Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Vụ chạy trường ở cơ sở Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn gây sôi nổi dư luận từ vài tuần qua. Mới đây có thêm một số giáo viên và phụ huynh học sinh tố cáo nhiều điều liên quan đến vụ việc; và giới hữu trách vừa bắt đầu xử lý sự cố này. Nhã Trân tổng hợp thông tin và trình bày.

Đến nay vụ chạy trường tại trường bán công Lê Quý Đôn có thêm nhiều diễn tiến mới. Một số giáo viên đã mạnh dạn lên tiếng về những tiêu cực liên quan đến sự việc. Theo các nguồn tin, những vụ hối lộ để đưa con em vào học trường này đã xẩy ra từ lâu, tuy nhiên cho tới giờ chỉ mới có 6 trường hợp được phụ huynh tiết lộ. Bà Lệ Mai, mẹ một học sinh trong trường cho biết cảm nghĩ:
“Con tôi theo học trường Lê Quý Đôn đã lâu. Giáo dục trẻ em, giáo dục con người mà làm những chuyện như vậy. Dân chúng mà nghe chuyện này chắc rất là bàng hoàng, và những nhà giáo có lương tâm chắc cũng buồn và xấu hổ cho ngành giáo dục của Việt Nam bây giờ.
Những tỉnh lẻ đã xẩy ra nhiều chuyện rồi, nhưng một thành phố lớn, bộ mặt của Việt Nam , và với một trường có tiếng như Lê Quý Đôn thì tại sao mà có thể để xẩy ra như vậy”.
Ðiều kiện để nhận vào
Theo các tố cáo, một số phụ huynh học sinh từng phải trả cô giáo Đỗ thị Thu Hòa 1 hoặc 2 ngàn đô la để con được theo học, vì giáo viên này nói đây là điều kiện để bà hiệu trưởng nhận vào.
Con tôi theo học trường Lê Quý Đôn đã lâu. Giáo dục trẻ em, giáo dục con người mà làm những chuyện như vậy. Dân chúng mà nghe chuyện này chắc rất là bàng hoàng, và những nhà giáo có lương tâm chắc cũng buồn và xấu hổ cho ngành giáo dục của Việt Nam bây giờ.
Cô giáo Hoà vừa phải chính thức xác nhận 2 trường hợp thu tiền, sau khi xin người đưa tiền đừng tố cáo. Dư luận cho rằng một giáo viên không thể thực hiện việc đưa các em thiếu điểm vào được, mà phải có cả một hệ thống. Một số thầy cô ở Lê Quý Đôn vừa cho hay có ít nhất 4 đường dây lo vụ chạy trường, và những giáo viên liên can đến hành động này đều thân cận với bà Trần Thanh Vân, hiệu trưởng trường. Vào tuần trước Ủy ban Nhân dân thành phố có kiểm tra hồ sơ tuyển sinh của cơ sở bán công này, phát hiện 19 hồ sơ không hợp lệ trong niên khoá 2006-2007, và 12 trường hợp hồi niên học năm ngoái, nhưng vẫn được hiệu trưởng trực tiếp ký nhận.
Ủy ban cũng có nhận định qui trình làm việc của hội đồng xét tuyển trường vi phạm qui chế tuyển sinh và lâu nay cách làm việc rất tùy tiện, thiếu công khai, minh bạch. Ngoài ra các điều tra cho thấy hiệu trưởng lạm quyền, đảm trách những khâu quan trọng như xem xét và quyết định tuyển thêm ngoài danh sách trúng tuyển mà không trình hội đồng.
Các giáo chức lên tiếng cũng tiết lộ nhiều tiêu cực khác đã xảy ra tại cơ sở giáo dục này từ những năm trước; theo đó nhiều quyết định độc đoán hoặc vô lý thường được hiệu trưởng tự quyền ban hành, điển hình như chia bè kết phái; đày ải, hù doạ, chuyển công tác những giáo viên không bè phái với bà; thâu nhận giáo viên không đủ tiêu chuẩn; thay đổi nhân sự mà không có lý do chính đáng; và đặt ra nhiều qui định khắt khe, bóc lột chẳng hạn phạt tiền các thầy, cô đi trễ hoặc nghỉ tuy đã xin phép.
Biện pháp xử lý
Hiện Bộ Giáo dục-Đào tạo chỉ mới xét về việc chạy trường; ra chỉ thị tạm ngưng chức hiệu trưởng và hiệu phó trường, và đề nghị khởi tố giáo viên Đỗ thị Thu Hoà, trong khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân tuyên bố việc tuyển sinh phải được thực hiện công khai, minh bạch; xử lý những trường hợp sai qui chế, phân công ngay hiệu trưởng mới, và đề nghị công an khởi tố sớm những cá nhân vi phạm.
Tuy vậy, dư luận không mấy tin tưởng biện pháp xử lý sẽ thật sự được thi hành, và nếu có thực hiện đi nữa cũng có thể bị vô hiệu hóa vì tệ nạn bè phái, tham nhũng lan tràn hiện nay, điển hình là việc ông Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố HCM chỉ dự kiến là cảnh cáo bà Vân mà thôi. Sự hoài nghi được một phụ huynh là bà Lệ Mai bày tỏ khi được hỏi ý kiến về quyết định của Sở:
“Tôi nghĩ rằng chắc nó cũng chỉ chung chung, không đi được đến đâu hết, thật sự mà nói, vì biết đâu bà hiệu trưởng này có chỗ dựa nào đó, nên mới lộng hành như vậy”.
Theo công luận tệ nạn chạy trường không phải chỉ xảy ra ở trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn mà còn có ở nhiều cơ sở giáo dục, như tại quận 5 và một số địa phương khác. Giới phụ huynh nói riêng và dân chúng nói chung đang trông chờ tệ trạng này thật sự được khắc phục căn cơ, diệt tận gốc.
Đã có dư luận cho việc chạy trường phát sinh từ sự bất bình đẳng giữa cơ chế các trường, thì sao không cải tổ nó đi. Khi những trường chuyên, trường cao cấp đã được mặc nhiên đồng hóa với ý nghĩa đặc quyền, đặc lợi cho một số người nào đó, thì lợi ích về mặt giáo dục của những trường đặc biệt đó đã mất ý nghĩa.