Có hiện tượng cho thấy virút cúm gia cầm đã có thể kháng thuốc

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Vào khi nhân loại đang lo lắng về hiểm họa cúm gia cầm có thể trở thành một trận đại dịch giết chết hàng triệu người, thì niềm hy vọng dường như chỉ còn hướng về thuốc Tamiflu trong khi chờ một loại "thần dược" sẽ được tìm ra. Thế nhưng hôm thứ Tư, y giới quốc tế loan báo đã có dấu hiệu cho thấy bệnh cúm gia cầm đã "tránh né" được tác dụng của Tamiflu. Lê Dân tường thuật diễn tiến đó như sau.

TamifluBird200.jpg
Có dấu hiệu cho thấy bệnh cúm gia cầm đã "tránh né" được tác dụng của Tamiflu. AFP PHOTO

Trong số 8 bệnh nhân cúm gia cầm tại Việt Nam được điều trị bằng thuốc Tamiflu, đã có 4 người chết, theo phúc trình của bác sĩ Menno de Jong và các đồng sự đăng trên tạp chí Y Dược New England. Ông thuộc viện Nghiên cứu Lâm sàng của trường đại học Oxford sang cộng tác với Bệnh viện các Bệnh Nhiệt đới tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Các cuộc xét nghiệm bệnh phẩm cho thấy hai trong số 4 người chết có virút đã kháng thuốc Tamiflu và trong một trường hợp thì thuốc Tamiflu đã được dùng khá sớm theo đúng đề xuất.

Giáo sư bác sĩ Anne Moscona thuộc trường Y khoa Weill của viện đại học Cornell ở New York cho biết vì hiện tượng này mà y giới nên điều chỉnh lại liều lượng khi kê thuốc Tamiflu.

Phải sử dụng hợp lý, đúng tiêu chuẩn

Theo giáo sư Anne Moscona thì từ nay có lẽ phải sử dụng chiến thuật "đánh sớm, đánh mạnh, đánh dài lâu" như y giới từng áp dụng đối với virút HIV gây bệnh AIDS. Thêm vào đó là phải tăng cường mặt bảo quản thuốc Tamiflu cho đúng tiêu chuẩn và sử dụng hợp lý, không nên dùng bừa bãi.

Thực chất nó phải được kê đơn theo chỉ định của bác sĩ và có những trung tâm, bệnh viện được phân công việc này. Cho nên không thể nào sử dụng tràn lan trong dân thì nó dễ dàng đưa đến tình trạng kháng thuốc, cực kỳ nguy hiểm cho cộng đồng.

Bản phúc trình của bác sĩ Menno de Jong và các đồng sự đăng trên tạp chí Y Dược New England nói rõ về trường hợp cô bé 13 tuổi kháng thuốc Tamiflu.

Thoạt đầu, khi nhập bệnh viện tỉnh Đồng Tháp vào ngày 22 tháng Giêng vừa qua thì cô chỉ bị viêm một bên phổi, với triệu chứng sốt và ho. Các bác sĩ đã sử dụng thuốc Tamilfu theo phác đồ điều trị. Trong vài ngày kế tiếp, thuốc có vẻ hữu hiệu, nhưng sau đó bệnh tình cô bé xấu đi. Cô càng lúc càng khó thờ và cần được tiếp oxy nhiều hơn. Sáu ngày sau khi nhập viện, cô bé qua đời.

Các mẫu bệnh phẩm được đưa đi giảo nghiệm tại Hồng Kông cho thấy virút gây bệnh cho cô đã biến thể để trở nên vô hiệu hóa đối với các tác dụng của Tamiflu. Virút này có một loại neurominidase, tức chữ N trong tên gọi của chúng, là H274Y, có khả năng bám dính vào các màng tế bào bệnh nhân mà thuốc Tamiflu không ngăn cản được như đối với loại cũ.

Đã từng được cảnh báo

Hiện tượng này đã từng được cảnh báo tại Việt Nam, nhất là khi mọi người lo lắng chạy tìm mua để tích trữ thuốc Tamiflu. Tiến sĩ Cao Minh Quang, trưởng Cục Quản lý Dược thuộc bộ Y tế cảnh cáo:

“Thực chất nó phải được kê đơn theo chỉ định của bác sĩ và có những trung tâm, bệnh viện được phân công việc này. Cho nên không thể nào sử dụng tràn lan trong dân thì nó dễ dàng đưa đến tình trạng kháng thuốc, cực kỳ nguy hiểm cho cộng đồng.”

Thuốc mới chưa tìm ra, mà thuốc cũ đã bị vô hiệu, thì nhân loại phải làm gì ? Giáo sư bác sĩ Anne Moscona thuộc trường Y khoa Weill của viện đại học Cornell ở New York cho rằng trước mắt thì thuốc Tamiflu vẫn còn hữu dụng, miễn sao y giới phải dùng chúng một cách hết sức cẩn trọng.

Những thông tin mới đó góp thêm vào một bản phúc trình hồi tháng Mười về một cô bé Việt Nam 14 tuổi, sống sót sau khi bị nhiễm Virút H5N1 nhờ được điều trị bằng Tamiflu, nhưng các cuộc xét nghiệm theo dõi cho thấy cô bé có mang một giòng virút kháng thuốc.

Phải đặc biệt cẩn trọng

Hiện nay có tất cả 4 loại thuốc chữa cúm, nhưng virút H5N1 đã kháng hai loại cũ là Amantadine và Rimantadine rồi. Chỉ còn hai loại mới là có hiệu quả là Tamiflu và Relenza.

Thuốc Relenza lại có yếu điểm là chỉ có thể được dùng bằng cách hít vào phổi, nên gây khó khăn cho các bệnh nhân viêm phổi. Mà nó vì thế cũng chỉ chữa được cúm tại phổi, chứ không chữa được khi virút lây lan sang những cơ quan nội tạng khác.

Còn lại thuốc Tamiflu, giáo sư bác sĩ Anne Moscona cho là vì vậy cần phải đặc biệt cẩn trọng hơn nữa.

Tiến sĩ Cao Minh Quang, trưởng Cục Quản lý Dược thuộc bộ Y tế Việt Nam xác định cụ thể là: "Dân chúng phải "stop" ngay việc đi lùng, đi mua thuốc để dự trữ vì chuyện đó hoàn toàn không cần thiết, mà chỉ là tiếp tay cho những con buôn, những công ty có hành vi không đúng đắn."

Tóm lại thì y giới quốc tế và trong nước đều cảnh báo là không nên tự mình vô hiệu hóa võ khí duy nhất vào lúc này là thuốc Tamiflu qua việc sử dụng không cần thiết, không đúng liều lượng.