Mừng Ngày Quốc Tế Phụ Nữ


2006.03.05

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Thứ Tư tới đây là Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8-tháng-Ba. Năm nay, ngày lễ này đến giữa lúc tại Việt Nam những cuộc đình công của giới công nhân đang diễn ra. Mọi người không khỏi nhớ lại nguyên ủy dẫn đến việc hình thành ngày đó. Có nhiều tài liệu về Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, trong đó tài liệu trong nước, tạp chí “Thông tin phụ nữ” viết các đoạn mà chúng tôi lược trích như sau:

WomenFashion150.jpg
Buổi biểu diễn thời trang tại Huế hôm 8-5-2002. AFP PHOTO

“Chủ trả lương rẻ mạt. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8 tháng Ba năm 1899, nữ công nhân ở Mỹ đã đứng lên đấu tranh, đòi tăng lương, giảm giờ làm … Mặc dù bị đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, và cuộc đấu tranh này của công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới …”

Ngày Quốc Tế Phụ Nữ được cử hành lần đầu tiên là vào ngày 19 tháng Ba, 1911 tại Đan Mạch, Áo, Đức và Thụy Sĩ. Tới năm 1977 thì Liên Hiệp Quốc chính thức dành ngày 8 tháng Ba hằng năm làm Ngày Quốc Tế Phụ Nữ.

Và như vậy, ngày 8 tháng Ba mỗi năm được Việt Nam cử hành để vinh danh người phụ nữ từ thiên chức làm vợ, làm mẹ trong gia đình, đến vai trò tham gia ngoài xã hội. Nhân đây, Thy Nga xin chúc tất cả các nữ thính giả hưởng ngày lễ thật vui! “Đóa hồng cho người yêu dấu” quý vị đang nghe Elvis Phương trình bày …

Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm viết ca khúc này để ghi nhớ ân tình của vợ, và sự lo toan của bà nuôi dạy đàn con trong những năm dài ông đi tù cải tạo.

Thời trước thì Tú Xương nói lên lòng biết ơn sự tần tảo của vợ qua bốn câu thơ

“Quanh năm buôn bán ở mom sông Nuôi đủ năm con với một chồng Lặn lội thân cò khi quãng vắng Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”

Phải công nhận là nữ giới Việt Nam rất tháo vát. Gặp hoàn cảnh nào, ngay cả cảnh đổi đời một cách nghiệt ngã, bà cũng đương đầu trong thầm lặng. Tấm lòng người phụ nữ Việt thật bao la, từ cô vợ “chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi” để gầy dựng tương lai cho chồng, đến bà Tú Xương cũng như muôn vàn bà mẹ Việt Nam khác, chẳng quản nhọc nhằn mà chỉ nghĩ cho gia đình, cho chồng con. “Mẹ tôi” nhạc phẩm của Nhị Hà, Như Quỳnh trình bày …

Lo cho gia đình đến quên mình, có lẽ là bản tính của phụ nữ Á đông, nên từng có các trường hợp chị lớn trong nhà, gặp cảnh mất mẹ, đã cáng đáng nuôi đàn em. Với nhạc bản “Chị tôi”, Trần Tiến kể lại một câu chuyện thương tâm qua sự diễn tả của Ái Vân: “Chị tôi” …

Ngoài sự tần tảo, người nữ còn như bông hoa tươi thắm mà Thượng Đế tạo ra nhằm tô điểm cho đời, bóng hồng duyên dáng để cuộc đời còn chút dễ thương.

“Em là tặng phẩm từ trời” nhạc bản của Vũ Thành An, Kenny Thái hát …

Với người Việt mình thì thời điểm này cũng là lễ Hai Bà Trưng, kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của hai vị anh thư đứng lên chống lại ách cai trị của người Tàu.

“Trưng nữ vương” ...

Quý vị đang nghe nhóm Trưng Vương vùng Hoa Thịnh Đốn hợp ca bài “Trưng nữ vương” của Thẩm Oánh.

Tuy xa quê hương nhưng hằng năm, cựu nữ sinh trường Trưng Vương và Gia Long đều họp nhau lại trong dịp lễ Hai Bà. Năm nay, Đại Hội Trưng Vương được tổ chức vào ngày 11 tới đây tại vùng ngoại vi Hoa Thịnh Đốn, có phần giới thiệu khoa học gia Dương Nguyệt Ánh là trường hợp thành công vượt bậc của nữ giới Việt Nam ở hải ngoại, và phần trình diễn võ thuật của một cụ bà ngoài tám mươi.

“Trưng nữ vương” …

Ngoài nhị vị Trưng Vương, lịch sử nước ta còn có Bà Triệu, bà Bùi Thị Xuân cùng các nữ tướng dũng cảm, khí tiết bất khuất, và các vị anh thư khác nữa.

Chương trình đến đây là kết thúc, Thy Nga chào tạm biệt và hẹn tái ngộ cùng quý thính giả trong mục này kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.