Nguyễn Khanh, phóng viên RFA
Cuộc họp sáu bên tại thủ đô Bắc kinh của Trung quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tại bán đảo Triều tiên hôm nay bứơc sang ngày họp thứ bẩy. Giới quan sát là cuộc họp vẫn tiếp tục mặc dù có khác biệt giữa các bên về những vấn đề chính.

Đây là vòng họp thứ tư của sáu nước Trung quốc, Hoa kỳ, Nga, Nhật bản và Nam Bắc Hàn, và cũng là vòng họp kéo dài lâu nhất.
Đàm phán bước sang ngày thứ 7
Đã kết thúc ngày thứ 7 của vòng đàm phán và sẽ tiếp tục thảo luận. Ðó là lời phát biểu mà các nhà ngoại giao đang có mặt tại Bắc Kinh đưa ra khi nói về vòng đàm phán đang được thế giới chú ý đến.
Các bản tin đánh đi từ Bắc Kinh cho thấy trọng tâm của cuộc thảo luận vẫn là những buổi gặp gỡ riêng giữa hai phái đoàn Hoa Kỳ và Bắc Hàn, trong lúc các đoàn tham dự tiếp tục bàn thảo với nhau về ngôn từ được ghi trong bản dự thảo thứ nhì mà Trung Quốc đưa ra.
Chính ông đại sứ Christopher Hill, vị trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ cũng nói rằng chuyện thảo luận về lời lẽ được viết trong bản dự thảo do Bắc Kinh đề nghị đòi hỏi nhiều thời gian: Chúng tôi phải giải quyết vấn đề ngôn từ của bản dự thảo bằng nhiều thứ tiếng, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên và tiếng Anh, do đó phải mất một thời gian nữa mới xong.
Qua lời phát biểu của vị trưởng đoàn Hoa Kỳ cộng với những lời phát biểu của các nhà ngoại giao những nước khác đang tham dự đàm phán, mọi người đều tin rằng có lẽ, phải một vài ngày nữa cuộc thảo luận mới chấm dứt, và rất có thể lần này, các nhà ngoại giao 6 nước sẽ thỏa thuận được với nhau về ngày giờ và địa điểm của vòng đàm phán kế tiếp.
Vẫn còn nhiều khác biệt
Tin từ Bắc Kinh cho thấy trở ngại của văn bản đầu tiên là trong đó có ghi rõ rằng Bắc Hàn sẽ được đảm bảo an ninh lãnh thổ, tức không có một nước nào đang dự cuộc đàm phán sẽ sử dụng quân sự để xâm lăng Bình Nhưỡng, nhưng phía Nhật Bản không hài lòng vì không nói gì đến chuyện Bình Nhưỡng phải giải quyết số phận những công dân Nhật trước đây bị Bắc Hàn bắt cóc, đồng thời cùng với Washington, Tokyo còn không đồng ý vì văn bản không nhắc gì đến chuyện Bắc Hàn phải hủy bỏ chương trình chế tạo võ khí hạt nhân.
Sau khi được thông báo có quá nhiều bất đồng liên hệ đến những lời lẽ được chứa đựng ở văn bản đầu tiên, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã làm việc liên tục trước khi đưa ra dự thảo thứ nhì. Theo lời ông Christopher Hill, phái đoàn Hoa Kỳ đã họp và thảo luận nội bộ xem điểm nào đồng ý, điểm nào thấy cần phải sửa đổi, và đương nhiên, đó cũng là việc các phái đoàn khác đang làm.
Câu hỏi đang được đặt ra là liệu một bản tuyên bố chung có được công bố trước khi các đoàn đàm phán 6 nước chia tay nhau hay không? Ngay chính ông Song Min-soong, trợ lý Bộ Trưởng Ngoại Giao kiêm trưởng đoàn đàm phán Nam Hàn cũng nói không dám đoán chuyện bản thông cáo chung thành hình hay không thành hình, nhưng rõ ràng mọi người đều hy vọng sẽ có 1 văn bản mang chữ ký của tất cả 6 vị trưởng đoàn, trước khi rời Bắc Kinh.
Riêng với giới quan sát, sự kiện hai vị trưởng đoàn Mỹ và Bắc Hàn liên tục gặp riêng nhau và sự kiện cuộc thảo luận lần này kéo dài đã đến 7 ngày mà vẫn chưa kết thúc chứng tỏ cuộc đàm phán nhằm tìm giải pháp cho nền hòa bình của bán đảo Triều Tiên đã có tiến bộ, dù cũng chưa ai vội vã đánh giá mức tiến bộ đạt được như thế nào.