc nếu phát giác ra một vụ rửa tiền tại Việt Nam có báo cáo cho LHQ được hay không thì tôi xin trả lời là hiện nay chưa có một thỏa thuận nào giữa hai bên nên nếu có nhận được tố giác thì LHQ cũng chỉ dùng đến để theo dõi những sự kiện có liên quan mà thôi.
Thông qua những sự kiện vừa nêu, hình thức rửa tiền đã bắt đầu ló dạng với một quy mô rất lớn tại Việt Nam hiện nay. Đúng như quan tâm của Tiến Sĩ Phùng Khắc Kế, Phó Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước nhận xét thì việc chống lại những hình thức rửa tiền này là rất khó khăn và cần được nghiên cứu tỉ mỉ, và những phần vụ này phải được các cơ quan chức năng xem là khẩn trương trước mắt chứ không phải còn ở đâu xa.