Nhạc sĩ Văn Cao: “Trương Chi” thời cuối thế kỷ 20?


2006.10.15

Thy Nga, phóng viên đài RFA

“Những giấc mơ thì không có thật nhưng mà nó đem lại cho mình thường nghĩ tới những ngày sống cũ. Nghĩ lại, vẳng lại những tiếng nói của kỷ niệm cứ đeo đẳng không thể quên được. Những cái đó, tôi tìm ra được những cái điều mà tôi đã mất đi trong tuổi thanh niên của tôi.”

VanCaoDVD200.jpg
Hình bìa đĩa nhạc Giấc Mơ Một Ðời Người.

Vừa rồi là lời nhạc sĩ Văn Cao nói về bản “Cung đàn xưa” trong cuốn “Giấc mơ một đời người”

“Cung đàn xưa” Ngọc Tâm hát …

Từ năm 1952, dường như có sự chuyển biến lớn nơi tâm hồn Văn Cao, ông không sáng tác như trước nữa.

Một người yêu âm nhạc từ nhỏ mà phải giữ mình, không viết nhạc, hẳn là khổ tâm lắm. Thế nhưng qua năm 1955 thì Văn Cao quyết định cầm bút trở lại, và tham gia viết bài cho đặc san “Giai phẩm”.

Tới cuối năm 56, đặc san này bị đình bản, và nhóm văn nghệ sĩ đòi hỏi tự do tư tưởng qua hai tờ “Nhân văn” và “Giai phẩm” bị truy đánh. Tuy nhiên, Văn Cao vẫn còn được giới cầm quyền Hà Nội nể nang là tác giả bài “Tiến quân ca” mà họ chọn làm quốc ca, nên trừng phạt ông nhẹ hơn là những văn nghệ sĩ khác trong nhóm “Nhân văn Giai phẩm”.

Đến tháng 7 năm 58, Văn Cao mới bị “kỷ luật”, phải đi học tập chính trị, và bị loại trừ ra khỏi ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ sáng tác.

Vụ án “Nhân văn Giai phẩm” khiến nhiều văn nghệ sĩ bị hệ lụy suốt ba mươi năm trời. Phản ứng của mỗi người có phần khác nhau, nhà thơ Quang Dũng âm thầm chịu đựng tới chết, trong khi nhà thơ Hữu Loan lại phản ứng mạnh mẽ bằng lời nói. Hữu Loan không ngừng công kích giới cầm quyền, cho dù sau này họ cố gắng xoa dịu ông. Văn Cao thì do là tác giả bài quốc ca nên không bị đày ải.

Để kiếm sống, ông viết nhạc không lời cho các truyện phim và truyện kịch, trang trí sân khấu cho các đoàn kịch, vẽ quảng cáo các báo, vẽ bìa sách, vân vân … và một phần cũng là nhờ vợ ông, bà Nghiêm Thúy Băng vốn thuộc gia đình giàu có, nên chống đỡ được hoàn cảnh không rơi vào tình trạng bi đát như những người khác trong vụ án đó.

Con trai ông là Văn Thao nói về tâm tư của bố mình, trong một cuộc phỏng vấn do ban Việt ngữ đài chúng tôi thực hiện

Và từ đó, Văn Cao thường ngồi trầm tư với ly rượu, thỉnh thoảng nâng lên nhấp một ngụm nhỏ.

Văn Cao trầm lặng như vậy nhưng khi ông đàn theo yêu cầu của nhóm quay cuốn “Giấc mơ một đời người” thì mọi người đều ngạc nhiên! Bằng cánh tay với nắm đấm, ông đánh những âm thanh mạnh bạo, dường như trút lên phím đàn piano tất cả những gì mà ông không nói ra lời.

Theo ông thì đánh đàn như vậy để “làm tan đi nỗi cô đơn, sự cô đơn mà chỉ có thể bù đắp bằng Nghệ thuật.”

“Buồn tàn Thu” …

Tác phẩm tuyệt vời như thế, mà Văn Cao viết khi mới 16 tuổi! Các bản “Thiên thai”, “Cung đàn xưa”, “Suối mơ”, “Bến xuân”, … thì ca từ đẹp tựa bài thơ Đường. Về kỹ thuật soạn nhạc thì bài “Thiên thai” và trường ca “Sông Lô” với những đoạn nhạc chuyển tiếp khác nhau, đã đưa âm nhạc Việt Nam lên một hình thức lớn lao hơn.

“Trường ca Sông Lô” do Mai Hương và Quỳnh Giao trình bày …

Tài năng thế, mà bị kìm hãm, thật uổng phí. Nhiều người đã ví trường hợp của Văn Cao với tình cảnh Trương Chi, nhân vật mà ông đề cập đến trong nhạc bản cùng tên: Trương Chi làm say lòng cô tiểu thư với tài thổi sáo, cũng sánh như Văn Cao với tài viết nhạc.

Và cũng như Trương Chi, Văn Cao mang nỗi niềm u uẩn, chỉ thể hiện qua tiếng đàn …

“Tôi viết bài này để nói cái tình cảm của tôi, là mình không còn sống với lại những cái thứ quá mơ mộng của cuộc đời không đạt được.” (Văn Cao)

“Trương Chi” …

Liên tưởng đến khối tình Trương Chi, người ta thấy Văn Cao trải qua cay đắng nhưng vẫn giữ tấm lòng son sắt với dân tộc. Năm 1975 sau khi tiếng súng chấm dứt trên đất nước, ông viết bài “Mùa Xuân đầu tiên” với niềm mong mỏi

“Từ đây, người biết thương người từ đây, người biết yêu người …”

(lời trong bài “Mùa Xuân đầu tiên” do Thanh Thúy (trong nước) hát )

chan chứa tình người nhưng bản nhạc này cũng bị phê bình là không đi đúng đường lối của Đảng vì vậy, đã bị tịch thâu ngay khi mới phát hành.

Mãi tới khi văn nghệ sĩ được “cởi trói”, các nhạc bản của Văn Cao mới dần dần được phục hồi và đó có lẽ là chút an ủi cho ông trong những năm cuối đời. Nhạc sĩ Văn Cao từ trần vào tháng 7 năm 1995.

Trong âm thanh bài “Trương Chi”, Thy Nga xin kết thúc chương trình về cố nhạc sĩ Văn Cao … chào tạm biệt quý thính giả …

“… Ngồi đây, ta gõ ván thuyền ta ca trái đất còn riêng ta …”

Theo dòng câu chuyện:

- Nhạc sĩ Văn Cao và những tuyệt tác

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.