Khanh Nguyễn - Gia Minh
Sáng nay hơn 100 người dân thiểu số Tây Nguyên chạy sang Xứ Chùa Tháp xin tỵ nạn đã bị đưa trả về Việt Nam. Gia Minh và Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ chúng tôi tường trình thêm chi tiết như sau.

Từ tờ mờ sáng ở Phnom Penh, cảnh sát Cambodia đã tràn vào một trại tạm cư của người Thượng, lùa hơn 100 người lên 2 chiếc xe buýt chở họ về Việt Nam, theo khuôn khổ kế hoạch hồi hương những người không được Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tỵ nạn.
Những người Thượng bị trả về đã nắm chặt tay nhau, cùng cất tiếng hát các bản thánh ca, đọc kinh cầu nguyện, nhất định không chịu lên xe về lại nguyên quán. Nhưng với lực lượng cảnh sát lên đến 100 người trang bị cả roi điện, tập thể người Thượng không may này không thể nào chống cự lại được.
Cảnh tượng kinh hoàng
Một người làm việc cho cơ quan thiện nguyện nói với báo chí rằng đã chứng kiến tận mắt cảnh người Thượng bị cảnh sát Cambodia nắm chân nắm tay lôi ra xe và có một số phụ nữ cố gắng chống cự đã bị nhân viên công lực Cambodia đá thẳng vào bụng.
Nhân viên của cơ quan thiện nguyện từ chối không cho biết tên, còn diễn tả thêm là cảnh tượng lúc đó vừa kinh hoàng vừa tuyệt vọng, xảy ra giữa tiếng than khóc ầm ĩ của những người không muốn trả về và hành động không thể chấp nhận được của một số nhân viên an ninh địa phương.
Bạn nghĩ gì về sự kiện này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Bản tin của hãng thông tấn AP đánh đi từ Phnom Penh cũng viết rằng có một số người trèo lên nóc nhà trốn, nhưng vẫn không thoát.
Những người bị cảnh sát Cambodia lôi ra xe chở về Việt Nam nằm trong toán chừng 700 người băng rừng từ Tây Nguyên sang Xứ Chùa Tháp xin tỵ nạn chính trị hồi năm ngoái, sau khi họ tổ chức hoặc tham gia biểu tình phản đối nhà cầm quyền Hà Nội lấy đất canh tác và không cho họ được hưởng quyền tự do tín ngưỡng.
Không hội đủ tiêu chuẩn tỵ nạn
Ông Thamrongsak Meechubot, đại diện Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh nói với Ðài Á Châu Tự Do rằng mặc dù được Cao Ủy giúp đỡ, nhưng những người bị trả về hồi sáng nay đã được thanh lọc và không hội đủ tiêu chuẩn tỵ nạn để có thể định cư ở một nước thứ ba.
Tin của hãng thông tấn AP cũng nói là những người Thượng không hội đủ điều kiện tỵ nạn được Cao Ủy cho tạm cư ở 5 trại khác nhau, và sau vụ việc mới xảy ra sáng nay, nhiều người ở các trại khác đã tìm cách bỏ trốn, nhưng bị cảnh sát Cambodia bắt giữ đưa vào trại trở lại.
Quyết định đưa hơn 100 người Thượng buộc họ phải hồi hương được Chính Quyền Cambodia và Cao Ủy Tỵ Nạn phối hợp chung với nhau thực hiện, bất chấp sự phản đối của các tổ chức bảo vệ nhân quyền.
Tổ Chức Refugees International

Tại Washington, ông Lionel Rosenblatt của Tổ Chức Refugees International (quốc tế về người tị nạn) nói rằng tổ chức đã yêu cầu Phnom Penh đừng đưa những người Thượng rớt thanh lọc về lại Việt Nam cho đến khi có một Ủy Ban Quốc Tế cứu xét lại trường hợp của những người này. Rất tiếc, lời yêu cầu của Refugees International đã không được lắng nghe.
