Việt Nam tăng cường kiểm soát SIM điện thoại di động


2006.12.28

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Ba, báo chí loan tin kể từ đầu năm 2007, bất cứ ai mua SIM điện thoại di động sẽ phải đăng ký lý lịch. Nhà nước cho đó là biện pháp cần có để ngăn ngừa trường hợp các thông tin không thích hợp được loan truyền, hoặc lạm dụng điện thoại để quấy rối.

PhoneInternet200.jpg
Dịch vụ viễn thông và điện thoại ngày càng phát triển tại Việt Nam. AFP PHOTO

Tin vừa loan ra, đã có nhiều dư luận cho đó chỉ là một biện pháp mới để kiểm soát và giới hạn thông tin của người dân mà thôi. Đỗ Hiếu tìm hiểu thêm qua trao đổi với một số khách hàng sử dụng điện thoại di động.

Về đề nghị kể từ năm 2007 các khách hàng thuê bao dịch vụ điện thoại di động trả tiền trước phải đăng ký số máy, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, ông Trần Đức Lai, thứ trưởng bộ Bưu chính-Viễn thông, nếu không quản lý như vậy thì những hành vi xấu, kể cả khủng bố, quấy rối có thể xảy ra.

Phần ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, thì nói rằng việc khai báo không có gì quá phiền hà, nếu mua SIM di động để dùng trong mục đích trong sáng.

Tuy nhiên khác với cái nhìn của Nhà nước, nhiều người sử dụng và doanh nghiệp liên quan đến điện thoại di động không đồng tình.

Mục sư Nguyễn Công Chính, Giáo hạt trưởng Tin Lành Menonnite tại vùng Tây Nguyên, một vị lãnh đạo tinh thần thường gập khó dễ trong công tác truyền bá và rao giảng kinh thánh, đồng thời cũng là một khách hàng sử dụng Sim và phải thay đổi số liên tục, nói với đài Á Châu Tự Do rằng biện pháp quản lý chặt chẽ việc khai báo khi thuê bao điện thoại di động là một quyết định bất hợp hiến, chỉ nhằm mục đích kiểm sóat thông tin, mà nhà nước xét thấy bất lợi, đặc biệt là chuyện liên quan đến vấn đề đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền.

Biện pháp quản lý chặt chẽ việc khai báo khi thuê bao điện thoại di động là một quyết định bất hợp hiến, chỉ nhằm mục đích kiểm sóat thông tin, mà nhà nước xét thấy bất lợi, đặc biệt là chuyện liên quan đến vấn đề đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền.

Tuy nhiên, theo mục sư Chính thì dù chánh quyền đề ra biện pháp kiểm sóat khắt khe, các phong trào vận động cho dân chủ trong và ngoài nước cũng có cách khắc phục.

Lên tiếng từ Hà Nội, luật sư Lê Thị Công Nhân, một nhà đấu tranh cho dân chủ thường xuyên bị công an theo dõi và cắt đứt điện thoại di động, nhấn mạnh là biện pháp quản lý SIM di động, nếu có, là một hành động không minh bạch từ phía chánh quyền.

Sau khi tin tức loan ra và không nhận được sự ủng hộ của quần chúng, qua hôm sau ông Trần Đức Lai, thứ trưởng bộ Bưu chính-Viễn thông, khẳng định với báo chí là hiện chưa có quy định chi tiết về việc quản lý các thuê bao trả trước. Cơ quan hữu trách chỉ mới trình chánh phủ về nguyên tắc quản lý.

Ngoài ra, bộ Bưu chính-Viễn thông cũng hứa sẽ lấy ý kiến các ban ngành liên quan đồng thời cũng ghi nhận ý kiến của người sử dụng phương tiện liên lạc này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.