Ông Lionel Rosenblatt nói: "Chúng tôi được biết những người Thượng này bị trả về lại Việt Nam lúc 6 giờ sáng, giờ Cambodia, và Cao Ủy Tỵ Nạn dường như không liên quan gì đến việc này, cho tới khi chúng tôi yêu cầu nên thành lập ủy ban quốc tế giám sát trước khi trả họ về, nhưng có lẽ yêu cầu của chúng tôi không được chấp nhận."
Ông Lionel Rosenblatt còn cho biết thêm rằng tổ chức của ông tiếp tục yêu cầu Cao ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc chấp nhận giải pháp cần để một tổ chức giám sát quốc tế đến theo dõi tình hình của những người bị trả về, vì ngay chính những người phải trở về đều lo sợ cho tính mạng của họ, cho dù nhà cầm quyền Việt Nam cam kết không trả thù hay phân biệt đối xử.
"Mặc dù những người này bị buộc phải hồi hương, chúng tôi vẫn muốn quốc tế giám sát trường hợp của họ, để đảm bảo an toàn cho họ."
Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc ở Hà Nội
Hồi tháng hai năm nay, ba phía gồm Việt Nam, Kampuchia và Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp Quốc đạt được một thoả thuận là những người bị trả về sẽ không bị đàn áp. Và Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc ở Hà Nội sẽ đảm trách công tác giám sát đó.
Từ đó đến nay, văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội đã lên Tây Nguyên để thực hiện công tác theo dõi cuộc sống của 40 người đã tự nguỵện hồi hương. Ông Meechubot của văn phòng Cao Ủy tại Cambodia nói với báo chí rằng những cuộc giám sát cho thấy người Thượng từ Cambodia trở về đều sinh hoạt bình thường, không gặp khó khăn nào đáng ngại.
Chúng tôi được biết những người Thượng này bị trả về lại Việt Nam lúc 6 giờ sáng, giờ Cambodia, và Cao Ủy Tỵ Nạn dường như không liên quan gì đến việc này, cho tới khi chúng tôi yêu cầu nên thành lập ủy ban quốc tế giám sát trước khi trả họ về, nhưng có lẽ yêu cầu của chúng tôi không được chấp nhận.
Còn đối với đợt trả về lần này có thể gọi là cuỡng bách thì ông Vũ Anh Sơn, đại diện của UNHCR tại Hà Nội phát biểu với Đài chúng tôi về hoạt động liên quan của văn phòng trong vấn đề đó: "Khi nào họ về thì sẽ theo dõi. Việc đến thăm họ cần phải xin phép Hà Nội; tuy nhiên nay cũng dễ dàng thôi. Kế hoạch cụ thể ngày giờ thì chưa có."
Hồi tuần qua có 70 người Thượng Tây Nguyên được cấp qui chế tỵ nạn đã được Hoa Kỳ cho đến định cư. Vào tuần tới sẽ có thêm 26 người nữa được đi định cư tại Mỹ.
Đời sống người dân tộc thiểu số
Nhiều người dân tộc thiểu số Tây Nguyên theo đạo Tin Lành. Chỉ mới có một số giáo phái được nhà nuớc chấp nhận cho nhóm họp. Đối với những giáo phái chưa được cấp phép mà nhóm tại tư gia thì bị địa phương bắt bớ.
Về mặt xã hội thì lâu nay, nhiều người dân từ các tỉnh thành khác đến vùng Tây Nguyên lập nghiệp, khai khẩn đất trồng các loại cây công nghiệp chủ yếu là cà phê.
Thế rồi nhiều dự án thủy điện buộc người dân tộc phải tái định cư nơi khác. Nhiều người dân tộc cho rằng họ bị cuớp mất đất sinh sống nên đòi hỏi phải trả lại những vùng đất mà tổ tiên của họ để lại.